Tùy tiện luận giải để xuyên tạc, chống phá và phủ nhận nền tảng tư tưởng của Ðảng Cộng sản Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng và lựa chọn định hướng xã hội chủ nghĩa, vốn là thủ đoạn nhiều năm qua các thế lực thù địch và cá nhân thiếu thiện chí vẫn tiến hành. Ðáng tiếc là đến nay, có người ở trong nước vẫn mù quáng cổ vũ và chạy theo xu hướng này. Bài viết của Luật sư Hoàng Duy Hùng đã đề cập một trường hợp như vậy. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.
Trước Ðại hội XIII của Ðảng Cộng sản Việt Nam, đọc bài của một ông tiến sĩ từ Hà Nội gửi đăng trên RFA tôi rất e ngại. Nguyên việc bàn về vấn đề tư tưởng của Ðảng Cộng sản Việt Nam mà lại gửi một cơ quan truyền thông nước ngoài nổi tiếng xuyên tạc, bóp méo sự thật để đánh phá Việt Nam đã thấy nhận thức và mục đích của tiến sĩ là gì. Qua bài viết, ông cho biết không chấp nhận hai quan điểm: 1. "không có Ðảng Cộng sản Việt Nam thì quốc gia sẽ bước vào thời kỳ thập nhị sứ quân", 2. "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"; sau khi trình bày lý do tại sao không chấp nhận, ông muốn làm sáng tỏ hai điều "ngộ nhận" để "thay đổi tư duy thúc đẩy cải cách thể chế chính trị"!
Mở đầu, tiến sĩ trích lời một lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương nói: "Không còn thừa nhận chủ nghĩa Mác - Lênin tức là không thừa nhận sự lãnh đạo của Ðảng. Các đảng phái sẽ mọc lên như nấm và quốc gia sẽ bước vào thời kỳ thập nhị sứ quân, rối loạn", rồi ông cho rằng hệ thống xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng Mác - Lênin đã "sụp đổ hoàn toàn" từ năm 1991. Nguyên nhân sụp đổ là do chủ nghĩa xã hội thua kém trong cạnh tranh kinh tế với chủ nghĩa tư bản, vì thế các quốc gia cộng sản còn lại phải "loay hoay bổ sung" chủ nghĩa Mác - Lênin, như tại Việt Nam là tư tưởng Hồ Chí Minh, để phù hợp với đặc thù từng nước. Với ông tiến sĩ, vì sai lầm cơ bản nên chủ nghĩa Mác - Lênin đã sụp đổ hoàn toàn. Theo tôi, chủ nghĩa hay chủ thuyết nào cũng có ưu và nhược điểm, nhất là khi vận dụng lại có các hạn chế, không thuận lợi. C.Mác cho rằng trước khi tiến lên chủ nghĩa cộng sản phải trải qua thời kỳ chủ nghĩa xã hội, trước khi đến chủ nghĩa xã hội phải kinh qua chủ nghĩa tư bản. V.I.Lênin muốn cách mạng thế giới sớm thành công, nên đã gặp nhiều khó khăn trước sự tiến công quyết liệt của các nước tư bản. Nhưng, chủ nghĩa tư bản cũng có nhược điểm cốt tử của nó, như Giáo hoàng Gioan Phao-lô II gọi là "chủ nghĩa thô bạo", nên các quốc gia cộng sản như Việt Nam không thể ôm mô hình của chủ nghĩa tư bản vào mình, trong khi xây dựng chủ nghĩa xã hội phải vừa sửa chữa nhược điểm, vừa làm thế nào để xây dựng kinh tế thị trường mà vẫn giữ định hướng xã hội chủ nghĩa; vừa dựa trên quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, vừa sáng tạo, phát triển, linh hoạt thích ứng với bối cảnh lịch sử, đặc điểm văn hóa của dân tộc. Các năm gần đây, dù còn có những khác biệt trong quan niệm về chủ nghĩa xã hội nhưng một bộ phận giới trẻ ở Mỹ đã háo hức tiếp nhận chủ nghĩa xã hội, mà Thượng nghị sĩ B.Sanders (B.Xan-đơ), K.Harris (C.Ha-rít), hạ nghị sĩ A.G.Cortez (A.G Cô-tét) là một trong những nhân vật đi đầu. Cao trào đón nhận chủ nghĩa xã hội làm cho cục diện bầu cử ở Mỹ năm 2020 có nhiều biến chuyển, nên việc tiến sĩ khẳng định chủ nghĩa xã hội sụp đổ vì không đủ sức cạnh tranh với chủ nghĩa tư bản là một sai lầm. Thêm nữa là chủ nghĩa tư bản có tuổi đời rất dài, trong khi tuổi đời của các nhà nước theo chủ nghĩa xã hội chưa đến 100 năm. Vì nhiều nguyên do khác nhau, trong đó có nguyên nhân chủ quan, nôn nóng muốn rút ngắn giai đoạn, nên Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Ðông Âu mắc sai lầm, lại bị các nước tư bản tiến công nên năm 1991 sụp đổ, để lại bài học cho những nước còn lại tự điều chỉnh, vươn lên như hiện nay. Các đảng cộng sản và nhà nước còn lại vẫn lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng, nhưng họ điều chỉnh để phù hợp với nhân loại, với lịch sử và văn hóa của mỗi nước là điều tất nhiên, không thể vứt bỏ để đi theo đề nghị của ông Tiến sĩ. Qua bao nhiêu năm bị chiến tranh tàn phá, bị bao vây cấm vận mãi đến năm 1995, song với nền tảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Việt Nam đã dần trở thành một nước đang phát triển trong vùng, vượt một số nước trong khu vực đã theo chủ nghĩa tư bản và thực hiện đa đảng hàng trăm năm.
Ông tiến sĩ viết, sau năm 1991 chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Ðông Âu, Ðông Âu đã chuyển đổi sang chủ nghĩa tư bản và đa đảng mà không có nạn loạn sứ quân. Chẳng lẽ ông không biết, hay cố tình quên sau năm 1991, Tiệp Khắc tách đôi thành Czech (Séc) và Slovakia (Xlô-va-ki-a), còn Nam Tư vỡ thành nhiều mảnh. Tại Ucraine (U-crai-na), "cách mạng cam" khiến cho chính trường rối loạn, rồi đến chiến tranh ly khai, huynh đệ tương tàn chưa biết bao giờ chấm dứt. Ở Gruzia (Gru-di-a), sau "cách mạng hoa hồng" lại đến cuộc chiến ở Abkhazia (Áp-kha-di-a), Nam Ossetia (Ô-xê-ti-a). Azerbaijan (A-déc-bai-gian) và Armenia (Ác-mê-ni-a) cũng dai dẳng chiến tranh, mới đây cuộc chiến Nargona-Karabak (Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc) lại bùng nổ. Nước Nga cũng rất vất vả để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Chechnya (Trê-sni-a), sau nhiều năm mới ổn thỏa. Nhìn rộng ra thì ở Syria (Xy-ri), năm 2011, dân chúng bị xúi bẩy làm cách mạng mùa xuân, họ lập các phe nhóm chống lại chính phủ, cuối cùng Syria tan nát như tương, thành phố cổ kính Aleppo (A-lép-pô) bị san thành bình địa. Chính từ việc đa đảng là nguyên nhân chính đưa Syria đến loạn sứ quân, đất nước tan hoang. Ðó cũng có thể là viễn cảnh đối với Việt Nam nếu thực hiện đa đảng. Chưa kể với vị thế địa - chính trị quan trọng, lại nằm ở địa thế giao thoa giữa Ấn Ðộ Dương và Thái Bình Dương nên vị trí của Việt Nam rất tế nhị, nhiều quốc gia dòm ngó.
Lịch sử và toàn cảnh quốc tế cho thấy trên thế giới không có quốc gia nào giống quốc gia nào, nên thể chế chính trị của mỗi quốc gia phải là sự lựa chọn phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa thế của quốc gia đó. Chiến tranh liên miên suốt mấy chục năm, đất nước kiệt quệ, song sau 30 năm đổi mới và hội nhập với thế giới, Việt Nam từng bước ổn định, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa tăng cường uy tín trên thế giới. Trong khi đó, một quốc gia cũng nằm trong khu vực có đất đai trù phú, hàng trăm năm nay không chiến tranh, nhưng thể chế đa đảng khiến biểu tình liên miên xảy ra, đất nước bất ổn, kinh tế bị trì trệ. Một quốc gia khác đông dân, giàu tài nguyên, lại được Mỹ nâng đỡ gần 100 năm, nhưng vẫn còn nghèo, tham nhũng trầm trọng… Mỹ là một cường quốc, có hai đảng mạnh, vậy mà cuộc bầu cử năm 2020 gặp nhiều xáo trộn, nhiều cáo buộc cho rằng bị nước ngoài giật dây, xảy ra nhiều cuộc biểu tình náo loạn. Thế nên không thể coi đa đảng là mô hình Việt Nam phải noi theo.
Ông tiến sĩ cho rằng: "Ðảng cộng sản toàn trị có thể lãnh đạo nền kinh tế thị trường đó là ngộ nhận thứ hai. Ðiều này là không thể bởi vì chế độ này với bản chất chuyên chế mâu thuẫn với các giá trị dân chủ và tự do của thị trường"! Rõ ràng, tiến sĩ nhắm mắt làm ngơ trước vai trò của Ðảng Cộng sản Việt Nam khi lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành đổi mới. Nhờ có kỷ luật, dân chủ trong kỷ luật, mà Ðảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo dân tộc đánh bại thực dân Pháp để giành độc lập cho nước nhà, đánh bại đế quốc Mỹ và "chính quyền Sài Gòn" để thống nhất đất nước. Hiện nay đang rất bản lĩnh, vững vàng bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ biên giới trên đất liền, trên biển. Chỉ sau hơn 30 năm đổi mới, sau 25 năm hội nhập với thế giới, kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã giúp Việt Nam phát triển vượt bậc. Chưa kể, một thực tế không thể phủ nhận là chính thể chế một đảng, kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo nền tảng để Nhà nước Việt Nam và toàn dân vừa lo phòng, chống dịch vừa tập trung phát triển kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19 một cách vẻ vang, được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế lên tiếng ca ngợi, tạo niềm tin để nhiều quốc gia, tập đoàn kinh tế đầu tư vào Việt Nam. Cần nhìn nhận rõ về thành tựu này trong bối cảnh chung đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới phải loay hoay, châu Âu lúng túng, Ấn Ðộ vất vả, Mỹ hứng chịu hơn 10 triệu ca dương tính với Covid-19, 250 nghìn người chết… Một thí dụ khác là Indonesia (In-đô-nê-xi-a), quốc gia đa đảng đã nhiều năm, bình quân đầu người giờ không hơn Việt Nam bao nhiêu, nhưng vì thiếu kỷ luật trong phòng, chống Covid-19 mà số ca dương tính với Covid-19 gần 500 nghìn người, trong đó có 15 nghìn người chết. Không khống chế được Covid-19, nên du lịch nội địa của Indonesia lâm vào khủng hoảng, khách du lịch nước ngoài không đến, các công ty quốc tế không dám đầu tư, nền kinh tế khủng hoảng trầm trọng nhất trong hơn hai thập niên vừa qua. Giới quan sát dự tính trong 5 năm tới, bình quân đầu người của Indonesia nguy cơ có thể sẽ kém Việt Nam. Còn Việt Nam, nhờ kỷ luật xã hội mang tính nhân văn được tổ chức theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tính đến nay tại Việt Nam chỉ có hơn 1.200 ca dương tính, hơn hai tháng trong cộng đồng không có ca lây nhiễm, các ca dương tính sau này là do người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Ðặc biệt, dù năm 2020 mức tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch đề ra, không cao như các năm trước, song các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng nhìn trên toàn cầu, thì Việt Nam là một trong số không nhiều quốc gia tăng trưởng cao nhất trên thế giới trong năm 2020.
Tóm lại, ông tiến sĩ muốn áp dụng chủ nghĩa tư bản và mô hình đa đảng vào Việt Nam, ông coi đó là tiến bộ cho đất nước. Nhưng tôi cho rằng từ lịch sử, văn hóa Việt Nam, nhất là từ bối cảnh địa - chính trị của Việt Nam thì chủ nghĩa tư bản và thể chế đa đảng là không thích hợp. Theo tôi, áp dụng chủ nghĩa tư bản và thực hiện đa đảng sẽ đẩy đất nước vào tình trạng bất ổn về chính trị, gây loạn sứ quân, kéo lùi sự phát triển. Nên điều tốt nhất cho Việt Nam là giữ vững thể chế hiện tại, nỗ lực và kiên quyết thực hiện thành công các mục tiêu, chủ trương, đường lối của Ðảng và Nhà nước, chống tham nhũng một cách sâu rộng bảo đảm an sinh xã hội, xây cất thêm đường sá, hạn chế ô nhiễm về môi sinh, chú trọng giáo dục để nâng cao hiểu biết lịch sử dân tộc, nuôi dưỡng lòng yêu nước trong giới trẻ… Cứ như vậy một ngày không xa, Việt Nam quê hương của tôi sẽ đứng vào hàng ngũ các quốc gia phát triển.
Hoàng Duy Hùng
Theo Báo Nhân Dân điện tử
Tâm Trang (st)