Thứ năm, 18/04/2024

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong mục “5. Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030”, tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn: ... giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa...”.

Quan điểm lý luận về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Đảng ta được thể hiện trong dự thảo Báo cáo chính trị là hoàn toàn đúng đắn. Điều đặc biệt mới mẻ trong dự thảo Báo cáo chính trị lần này, trong mục “Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, dự thảo Báo cáo chính trị khẳng định: “Cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong các vùng, miền, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể”.

Việc bổ sung thêm nội dung này vào trong dự thảo Báo cáo chính trị lần này thể hiện tư duy mới của Đảng ta trong nhận thức và giải quyết quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không chỉ nhận thức chung về quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn phải cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực, trong các vùng, miền, địa bàn, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể. Điều đó là hoàn toàn đúng đắn, có cơ sở khoa học cả về lý luận và thực tiễn, nhất là từ thực tiễn phong phú, sinh động của công cuộc đổi mới đất nước trong 35 năm qua.

mqh xay dung TQ
Cờ Đảng, cờ Tổ quốc tung bay trong nắng thu/ Ảnh minh họa/vov.vn

Tuy nhiên, trong dự thảo Báo cáo chính trị chỉ đề cập đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Theo tôi, quan niệm như vậy là hoàn toàn đúng đắn, nhưng chưa đầy đủ. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung thêm từ  “chính trị” vào trước cụm từ “kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại”. Và mệnh đề này sẽ được diễn đạt đầy đủ hơn như sau: “Cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong các vùng, miền, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể”.

Việc đề nghị bổ sung thêm từ “chính trị” vào trong mệnh đề này, bởi các lý do chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, khi đề cập đến các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội, cả lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các văn kiện của Đảng và Nhà nước ta đều xác định có các lĩnh vực cơ bản, như: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Thứ hai, xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của lĩnh vực chính trị trong đời sống xã hội, trong mối quan hệ giữa lĩnh vực chính trị với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Một xã hội muốn có kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại phát triển, thì phải dựa trên sự đúng đắn của đường lối chính trị; sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, nhất là Đảng Cộng sản giữ vững vai trò và sự lãnh đạo đối với toàn xã hội; Nhà nước giữ vai trò quản lý, điều hành tập trung, thống nhất mọi hoạt động của đời sống xã hội; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội hoạt động có hiệu quả; các phong trào cách mạng của nhân dân được phát động thường xuyên và đem lại những kết quả tích cực, to lớn.

Thứ ba, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực chính trị bao gồm nhiều nội dung cơ bản, chủ yếu và rất quan trọng, như: Xây dựng và bảo vệ hệ tư tưởng, cương lĩnh, đường lối chính trị. Xây dựng và bảo vệ Đảng; xây dựng và bảo vệ Nhà nước, xây dựng và bảo vệ các tổ chức trong hệ thống chính trị, xây dựng và bảo vệ chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân...

Thứ tư, thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ta ra đời đến nay cho thấy, Đảng ta luôn quan tâm đến việc xây dựng, bổ sung, phát triển, hoàn thiện Cương lĩnh chính trị, đường lối chính trị, chăm lo xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ đi đôi với đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối chính trị, bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Chính vì thế mà cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Thứ năm, bổ sung thêm từ “chính trị” vào mệnh đề này là thể hiện sự nhất quán với các nội dung khác trong dự thảo Báo cáo chính trị về nội dung chính trị, nhất là trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trong phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.

Thứ sáu, trong quá trình chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch rất quan tâm chống phá ta trên lĩnh vực chính trị, xuyên tạc Cương lĩnh chính trị, đường lối chính trị của Đảng, phủ nhận vai trò và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam, cổ súy cho đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, dân chủ tư sản...

Như vậy, từ một số căn cứ lý luận và thực tiễn nêu trên có thể khẳng định vai trò cực kỳ quan trọng của lĩnh vực chính trị trong đời sống xã hội. Do đó, việc bổ sung nội dung cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực chính trị vào dự thảo Báo cáo chính trị là rất cần thiết.

Thành Vinh

Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử
Tâm Trang (st)

Bài viết khác: