Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của Đảng và dân tộc ta, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân. Khi Người qua đời, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng công trình Lăng của Người.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng ngày 2/9/1973, khánh thành ngày 29/8/1975. Sau lễ khánh thành trọng thể tại Hội trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở cửa đón đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác. Hai chiến sĩ là Nông Văn Thành (dân tộc Tày) và Nguyễn Văn Ri (dân tộc Kinh) vinh dự được đứng gác tiêu binh danh dự ca đầu tiên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mở ra trang đầu truyền thống của đội Tiêu binh danh dự ngày nay.
Nói tới Đội tiêu binh danh dự, ai cũng nghĩ đó là những chiến sĩ tiêu binh đang ngày đêm canh giấc ngủ cho Người và động tác cơ bản là "Nghiêm", "Nghỉ", "Đứng" và "Đi". Nhưng để làm được điều đó thì không đơn giản. Bởi vì thực hiện nhiệm vụ tiêu binh tại Lăng là nhiệm vụ chính trị đặc biệt đòi hỏi tính nghiêm cách rất cao và đứng trong khoảng thời gian dài. Tiêu chí đầu tiên để trở thành một người chiến sĩ tiêu binh trước hết phải có phẩm chất đạo đức tốt, quân dung đẹp, có ý chí quyết tâm cao, thể lực bền bỉ dẻo dai; sau khi huấn luyện tân binh, chiến sĩ được tuyển chọn về Đội Tiêu binh danh dự phải tiếp tục huấn luyện, rèn luyện thử thách tiếp trong vòng 2 tháng, đúng vào thời điểm nóng nhất của mùa hè miền Bắc.
Hơn 33 năm qua, ban ngày cũng như ban đêm, Đông qua, Hè tới, trong mọi hoàn cảnh nắng, mưa, cứ lớp anh trước, lớp em sau, những chiến sĩ tiêu binh danh dự luôn trang nghiêm đứng gác bên Người và hình ảnh người chiến sĩ tiêu binh đã gắn với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một điều không thể tách rời, đã in đậm trong tâm khảm mỗi người, hiên ngang giữa Ba Đình lịch sử và con đường sỏi trước cửa Lăng vẫn âm thậm lặng lẽ hàng giờ in dấu chân chiến sĩ tiêu binh. Nếu tính lượt tiêu binh đi đổi gác tại cửa Lăng, chỉ tính trên đoạn đường sỏi dài hơn 100 mét trong 33 năm đã hơn 160 ngàn km. Đúng vậy: "Lối chúng tôi đi đã mòn đường sỏi". Vết mòn đường sỏi đó như một sự ghi nhận của thời gian và nó cũng như một lời hứa của mỗi chiến sĩ tiêu binh với Bác rằng chúng con luôn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để mãi mãi hình ảnh "Người chiến sĩ cận vệ bên Lăng Bác" luôn là hình ảnh đẹp đẽ, trong lòng đồng bào cả nước và bầu bạn quốc tế.
Ca đổi gác trước Lăng
Một nhiệm vụ rất quan trọng đối với Đội Tiêu binh danh dự là thực hiện nghi lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng. Nhiệm vụ này bắt đầu thực hiện từ ngày 19/5/2001. Công việc thật vất vả, bận rộn, hàng ngày vào buổi sáng mùa nóng là 6 giờ, mùa lạnh 6 giờ 30 và vào 21 giời đêm. Dù gió, mưa, giá rét 34 chiến sĩ tiêu binh tượng trưng cho 34 chiến sĩ trong Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân vẫn uy nghiêm, trang trọng thực hiện nghi lễ chào cờ. Hình ảnh lãnh tụ – Hình ảnh dân tộc hòa quyện tung bay giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử khích lệ, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta quyết tâm xây dựng nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Người mong muốn.
Hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Đội Tiêu binh danh dự luôn thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và Bác Hồ, đoàn kết, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách với ý thức trách nhiệm cao nhất, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phục vụ tận tình, chu đáo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng bào và bè bạn quốc tế vào Lăng viếng Bác, góp phần quan trọng xây dựng nên truyền thống Bộ đội Bảo vệ Lăng anh hùng.
Với những thành tích đã đạt được, Đội Tiêu binh danh dự đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội và đơn vị tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương chiến công hạng ba, Bằng khen của Chính phủ và nhiều năm liên tục được tặng danh hiệu Đơn vị quyết thắng.
Nguyễn Văn Tuyến - Ngọc Hà