Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng. Những quan điểm của Người về lĩnh vực này được đề cập toàn diện, hệ thống từ tính tất yếu, mục đích, ý nghĩa, nội dung, đối tượng, cách thức đến tinh thần, kết quả phong trào thi đua; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện; đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phong trào thi đua yêu nước... trở thành kim chỉ nam cho việc định hướng công tác thi đua, khen thưởng của Đảng, Nhà nước ta trong mọi thời kỳ cách mạng cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

1. Thi đua xuất phát từ truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, thi đua phải xuất phát từ tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm công dân với ý chí phấn đấu; phát huy sức mạnh cả vật chất và tinh thần. Thi đua không chỉ là hoạt động tích cực, sáng tạo trong công việc hàng ngày, trong lao động sản xuất mà còn là hoạt động tư tưởng và tinh thần, là biểu hiện của lòng yêu nước, của tình cảm đối với Tổ quốc, đối với quê hương. Người khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”1. Vì vậy, Người yêu cầu: “Trong phong trào thi đua, chúng ta thấy đủ các dân tộc: Kinh, Thổ, Mán, Mường, v.v… đủ các tín ngưỡng, lương có, giáo có, đủ các tầng lớp binh, công, nông, sĩ, đủ các hạng người già, trẻ, gái, trai. Tất cả đều nhằm vào một mục đích chung: Tăng gia sản xuất và diệt giặc lập công”2.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hễ là người Việt Nam yêu nước thì phải thi đua, thi đua là yêu nước. Thi đua là một cách yêu nước thiết thực nhất, những người thi đua là những người yêu nước nhất và Người chỉ rõ cái gốc của phong trào thi đua là tinh thần yêu nước “Thi đua lấy tinh thần yêu nước làm gốc”3. Tình yêu quê hương đất nước của người Việt Nam được hun đúc từ ngàn đời xưa, được bồi đắp, được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác và ngày càng được củng cố, phát triển hơn. Lòng yêu nước đã được đúc kết, trở thành truyền thống quý báu của nhân dân, nên mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần ấy lại sôi nổi, kết thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ, vượt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, gian nan, thử thách… Với tinh thần ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam, gắn kết với phong trào thi đua yêu nước qua các thời kỳ cách mạng khác nhau.

Những phong trào thi đua trong các năm 1945 và 1946, đến phong trào thi đua năm 1947 và phong trào thi đua ái quốc năm 1948 do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và phát động là bước phát triển mới trong tư duy lý luận, là quá trình kế thừa có chọn lọc; là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo, linh hoạt, sự kết hợp khéo léo giữa lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về thi đua với lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam, phù hợp với thực tiễn cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

2. Thi đua trong công việc hàng ngày và mọi người đều phải thi đua

Đây là quan điểm có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc trong tư tưởng về thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ trong công việc hàng ngày, đòi hỏi mỗi người đều phải thi đua và thi đua trong tất cả mọi việc, mọi lĩnh vực của mọi giới, mọi ngành, càng khó khăn càng cần phải thi đua. Người nhắc nhở: “Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua. Thí dụ: Từ trước đến giờ ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm. Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm cho đất ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy”4. Người chỉ rõ nền tảng của phong trào thi đua là trong công việc thường ngày của tất cả mọi người. Thi đua là hoạt động có tính tất yếu nhằm đảm bảo sự tồn tại và phát triển của mỗi con người: “Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”5.

Đây là tổng kết quan trọng được rút ra từ thực tiễn cách mạng Việt Nam và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước xã hội chủ nghĩa khi chưa lâm vào trì trệ, khủng hoảng. Trong điều kiện nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam, coi đó là động lực thúc đẩy mọi người làm tốt hơn, nhanh hơn, nhiều hơn những công việc hàng ngày của mình. Người người thi đua, ngành ngành thi đua. Ai làm việc gì, nghề gì cũng thi đua làm cho nhanh, cho tốt, cho nhiều. Thi đua không phải chỉ trong một giai đoạn nhất thời mà phải được tổ chức thường xuyên, liên tục, kiên trì, bền bỉ, có như thế mới đảm bảo được tính toàn diện, rộng khắp cũng như ý nghĩa của việc thi đua. Người chỉ rõ: “Thi đua phải lâu dài và rộng khắp, không phải chỉ trong một thời gian nào (những ngày kỷ niệm là những đợt để lấy đà và để kiểm thảo, chứ không phải qua những ngày ấy rồi lại nghỉ thi đua), không phải chỉ riêng ngành nào, nhóm người nào”6, nghĩa là nhân dân ta không chỉ thi đua đánh thắng giặc ngoại xâm, mà sau khi kháng chiến thắng lợi, phải tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đẩy mạnh thi đua để xây dựng và phát triển đất nước.

3. Phương pháp, tinh thần và kết quả của phong trào thi đua

Đề cập tới phương pháp thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, trong phong trào thi đua yêu nước, ai làm gì cũng phải nghĩ cách sao cho việc mình làm được hợp lý, nghĩa là lợi thời giờ, đỡ phí sức người, vật liệu tiền tài, mà kết quả việc làm lại tốt đẹp. Vì vậy, phải biết xếp đặt công việc, khéo tổ chức, khéo phân công, khéo đôn đốc và kiểm tra, luôn luôn cải tiến kỹ thuật.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm đã thi đua là phải có lòng nhiệt tình, say mê trong cả sản xuất và chiến đấu. Bất cứ người nào cũng phải làm việc và phấn đấu tích cực, hăng hái, không sợ gian khổ, hy sinh, ra sức vượt mọi khó khăn, gian khổ, nêu gương sáng trên mọi mặt trận. Chính tinh thần thi đua là một trong những yếu tố quyết định để đưa mục đích thi đua đạt được kết quả cao trong thực tiễn. Về kết quả của thi đua, Người cho rằng, phong trào thi đua phải được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực và đều phải nhằm kết quả thực tế. Kết quả thi đua phải tính đến chất lượng và số lượng, trong một thời gian nhất định. Phong trào thi đua càng mạnh mẽ, liên tục, thì kết quả thi đua ngày càng rộng, lớn.

4. Thi đua phải có kế hoạch cụ thể, thiết thực và tổ chức thực hiện đến nơi, đến chốn

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong xây dựng kế hoạch thi đua cần xác định rõ thời gian, địa điểm, định mức công việc thực hiện một cách cụ thể, tránh đại khái chung chung. Người yêu cầu: “Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ, tự giác làm. Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực. Khi đặt kế hoạch phải tránh đại khái, quá cao, phiền phức, miễn cưỡng”7.

Trong kế hoạch thi đua, không nên đề ra quá nhiều việc, định mức thi đua quá cao, rồi làm không được thì sẽ nản lòng. Kế hoạch của người nào hoặc nhóm nào phải do người ấy, nhóm ấy tự động, tự giác, tự nguyện làm lấy để phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh, sát thực tế công tác mới đảm bảo tính khả thi khi tổ chức thực hiện. Người căn dặn: “Thi đua không nên thiên về một phía. Phải điều hòa 3 nhiệm vụ với nhau: tăng gia sản xuất, công việc hàng ngày và học tập (chính trị, văn hóa, tình hình trong nước và thế giới)”8.

Người cho rằng, Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân có trách nhiệm tổ chức, vận động, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá phong trào thi đua. Phải thành lập các ban thi đua từ Trung ương đến cơ sở để vận động, tổ chức phong trào thi đua, phụ trách việc đôn đốc phong trào thi đua; các ban kiểm tra, phụ trách việc theo dõi phong trào thi đua, kịp thời rút kinh nghiệm để nhanh chóng sửa chữa những khuyết điểm trong phong trào; các ban chấm thi phụ trách việc đánh giá những thành tích của phong trào thi đua, định thể lệ thưởng, phạt công minh.

Trong tổ chức thi đua, Người nhấn mạnh: “Thi đua” không phải là “ganh đua”, không được bất chấp mọi mánh khóe để chạy theo thành tích, đạt được thành tích bằng mọi giá; mà tổ chức “thi đua” là để thu hút, lôi kéo quần chúng tham gia và cùng nhau tiến bộ. Bởi vậy, đối với từng đối tượng, phải biết tổ chức nội dung thi đua sao cho phù hợp, không câu nệ phô trương hình thức.

Trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua, cần chú ý đến việc đặt khẩu hiệu và có phương pháp động viên cho phù hợp, khẩu hiệu phải sát, đúng với tình hình, nguyện vọng, lợi ích của quần chúng nhân dân. Phải biết tuyên truyền, giải thích, động viên, khích lệ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia phong trào thi đua yêu nước. Cần dùng mọi hình thức như sách, báo, tranh ảnh, thơ ca, nhạc kịch, diễn thuyết... để cổ động tuyên truyền cho ai nấy đều hiểu rõ mục đích và thể lệ thi đua, và ai nấy đều hăng hái, phấn khởi tham gia.

Cán bộ, đảng viên phải là những người hăng hái tích cực vận động quần chúng tham gia thi đua và cùng họ xung phong đi đầu làm gương mẫu cho mọi người trong phong trào thi đua yêu nước. Khi đã bắt đầu thi đua phải chú ý xem ai tài giỏi, tích cực, hy sinh nhất, công việc có kết quả nhất, cách làm việc tiến bộ nhất, để kịp thời nêu gương khen thưởng, ai làm kém thì phải phạt. Phải thường xuyên nêu thành tích thi đua, để làm cho nơi này thi đua với nơi khác, để tất cả cùng cố gắng. Phổ biến những điển hình, tấm gương cá nhân, tập thể và những kinh nghiệm trong phong trào thi đua.

5. Đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phong trào thi đua yêu nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng”9. Cần đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, có sự phối hợp giữa Đảng, chính quyền với các đoàn thể nhân dân, sao cho các mặt hoạt động thi đua nhịp nhàng, ăn khớp với nhau, cùng hướng đến  mục tiêu thi đua nhằm hoàn thành tốt những nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước đề ra.

Sự lãnh đạo đúng là một đòi hỏi tất yếu của phong trào thi đua. Để phong trào thi đua phát triển rộng rãi, mạnh mẽ, liên tục, thu được hiệu quả cao, cần có sự lãnh đạo thống nhất và có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với các đoàn thể nhân dân, đảm bảo các mặt hoạt động thi đua đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu đã định theo đúng đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Lãnh đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua; đảng viên phải gương mẫu đi trước lôi cuốn mọi người noi theo với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”10.

Có sự lãnh đạo đúng mới uốn nắn và kịp thời điều chỉnh những lệch lạc, sai sót trong tổ chức phong trào thi đua. Trong thư gửi Đại hội tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa toàn miền Bắc họp ngày 20/6/1963, Người yêu cầu: “Việc lãnh đạo phải làm tốt hơn hiện nay. Phải có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, toàn diện và chu đáo... Trong việc lãnh đạo, các cấp ủy đảng, công đoàn và Đoàn thanh niên cần phải giải thích cặn kẽ cho mọi người lao động hiểu thấu Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng... Lãnh đạo cần phải kết hợp chặt chẽ phong trào lao động xã hội chủ nghĩa trong phong trào chung thi đua yêu nước và hai cuộc vận động lớn”11.

Trong công tác lãnh đạo, khi phát động phong trào thi đua, phải có mục tiêu cụ thể với từng đối tượng, từng ngành, từng giới. Thi đua ngắn ngày hay dài ngày, từng đợt hay nhiều đợt... đều phải có tổng kết đánh giá kết quả của từng đợt thi đua. Người chỉ rõ: “Lãnh đạo phải cụ thể, phải kịp thời, phải thiết thực, phải có trọng điểm và nắm điển hình”12. Có như vậy, việc phát động thi đua mới có ý nghĩa, mới tìm ra được những cá nhân tích cực, sáng tạo, những tập thể biết đoàn kết khắc phục khó khăn để trở thành điển hình tiên tiến, đồng thời cũng chỉ ra được những cá nhân thiếu tích cực, yếu kém, những tập thể bị chia rẽ, hoạt động không có hiệu quả, từ đó có biện pháp khắc phục.

Một trong những nội dung lãnh đạo của Đảng đối với phong trào thi đua mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra là cần phải chú ý đến công tác kiểm tra, kiểm soát. Người thường xuyên nhắc nhở phải thực hiện việc kiểm tra cho đúng, nhằm khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm trong các phong trào thi đua yêu nước. Cán bộ lãnh đạo cần khuyến khích, giúp đỡ, kiểm tra, sửa chữa hoặc bổ sung kịp thời. Tùy công việc mà định kỳ hạn tổng kết kinh nghiệm, khen thưởng hoặc phê bình, khen thưởng. Sau mỗi đợt thi đua phải có kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi.

6. Mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng

Cùng với thi đua yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác khen thưởng. Ngay từ khi mới giành được chính quyền, ngày 26/01/1946, Người đã ban hành Quốc lệnh quy định 10 điểm thưởng và 10 điểm phạt, đây có thể coi là văn bản mang tính pháp lý đầu tiên về công tác khen thưởng. Người quan niệm rằng, đã có thi đua thì phải có khen thưởng. Để nuôi dưỡng phong trào thì sau mỗi đợt thi đua phải tiến hành sơ kết, tổng kết, đúc rút, phổ biến kinh nghiệm, sáng kiến và cuối cùng, khâu quan trọng là biểu dương, nêu gương, khen thưởng.

Người cho rằng: “Những chiến công và thành tích nổi bật, vang dội thì ai cũng có thể thấy được. Còn những việc nhỏ, bình thường thôi, nhưng ích nước lợi dân, thì hay bị xem thường... Người tốt, việc tốt nhiều lắm. Ở đâu cũng có. Ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có”13. Những người tốt, việc tốt đó cần và rất đáng được biểu dương, động viên, khen thưởng kịp thời và đúng mức để khuyến khích mọi người hăng hái làm những việc ích nước, lợi nhà. Bởi vì, nêu gương chính là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta mà Người đã nhận thức hết sức sâu sắc điều này “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”14.

Về cách khen thưởng, cần phải linh hoạt, sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, đơn vị và quan trọng hơn là phải kịp thời mới phát huy hiệu quả, ý nghĩa của công tác này: “Đối với anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua được Đảng và Nhà nước khen thưởng phải qua nhiều cấp, nhiều ngành cân nhắc, xét duyệt. Còn với người tốt làm những việc tốt thì việc khen thưởng có thể đơn giản hơn”15. Người cũng phê phán các cấp ủy đảng chưa dành sự quan tâm đúng mức đến công tác này, đó là: “… làm theo lối hành chính, chuyển cho người được khen như chuyển một cái công văn. Hoặc cho vào ngăn kéo cất kỹ, quên không trao cho người được thưởng! Đó là những cán bộ không biết làm việc, hoặc có cái nhìn không đúng. Những chiến công và thành tích nổi bật, vang dội thì ai cũng có thể thấy được. Còn những việc nhỏ, bình thường thôi, nhưng ích nước lợi dân, thì hay bị xem thường”16.

Thi đua và khen thưởng có mối quan hệ khăng khít với nhau. Thi đua là cơ sở của việc khen thưởng, khen thưởng là kết quả của công tác thi đua. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch. Khen thưởng chính xác, kịp thời có tác dụng động viên, giáo dục và nêu gương, đồng thời cổ vũ thi đua phát triển lên tầm cao mới. Ngược lại, nếu khen thưởng không đúng, không kịp thời sẽ triệt tiêu động lực, thậm chí còn gây hậu quả xấu đối với công tác thi đua. Vì vậy, việc đánh giá, bình chọn danh hiệu thi đua và xét khen thưởng phải đúng người, đúng việc, phải căn cứ vào tiêu chuẩn cụ thể, dựa trên nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch. Người yêu cầu: “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”17.

Kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và khen thưởng, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo phong trào thi đua và công tác khen thưởng, thể hiện qua các chỉ thị, nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng đã được ban hành và đi vào cuộc sống. Nhiều phong trào thi đua được phát động, khơi dậy và nhân rộng. Từ những phong trào này, đã xuất hiện những tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua và các tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, phát huy sức mạnh và sức sáng tạo của con người Việt Nam; tạo động lực mạnh mẽ và góp phần thiết thực vào những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trong những năm qua.

Vì vậy, trong thời gian tới, để tổ chức phát động phong trào thi đua có hiệu quả, cần quán triệt và vận dụng đúng đắn phương pháp thi đua mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn, tránh tình trạng tổ chức, phát động thi đua theo lối khoa trương, hình thức. Thi đua phải có mục tiêu cụ thể, có tổ chức giám sát, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng kết. Phải động viên, khen thưởng kịp thời, xứng đáng cho cá nhân, tập thể lập thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, đồng thời phải tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để phong trào thi đua kế tiếp đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn. Cần đổi mới cách thức, biện pháp tổ chức phát động thi đua theo hướng thiết thực, tiết kiệm, tránh bệnh thành tích trong thi đua, phát động các phong trào thi đua phải phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt chú ý phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người lãnh đạo, người đứng đầu; xây dựng môi trường thi đua dân chủ, bình đẳng; từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để bảo đảm hành lang pháp lý cho công tác thi đua, khen thưởng.

Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể có thành tích thi đua, nỗ lực phấn đấu, sáng tạo trong lao động học tập và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với các đối tượng vi phạm quy chế, vi phạm Luật Thi đua, khen thưởng… có như vậy, thi đua mới trở thành phong trào của quần chúng rộng khắp và thực sự có ý nghĩa./.

PGS, TS. Nguyễn Xuân Trung - Học viện Chính trị khu vực I,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
TS. Đoàn Mạnh Hùng - Học viện Chính trị khu vực I,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí điện tử Tổ chức nhà nước
Tâm Trang (st)

---------------------

Ghi chú:

1, 2, 3, 6, 7, 8, 9. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.407, tr.405-406, tr.201, tr.146, tr.146, tr.146, tr.146.
4, 5. Sđd, tập 6, tr.169, tr.169.
10, 13, 15, 16. Sđd, tập 15, tr.546, tr.663, tr.662, tr.662.
11. Sđd, tập 14, tr.125.
12. Sđd, tập 10, tr.213.
14. Sđd, tập 1, tr.284.
17. Sđd, tập 4, tr.189.

Bài viết khác: