Đảng ta là đảng cầm quyền, vì vậy việc bầu cử trong Đảng trên thực tế quyết định đến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Chất lượng bầu cử cũng là một thước đo quan trọng về đạo đức, năng lực, bản lĩnh chính trị của Đảng.
Công tác bầu cử trong Đảng chủ yếu diễn ra tại đại hội đảng các cấp nhằm giúp đại hội lựa chọn được những đảng viên tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, uy tín vào cấp ủy, đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo của cấp ủy.
Cho đến nay, 67/67 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã tiến hành xong đại hội nhiệm kỳ 2020-2025. Nhìn lại công tác bầu cử tại đại hội đảng các cấp, từ cấp chi bộ đến cấp trực thuộc Trung ương cho thấy, công tác bầu cử đã diễn ra đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch; gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ và sắp xếp, bố trí nhân sự lãnh đạo cơ quan nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều trúng cử với tỷ lệ tín nhiệm rất cao, phần lớn đạt 100% đã khẳng định công tác chuẩn bị nhân sự người đứng đầu cấp ủy của Trung ương rất tốt. Những con số ấn tượng như: 67/67 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã bầu được 3.330 đồng chí vào ban chấp hành các đảng bộ, 1.084 đồng chí tham gia lần đầu, đạt 32,5%; trình độ cấp ủy viên được nâng lên so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, cấp ủy viên có trình độ thạc sĩ trở lên chiếm 66,67%, cao hơn nhiệm kỳ trước 23,11%. Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia cấp ủy vượt yêu cầu đề ra. Đây cũng là nhiệm kỳ có tới 9/63 bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương là nữ, một con số kỷ lục.
Ảnh minh họa:truongchinhtri.edu.vn
Tuy nhiên, công tác bầu cử trong đại hội từ cấp chi bộ đến cấp trực thuộc Trung ương cũng còn những hạn chế nhất định, nhất là ở cấp cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở. Theo Ban Tổ chức Trung ương, những hạn chế đó biểu hiện ở việc chuẩn bị nhân sự của một số cấp ủy chưa thật tốt nên có trường hợp bầu không đúng với đề án nhân sự được duyệt. Một số nơi, nhân sự được giới thiệu tái cử nhưng không trúng cử, cá biệt có cán bộ chủ chốt tái cử không trúng cử cấp ủy hoặc bí thư, phó bí thư; một số nơi có biểu hiện lạm dụng việc chỉ định bí thư tại đại hội hoặc ngay sau đại hội, gây nhiều ý kiến trái chiều và dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân...
Nguyên nhân của những hạn chế trên có nhiều, cả khách quan lẫn chủ quan, tựu trung lại vẫn là chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ chưa triệt để nên chưa phát huy dân chủ trong bầu cử. Từ thực tiễn công tác bầu cử trong Đảng những nhiệm kỳ gần đây, tác giả xin kiến nghị một số giải pháp nâng cao chất lượng bầu cử trong Đảng.
Một là, công khai thông tin về các ứng cử viên trước bầu cử
Các quy định, quy chế bầu cử trong Đảng hiện nay chưa quy định việc cung cấp thông tin về các ứng cử viên như lý lịch, quá trình công tác, những thành tích, khuyết điểm nổi bật của ứng cử viên để đại biểu nghiên cứu, tìm hiểu trước khi diễn ra đại hội. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc ra quyết định của các đại biểu khi thực hiện quyền bầu cử. Vì vậy, để đại biểu dự đại hội tự tin vào quyết định lựa chọn nhân sự của mình khi bầu cử, cấp ủy khóa cũ cần cung cấp thông tin đầy đủ, theo mẫu thống nhất về các ứng cử viên mà cấp ủy giới thiệu. Đồng thời, cấp ủy khóa cũ cần hướng dẫn các ứng cử viên được đề cử thêm hoặc đảng viên tự ứng cử, chuẩn bị hồ sơ theo mẫu thống nhất để gửi đến đại biểu dự đại hội.
Đảng ta là đảng cầm quyền, bên cạnh việc công khai, minh bạch thông tin đến đại biểu dự đại hội, cũng cần công khai, minh bạch thông tin của ứng cử viên đến quần chúng, nhân dân để nhân dân thực hiện quyền giám sát, xây dựng Đảng. Đây là vấn đề được Đảng ta đề cập nhiều lần, trong nhiều nghị quyết, nhưng chưa có quy định và kế hoạch thực hiện cụ thể.
Hai là, mở rộng quyền đề cử và tự ứng cử
Nghị quyết Đại hội X của Đảng khẳng định: “Mở rộng quyền đề cử và tự ứng cử, giới thiệu nhiều phương án nhân sự để lựa chọn”. Vì vậy, việc chuẩn bị nhiều phương án nhân sự trong bầu cử là chủ trương lớn, rất đúng đắn nhằm phát huy dân chủ trong bầu cử của Đảng ta. Tự ứng cử và tiến cử là quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của đảng viên nhằm phát huy dân chủ, giúp tổ chức đảng các cấp mở rộng diện lựa chọn nhân sự, lựa chọn cấp ủy thực sự là những người có đức, có tài đảm đương các chức danh lãnh đạo.
Vì lẽ đó, việc chuẩn bị sẵn sàng cho nhiều phương án nhân sự sẽ giúp công tác bầu cử phát huy giá trị của nguyên tắc tập trung dân chủ, giúp đại hội thực sự là ngày hội của dân chủ và trí tuệ, lựa chọn được những đảng viên xứng đáng nhất vào các chức danh lãnh đạo.
Ba là, ứng viên dự bầu chức danh lãnh đạo cần trình bày chương trình công tác
Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII), Đảng ta đã xác định: “Người được bầu vào các chức vụ cấp trưởng phải đề xuất được đề án, chương trình công tác trong nhiệm kỳ, cam kết hoàn thành nhiệm vụ, giữ gìn phẩm chất đạo đức”. Điều lệ Đảng hiện hành cũng quy định, cho phép đại biểu dự đại hội được quyền chất vấn các ứng cử viên dự bầu các chức danh lãnh đạo. Như vậy có thể nói, chúng ta có đủ “hành lang pháp lý” để người dự bầu vào chức danh đứng đầu cấp ủy trình bày chương trình hành động.
Việc trình bày chương trình hành động sẽ tạo nên tương tác, đối thoại giữa ứng cử viên với đại biểu. Qua đó, ứng cử viên bộc lộ tư duy, trình độ, thái độ, bản lĩnh, khả năng và kỹ năng ứng xử, xử lý các vấn đề đặt ra đối với cấp ủy cấp mình. Ngoài ra, phẩm chất, phong cách ứng cử viên cũng được bộc lộ một phần. Đây là những thông tin trực quan rất quan trọng để đại biểu dự đại hội đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về ứng cử viên.
Rõ ràng, việc trình bày chương trình công tác là rất cần thiết, ngay cả trong các trường hợp bầu tròn (bầu cử không có số dư) thì việc này vẫn giúp cho công tác bầu cử khách quan, dân chủ hơn rất nhiều. Trong nhiều nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta đã thí điểm rất thành công việc bầu trực tiếp bí thư cấp ủy tại đại hội. Nếu người dự bầu bí thư cấp ủy trình bày chương trình công tác trước đại hội thì tác dụng, ý nghĩa của công việc này còn lớn hơn rất nhiều.
Bốn là, bỏ phiếu, kiểm phiếu khách quan, chính xác
Bỏ phiếu, kiểm phiếu khách quan, chính xác thì mới phản ánh đúng ý chí của các đại biểu dự đại hội. Từ xưa đến nay, việc bỏ phiếu, kiểm phiếu khách quan, chính xác bao giờ cũng là mối quan tâm lớn của đông đảo đảng viên.
Bầu cử trong Đảng được thực hiện theo nguyên tắc bỏ phiếu kín, nhưng điều kiện để bảo đảm nguyên tắc bỏ phiếu kín là không gian ghi phiếu thì chưa được nhiều nơi quan tâm. Khi chúng ta tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp thì không gian bầu cử rất được quan tâm, mỗi cử tri đi bầu cử được nhận phiếu, rồi có bàn kín để ghi phiếu, bảo đảm không ai có thể nhìn thấy quyết định lựa chọn của cử tri. Tuy nhiên, trong đại hội các tổ chức đảng thì có nơi chưa chú ý đến điều này. Việc ghi phiếu trong điều kiện các đại biểu ngồi cạnh nhau, đã dẫn đến hiện tượng “kèm”, “soi”, “giám sát” nhau khiến cho không ít đại biểu bị tác động bởi yếu tố bên ngoài. Đây cũng là một nội dung rất quan trọng về kiểm soát quyền lực mà Đảng ta cần quan tâm trong bầu cử hiện nay.
Sự phát triển của công nghệ thông tin cũng giúp cho việc kiểm phiếu hiện nay được thực hiện khách quan, chính xác hơn. Đây cũng là vấn đề cần đưa vào quy chế để áp dụng cho các kỳ đại hội đảng tiếp theo.
Năm là, lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm đối với người đứng đầu cấp ủy
Điều lệ Đảng hiện hành quy định, nhiệm kỳ của cấp ủy từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương là 5 năm. Đó là quãng thời gian đủ dài để cấp ủy viên, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy thực hiện kế hoạch, chương trình hành động đã được đại hội đề ra. Nhưng ngược lại, đó sẽ là thời gian quá dài, gây tổn hại không nhỏ cho tập thể đơn vị, địa phương nếu người đứng đầu cấp ủy không đủ phẩm chất, năng lực. Vì vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm là cần thiết, đồng thời cũng là một phương thức kiểm soát quyền lực của cấp ủy đối với người đứng đầu. Việc lấy phiếu tín nhiệm không thay thế cho việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng năm, cho nên chỉ cần ở hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.
Đối với cấp ủy địa phương, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy rất cần có cơ chế để nhân dân trong địa phương đó bày tỏ và đánh giá. Đây chính là sự cụ thể hóa tinh thần dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” vào công tác xây dựng Đảng.
Nguyễn Hồng Hải
Theo Báo Nhân Dân điện tử
Tâm Trang (st)