Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập tự do cho nước nhà.
Một chính quyền vừa thành lập, với rất nhiều khó khăn, thách thức, phải đối mặt thù trong, giặc ngoài, vì vậy, ngày 03/9/1945, Người đã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bao gồm: Khắc phục nạn đói; nạn dốt; giáo dục lại nhân dân với việc thực hiện cần, kiệm, liêm, chính; bỏ ba thứ thuế: Thuế thân, thuế chợ, thuế đò; thực hiện tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết và đặc biệt là phải tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu.
Để triển khai thực hiện những nhiệm vụ này, Người đã ký các sắc lệnh, cũng như chỉ đạo trực tiếp đối với từng nhiệm vụ. Riêng với nhiệm vụ thực hiện Tổng tuyển cử trong cả nước, Người đặc biệt quan tâm, chú trọng để xây dựng được một nNhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Đồng thời, Người đã viết nhiều bài báo kêu gọi những người có tài có đức ra ứng cử, đóng góp sức lực cho đất nước.
Đặc biệt, đến sát ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viết Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu (đăng Báo Cứu Quốc ngày 05/01/1946). Người khẳng định: “Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn” và kêu gọi “… mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân đi bầu cử (Ảnh tư liệu)
Bài viết “Tìm người tài đức” của Bác năm 1946 đăng trên Báo Cứu quốc số 411 ngày 20/11/1946.(Ảnh tư liệu)
Sắc lệnh số 76-SL ngày 18/12/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
về việc ấn định lại ngày Tổng tuyển cử và hạn nộp đơn ứng cử. (Ảnh tư liệu)
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ lâm thời cũng như cá nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 06/01/1946, trong cả nước, có 89% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu, nhiều nơi đạt 95%. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội, trong đó Hồ Chí Minh là ứng cử viên trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).
Trong cuộc đời mình, Bác Hồ là ứng cử viên đồng thời cũng là cử tri đi bầu cử 3 nhiệm kỳ Quốc hội, gồm: Quốc hội khóa I (1946 - 1960), Quốc hội khóa II (1960 - 1964) và Quốc hội khóa III (1964 - 1971). Ở cương vị ứng cử viên hay cử tri, Bác đều để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng dân tộc về tinh thần, trách nhiệm của một người công dân đối với đất nước.
Quốc hội khóa II là Quốc hội đầu tiên hoạt động hoàn toàn trong thời kỳ đất nước bị chia cắt, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Lao động Việt Nam (Ðảng Cộng sản Việt Nam ngày nay), nhân dân Việt Nam thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc và tiến hành sự nghiệp xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa: miền Bắc bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội và cùng miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Quốc hội khóa III, được tổ chức theo Hiến pháp năm 1960, là Quốc hội của thời kỳ đất nước thực hiện cả hai chiến lược cách mạng, thời kỳ chống Mỹ cứu nước "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để thắng giặc Mỹ xâm lược". Miền Bắc tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; Miền Nam đẩy mạnh cuộc đấu tranh giải phóng. Nhiệm kỳ của Quốc hội khóa III kéo dài từ tháng 6-1964 đến tháng 6-1971 là do hoàn cảnh có chiến tranh diễn ra trên phạm vi cả nước.
Quốc hội khóa IV đã tiếp tục động viên quân và dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: ở miền Nam tăng cường đấu tranh giải phóng dân tộc, ở miền Bắc kiên trì bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đánh thắng chiến tranh phá hoại của địch, động viên sức người, sức của cho tiền tuyến lớn đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai. Quốc hội khóa IV là Quốc hội chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, kiên trì và tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, là Quốc hội khôi phục kinh tế, hàn gắn những vết thương chiến tranh, chuẩn bị đưa đất nước tiến vào thời kỳ mới.
Quốc hội khóa V là quốc hội ngắn nhất, từ 4-1975 đến 4-1976, vì đã rút ngắn nhiệm kỳ để tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của đất nước thống nhất. Quốc hội khóa V thể hiện đầy đủ bản chất là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của khối đại đoàn kết toàn dân mà nòng cốt là liên minh công nông. Quốc hội quyết định kế hoạch Nhà nước năm 1976, năm thứ nhất của kế hoạch 5 năm lần thứ hai, mở đầu thời kỳ xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.
Quốc hội khóa VI là Quốc hội quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội khóa VI đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính quyền mới ở miền Nam, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất bảo vệ chính quyền trong điều kiện hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn quốc. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa VI đã thông qua Hiến pháp năm 1980.
Quốc hội khóa VII, được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp năm 1980, là Quốc hội của thời kỳ bắt đầu công cuộc đổi mới, đã đẩy mạnh công tác lập pháp, tăng cường công tác giám sát và việc quyết định các vấn đề quan trọng khác để đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện đất nước. Xác định nguyên tắc, phương hướng xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Quốc hội khóa VIII được bầu ra và hoạt động trong giai đoạn bước ngoặt của đất nước, có trách nhiệm to lớn góp phần thực hiện công cuộc đổi mới. Hoạt động lập hiến của Quốc hội khóa VIII có nhiều thành tựu với 2 lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1980. Tại kỳ họp lần thứ 11, tháng 4 năm 1992, Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, phù hợp với thực tế của đất nước và xu thế tiến bộ của thời đại trên cơ sở điều kiện, hoàn cảnh, đặc điểm của Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành về trình độ lập hiến của nước ta.
Quốc hội khóa IX được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp năm 1992. Quốc hội khóa IX đã tiến hành đồng bộ và có hiệu quả các hoạt động nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ về lập pháp, về giám sát và về quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, bảo đảm cho công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu to lớn, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới.
Quốc hội khóa X là Quốc hội của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước. Quốc hội khóa X có trọng trách tiếp tục thể chế hóacương lĩnh và chiến lược của Ðảng; cụ thể hóa đường lối, chính sách mà Ðại hội Ðảng lần thứ VIII và lần thứ IX đề ra.
Quốc hội khóa XI là Quốc hội của thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Quốc hội khóa XII được cử tri cả nước bầu ra ngày 20/5/2007 và hoạt động trong bối cảnh vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa có những khó khăn thách thức. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo sau hơn 20 năm, gần nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, cũng là 6 năm đầu tiên của thế kỷ XXI, đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cả về lý luận và thực tiễn trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước, tăng cường đoàn kết toàn dân tộc.
Kể từ Quốc hội khóa đầu tiên đến nay, Quốc hội nước ta đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Các thế hệ đại biểu Quốc hội luôn thể hiện và phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2021), hãy cùng nhìn lại những hình ảnh quý giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cuộc bầu cử Quốc hội.
Hồ Chủ tịch bỏ phiếu bầu cử các thành viên lãnh đạo Nhà nước và Quốc hội.
(Ảnh tư liệu)
Hồ Chủ tịch bỏ phiếu bầu cử Ban Thường trực Quốc hội.(Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Chính phủ tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (02/3/1946).(Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu Quốc hội đầu tiên của Hà Nội ra mắt cử tri tháng 02/1946. (Ảnh tư liệu)
Hồ Chủ tịch bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II tại Tiểu khu Trúc Bạch, khu phố Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận lá phiếu bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân khóa II ngày 08/5/1960. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi chuyện một cử tri cao tuổi sau khi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội Khóa II. (Ảnh tư liệu)
Hồ Chủ tịch trên Đoàn Chủ tịch kỳ họp thứ I, Quốc hội khóa II khai mạc ngày 07/7/1960. (Ảnh tư liệu)
Quốc hội khóa II, kỳ họp thứ nhất đã bầu Hồ Chủ tịch giữ chức Chủ tịch nước. Hồ Chủ tịch đã phát biểu cảm ơn Quốc hội và thông qua Quốc hội cảm ơn đồng bào đã tin tưởng giao cho người trách nhiệm nặng nề, vẻ vang là lãnh đạo đất nước. (Ảnh tư liệu)
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I đã quyết định sửa đội Hiến pháp, các đại biểu Quốc hội nhiệt liệt chào mừng
Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử làm Trưởng ban sửa đổi Hiến pháp. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến pháp sửa đổi năm 1960.(Ảnh tư liệu)
Hồ Chủ tịch trên đoàn Chủ tịch kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa II, họp tại Hà Nội từ 29/4 đến 4/5/1963. (Ảnh tư liệu)
Bác thăm khu vực bầu cử A.10, Khu Ba Đình, Hà Nội tháng 4 năm 1964. (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội và khu phố Ba Đình ngày 25/4/1965. (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ngày 27/4/1969. (Ảnh tư liệu)
Tâm Trang (tổng hợp)