Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Bộ đội Cụ Hồ - danh hiệu nhân dân vinh tặng, là niềm tự hào rất lớn đối với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ được hình thành và tỏa sáng trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, phát triển của Quân đội ta, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Đức hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là một trong những chuẩn mực hàng đầu của Bộ đội Cụ Hồ. Thực tiễn đã chứng minh, trong kháng chiến, mọi quân nhân luôn nêu cao tinh thần yêu nước, căm thù giặc, sẵn sàng đánh đổi tính mạng của mình giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đức hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ là tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”...

Ngày nay, đức hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ được thể hiện ngay trong quá trình thực hiện các chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất. Cán bộ, chiến sĩ không quản khó khăn, thử thách, hiểm nguy, thực hiện nghiêm túc 10 lời thề danh dự của quân nhân, 12 điều kỷ luật khi quan hệ với nhân dân, khi có lệnh là lên đường, sẵn sàng xông pha vào những nơi gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ; vượt mọi khó khăn, tự lực, tự cường nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, thậm chí chấp nhận đánh đổi cả tính mạng của mình để huấn luyện giỏi, SSCĐ cao, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; không quản khó khăn, gian khổ cứu giúp nhân dân; vượt qua nguy hiểm, ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống... Tiêu biểu như: Trong phòng, chống đại dịch Covid-19, cán bộ, chiến sĩ quân đội vượt mọi nguy khó, tiến hành tiêu độc, tẩy trùng ở vùng tâm dịch; nhiều cán bộ, chiến sĩ gác việc riêng, bám chốt trên biên giới kiểm soát đường mòn, lối mở phòng, chống dịch... Hay trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn xung kích đi đầu theo tinh thần “Cứu dân là mệnh lệnh trái tim”. Từ sĩ quan cấp tướng đến người chiến sĩ sẵn sàng xông pha nơi hiểm nguy, chấp nhận hy sinh vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Tinh thần, ý chí và những việc làm sinh động, cụ thể trên thực tế ấy đã được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, ngày càng làm sâu sắc hơn, tỏa sáng hơn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới.

tran quy duc hy sinh
Không quản ngày đêm, mưa nắng, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Trịnh Tường (BĐBP tỉnh Lào Cai) luôn thường trực, kiên cường bám chốt, giám sát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Ảnh: qdnd.vn

Đức hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ được khởi nguồn từ mục tiêu, lý tưởng cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Trong chiến tranh, cũng như trong thời bình, nhờ có mục tiêu, lý tưởng cách mạng rõ ràng mà cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì cũng tận tâm, tận lực, thi hành nhanh chóng và chính xác. Cũng nhờ có mục tiêu, lý tưởng cách mạng, lý tưởng sống vì cộng đồng, chung tay xây dựng đất nước mà lớp lớp thanh niên mong muốn được rèn luyện trong môi trường quân ngũ. Chặng đường 76 xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng của quân đội chưa thể thống kê đầy đủ có bao nhiêu lá đơn tình nguyện, xung phong nhập ngũ, trong đó có rất nhiều lá đơn viết bằng máu. Và khi đã được rèn luyện trong môi trường quân đội, mang trong mình bản chất giai cấp công nhân, đức hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ thì mọi quân nhân đều vững vàng hơn trong cuộc sống. Nhiều quân nhân được giáo dục, rèn luyện ở các đơn vị quân đội, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đã trở thành những cán bộ nòng cốt ở cơ sở, những doanh nhân thành đạt có đóng góp tích cực cho quê hương, đất nước.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trước sự chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động trong và ngoài nước đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội; trước tác động của mặt trái kinh tế thị trường, một số người còn có cách nhìn phiến diện, chủ quan, thậm chí phủ nhận đức hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ. Có người cho rằng, môi trường quân đội hà khắc, khổ ải, sự hy sinh giữa thời bình là không đáng có, từ đó dẫn đến tình trạng phản đối hoặc không muốn con em mình được rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành trong quân ngũ. Nguy hiểm hơn, những luận điệu tuyên truyền sai trái, xuyên tạc kia đã làm cho một số thanh niên phai nhạt lý tưởng, thiếu niềm tin, tìm nhiều lý do, mánh khóe trốn tránh nghĩa vụ quân sự...

Những biểu hiện, suy nghĩ lệch lạc đó của một số cá nhân cần phải kiên quyết phê phán. Bởi đức hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ là vì Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân (trong đó có gia đình, người thân và bản thân những người có suy nghĩ lệch lạc kia), vì sự phát triển của đất nước và vì chính sự tiến bộ của từng cán bộ, chiến sĩ trong quân đội. Do đó, để đức hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ là giá trị vĩnh hằng, phát huy hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân, trước tiên cần phải đề cao công tác giáo dục mục tiêu, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, động viên, khích lệ thanh niên và toàn dân có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội.

Chúng ta đều biết, mục tiêu, lý tưởng cách mạng không thể tự nó trở thành tiềm thức của mỗi người nói chung, mỗi quân nhân nói riêng mà là kết quả của công tác giáo dục, rèn luyện bền bỉ, khoa học với nội dung phong phú, thiết thực. Bởi vậy cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, tình hình nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, về “đối tác”, “đối tượng” của cách mạng Việt Nam. Tập trung giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tình cảm cho thế hệ trẻ trong tự rèn luyện, tu dưỡng, có ý chí phấn đấu vươn lên, lạc quan, không ngại khó khăn, gian khổ, luôn nghiêm khắc và yêu cầu cao với chính mình, luôn biết đặt cho mình những mục tiêu rèn luyện, tu dưỡng, biết sống và cống hiến vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Các cơ quan, đơn vị quân đội tập trung thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới”. Tích cực đấu tranh với những biểu hiện sai trái, xuyên tạc phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Tăng cường giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm của chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động đã và đang ráo riết tiến hành; ngăn ngừa văn hóa xấu độc xâm nhập vào đơn vị. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội cần tích cực, tự giác phấn đấu, rèn luyện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện lười học tập, ngại rèn luyện, phấn đấu cầm chừng, thỏa mãn, dừng lại...

Đức hy sinh là giá trị nhân cách của quân nhân cách mạng, một trong những chuẩn mực cao quý nhất của Bộ đội Cụ Hồ. Bởi vậy, việc bồi đắp, phát huy cao độ đức hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, giữ vững bản chất cách mạng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Như mong muốn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI: “Toàn quân tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc và của quân đội, mãi mãi xứng danh là "Bộ đội Cụ Hồ", mãi mãi xứng danh là Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, mãi mãi bách chiến, bách thắng, lập nhiều chiến công mới, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu của chúng ta, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta”.

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944/22-12-2020), 31 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989/22-12-2020), nhìn lại chặng đường vẻ vang xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của quân đội với những truyền thống hào hùng, được nhân dân luôn tin yêu, quý trọng và bạn bè quốc tế mến phục, chúng ta càng thêm trân quý đức hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ.

Quang Thắng - Minh Đăng

Theo Báo điện tử Quân đội nhân dân

Tâm Trang (st)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: