Suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh phấn đấu không mệt mỏi cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.

Sớm nhận thức sâu sắc được vai trò của quần chúng, sau khi tìm thấy con đường cứu nước trong thời đại mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở về nước, đi vào quần chúng, vận động, tập hợp, tổ chức quần chúng, lãnh đạo quần chúng đấu tranh cách mạng giành lại độc lập, tự do. Đến khi trở thành lãnh tụ của Đảng và Nhà nước, cũng vẫn là một Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì thực hiện mối liên hệ với quần chúng, gắn bó máu thịt với quần chúng.

Vai trò của quần chúng nhân dân

Là người hiểu rất rõ: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”, và “người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của họ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của học thuyết Mác-Lênin về công tác vận động quần chúng kiểu mới, trang bị cho lớp cán bộ cốt cán đầu tiên của cách mạng Việt Nam một phương pháp vận động quần chúng khoa học. Sau đó, đội ngũ cán bộ ấy đã trở về nước, hoạt động cách mạng trong lòng nhân dân, tổ chức quần chúng, “nếm mật nằm gai” cùng quần chúng đấu tranh, tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng một đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh.

Thấm nhuần lời của cổ nhân “chở thuyền cũng là dân”, “lật thuyền cũng là dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng sự nghiệp cách mạng là của dân, do dân và “không có sự đồng tình ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình, tức là đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thành công”. Cũng theo lời Người, giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền, xây dựng một đất nước Việt Nam mới còn khó khăn, phức tạp hơn gấp nhiều lần: “Trong việc phá hoại chống kẻ thù đòi độc lập thì dễ dàng kéo cả toàn dân. Trong việc kiến thiết thì khó kéo hơn”, vì nó đụng chạm đến quyền lợi riêng của một đôi giai tầng trong nước. Hơn nữa, Người đã nói: “Chúng ta phải thật thà thừa nhận rằng kinh nghiệm chúng ta còn ít, tài năng chúng ta còn kém, mà công việc thì nhiều”, nên để “thuyết phục quần chúng một cách có lý, có tình, làm cho họ hiểu để... việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ”, thì không thể không làm tốt công tác dân vận.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra vị trí “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân chính là người cán bộ, đảng viên, bởi chính họ là người đem đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ đến với nhân dân, đồng thời cũng là người lãnh đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nên nhấn mạnh: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công và thất bại của chính sách đó là do cách tổ chức công việc, do nơi lựa chọn cán bộ, do nơi kiểm tra. Nếu ba điểm ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”. Vì vậy, muốn tổ chức công việc tốt, người cán bộ, đảng viên phải tuyệt đối trung thành với Đảng, phải có năng lực lãnh đạo, khả năng tổ chức thục hiện và nhất định phải quán triệt những nguyên tắc của công tác dân vận - liên hệ mật thiết với nhân dân, luôn gần dân, hiểu tâm tư nguyện vọng của dân... Tuy nhiên, dường như cùng với thời gian, những điều Người cảnh báo về những hiện tượng chưa thực sự “vì dân”, “ngày càng xa dân”, “coi khinh công tác dân vận” của cán bộ, đảng viên từng được nêu trong các tác phẩm: Thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (năm 1945), Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà (năm 1947),  Thư gửi các đồng chí Trung Bộ, Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Cần kiệm liêm chính (năm 1949)... đã không được khắc phục kịp thời, mà những vấn nạn đó ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Thực tế là, khi Đảng cầm quyền, dù đa số cán bộ, đảng viên tại các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể vẫn thực sự là những “công bộc”, hết lòng tận tụy phục vụ nhân dân, thì cũng đã có không ít người “lên mặt làm quan cách mạng, miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối quan chủ, miệng nói phụng sự quần chúng, khi làm thì trái ngược với lợi ích của quần chúng”. Họ đã không lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đã tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền, xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh, không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu khó học tập để tiến bộ, và thường thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, dần càng rời xa nhân dân... Họ đã làm trái ngược nguyên tắc "phải gắn bó máu thịt với nhân dân", làm cho nhân dân hoang mang, oán Chính phủ và Đảng.

Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nói rằng: "Đảng cầm quyền nhưng dân là gốc, dân là chủ" nên mọi công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do, dân chủ, hạnh phúc cho mọi người. Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải lấy dân làm gốc, coi dân là chủ, đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy: Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh, mà còn yêu cầu cán bộ từ Chủ tịch nước trở xuống đều phải là đày tớ trung thành của nhân dân trên tinh thần: "Dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, uỷ viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng"...

Phong cách quần chúng

Trước những thiếu sót, sai lầm "rất to, rất có hại" của các địa phương, của đội ngũ cán bộ, đảng viên về công tác dân vận, để "đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân", nhằm chỉnh đốn lại nội bộ Đảng và thông qua chỉnh đốn Đảng để tăng cường xây dựng Đảng, ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh (bút danh X.Y.Z) đã kịp thời cảnh báo và nêu rõ những nội dung cốt lõi về tư tưởng dân vận qua tác phẩm Dân vận đăng trên Báo Sự thật  ngày 15-10-1949. Trong đó

Người khẳng định:

"Nước ta là nước dân chủ Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân".

Vì "lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công" nên người cán bộ, đảng viên phải luôn gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, để cổ vũ, động viên nhân dân và phát huy được nguồn sức mạnh nội lực của lực lượng "dời non, lấp bể" này trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Muốn vậy, phải làm tốt công tác dân vận, phải "vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho".

Người đã từng nhiều lần nhấn mạnh rằng: Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước dù đúng đắn, nhưng nếu không được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân thì rất khó đi vào hiện thực cuộc sống. Nhưng muốn được nhân dân ủng hộ, thì không chỉ dùng cách tuyên truyền bằng sách, báo, mít tinh, nghị quyết hay khẩu hiệu, mà "phải đưa chính trị vào giữa dân gian". Nghĩa là:

Thứ nhất: Phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu được rõ ràng những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chính là đem lại "lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được".

Thứ hai: Bất cứ công việc gì cũng phải bàn bạc và hỏi ý kiến, kinh nghiệm của quần chúng; giáo dục, động viên quần chúng, "khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hoá nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng".

Thứ ba: Trong lúc thi hành, phải theo dõi, đôn đốc, khuyến khích quần chúng thực hiện tốt chủ trương, đường lối đó.

Thứ tư: Cùng quần chúng bàn bạc, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, để có phê bình và khen thưởng kịp thời.

Cho nên, để khắc phục suy nghĩ: Việc gì cũng từ "trên dội xuống", dùng mệnh lệnh, chỉ thị để lãnh đạo, "thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều. Ngồi một nơi chỉ tay năm ngón không chịu xuống địa phương kiểm tra công tác... Những chỉ thị, nghị quyết cấp trên gửi xuống các địa phương có thực hiện được hay không, các đồng chí cũng không biết đến" - "Cái lối làm việc như vậy rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi, đến chốn", thì bất cứ việc to, việc nhỏ gì cũng đều phải thực hiện theo nguyên tắc "từ trong quần chúng ra. Về sâu nơi quần chúng" và "phải thật thà nhúng tay vào việc". Điều đó nghĩa là: Trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, đảng viên cũng phải chú trọng xem: người dân đang nghĩ gì? cần gì?... để đưa mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tế cuộc sống; để người dân được thụ hưởng những kết quả của các chủ trương, nghị quyết ấy. Muốn vậy, phải thực hiện lời Người: rất cần và nhất thiết phải khắc phục "khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại".

Để làm dân vận tốt, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc". Đó phải là những người luôn "tự mình phải làm gương mẫu cần, kiệm, liêm chính, để nhân dân noi theo", vì quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức, những người luôn lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ... Đồng thời, cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dân vận không phải là việc riêng của một hai người, một hai ban, ngành, đó phải là công việc của cả hệ thống chính trị, là "tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh...) đều phải phụ trách dân vận".

Tấm gương của Bác về phong cách quần chúng

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ luôn hết lòng yêu thương nhân dân, vì nhân dân phục vụ: "Người luôn luôn ở giữa quần chúng nhân dân, mang lại muôn vàn tình thân yêu cho con người". Bởi vậy, từ cách mạng thành công Người đã nói: "Trong nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa của chúng ta, tất cả mọi quyền lực đều là của nhân dân" và "nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ". Nhất quán nguyên tắc đó, trong 24 năm ở vị thế một nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh là "một vị lãnh tụ thực sự liên hệ sâu sắc với quần chúng, mà nói như vậy cũng không đủ, phải nói là một vị lãnh tụ kiệt xuất đã hòa sâu trong nhân dân Việt Nam, thực sự trở thành một thể thống nhất với nhân dân Việt Nam". Khó mà kể hết được những dòng ký ức của mỗi người về hình ảnh một Chủ tịch Hồ Chí Minh - mẫu mực về công tác dân vận... và thật sinh động, cụ thể, ngày 18-1-1967, khi nói chuyện với Lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện, Người đã căn dặn: "Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được... Dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó trăm lần dân liệu cũng xong".

Từ những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, từ tấm gương làm dân vận mẫu mực của Người và bài học quý giá Người căn dặn: "Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi", trong hơn 26 năm đổi mới, đã có nhiều nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước... về tăng cường công tác dân vận được ban hành. Và trên thực tế, các cấp chính quyền đã chú trọng, tăng cường công tác quần chúng; có những chính sách kịp thời khuyến khích, vận động người dân tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, tham gia phát triển kinh tế, xã hội... Đồng thời, việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, việc chính quyền phối hợp ngày càng chặt chẽ, thường xuyên với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cùng làm công tác dân vận, đã góp phần làm cho quyền làm chủ của người dân ngày càng được phát huy, tôn trọng./.


Theo Báo Hải Dương online

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: