Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được xem là một trong những khâu đột phá trong phát triển văn hóa ở nước ta hiện nay. Khi các sản phẩm nước ngoài đang ảnh hưởng rất lớn đến thị hiếu, thẩm mỹ của công chúng thì các sản phẩm văn hóa của Việt Nam chưa thực sự khẳng định được chỗ đứng vững chắc ở thị trường nội địa.

Hơn thế, chúng ta biết rằng, sản phẩm văn hóa không chỉ đơn thuần là những sản phẩm kinh tế, mà nó có những chức năng quan trọng hơn thế đối với sự phát triển đất nước. Thứ nhất, các ngành công nghiệp văn hóa thông qua các sản phẩm văn hóa đã hình thành nên sức mạnh mềm của dân tộc, từ đó, có tác động lan tỏa làm nên sức mạnh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam. Thứ hai, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa đem lại cơ hội công ăn việc làm bền vững cho đất nước từ việc sử dụng tài năng sáng tạo, vốn văn hóa, kết hợp với kỹ năng kinh doanh và công nghệ. Đây không chỉ đúng với trường hợp Việt Nam, mà còn đúng với cả thế giới. Thứ ba, phát triển công nghiệp văn hóa là để tận dụng các tài năng sáng tạo rất phong phú, đa dạng của đất nước. Thực sự hướng đất nước tới mục tiêu trở thành quốc gia khởi nghiệp, cũng như biến khát vọng hùng cường của dân tộc trở thành sự thật. Thứ tư, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa giúp khắc phục những yếu kém trong quản lý và tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong những năm qua; để lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trở nên chuyên nghiệp, phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trên cơ sở của nhận thức đúng đắn về vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa, năm 2016, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Việc triển khai chiến lược đã đem lại một số hiệu ứng tích cực và kết quả tốt như tăng cường nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa, hình thành nên mạng lưới các tổ chức văn hóa, không gian sáng tạo giúp phát triển văn hóa, hay gần đây, việc TP Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO cũng là một trong số những điểm nhấn trong triển khai chiến lược này. Tuy nhiên, so với kỳ vọng của những người yêu mến văn hóa, những thành tựu và hoạt động trên chưa thực sự đáp ứng. Chính vì thế, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khi nhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”.

giai quyet kho khan
Ảnh minh họa / tuyengiao.vn

Việc triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm có nghĩa cần tập trung ít nhất vào 5 vấn đề đang đặt ra những khó khăn, thách thức đối với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như sau:

Một là: Thách thức và khó khăn đầu tiên đến từ nhận thức của xã hội, trong đó đặc biệt là những người trực tiếp liên quan đến lĩnh vực văn hóa, về vai trò, vị trí của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển chung của đất nước. Một ấn tượng chung về đóng góp của ngành văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội thường rất hạn chế trong tương quan so sánh với các lĩnh vực trực tiếp mang lại giá trị kinh tế như các ngành sản xuất, dịch vụ, khai thác khoáng sản... Như vậy, để xã hội có một nhận thức đầy đủ hơn đối với các ngành công nghiệp văn hóa, ngành văn hóa và những lĩnh vực liên quan cần phải chứng minh tầm quan trọng và vị trí thực sự của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển chung của đất nước. Từ đó, ngõ hầu tác động đến nhận thức của toàn xã hội đối với sự phát triển của lĩnh vực này. Bên cạnh những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, những số liệu thống kê có lẽ là cách thức chứng minh rõ ràng và trực tiếp nhất đối với sự đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa. Chính vì thế, một bộ chỉ số thống kê được thể hiện trong thống kê quốc gia của Tổng cục Thống kê là một trong những giải pháp để vượt qua những khó khăn này.

Hai là: Sự thiếu năng động từ các tổ chức và cơ quan nhà nước với nền kinh tế thị trường. Do nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là vì một thời gian tương đối dài được hưởng chế độ bao cấp của Nhà nước, nhiều tổ chức và cơ quan nhà nước không quen với việc vận hành tổ chức của mình trong nền kinh tế thị trường. Nhiều mệnh lệnh của thị trường, yêu cầu của công chúng chưa thực sự được lắng nghe. Kinh tế sáng tạo, công nghiệp văn hóa có logic đi khác với những gì mà chúng ta đã từng trải nghiệm, ở đó, thị trường là một trong những yếu tố quyết định cách vận hành của một tổ chức và xu hướng phát triển của văn hóa-nghệ thuật. Chính vì vậy, để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, các tổ chức và cơ quan nhà nước cần phải có sự đổi mới toàn diện hơn để có một cách tiếp cận tích cực với thị trường, theo đúng tinh thần của Chính phủ mới hướng đến kiến tạo, khởi nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Ba là: Sự thiếu hụt giáo dục kỹ năng sáng tạo và khởi nghiệp là thách thức lớn khác đối với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Đất nước chúng ta có nhiều tài năng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp văn hóa, nhưng lại thiếu hụt các điều kiện để tài năng phát triển. Chúng ta có thể thấy nhiều trường nghệ thuật của Việt Nam như: Âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu... có nhiều thầy giỏi, trò giỏi, chuyên môn tốt, đoạt giải cao tại các liên hoan quốc tế nhưng lại yếu về cách thức để đưa các tài năng này tiếp cận và phát triển ở thị trường (cả trong nước và quốc tế), hay nói cách khác là yếu về cách kết nối giữa tài năng nghề nghiệp và kỹ năng thị trường. Thiếu sự hỗ trợ chiến lược trong hoạt động đào tạo, phát triển chuyên môn và xây dựng tinh thần doanh nghiệp, các ngành công nghiệp văn hóa sẽ không thể phát triển xứng đáng với tiềm năng sẵn có của nó. Thêm nữa, việc thiếu đi một số kỹ năng nhất định sẽ đe dọa sự tăng trưởng và cạnh tranh lâu dài.

Bốn là: Sự thiếu liên kết, phối hợp giữa các lĩnh vực trong việc phát triển công nghiệp văn hóa. Về bản chất, các ngành công nghiệp văn hóa cần có các mạng lưới chuyên môn được kết nối chặt chẽ, từ đó giúp thúc đẩy các yếu tố thương mại trong các sản phẩm văn hóa, tạo ra các mối liên kết trong chuỗi giá trị. Lĩnh vực điện ảnh có thể kết nối với du lịch; ẩm thực có thể tạo điều kiện cho sự phát triển của cả du lịch lẫn ngành nông nghiệp của đất nước; trong lĩnh vực thời trang, các viện nghiên cứu, trường đại học có thể (và cần phải) cộng tác làm việc với các công ty may mặc, thời trang để bảo đảm cung cấp được một chương trình giáo dục và các kỹ năng sáng tạo nhất quán và đạt tiêu chuẩn, phù hợp nhu cầu thực tiễn của thị trường.

Năm là: Thiếu các cơ chế thích hợp cho sự thành công của công nghiệp văn hóa. Thực tế của việc các tổ chức nghệ thuật không có khả năng và chưa được phép vận hành như các doanh nghiệp xã hội là nguyên nhân khiến các đơn vị này bị hạn chế trong công tác gây quỹ và hợp tác. Những không gian sáng tạo là những địa điểm truyền cảm hứng về sáng tạo và kết nối như: Hanoi Creative City, Manzi, Doclab, Nhà sàn Studio, Station 3A,... chưa được coi là những tổ chức phi lợi nhuận và không được đối xử như một loại hình kinh doanh đặc biệt, hỗ trợ khởi nghiệp, từ đó cần được tạo điều kiện đặc biệt, vì vậy, khiến cho các không gian sáng tạo gặp nhiều hạn chế trong việc đóng góp cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách liên quan đến thuế, luật hiến tặng, tài trợ vốn phổ biến ở các nước trong hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cũng chưa được vận hành ở Việt Nam. Điều đó khiến cho việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Đây là một số trong rất nhiều những điểm nghẽn cần tháo gỡ để chúng ta thực sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo đúng kỳ vọng của Đảng và Nhà nước, đáp ứng lòng mong muốn của nhân dân. Vì vậy, việc chủ động tháo gỡ được những khó khăn này sẽ giúp không chỉ các ngành công nghiệp văn hóa, mà cả nền văn hóa của đất nước phát triển, hiện thực hóa giấc mơ hùng cường, phồn vinh của dân tộc.

PGS, TS. Bùi Hoài Sơn
Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam

Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử

Tâm Trang (st)                                

Bài viết khác: