Tiềm lực đối ngoại là nội dung quan trọng trong tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân. Vì vậy, cũng như các tiềm lực khác, tiềm lực này cần phải được quan tâm đầu tư xây dựng một cách bài bản, toàn diện, hệ thống ngay từ thời bình, nhằm phục vụ đấu tranh ngoại giao bảo vệ Tổ quốc trong các tình huống quốc phòng, an ninh và sẵn sàng huy động cho chiến tranh.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần, lực lượng, các lĩnh vực của đời sống xã hội, tăng cường sức mạnh quốc phòng, nâng cao khả năng phòng thủ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Những năm qua, Đảng, Nhà nước thực hiện nhiều giải pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh cả về tiềm lực, lực lượng và thế trận; trong đó, chú trọng xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, tiềm lực kinh tế, tiềm lực quân sự và tiềm lực khoa học - công nghệ. Đối với tiềm lực đối ngoại, lần đầu tiên Sách trắng quốc phòng Việt Nam năm 2019 đề cập: “Phát huy vai trò của tiềm lực đối ngoại quốc phòng trong thực hiện chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”1. Mặc dù, lý luận mới sơ khai đang từng bước hoàn thiện, nhưng trong thực tiễn chúng ta đã tổ chức xây dựng tiềm lực đối ngoại của nền quốc phòng toàn dân (gọi tắt là tiềm lực đối ngoại) và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác xây dựng, hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại được chú trọng, bước đầu đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thu hút các nguồn lực bên ngoài vào hiện đại hóa Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng làm công tác đối ngoại, đối ngoại quốc phòng chuyên trách được quan tâm xây dựng, phát triển, bảo đảm số lượng, chất lượng ngày càng cao; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đối ngoại, xây dựng tiềm lực đối ngoại từng bước hoàn thiện, tạo cơ chế thuận lợi cho hoạt động đối ngoại và đối ngoại quốc phòng, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh ngoại giao quốc phòng, an ninh, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Bên cạnh kết quả đạt được, nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là lực lượng làm công tác đối ngoại về xây dựng tiềm lực đối ngoại chưa đầy đủ, toàn diện. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương và cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang chưa thực sự chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý việc xây dựng tiềm lực đối ngoại; công tác bảo đảm cơ sở vật chất, tài chính chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho hoạt động đối ngoại, đấu tranh ngoại giao bảo vệ Tổ quốc; tổng kết thực tiễn, khái quát thành lý luận về lĩnh vực này chưa kịp thời, sâu sắc, v.v.

Vì vậy, nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng tiềm lực đối ngoại là cần thiết, nhằm tăng cường khả năng tiềm tàng (chuẩn bị mọi mặt) về lĩnh vực đối ngoại, bảo đảm đấu tranh ngoại giao giành thắng lợi trong các tình huống; trong đó, tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đối với nhiệm vụ xây dựng tiềm lực đối ngoại. Các cấp, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, giáo dục cho hệ thống chính trị và toàn dân, nhất là lực lượng vũ trang nhận thức sâu sắc tiềm lực đối ngoại là một trong các tiềm lực quan trọng của nền quốc phòng toàn dân, không những phải được xây dựng một cách hệ thống, bài bản như các tiềm lực khác, mà còn phải được ưu tiên, chú trọng. Bởi, Đảng, Nhà nước ta xác định: Đối ngoại là kế sách, phương thức bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình, từ đó nâng cao trách nhiệm trong quá trình thực hiện. Đồng thời, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, làm cho cả hệ thống chính trị và toàn dân, trọng tâm là các lực lượng chuyên trách đối ngoại, gìn giữ hòa bình, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan công tác đối ngoại nắm và vận dụng linh hoạt, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế, đối ngoại, đối ngoại quốc phòng, như: Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế, Quyết định số 40/QĐ-TTg, ngày 07/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Nghị quyết số 806-NQ/QUTW ngày 31/12/2013 của Quân ủy Trung ương về Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Cùng với đó, tập trung nghiên cứu, làm rõ nội dung, biện pháp xây dựng tiềm lực đối ngoại; những yếu tố tác động đến lĩnh vực này; cơ chế, chính sách, pháp luật trong nước, quốc tế và quy định trách nhiệm của từng chủ thể theo lĩnh vực hoạt động, làm cơ sở để quán triệt, triển khai thực hiện trong thực tiễn.

Đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên tuyền, kết hợp tuyên truyền thông qua chương trình giáo dục đào tạo, huấn luyện cơ bản của các học viện, nhà trường, đơn vị trong và ngoài Quân đội với tập huấn, học tập tại chức thông qua chương trình giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng. Tổ chức phân cấp, phân loại đối tượng, mở các buổi nói chuyện chuyên đề, hội thảo, tọa đàm chuyên sâu về xây dựng tiềm lực đối ngoại cho lực lượng đối ngoại chuyên trách; tích cực đấu tranh với những nhận thức lệch lạc, thiếu toàn diện, cho rằng việc xây dựng các tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân, trong đó có tiềm lực đối ngoại là trách nhiệm của riêng lực lượng vũ trang hoặc lực lượng chuyên trách làm công tác đối ngoại.

2. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với xây dựng tiềm lực đối ngoại. Cấp ủy, chính quyền các cấp từ Trung ương tới cơ sở cần xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị quan trọng, là đòi hỏi khách quan cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện hiệu quả ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Các cấp, ngành, địa phương, nhất là lực lượng vũ trang tiếp tục nghiên cứu, rà soát tham mưu xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật, quy chế lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, điều hành, giám sát công tác xây dựng tiềm lực đối ngoại bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ; phân cấp, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân từng cấp trong quá trình thực hiện. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao và lực lượng đối ngoại của Quân đội, Công an. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng tiềm lực đối ngoại, Bộ Quốc phòng tập trung phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan tham mưu cho Đảng, Nhà nước nâng cao chất lượng xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, chính sách đối ngoại, hợp tác quốc tế về quốc phòng, trọng tâm là các đối sách đấu tranh ngoại giao trong bối cảnh an ninh, chính trị thế giới, khu vực, trên Biển Đông, biển Tây Nam Việt Nam diễn biến phức tạp với đầy đủ hệ thống quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phương châm, phương hướng, mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, khâu đột phá, khoa học, phù hợp và có tính khả thi cao. Không ngừng nâng cao năng lực quán triệt, triển khai thực hiện quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng cho cơ quan và đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác đối ngoại, đối ngoại quốc phòng; coi trọng nâng cao trình độ, kiến thức toàn diện, khả năng tư duy biện chứng, logic trong phân tích, đánh giá, kết luận tình hình mọi mặt, nhất là về đối tượng, đối tác; trên cơ sở đó, đưa ra các dự báo sát, đúng với xu hướng vận động, phát triển của thực tiễn và đề xuất những chủ trương, biện pháp khoa học, nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng tiềm lực đối ngoại. Tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện quy trình trong xây dựng tiềm lực đối ngoại từ khâu hoạch định chủ trương, chiến lược, đề án, xác định lộ trình; xây dựng các cơ chế, chính sách, biện pháp; triển khai thực hiện; kiểm tra, giám sát đến tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm.

3. Chú trọng bảo đảm cơ sở, vật chất, tài chính và làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về xây dựng tiềm lực đối ngoại. Trước hết, kết hợp nguồn nội lực của quốc gia với các nguồn lực huy động từ bên ngoài bảo đảm cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ hoạt động đối ngoại của nền quốc phòng toàn dân theo hướng đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, ngày càng hiện đại. Trong đó, ưu tiên bảo đảm một số lĩnh vực chủ yếu về cơ sở hạ tầng, công tác nghiên cứu, xây dựng các đề án, đề tài; biên soạn tài liệu, các ấn phẩm thông tin tuyên truyền đối ngoại; hoạt động giao lưu nhân dân khu vực biên giới. Đồng thời, bảo đảm tốt nguồn tài chính phục vụ công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ mốc quốc giới trên bộ, trên biển; mua sắm phương tiện quản lý hải phận trên biển, đảo cho lực lượng chuyên trách của các tỉnh, quân khu, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân; viện trợ quốc gia, quốc phòng, hỗ trợ, tặng quà, xây dựng các công trình hữu nghị đoàn kết quốc tế,… nhằm củng cố, tăng cường lòng tin chiến lược với các nước và nguồn tài chính dự bị, sẵn sàng huy động xử lý các tình huống đấu tranh ngoại giao, đấu tranh quốc phòng. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới, phương thức bảo đảm theo hướng nhanh, gọn, trực tiếp, chặt chẽ, đúng nguyên tắc tài chính, pháp luật Việt Nam và Luật pháp quốc tế. Quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích các nguồn tài chính, nhất là các nguồn viện trợ từ nước ngoài; nâng cao ý thức giữ gìn, bảo quản trang, thiết bị, phương tiện, phục vụ hoạt động đối ngoại của nền quốc phòng toàn dân, thực hành tiết kiệm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trong điều kiện lý luận xây dựng tiềm lực đối ngoại chưa được khái quát một cách hệ thống, rõ ràng, sâu sắc, bài bản thì công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận là hết sức cần thiết; trong đó, tập trung vào một số vấn đề cốt lõi về nhận thức; kết quả lãnh đạo, chỉ đạo; công tác tham mưu, hoạch định đường lối, chính sách, chiến lược đối ngoại, cơ chế pháp luật; công tác xây dựng lực lượng đối ngoại; bảo đảm cơ sở vật chất, tài chính, thông tin, tuyên truyền đối ngoại, v.v. Yêu cầu tổng kết thực tiễn phải đánh giá trung thực, khách quan, toàn diện, sâu sắc những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; đồng thời, chỉ rõ quan điểm, phương hướng, mục tiêu, yêu cầu cần đạt được, nội dung, biện pháp, nhiệm vụ, giải pháp, khâu đột phá nâng cao chất lượng xây dựng tiềm lực đối ngoại giai đoạn tiếp theo cả trước mắt và lâu dài.

Chủ động tổ chức các hội nghị tổng kết gắn với đánh giá kết quả xây dựng nền quốc phòng toàn dân; nghiên cứu các đề tài khoa học, đề án chuyên sâu, kết hợp tọa đàm, hội thảo về xây dựng tiềm lực đối ngoại. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm về hoạch định, điều chỉnh các chiến lược, học thuyết đối ngoại, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao,… trên cơ sở đó vận dụng vào xây dựng tiềm lực đối ngoại vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đấu tranh ngoại giao, bảo vệ Tổ quốc.

Thượng tá, ThS. Nguyễn Đức Phú
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Giang 
Hải (st)

_______________

1. Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb CTQG sự thật, H. 2019, tr. 45.

Bài viết khác: