Bác Hồ làm việc tại Nhà 54 - ngôi nhà nhỏ vốn của người thợ điện phục vụ cho Phủ Toàn quyền Đông Dương cũ, từ tháng 12-1954 đến tháng 5-1958.
51 năm sau khi Bác Hồ đi xa, dù văn hóa Lào không có tục lập ban thờ trong nhà, nhiều gia đình Việt kiều tại Lào vẫn lập bàn thờ Bác, duy trì việc hương khói đều đặn cho đến ngày nay. Đây vừa là lời nhắc các thế hệ con cháu hãy luôn nhớ về quê hương đất nước và cũng là tình cảm đặc biệt của bà con đối với vị cha già của dân tộc.
Tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Nương trong một ngày tháng 5-2020 giữa cái nóng như thiêu đốt của mùa khô Lào. Đó là một căn nhà ống nhỏ, cũ kỹ nằm ép mình bên cạnh những tòa nhà lớn được trang trí hiện đại giữa khu phố thương mại sầm uất bậc nhất ở trung tâm thủ đô Viêng Chăn. Trong căn phòng khách nhỏ, gọn gàng, sạch sẽ với ban thờ Hồ Chủ tịch nằm trang trọng ở góc đẹp nhất phòng, khi tôi hỏi về ban thờ Bác, bà Nguyễn Thị Nương linh hoạt hẳn lên. Lấy trên giá một chiếc hộp sơn mài khảm xà cừ khá đẹp, bên trong đựng khá nhiều bức ảnh đen trắng nói về những hoạt động của bà con Việt kiều Thái Lan, cũng như của bà từ những năm 1946 đến 1975, bà Nương vừa liên tục giải thích về ý nghĩa của từng bức ảnh, vừa kể về những ký ức từ lúc nhỏ, khi nghe bố mẹ, bà con láng giềng kể về Bác, về phong trào lập bàn thờ Bác của bà con Việt kiều Thái Lan khi đó.
Ở cái tuổi 89, nhưng bà Nương vẫn nhớ rất rõ năm 1946, khi bố mẹ bà nghe theo tiếng gọi của Bác Hồ, rời Lào để sang sinh sống ở Thái Lan nhằm tạo nên một cộng đồng có sức mạnh nhằm hỗ trợ đất nước cứu quốc. Bà cho biết, khi ra đi, gia đình bà cũng như các gia đình khác, chỉ mang theo vài bộ quần áo, vì nếu có tiền Đông Dương mang sang Thái cũng không tiêu được. Mặc dù những ngày đầu mới đặt chân sang Thái, cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, nhưng nhà nào cũng tìm bằng được một tấm ảnh Bác, thậm chí là cắt từ báo, để lập ban thờ.
Giải thích về lý do lập ban thờ khi Bác còn sống, bà Nương cho biết đồng bào đều biết rằng, “có Bác Hồ mới có độc lập, có Tổ quốc hôm nay”, vì vậy ai cũng đều yêu mến, kính trọng Bác, nghe lời Bác. Khi làm ảnh Bác, mọi người thấy treo không trang trọng, nên tìm chọn chỗ đẹp nhất nhà để đặt ảnh, mà trong nhà truyền thống của người Việt, chỗ trang trọng nhất thường là giữa nhà, nơi đặt ban thờ. Chính vì vậy bà con lập ban thờ Bác, lúc Bác còn mạnh khỏe, bà con không thắp hương mà vào ngày rằm, mùng một, ngày sinh nhật Bác hay ngày Quốc khánh, bà con mới dâng hoa quả, đồ ăn để mời Bác, cầu chúc cho Bác luôn mạnh khỏe.
Theo bà Nương, mặc dù chính quyền nước sở tại cấm nhưng bà con không sợ, khi cảnh sát bố ráp, bà con đem ảnh Bác đi giấu, nếu không kịp giấu thì nói đó là ảnh “cụ cố nhà mình”. Trong trường hợp phải chuyển nhà, cái gì có thể bỏ lại, có thể quên, nhưng ảnh Bác nhất định không ai quên. Năm 1966, khi chuyển sang Pháp sinh sống, bà Nương phải bỏ ảnh Bác vào va-li và xách theo. Năm 1969, khi nghe tin Bác mất, bà đã tìm được một bức ảnh lớn hơn để thay cho bức ảnh nhỏ của Bác đem đi từ Thái Lan và lập ban thờ Bác tại nhà. Năm 1976, khi rời Pháp về Lào định cư, bà cũng đem theo bức ảnh, tiếp tục gìn giữ và dùng để hương khói cho Bác suốt từ đó đến nay. Với bà, bức ảnh đó vô cùng quý giá, giữ gìn bức ảnh là thể hiện sự biết ơn, kính trọng của bà và gia đình đối với vị cha già dân tộc.
Sinh năm 1958 tại Đông Bắc Thái Lan, sau khi cha mẹ rời Lào sang Thái theo tiếng gọi của Bác Hồ vào năm 1946, nay dù tuổi đã 62, song những ấn tượng về Bác, tình yêu và tình cảm trong ông Nguyễn Đức Sáu, hiện sống ở quận Si-khốt-ta-boong, thủ đô Viêng Chăn vẫn chưa bao giờ phai nhạt. Ông cho biết, khi bắt đầu nhận thức được, khoảng 6 - 7 tuổi, ông thấy rất lạ khi cha mẹ thỉnh thoảng lại kê ghế, dâng hoa quả lên ban thờ Bác. Nhiều lần như vậy, ông mới hỏi và được ba mẹ giải thích đó là ban thờ Bác Hồ, “một con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Người đã không lập gia đình và hy sinh tất cả cuộc đời cho Tổ quốc để người dân được ấm no, hạnh phúc”.
Theo ông Sáu, lúc đó không chỉ nhà ông, mà gia đình bà con chòm xóm người Việt ở tỉnh Noọng-khai, Đông Bắc Thái Lan, ai cũng lập ban thờ Bác, mà làm rất đẹp, cầu kỳ và theo một mô típ chung. Ở giữa bàn thờ đặt ảnh Bác, trên cùng có câu “Tổ quốc là trên hết”, ngay phía dưới có câu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Ông Sáu chia sẻ, khi đó đi học ở trường cũng nói về Bác Hồ, đặc biệt, cứ đến ngày sinh nhật hoặc Quốc khánh là lại được chia kẹo Bác Hồ. Và cứ thế, những tình cảm về Bác, những câu chuyện về Bác đã lớn theo ông cùng năm tháng. Năm 1977, do khó khăn trong cuộc sống, gia đình ông quay trở lại Lào. Những năm đầu, cuộc sống quá vất vả, phải ở thuê nên dù rất muốn, ông không thể lập ban thờ Bác Hồ được, mãi tới năm 1990, gia đình ông mới mua được một căn nhà nhỏ và ông lại làm ban thờ Bác và hương khói đều đặn từ đó tới nay.
Nhắc tới đây, ông Sáu hết sức cảm động, đôi mắt đỏ hoe, phải dừng một chút ông mới lấy lại bình tĩnh và tiếp câu chuyện. Vừa nhẹ nhàng lau các bức ảnh và tượng Bác mà sau này mỗi khi có điều kiện về Việt Nam ông tìm mua, ông tâm sự: Kể từ khi lập lại ban thờ Bác, tôi thắp hương đủ một tháng 2 lần, không có tháng nào không làm. Phải làm tròn vậy, không có thiếu, một ngày cũng không thiếu. Ngày sinh nhật Bác, Quốc khánh hay ngày Tết không kể… Tôi và bà con kính trọng và yêu thương Bác bởi đạo đức và lối sống giản dị, Bác đã hy sinh tất cả cho dân tộc, cho đất nước. Chúng ta có cuộc đời như ngày nay là nhờ Bác, chính vì vậy tôi luôn làm theo lời Bác dạy. Học Bác từ những điều bình dị hằng ngày, Bác hướng dẫn thế nào thì mình làm theo Bác. Cả cuộc đời Bác luôn hy sinh cho Tổ quốc, do vậy, mình cũng phải cố gắng làm việc tốt, hoàn thành chức trách và nhiệm vụ của một người công dân yêu nước để giữ vững và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam mà Bác đã xây dựng.
Có 4 người con, 2 trai, 2 gái, ông Sáu cũng luôn kể cho con cháu trong nhà về Bác Hồ, về đức tính hy sinh, về tấm gương đạo đức của Bác. Ông cũng dặn con cháu rằng: “Mình là người Việt Nam, lúc nào mình cũng phải nhớ đến công lao của Bác, lúc nào cũng phải giữ gìn ban thờ Bác, sau này bố có chết, bàn thờ của Bác lúc nào cũng phải đặt ở đây và phải giữ gìn cẩn thận”.
Tấm lòng của những người như bà Nương, ông Sáu là minh chứng sinh động về tình cảm đặc biệt của bà con kiều bào Lào đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Không chỉ lập bàn thờ Bác Hồ tại nhà, cộng đồng người Việt tại Lào còn hiến đất, góp sức cùng Chính phủ hai nước xây dựng khu tưởng niệm Người ở tại làng Xiêng-vang, tỉnh Khăm - muộn, nơi Người từng hoạt động cách mạng vào những năm 1928-1929. Và trong những năm qua, thực hiện lời dạy của Bác, cộng đồng người Việt tại Lào luôn làm tốt vai trò cầu nối cho quan hệ Việt - Lào, có nhiều hoạt động hướng về quê hương đất nước, gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho các thế hệ mai sau.
Phạm Kiên
Chi bộ Cơ quan Báo chí tại Lào
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng
Hà An (st)