Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý cao nhất, là “khế ước xã hội” giữa người dân với nhà nước, trong đó người dân trao quyền cho nhà nước, để đổi lại nhà nước cam kết tôn trọng bảo vệ quyền của người dân. Đối với một quốc gia, Hiến pháp là nền tảng tư tưởng, chính trị và pháp lý cho sự tồn tại và phát triển của một nhà nước gắn liền với một chế độ xã hội.
Trên thế giới không có bản Hiến pháp nào làm khuôn mẫu chung cho mọi nhà nước, mọi dân tộc. Xây dựng và hoàn thiện Hiến pháp là công việc của mỗi dân tộc, là công việc của những người đại diện cho toàn dân. Nói cách khác là của Quốc hội. Khi nói nhân dân là người “phúc quyết” Hiến pháp cũng không có nghĩa, mỗi người dân đều trực tiếp “phúc quyết”, mà bao giờ cũng phải thông qua một cơ chế, một hình thức nào đó để bảo đảm quyền đó. Ở nước ta đó là Quốc hội.
Đại hội Đảng XI của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 2011) đã khẳng định lại luận điểm: Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước; Đẩy mạnh chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Những tư tưởng trên đã được Quốc hội tiếp thu và thể hiện trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) năm 1992.
Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết (số 38/2012/QH13) về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về DTSĐHP năm 1992. Nghị quyết viết: Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về DTSĐHP năm 1992 đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 công bố. Như vậy là văn bản DTSĐHP vừa được công bố đã được các đại biểu Quốc hội thông qua, chứ không phải là một văn bản được bất cứ tổ chức nào, cá nhân nào đề xuất. Nghị quyết đã yêu cầu: “Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến của nhân dân; không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Cho đến nay, qua các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, cuộc vận động đóng góp ý kiến cho DTSĐHP đã trở thành một đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi trong toàn Đảng, toàn dân. Không chỉ các tổ chức mà nhiều ý kiến của cá nhân cũng đã được báo chí đăng tải. Nhiều nội dung đã được đề cập trong đợt đóng góp ý kiến lần này. Chẳng hạn như Điều 4 (về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam), có ý kiến cho rằng: Cần thể chế hóa điều này một cách cụ thể; Về quyền con người (Chương II), có ý kiến cho rằng, cách viết của DTSĐHP vẫn còn có cụm từ thể hiện tư duy “xin - cho”, cần làm rõ hơn khái niệm quyền con người; hoặc quy định về đất đai sao cho bảo vệ được đất nông nghiệp và quyền lợi của nông dân, không bị “thu hồi” không phải vì lợi ích của xã hội mà vì lợi ích của doanh nghiệp…
Tuy nhiên, trên một số trang mạng đã xuất hiện những ý kiến đóng góp không dựa trên những mục tiêu, nguyên tắc - xây dựng và hoàn thiện nhà nước CHXHCN Việt Nam và chế độ xã hội XHCN của nhân dân ta.
Chẳng hạn, người ta góp ý thay đổi chế độ xã hội và gợi ý “tham khảo”, “thảo luận” một bản Hiến pháp hoàn toàn khác với Hiến pháp 1992, một bản Hiến pháp theo chế độ Cộng hòa Tổng thống. Trong đó, người ta gợi ý thay đổi tên nước, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện chế độ Tổng thống với 2 viện - Thượng viện và Hạ viện…
Như mọi người đều biết, Hiến pháp 1992 là bản Hiến pháp thứ tư, kế thừa các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980. Đây là những bản Hiến pháp của nhân dân ta sau khi giành được độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 (sửa đổi 2001) đều kế thừa các bản Hiến pháp trước, đồng thời đáp ứng mỗi bước phát triển về thực tiễn nhận thức của Đảng ta.
So với các bản Hiến pháp trước (chẳng hạn Hiến pháp 1980 quy định nhà nước ta là “nhà nước chuyên chính vô sản…”; nền kinh tế của Việt Nam là kinh tế kế hoạch hóa với 2 thành phần: “Quốc doanh” và “Hợp tác xã”…), Hiến pháp 1992 đã có những bước phát triển quan trọng. Đặc biệt, Hiến pháp 1992 có những quy định mới về chế độ chính trị, kinh tế, như Nhà nước CHXHCN Việt Nam là “nhà nước pháp quyền XHCN…; Đảng Cộng sản… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”; “Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình và được Quốc hội thông qua để lấy ý kiến nhân dân lại có thêm những bước phát triển mới, tập trung vào ngăn ngừa lạm dụng quyền lực, nâng cao trách nhiệm của cán bộ công chức. Chẳng hạn DTSĐHP có đoạn bổ sung về Điều 4, về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam): “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” (Điều 4.2); đưa Chương V (Quyền và nghĩa vụ công dân, Hiến pháp 1992) lên vị trí thứ hai trong văn bản Hiến pháp, đồng thời bổ sung nội dung Quyền con người vào chương này, hình thành chương II: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”; hoặc bổ sung một số nội dung của một số điều như: “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân (Điều 26.2)…
Góp ý kiến DTSĐHP 1992 là quyền lợi và trách nhiệm của mọi người. Đồng thời các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tôn trọng, bảo đảm quyền của người dân trong việc góp ý DTSĐHP. Trách nhiệm đó trước hết cần tập hợp đầy đủ nhất (có thể) mọi ý kiến của nhân dân, theo tinh thần “không có vùng cấm”. Thứ hai, cần làm rõ mục tiêu của cuộc vận động đóng góp ý kiến DTSĐHP là nhằm bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ xã hội XHCN, bảo vệ nội dung cơ bản, cốt lõi của Hiến pháp 1992, bản Hiến pháp ghi nhận thành quả trên 60 năm qua của cách mạng Việt Nam. Thứ ba, cần kế thừa chọn lọc tinh hoa của nhân loại để hoàn thiện nhằm nâng cao văn kiện quốc gia này, song không vì vậy mà bỏ qua những đặc thù về lịch sử, truyền thống và văn hóa của dân tộc cần thể hiện trong Hiến pháp sửa đổi mới.
Theo qdnd.vn
Huyền Trang (st)