Từ trung tuần tháng 9-1969, cứ tối tối, những chiếc ô tô chở một trọng lượng tương đương với khi “sử dụng thật” lặng lẽ rời Công trình 75A. Nhiệm vụ đặc biệt ấy được hai cán bộ của Tổng cục Hậu cần, nay đều đã ở độ tuổi bát thập - Trung tá Hoàng Đình Thinh, nguyên Đại đội trưởng Đại đội xe 29 và Trung tá Vũ Quốc Bình, nguyên Trợ lý Phòng Bảo vệ an ninh, kể lại với chúng tôi trong cuộc gặp mới đây...

Ba tháng thục luyện

Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, đề phòng chiến tranh có thể xảy ra trên cả nước, Trung ương Đảng quyết định di chuyển thi hài Bác từ Thủ đô Hà Nội lên K84 (Khu K9 ở Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội). Khác với những lần di chuyển trước, lần này, việc di chuyển thi hài Bác gặp rất nhiều khó khăn bởi địa hình khác biệt cũng như những yêu cầu về bảo đảm kỹ thuật như: Nhiệt độ, độ ẩm, độ rung xóc... Khi đó, Chuẩn úy Hoàng Đình Thinh được lựa chọn để chạy thử các loại xe.

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình, TP Hà Nội, ông Hoàng Đình Thinh bùi ngùi nhớ lại: “Khoảng trung tuần tháng 9-1969, tôi đang kiểm tra sổ sách thì một chiếc xe đỗ ngay trước cửa phòng. Hai cán bộ của Cục Bảo vệ (nay là Cục Bảo vệ an ninh Quân đội, Tổng cục Chính trị) yêu cầu tôi lên xe đi làm nhiệm vụ. Tôi đề nghị cho phép báo cáo lãnh đạo đơn vị thì nhận được câu trả lời không cần vì cấp trên đã biết rồi! Vậy là tôi được đưa đến Viện Quân y 108, gặp Cục trưởng Cục Bảo vệ Trần Kinh Chi”.

chuyen xe db 1
Chiếc xe ZIL-157 mang biển số 470-189 hiện được trưng bày tại Khu K9
 ( Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: Khánh An.

Đồng chí Trần Kinh Chi nhìn tôi, xác nhận tên tuổi và đơn vị, rồi hỏi: “Nghe nói đồng chí lái xe giỏi lắm?”. Câu hỏi ấy làm tôi nhớ lại quãng thời gian trước của mình. Tôi đã được lựa chọn đảm nhiệm việc đưa đón nhiều cán bộ của ta vào công tác ở mặt trận phía Nam hay đi đốc chiến dọc Trường Sơn. Biết bao đèo cao vực sâu, kể cả khi bom đạn địch líu ríu trên đầu, hay khi đêm đen mịt mờ, những con “chiến mã” 4 bánh đã cùng tôi đưa các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước đi về an toàn. Không đợi tôi trả lời, đồng chí Kinh Chi hỏi tiếp: “Thế xe hỏng đồng chí có sửa được không?”. “Báo cáo, phải tùy tình trạng của xe, nhưng với những lỗi đơn giản thì tôi sửa được”. Nghe tôi trả lời, đồng chí Kinh Chi gật gù rồi nói: “Kể từ đêm mai, đồng chí có nhiệm vụ chạy thử các loại xe, quãng đường khoảng 70km. Nhiệm vụ này phải được tuyệt đối giữ bí mật, ngay cả vợ con cũng không được cho biết!”.

Nhận nhiệm vụ, Chuẩn úy Hoàng Đình Thinh có phần hoang mang. Ông chỉ được giao về việc chạy thử xe, còn lại không biết thêm thông tin nào khác. Nhưng ông cũng không băn khoăn nhiều, là người lính, có nhiệm vụ là lên đường và phải tuân thủ tuyệt đối mệnh lệnh cấp trên.

Kể từ đó, cứ 10 giờ đêm là xe xuất phát từ Viện Quân y 108 lên Hòa Bình. Cùng với các thủ trưởng ngồi bên thị sát, khi là đồng chí Phùng Thế Tài (lúc đó là Phó tổng Tham mưu trưởng), khi là đồng chí Trần Kinh Chi, Hoàng Đình Thinh chăm chú vào công việc của mình. Ông bảo rằng, suốt mấy tuần liền đã phải chạy thử rất nhiều xe, từ Gaz-69, Volga, Lada, xe cứu thương dân sự, quân sự... Nhưng tất cả đều không đạt được yêu cầu đề ra. Nhiều đồng chí lái xe có kinh nghiệm từ các đơn vị cũng được triệu tập để có thêm ý kiến về việc chạy thử xe. Ông Hoàng Đình Thinh nhớ lại: “Một lần, tôi được yêu cầu lái chiếc Gaz-69 xuống một xưởng gỗ để đưa một hòm gỗ lên xe. Chiếc hòm gỗ được buộc dây xích sắt vào bốn góc rồi treo lên giữa thùng xe. Thủ trưởng Phùng Thế Tài yêu cầu tôi lái xe, còn ông sẽ vào... nằm thử bên trong hòm. Với kinh nghiệm nhiều năm lái xe đường dài, tôi biết như vậy sẽ rất mất an toàn bởi đường vào xưởng rất xóc nên đề nghị thủ trưởng không làm như vậy. Thủ trưởng Phùng Thế Tài vốn là người rất nóng tính lại kiên quyết, ông bảo tôi: “Sao cậu dám chỉ huy lại thủ trưởng?”, nhưng tôi nhất quyết: “Việc bảo đảm an toàn cho thủ trưởng, tôi phải chịu trách nhiệm nên nhất định thủ trưởng phải nghe tôi”. Cuối cùng tôi cũng thuyết phục được ông. Quả nhiên chỉ đi được khoảng 1 cây số từ xưởng gỗ ra, chiếc hòm gỗ không chịu được va đập đã vỡ nát trong thùng xe. Chúng tôi bị một phen hú vía!”.

chuyen xe db 2
Ông Hoàng Đình Thinh.

Sau đó, đồng chí Trần Kinh Chi đã nói rõ cho Hoàng Đình Thinh biết lý do của việc ông phải “học” lái xe lâu như vậy, đồng thời nhấn mạnh: Chuyên gia Liên Xô và cán bộ kỹ thuật của ta yêu cầu khi di chuyển thi hài Bác phải luôn ở trong môi trường có thông số nhiệt, ẩm ổn định, vô trùng, hạn chế rung xóc ở mức thấp nhất và thời gian di chuyển không được quá 4 giờ. “Sau quá trình chạy thử và bàn bạc thống nhất, cuối cùng xe ZIL-157 đã được lựa chọn. Đây là loại xe ba cầu có dung tích lớn, máy khỏe, độ rung xóc ít hơn tất cả các loại xe khác. Chọn được xe rồi lại phải nghĩ cách chống rung xóc tốt nhất. Chỉ sau 3 tuần, với sự trợ giúp của Đội 295, Cục Quản lý xe máy, Tổng cục Hậu cần (nay là Cục Xe - Máy, Tổng cục Kỹ thuật), chiếc xe ZIL-157 đã được biến đổi hình dạng phù hợp với yêu cầu đề ra. Hòm đặt thi hài Bác được đặt trên hệ thống lò xo và đệm cao su với độ cao thích hợp, áp lực bánh xe được tính toán để không làm ảnh hưởng đến tốc độ bình thường của xe mà còn góp phần giảm xóc”, ông Hoàng Đình Thinh cho biết.

Nằm thử trong quan tài

Đã bước sang tuổi 87, ông Vũ Quốc Bình vẫn rất minh mẫn. Ông nhớ lại, năm ấy, ông là người được chọn nằm thử trong quan tài để đo độ rung lắc cũng như các yếu tố có thể ảnh hưởng đến thi hài Bác. Trong vòng một tháng, đêm nào cũng vậy, ông Vũ Quốc Bình nằm thử trong một hòm gỗ dưới sự giám sát của đồng chí Trần Kinh Chi. “Có một chiếc điện thoại được nối trực tiếp từ buồng lái vào nơi tôi nằm. Cứ đi một đoạn, thủ trưởng Trần Kinh Chi lại gọi hỏi: “Xe thế nào?”. “Xóc lắm!”. “Xóc dọc hay xóc ngang?”. “Xóc ngang!”. “Xóc nhiều hay xóc ít?”. “Nhiều ạ!”... Tôi và ông cứ trao đổi như thế trong suốt hành trình. Xe chạy rất chậm. Tôi có cảm tưởng, từng mét đường đã được thủ trưởng Kinh Chi lưu lại để đến ngày chính thức chở thi hài Bác được trọn vẹn nhất!” -ông Bình nhớ lại.

chuyen xe db 3
Ông Vũ Quốc Bình.

23 giờ ngày 23-12-1969, chiếc xe ZIL-157 mang biển số 470-189 do ông Hoàng Đình Thinh cầm lái đã di chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84 an toàn. Ông Vũ Quốc Bình đêm hôm đó cũng được tháp tùng đoàn xe. Khi thi hài Bác được đưa xuống hầm, các chuyên gia y tế Liên Xô và Việt Nam bắt tay ngay vào công tác bảo quản thì các ông mới thở phào nhẹ nhõm.

Sáng hôm sau, ông Thinh và ông Bình trở về với công việc thường ngày. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thủ trưởng trực tiếp của các ông cũng không biết về nhiệm vụ này. Nhiều năm sau, khi Người đã về nằm trong Lăng, các ông mới kể lại chuyện cho vợ con nghe. “Sau này, anh Thinh chuyển công tác về một đơn vị của Tổng cục Kỹ thuật, còn tôi vẫn làm cán bộ bảo vệ an ninh đến ngày về hưu. Nhưng những năm tháng vinh dự được thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt đã trở thành động lực để chúng tôi nỗ lực, phấn đấu suốt cuộc đời. Và tôi luôn tin, chúng tôi đều đã được Bác chở che để mạnh khỏe, minh mẫn đến ngày hôm nay!”, ông Vũ Quốc Bình nói./.

Phạm Thu Thủy

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: