1. Chính phủ: Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2020

Tại Nghị quyết này, về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2020; phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong bối cảnh dịch COVID-19 trên toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 năm 2020 tiếp tục đã phục hồi với nhiều dấu hiệu khởi sắc. Kinh tế vĩ mô ổn định; CPI tiếp tục xu hướng giảm dần, bình quân 11 tháng tăng 3,51%; thị trường tiền tệ ổn định, tín dụng tăng, lãi suất cho vay ở mức thấp; thị trường chứng khoán diễn biến thuận lợi, niềm tin của nhà đầu tư được nâng cao. Kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng đạt 489,7 tỷ USD, tăng 3,59% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 5,5%, nhập khẩu 11 tháng tăng 1,6%, chủ yếu là nhập khẩu nhóm tư liệu sản xuất, thể hiện chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa quốc tế đang dần được kết nối trở lại; xuất siêu đạt kỷ lục 20,1 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, đạt 71,4% kế hoạch giao; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 17,2 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp phục hồi rõ nét; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 11,9%. Sản xuất nông nghiệp tuy bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, dịch bệnh nhưng vẫn phát triển ổn định; tại các vùng bị thiên tai, bão lũ sản xuất nông nghiệp đang từng bước được phục hồi.

Hoạt động thương mại, dịch vụ khởi sắc do cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tăng 8,5%, tính chung 11 tháng tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới tháng 11 tăng 7,3%, vốn đăng ký tăng 72% so với tháng 10. Thị trường lao động đang dần phục hồi, nhất là đối với những lĩnh vực bị đút gãy, chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức nhằm tôn vinh, tri ân các nhà giáo. Công tác an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe của nhân dân được quan tâm. Đời sống nhân dân ổn định, số lượt hộ thiếu đói giảm 15,9%. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng, tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN 37, ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) tạo thêm không gian phát triển kinh tế và cơ hội tiếp cận thị trường mới, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta vẫn đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới và tiếp tục ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta; trong nước đã xuất hiện ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Sản xuất công nghiệp tuy tiếp tục tăng trưởng nhưng vẫn ở mức thấp. Dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành phục hồi chậm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn ở mức cao. Thiên tai, bão lũ, sạt lở đất và dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Trong thời gian còn lại của năm 2020, để tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2020, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt “mục tiêu kép” trên tinh thần ưu tiên bảo vệ sức khỏe của người dân, không được lơ là, chủ quan; đồng thời thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tạo tiền đề vững chắc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát tình hình thế giới, khu vực để có phương án, giải pháp và đối sách phù hợp, kịp thời vừa phòng chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội dịp cuối năm. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19. Chủ động đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp và tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết, bảo đảm triển khai đồng bộ, hiệu quả kế hoạch 2021 ngay từ đầu năm trong bối dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường. Thực hiện nghiêm Công điện số 1699/CĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19, trong đó tiếp tục thực hiện chiến lược kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để, điều trị hiệu quả ở trong nước, thần tốc, quyết liệt hơn nữa để truy vết, phát hiện và xử lý các ca lây nhiễm, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường, không hoang mang nhưng không được chủ quan. Tăng cường công tác quản lý giá cả, bình ổn giá, đảm bảo cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19. Khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13 tháng 3 năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để kịp thời hỗ trợ phù hợp cho tổ chức, cá nhân vay vốn gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Bộ Tài chính xây dựng Nghị định hướng dẫn việc cho phép tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp, tổ chức đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho năm 2020, năm 2021 theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị quyết số 128/2020/QH14 ngày 12/11/2020 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 theo trình tự, thủ tục rút gọn; trình Chính phủ trong tháng 01 năm 2021.

Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch COVID-19; sớm có phương án về việc sản xuất, mua vắc-xin, báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định…

Bộ Quốc phòng nắm chắc diễn biến tình hình, chủ động ứng phó, kịp thời xử lý các tình huống, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ. Thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Bộ Công an chủ động đấu tranh, ngăn chặn âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động; bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện lớn của đất nước. Tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống tội phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chiếm đoạt hàng cứu trợ, tín dụng đen, xuất nhập cảnh trái phép...Tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức tổng kết, đánh giá việc Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại, bảo hộ công dân, nhất là tại các nước dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp…

2. Bộ Y tế: Quyết định 5188/QĐ-BYT ngày 14/12/2020 về việc ban hành Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” thay thế “Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona 2019 (COVID-19) trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban hành kèm theo Quyết định số 468/QĐ-BYT ngày 19/2/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

P28
Ảnh minh họa/Internet

Theo Hướng dẫn, SARS-CoV-2 chủ yếu lây truyền qua đường giọt bắn trong phạm vi gần với người nhiễm SARS-CoV-2 và qua đường tiếp xúc. Lây truyền qua đường không khí có thể xảy ra tại các khu vực thực hiện các thủ thuật tạo ra khí dung, đặc biệt trong phạm vi gần (<2 mét) và trong khu vực kín, thông khí kém.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vắc xin đang nghiên cứu và sử dụng ở một số quốc gia nên các biện pháp quan trọng trong phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 vẫn là mang khẩu trang, vệ sinh tay, vệ sinh bề mặt môi trường, giữ khoảng cách, tránh tụ tập đông người.

Nguyên tắc phòng ngừa lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là: 1- Thực hiện phòng ngừa chuẩn kết hợp với phòng ngừa qua đường tiếp xúc và đường giọt bắn trong thăm khám, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2; 2- Áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây truyền qua đường không khí khi thực hiện thủ thuật có tạo khí dung trên người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2; 3- Kiểm soát tốt thông khí, môi trường, vệ sinh tay, sử dụng đầy đủ và đúng phương tiện phòng hộ cá nhân là các biện pháp quan trọng nhất trong phòng ngừa lây nhiễm.

Phòng ngừa chuẩn bao gồm các biện pháp sau:

- Vệ sinh tay theo 5 thời điểm vệ sinh tay và theo kỹ thuật vệ sinh tay 6 bước.

- Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp tùy theo tình huống như khi xử lý máu, dịch tiết, chất tiết hay khi dự kiến sẽ tiếp xúc với máu, dịch tiết, chất tiết.

- Thực hiện quy tắc vệ sinh hô hấp khi ho, hắt hơi.

- Thực hiện dự phòng tổn thương do vật sắc nhọn trong khi chăm sóc người bệnh.

- Xử lý dụng cụ chăm sóc người bệnh tái sử dụng đúng quy trình.

- Thu gom, vận chuyển, xử lý đồ vải bẩn, an toàn.

- Vệ sinh môi trường chăm sóc người bệnh.

- Xử lý chất thải đúng quy định.

- Sắp xếp người bệnh an toàn.

+ Xếp người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 có tình trạng bệnh nặng vào phòng cấp cứu khu cách ly hoặc phòng cách ly có đầy đủ phương tiện cấp cứu riêng biệt.

+ Xếp người bệnh không có biểu hiện nặng vào buồng riêng hoặc có thể sắp xếp theo nhóm cùng bệnh chung buồng.

+ Không xếp người có xét nghiệm SARS-CoV-2 (+) với những người nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2.

Các cơ sở khám chữa bệnh triển khai thực hiện nghiêm các quy định về phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm bệnh dịch do Bộ Y tế ban hành.

Cần huy động tất cả nguồn lực cho kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2; cứu chữa người mắc bệnh, phòng ngừa lây nhiễm sang người khác và hạn chế tử vong; chủ động phối hợp với các lực lượng khác khoanh vùng ổ dịch, vận chuyển, cấp cứu, cách ly, điều trị người bệnh, xử lý môi trường ổ dịch kịp thời.

3. Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải: Chỉ thị số 5369/CT-CHK ngày 08/12/2020 về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt trên tàu bay trong giai đoạn hiện nay

Chỉ thị nêu rõ, tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực bao gồm cả nguy cơ lây nhiễm chéo giữa hành khách và hành khách cũng như hành khách và tổ bay trong suốt chuyến bay do không chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội xuân 2021 nhu cầu vận tải hành khách bằng đường hàng không sẽ gia tăng.

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) yêu cầu các Hãng hàng không, các Cảng vụ hàng không và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp tại Công điện 1711/CĐ-TTg ngày 07/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội xuân 2021.

Ngoài các nhiệm vụ, giải pháp đã đươc nêu tại Chỉ thị số 5244/CT-CHK ngày 01/12/2020 của Cục trưởng Cục HKVN về việc tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly và phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Cục trưởng Cục HKVN yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam  triển khai quyết liệt việc yêu cầu tất cả các hành khách tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch trước khi lên tàu bay và trong suốt chuyến bay, đặc biệt đeo khẩu trang trên các chuyến bay.

Yêu cầu tất cả hành khách phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch trước khi lên tàu bay và trong suốt chuyến bay, đặc biệt đeo khẩu trang trên các chuyến bay.

Thông báo tới hành khách tại quầy làm thủ tục checkin và phát thanh trên tàu bay về việc nếu vi phạm các quy định về phòng chống dịch sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 8, Nghị định số 162/2018/NĐ-CP ngày 30/11/2018 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng (Nghị định 162/2018/NĐ-CP), mức phạt đến 3.000.000 đồng; Phối hợp với Cảng vụ hàng không liên quan để kịp thời xử lý các trường hợp hành khách vi phạm theo trình tự quy định tại Điều 37, Nghị định 162/2018/NĐ-CP.

Cục trưởng Cục HKVN  yêu cầu Cảng vụ hàng không thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp nêu tại Mục 2.1 theo quy định tại Điều 37, Nghị định 162/2018/NĐ-CP và triển khai các nội dung nêu trên đến các hãng hàng không quốc tế khai thác trên địa bàn.

Thu Hiền (tổng hợp)

 

Bài viết khác: