Một trong những nội dung quan trọng được nhấn mạnh trong dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới.
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu ra 5 quan điểm chỉ đạo đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải quán triệt trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Trong đó, quan điểm thứ hai xác định: “Bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.
Có thể nói đây là quan điểm chỉ đạo có ý nghĩa căn bản, bao trùm, xuyên suốt trong số các quan điểm được nêu ra tại dự thảo văn kiện. Quán triệt, thực hiện hiệu quả quan điểm này là trực tiếp góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng của nước ta trong thời kỳ mới.
Tuy vậy, để bảo đảm thống nhất, logic về mặt nội dung giữa dự thảo văn kiện với các nghị quyết của Đảng đã ban hành trước đó, tôi đề nghị bổ sung, sửa đổi một ý trong quan điểm này như sau: “Bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa, con người là nền tảng; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.
Ảnh minh họa/qdnd.vn
Việc thay cụm từ “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội” thành cụm từ “phát triển văn hóa, con người là nền tảng” là cần thiết vì xuất phát từ những lý do cơ bản sau:
Một là: Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã nhấn mạnh con người là yếu tố năng động nhất quyết định đến việc xây dựng nền tảng xã hội tiến bộ, văn minh. Nghị quyết 33 đã xác định mục tiêu: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Một trong 5 quan điểm được nêu trong Nghị quyết 33 là: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp”. Nhiệm vụ hàng đầu trong 6 nhiệm vụ được xác định tại Nghị quyết 33 là: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”.
Như vậy, từ tiêu đề nghị quyết đến mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết 33, văn hóa luôn đi đôi, gắn chặt với con người, khẳng định phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ không thể tách rời, vì suy cho cùng, phát triển văn hóa là phát triển con người, do đó việc xác định “phát triển văn hóa, con người là nền tảng” trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII mới bảo đảm phù hợp, thống nhất với mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã được Nghị quyết 33 khẳng định rõ ràng, nhất quán.
Hai là: Việc xác định “phát triển văn hóa, con người là nền tảng” cũng nhằm bảo đảm sự liên thông, nhất quán về mặt nội dung trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Vì trong dự thảo, vấn đề văn hóa, con người luôn được đề cập song hành, gắn bó mật thiết với nhau.
Cụ thể, phần II “Tầm nhìn và định hướng phát triển”, ở điểm 2 “Quan điểm chỉ đạo” nêu: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam”; ở điểm 5 “Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030” nêu: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Phần VII “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam” nêu: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Đặc biệt, một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã được dự thảo Báo cáo chính trị xác định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”. Không những vậy, một trong 3 đột phá chiến lược trong dự thảo cũng ghi rõ: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Như vậy, từ quan điểm chỉ đạo, tầm nhìn và định hướng phát triển đến các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII đều gắn văn hóa và con người như một chỉnh thể thống nhất, biện chứng.
Ba là: Khi khẳng định “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa, con người là nền tảng; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”, là đặt đúng vị trí, vai trò và xác định chính xác tầm mức quan trọng của các yếu tố kinh tế - xã hội; xây dựng Đảng; văn hóa, con người; quốc phòng, an ninh; bảo đảm các yếu tố này gắn kết chặt chẽ, thống nhất trong một chỉnh thể logic về mặt nội dung và hình thức.
Mặt khác, nội hàm cụm từ “phát triển văn hóa, con người là nền tảng” có ý nghĩa bao quát, sâu sắc hơn cụm từ “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”. Vì khi quan tâm, coi trọng cả phát triển văn hóa gắn với phát triển con người mới kiến tạo nền tảng bền vững để thúc đẩy phát triển, nâng tầm sức mạnh của quốc gia - dân tộc. Trước đó, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh nhân tố con người gắn với xây dựng văn hóa làm nền tảng với ý nghĩa văn hóa và con người là cặp đôi biện chứng, trong đó con người là chủ thể sáng tạo văn hóa và thụ hưởng các giá trị, sản phẩm văn hóa; đồng thời khi chú trọng đánh thức tiềm năng, phát triển, bồi dưỡng con người có đủ các giá trị đức - trí - thể - mỹ, thì đây là nhân tố quyết định đến việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước.
Bốn là: Theo quan điểm mác-xít, con người vừa là chủ thể, vừa là động lực quyết định xu hướng phát triển của lịch sử nhân loại. Điều đó càng thấy rõ trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, con người không chỉ là tài nguyên, của cải quý giá nhất của mỗi quốc gia dân tộc, mà nguồn lực con người chính là nền tảng, động lực căn bản để góp phần tạo nên vị thế, sức mạnh của quốc gia. Thực tế sau gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã khẳng định, quan tâm chăm lo xây dựng, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực con người là động lực quan trọng nhất và là một yếu tố có ý nghĩa quyết định đến công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ta trong thời kỳ mới. Do đó, gắn chặt xây dựng, phát triển văn hóa và xây dựng, phát triển con người thực chất là xây dựng, phát triển sức mạnh trụ cột, chính yếu của mỗi quốc gia dân tộc.
“Nền tảng” có nghĩa là bộ phận vững chắc mà dựa trên đó các bộ phận khác tồn tại, phát triển. Vì vậy, khi khẳng định “phát triển văn hóa, con người là nền tảng” tức là nhấn mạnh đến vị trí, vai trò nền tảng và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của yếu tố văn hóa, yếu tố con người trong việc tạo lập nền móng, bệ đỡ chắc chắn cho các yếu tố khác tồn tại lâu dài, phát triển bền vững.
Đại tá, PGS, TS. Võ Văn Hải
Phó viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự
Theo Báo Quân đội nhân dân
Giang Hải (st)