Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT ngày 18/9/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/11/2020.
Theo Thông tư, việc lập yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiêm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu dự án đầu tư có sử dụng đất được quy định như sau:
- Thông báo mời quan tâm, yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
- Hồ sơ mời thầu được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này; trong đó, giá sàn nộp ngân sách nhà nước (m3) được xác định theo quy định tại điểm k khoản 2 Điều 47 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP. Trong quá trình thực hiện, người có thẩm quyền, bên mời thầu tự xác định các thông số đầu vào để tính toán giá trị m3 hoặc thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này; bảo đảm công bằng, minh bạch, khách quan, khoa học, khả thi, không gây bất lợi cho các bên tham gia và khai thác hiệu quả sử dụng đất, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
Ảnh minh họa: Internet
- Đối với dự án áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, hồ sơ yêu cầu được lập trên cơ sở chỉnh sửa nội dung mẫu hồ sơ quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này; trong đó, không quy định nội dung so sánh, xếp hạng nhà đầu tư. Việc xác định giá trị m3 thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này.
Một số nội dung về đăng tải thông tin và phát hành yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu trên Hệ thống:
- Đăng tải thông tin trên Hệ thống:
+ Trách nhiệm và thời gian đăng tải thông tin: Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng tải danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất và thông báo mời quan tâm trên Hệ thống trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày danh mục dự án được phê duyệt. Bên mời thầu đăng tải thông báo mời sơ tuyển dự án PPP, thông báo mời thầu dự án PPP không áp dụng sơ tuyển và thông báo mời thầu dự án đầu tư có sử dụng đất trên Hệ thống theo tiến độ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.
+ Khi thực hiện đăng tải các nội dung thông tin quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7, các tài liệu sau đây phải được đăng tải kèm theo:Quyết định phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất; trong đó bao gồm yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm; quyết định phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển dự án PPP; quyết định phê duyệt hồ sơ mời thầu đối với dự án PPP không áp dụng sơ tuyển và dự án đầu tư có sử dụng đất.
+ Việc đăng tải các thông tin khác trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư trên Hệ thống được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả.
- Phát hành yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu trên Hệ thống:
+ Các hồ sơ sau được phát hành trên Hệ thống đồng thời với thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu: Yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; hồ sơ mời sơ tuyển dự án PPP; hồ sơ mời thầu dự án PPP không áp dụng sơ tuyển và hồ sơ mời thầu dự án đầu tư có sử dụng đất. Nhà đầu tư tải tệp tin (file) hồ sơ trên Hệ thống làm cơ sở để lập hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, hồ sơ dự sơ tuyển dự án PPP, hồ sơ dự thầu.
+ Trường hợp hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu được bán theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, nhà đầu tư phải nộp cho bên mời thầu một khoản tiền theo mức giá bán hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu khi nộp hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu.
+ Hồ sơ mời thầu dự án PPP áp dụng sơ tuyển được phát hành trực tiếp cho các nhà đầu tư có tên trong danh sách ngắn. Việc sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu được thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP.
2. Thông tư số 35/2020/TT-BGDĐT ngày 01/10/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2020.
Thông tư này quy định, mã số và phân hạng chức danh nghề nghiệp:
Chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm bao gồm:
- Giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I) - Mã số: V.07.08.20
- Giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II) - Mã số: V.07.08.21
- Giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III) - Mã số: V.07.08.22
Cách xếp lương theo chức danh nghề nghiệp:
- Các chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy quy định tại Thông tư này được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể như sau:
+ Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00.
+ Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
+ Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
- Việc xếp lương chức danh nghề nghiệp được thực hiện khi viên chức đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp quy định tại Thông tư này và thực hiện xếp lương theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật.
3. Thông tư số 37/2020/TT-BGDĐT ngày 05/10/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tổ chức hoạt động, sử dụng thư điện tử và cổng thông tin điện tử tại Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2020.
Theo đó, việc triển khai thư điện tử và cổng thông tin điện tử phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin quy định tại Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15/12/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.
- Tên miền truy cập hệ thống thư điện tử, cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục thực hiện theo quy định hiện hành; sử dụng thêm tên miền cấp 2 có dạng “edu.vn” phù hợp với điều kiện cụ thể.
- Cơ quan quản lý giáo dục cung cấp cổng thông tin điện tử thành viên cho các cơ sở giáo dục trực thuộc phù hợp với điều kiện thực tế.
Các phương thức triển khai hệ thống thư điện tử, cổng thông tin điện tử:
- Tự đầu tư triển khai hệ thống.
- Thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
- Sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin đã được cung cấp.
Yêu cầu của công tác quản lý thư điện tử và cổng thông tin điện tử:
- Có quy chế quản lý, vận hành, sử dụng thư điện tử và cổng thông tin điện tử.
- Có kế hoạch nâng cấp, bảo trì đáp ứng yêu cầu quản lý, an toàn thông tin và nhu cầu sử dụng.
Thủ trưởng đơn vị đảm bảo duy trì, vận hành ổn định hệ thống thư điện tử và công thông tin điện tử, an toàn thông tin, đảm bảo an toàn thông tin cá nhân; chịu trách nhiệm về thông tin đăng tải trên cổng thông tin điện tử.
Quy định về cung cấp, quản lý, vận hành, sử dụng thư điện tử:
- Thư điện tử là một phương thức dùng để trao đổi thông tin điện tử phục vụ công việc trong các cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục.
- Cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục phải công khai thư điện tử (bao gồm công khai trên cổng thông tin điện tử) để tiếp nhận thông tin trao đổi, phản ánh của tổ chức, cá nhân trong xã hội.
- Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm cung cấp miễn phí thư điện tử cho công chức, viên chức, người lao động và các bộ phận trong đơn vị mình quản lý; Cung cấp cho các đơn vị thuộc và trực thuộc phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tế.
- Thủ trưởng đơn vị ban hành quy chế quản lý, vận hành, sử dụng thư điện tử gồm tối thiểu các nội dung sau:
+ Quy định về cung cấp, quản trị thư điện tử.
+ Quy định về việc sử dụng thư điện tử trong giao dịch công tác.
+ Quy trình xử lý công việc thông qua hệ thống thư điện tử (gồm cả kiểm tra, xử lý thông tin hàng ngày).
+ Quy định trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong việc thiết lập, duy trì, sử dụng, bảo mật tài khoản thư điện tử cá nhân và tài khoản thư điện tử đơn vị.
- Thủ trưởng đơn vị phân công cán bộ đầu mối phụ trách triển khai thư điện tử.
Vai trò của cổng thông tin điện tử:
- Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục là cổng tích hợp thông tin giáo dục và tổng hợp thông tin dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ trực tuyến thuộc phạm vi quản lý.
- Thông tin đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục là thông tin chính thống, đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời trên môi trường mạng.
4. Thông tư số 38/2020/TT-BGDĐT ngày 06/10/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2020.
Theo Thông tư, thực hiện chương trình liên kết đào tạo trực tuyến và trực tiếp kết hợp trực tuyến:
- Cơ sở đào tạo Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thực hiện chương trình liên kết đào tạo theo hình thức trực tuyến hoặc hình thức trực tiếp kết hợp trục tuyến theo các quy định tại Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 27 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2019 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và các quy định tại Thông tư này.
- Cơ sở đào tạo Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thực hiện chương trình liên kết đào tạo theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến bảo đảm thời lượng giảng dạy theo phương thức trực tuyến không quá 30% tổng thời lượng giảng dạy của chương trình.
- Việc thực hiện chương trình liên kết đào tạo tại phân hiệu phải bảo đảm đúng quy trình, thẩm quyền và các điều kiện như đối với chương trình liên kết đào tạo tại trụ sở chính quy định tại Thông tư này.
- Thẩm quyền phê duyệt đề án liên kết đào tạo với nước ngoài theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19/11/2018 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các quy định có liên quan.
Các yêu cầu đối với liên kết đào tạo trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến:
- Hồ sơ đăng ký thực hiện liên kết đào tạo trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và các quy định có liên quan.
- Nội dung về bảo đảm chất lượng giáo dục trong đề án thực hiện liên kết đào tạo với nước ngoài phải mô tả rõ về: Cơ sở vật chất, thiết bị, cổng thông tin điện tử, hệ thống máy chủ và hạ tầng kết nối mạng Internet, hệ thống quản lý học tập, hệ thống quản lý nội dung học tập, học liệu điện tử phục vụ cho hoạt động tổ chức, quản lý liên kết đào tạo trực tuyến; việc đáp ứng đầy đủ các quy định đối với giảng viên tham gia thực hiện chương trình liên kết; quy định về bảo đảm chất lượng để người học tốt nghiệp chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam được nhận văn bằng do cơ sở giáo dục đại học nước ngoài cấp so sánh được với văn bằng cấp cho người học tốt nghiệp tại trụ sở chính của cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài.
- Nội dung về quyền lợi của người học và người lao động phải được quy định rõ về phương án xử lý rủi ro khi thực hiện chương trình liên kết đào tạo, đặc biệt là khi chương trình bị gián đoạn hoặc kết thúc trước thời hạn trong đề án thực hiện liên kết đào tạo với nước ngoài và thỏa thuận hoặc hợp đồng hợp tác giữa các bên liên kết.
5. Thông tư số 83/2020/TT-BTC ngày 22/9/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn khoản 3 Điều 7 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/11/2020.
Thông tư này quy định chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với kinh phí hỗ trợ người bán lẻ xổ số lưu động như sau:
- Các khoản chi của công ty xổ số kiến thiết để hỗ trợ người bán lẻ xổ số lưu động đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty xổ số kiến thiết nếu đúng đối tượng và có đủ hồ sơ xác định khoản tài trợ theo quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 3 Thông tư này.
- Trường hợp chi hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật để hỗ trợ người bán lẻ xổ số lưu động thông qua cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ theo quy định của pháp luật hoặc được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao nhiệm vụ, hồ sơ xác định khoản hỗ trợ gồm:
+ Danh sách người bán lẻ xổ số lưu động đủ điều kiện được nhận hỗ trợ từ công ty xổ số kiến thiết do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
+ Danh sách người bán lẻ xổ số lưu động thực tế được nhận hỗ trợ và tổng giá trị khoản tài trợ của công ty xổ số kiến thiết do đại diện cơ quan, tổ chức nhận hỗ trợ ký xác nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
+ Hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa (nếu hỗ trợ bằng hiện vật) hoặc chứng từ chi tiền (nếu hỗ trợ bằng tiền) từ ngày 01/4/2020.
- Trường hợp công ty xổ số kiến thiết chi hỗ trợ trực tiếp cho người bán lẻ xổ số lưu động đáp ứng các điều kiện sau:
+ Danh sách người bán lẻ xổ số lưu động đủ điều kiện được nhận hỗ trợ từ công ty xổ số kiến thiết do Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
+ Hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa (nếu hỗ trợ bằng hiện vật) hoặc chứng từ chi tiền (nếu hỗ trợ bằng tiền) từ ngày 01/4/2020.
- Thời gian hỗ trợ, mức hỗ trợ tối đa cho người bán lẻ xổ số lưu động (bao gồm cả tiền mặt và hiện vật) tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 thực hiện theo quy định tại Điểm 4 mục II Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ.
- Người đại diện theo pháp luật của công ty xổ số kiến thiết chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các tài liệu, chứng từ quy định tại Điều này. Tài liệu, chứng từ quy định tại Điều này được lưu tại doanh nghiệp và xuất trình với cơ quan thuế khi cơ quan thuế yêu cầu.
Khánh Linh (tổng hợp)