Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất” là một trong số ít nhân vật trong lịch sử “trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống”1. Chính vì vậy, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa nhưng hình ảnh và tư tưởng của Người vẫn là tấm gương cao đẹp tỏa sáng chủ nghĩa nhân văn, kết tinh tình cảm, những ước mơ lớn của cả nhân loại. Để bày tỏ lòng tôn kính, ngưỡng mộ Hồ Chí Minh, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nơi trên thế giới đã tưởng niệm Người dưới nhiều hình thức: xây dựng tượng, tượng đài, khu tưởng niệm Hồ Chí Minh; đặt tên Người cho trường, lớp, đại lộ hoặc công viên; xuất bản và phát hành các ấn phẩm, sách báo, phim ảnh, nhạc về Hồ Chí Minh. Những công trình tưởng niệm ấy không chỉ ở những quốc gia mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống, hoạt động cách mạng hay thăm cấp nhà nước mà còn ở quốc gia Người chưa từng đặt chân đến như Cộng hòa Chile, một đất nước ở Nam Mỹ xa xôi nhưng hình ảnh và tư tưởng của Người đã là nhịp cầu hữu nghị nối liền Việt Nam với Chile cách đây hơn nửa thế kỷ.

Ngược dòng lịch sử trở về thập kỷ 60 của thế kỷ XX, nếu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, gắn liền tên tuổi Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp đã có tiếng vang sâu rộng ở khắp lục địa châu Phi, thì cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta lại tác động mạnh mẽ và có ý nghĩa huyền thoại đối với nhân dân các nước Mỹ Latinh. Bởi vào thời điểm bấy giờ, dưới con mắt của người dân Mỹ latinh, đế quốc Mỹ được coi là một nước “siêu hạng” về sức mạnh quân sự, bất khả chiến bại. Trên con đường bành trướng, đế quốc Mỹ coi “châu Mỹ là của người Mỹ” nên đã nhiều lần can thiệp vũ trang chống các nước Mỹ Latinh và lần nào cũng chiến thắng. Vậy mà, đế quốc hùng mạnh ấy lại bị một dân tộc nhỏ bé về dân số và diện tích, lạc hậu về kinh tế ở châu Á đánh bại. Sự kiện này làm rung động cả nước Mỹ, đồng thời tạo nên sự kính phục và yêu mến của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Sự thật đó đã khêu gợi sự tò mò và khao khát của nhiều bạn bè quốc tế muốn tìm hiểu về lịch sử và những kinh nghiệm của thực tế chiến đấu Việt Nam và được gặp con người huyền thoại - Hồ Chí Minh.

Tháng 5/1969, giữa những ngày tháng nóng bỏng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một đoàn đại biểu Chile tới thăm Việt Nam với tư cách là đoàn đại biểu nhân dân, đem tới cho nhân dân Việt Nam tình đoàn kết của nhân dân Chile, đồng thời tìm hiểu thực tế, nghiên cứu tại chỗ những kinh nghiệm chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Đoàn gồm 02 người: bác sĩ Salvador Allende, Chủ tịch Thượng nghị viện Chile, một trong những người sáng lập Đảng Xã hội Chile (1993) và Êdoado Paredet, một thanh niên mới tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại Pari, là Ủy viên Trung ương Đảng Xã hội Chile.

Là một nhà chính trị, đồng thời là một bác sĩ y khoa đã từng làm Bộ trưởng Y tế, trong thời gian hai tuần ở thăm Việt Nam, Allende đi nhiều nơi và rất chú ý tìm hiểu thực tế chiến đấu và những kinh nghiệm Việt Nam, đặc biệt là việc xây dựng một mặt trận đoàn kết dân tộc rộng rãi (lịch sử thành lập, cơ cấu và phương pháp làm việc của Mặt trận) và mạng lưới y tế để cấp cứu và điều trị những nạn nhân chiến tranh. Chuyến thăm Việt Nam của bác sĩ Allende đã có ảnh hưởng tích cực tới việc thành lập khối đoàn kết nhân dân (UP) và dẫn tới thắng lợi của cánh tả trong cuộc tổng tuyển cử ở Chile năm 1970.

Một trong những nguyện vọng thiết tha của Allende trong chuyến thăm Việt Nam là được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và nguyện vọng ấy được như ý nguyện. Đúng 8h sáng ngày 23/5/1969, tại căn phòng nhỏ trong khu Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp đoàn. Cùng tiếp đoàn còn có giáo sư Tôn Quang Phiệt, Tổng thư ký Quốc hội; đồng chí Hoàng Bắc, Tổng thư ký Ủy ban đoàn kết Á - Phi của Việt Nam. Sau khi thăm hỏi sức khỏe của các khách quý, và thay mặt nhân dân Việt Nam cảm ơn tình đoàn kết và sự ủng hộ của nhân dân Chile đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở phong bì lấy ra tấm ảnh chụp chung với các dũng sĩ diệt Mỹ nhỏ tuổi của miền Nam. Bác giới thiệu tên, tuổi và chiến công của từng người. Tiếp đó Người mở cuốn sổ tay và đọc những số liệu các cháu thiếu nhi đạt danh hiệu “cháu ngoan Bác Hồ” mỗi năm một tăng. Cuộc tiếp khách trong khoảng 45 phút. Trước khi chia tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng mỗi vị khách một tấm ảnh của Người (9cmx12cm) phía dưới có ghi: “Chào thân ái và quyết thắng” với chữ ký Hồ Chí Minh. Bác sĩ Allende tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh chiếc đĩa và tặng Thủ tướng chiếc gạt tàn thuốc lá bằng đồng. Sau này, khi là Tổng thống nước Cộng hòa Chile, tấm ảnh kỷ niệm đó là vật duy nhất được đặt trên bàn làm việc của bác sĩ Allende tại dinh Tổng thống Mônêda.

Ngay đêm hôm gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác sĩ Allende đã viết bài nói lên những cảm tưởng, suy nghĩ của mình sau những ngày tham quan Việt Nam, trong bài có đoạn: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là lịch sử, là người con đồng thời là người cha của cách mạng. Cuộc đời gương mẫu và nếp sống giản dị của Người đã khắc sâu trong tâm trí chúng tôi. Quyết tâm của Người được thể hiện qua những câu nói ngắn gọn, giản dị và trong sáng, chứa đựng lòng dũng cảm và ý chí quật cường của các thế hệ người Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những điều Chủ tịch nói với chúng tôi và những điều Người nhấn mạnh nói lên quyết tâm của cả một dân tộc, làm chúng tôi hiểu rõ vì sao dân tộc này chiến thắng”... “Trong cử chỉ cũng như trong lời nói, không có gì là kiêu kỳ mà chỉ toát ra một niềm tin mãnh liệt ở nhân dân... Chưa khi nào chúng tôi thấy sự giản dị và sự vĩ đại lại kết tinh ở một con người như Hồ Chí Minh. Tư tưởng và lời nói của Hồ Chí Minh chứa đựng sự đau thương và khí phách anh hùng của cả một dân tộc đã viết nên những trang sử anh hùng của mình. Nhưng sự dịu hiền tỏa ra từ mỗi cử chỉ, lời nói thì chỉ thấy ở Bác Hồ”2.

Chuyến thăm trải nghiệm hai tuần ở Việt Nam và cuộc gặp gỡ lịch sử với Chủ tịch Hồ Chí Minh là kỷ niệm vô cùng sâu sắc trong cuộc đời và sự nghiệp của Salvador Allende. Sau này khi Allende giữ cương vị là Tổng thống, một trong những quyết định đầu tiên của Chính phủ Chile là thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chấp nhận để Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đặt cơ quan đại diện tại Chile. Chile đã trở thành quốc gia đầu tiên của lục địa Nam Mỹ dang rộng cánh tay đón chào Việt Nam. Sự kiện này đã mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ của Nhà nước Việt Nam với Chile. Mặc dù thời gian có mặt ở Chile không dài - bị gián đoạn bởi cuộc đảo chính quân sự lật đổ Chính phủ hợp hiến tiến bộ của Tổng thống Salvador Allende tháng 9/1973 - nhưng cũng đủ để cho những cán bộ ngoại giao đầu tiên của Việt Nam ở Nam Mỹ cảm nhận được những tình cảm hữu nghị, đoàn kết nồng thắm của nhân dân Chile dành cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Tình đoàn kết hữu nghị ấy còn được thể hiện qua ca khúc “El Derecho de Vivir en Paz - Quyền được sống trong hòa bình” do Victor Lidio Jara Martinez (hay còn gọi là Victor Jara) sáng tác năm 1969. Victor Jara sinh ngày 28/9/1932. Ông là một trong những nhạc sỹ, ca sỹ, nhà giáo, đạo diễn sân khấu và nhà thơ nổi tiếng của Chile. Ông còn được biết tới như là một nhà hoạt động chính trị không mệt mỏi, dùng lời ca, tiếng hát của mình để chống lại sự bất công của chế độ tư bản và cuộc sống bị đầy đọa của những người lao động. Không chỉ dừng lại trong việc tham gia các tổ chức tiến bộ của giới tri thức, ông đã trở thành đảng viên Đảng cộng sản Chile, một trong những chính đảng cánh tả được tập hợp trong liên minh Đoàn kết nhân dân (UP) đã đưa Tổng thống Salvador Allende lên cầm quyền năm 1970. Sau cuộc đảo chính do tướng Augusto Pinochet cầm đầu ngày 11/9/1973, do hoạt động tích cực trong phong trào cánh tả, Victor Jara đã bị bắt, bị tra tấn và đã bị hành quyết dã man bởi 44 phát đạn ngày 16/9/1973.

Người thanh niên Chilê ưu tú anh dũng ấy chưa bao giờ được tiếp kiến Hồ Chí Minh. Anh chỉ biết về Người qua sách báo hay qua câu chuyện kể của Tổng thống Salvador Allende song đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ, sự tôn kính Người bằng khúc ca giàu cảm xúc và khi bị sát hại, anh đặt hình ảnh Hồ Chí Minh vào tim mình hô vang ‘‘Viva Hồ Chí Minh - Hồ Chí Minh muôn năm!” cho đến khi trút hơi thở cuối cùng dưới bàn tay đẫm máu của chế độ độc tài Pinochet. Gần 5 thập kỷ sau khi bị sát hại, Victor Jara vẫn luôn là biểu tượng của cuộc đấu tranh vì sự công bằng xã hội tại Chile. Trong cuộc hội đàm giữa bà Tổng thống cộng hòa Chile Michelle Bachelet Jeria với lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta ngày 17/11/2006, cái tên Victor Jara đã được bà Tổng thống nhắc đến nhiều lần như là một minh chứng về truyền thống quan hệ hai nước và tình cảm người dân Chile dành cho Việt Nam.

“Quyền sống trong hòa bình” được sáng tác vào cuối tháng 8/1969. Vào thời điểm ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đang diễn ra cam go, ác liệt. Nhằm phản đối chiến tranh, ủng hộ cuộc kháng chiến Việt Nam, Đại hội thanh niên thế giới tổ chức tại Helsinki (Phần Lan) và Victor Jara được giao nhiệm vụ sáng tác ca khúc cho Đại hội. Đang giữa lúc tìm cảm hứng sáng tác thông qua những bức ảnh về Hồ Chí Minh, đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam trao cho Victor Jara bức thư (viết bằng tiếng Pháp) của Người gửi các đại biểu thanh niên quốc tế tham dự “Cuộc gặp gỡ thế giới của thanh niên và sinh viên vì thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam”, ngày 22/8/1969. Trong thư có đoạn: “Cuộc gặp mặt của các bạn là một biểu hiện rực rỡ của nhiệt tình và quyết tâm của thế hệ trẻ muốn thực hiện những lý tưởng cao đẹp là tự do, độc lập và hòa bình. Giữa lúc chính quyền Nich-xon đang ngoan cố tăng cường chiến tranh xâm lược,... cuộc họp mặt đó càng cổ vũ mạnh mẽ nhân dân chúng tôi ra sức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, tiến lên giành thắng lợi cuối cùng”3. Đọc bức thư trong lòng trào dâng niềm cảm xúc và bài hát đã được Victore viết trong niềm xúc cảm ấy. Hơn 5 nghìn đại biểu thanh niên, sinh viên trên khắp thế giới và hàng vạn bạn trẻ Helsinki đã nồng nhiệt đón nhận bài hát. Ngay trong lễ khai mạc cuộc gặp gỡ vào 9 giờ sáng ngày 23/8/1969, cả quảng trường Hakaniemi rộng lớn giữa thủ đô Helsinki vang lên lời bài hát mà người lĩnh xướng trên đài cao chính giữa quảng trường là Victor Jara cùng nhóm bạn của mình. Quốc kỳ Việt Nam cùng hàng trăm khẩu hiệu về Việt Nam, về Hồ Chí Minh tung bay hòa nhịp cùng lời bài hát.

Bài hát ca ngợi Hồ Chí Minh và cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam chống quân xâm lược bạo tàn: Quyền được sống trong hòa bình/đó là cuộc đời nhà thơ Hồ Chí Minh - cuộc chiến ở Việt Nam đã chấn động toàn nhân loại/nhưng không họng súng nào có thể chôn vùi những thân lúa vươn lên/ Hồ Chí Minh - Người là bài ca của chúng ta, là ngọn lửa tình yêu thuần khiết/là ngôi nhà của bầy chim câu/ là những lùm cây ô-liu đang trĩu quả/là lời ca vang lên khắp thế gian này/là điệp khúc ca ngợi - quyền được sống trong hòa bình/ Hồ Chí Minh - hình ảnh Người rực sáng mọi phương trời/và trái tim tôi ngập tràn lời hát/ Với lòng kính trọng thiết tha dành tặng cho Người - Một người Việt Nam tuyệt vời bình dị như bao người khác/ nhưng tình yêu bao la dành cho Tổ quốc/tỏa sáng như vầng hào quang/ Hồ Chí Minh - Người là lòng dũng cảm/Hồ Chí Minh - Người là chiến sĩ đấu tranh/ Hồ Chí Minh - Người là nhà thơ hòa bình/ Hồ Chí Minh - con người vĩ đại/Vinh quang Hồ Chí Minh! Người là Việt Nam/ Tên Người bất tử trên khắp hành tinh/ Người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Với ca từ đậm chất thơ và giàu hình ảnh cùng giai điệu mang âm hưởng La tinh, bài hát đã khích lệ thanh niên thế giới ủng hộ nhiệt liệt cách mạng Việt Nam cuối thập kỷ 60. Và gần 50 năm sau, bài hát ấy vẫn được lưu truyền và vang lên trong bối cảnh người dân Chile đấu tranh chống lại đường lối hữu khuynh, đòi sự công bằng xã hội vào tháng 10/2019 tại Thủ đô Santiago, Chile. Tại Thủ đô Santiago, hàng trăm ngàn người biểu tình vừa đàn, vừa hát vang bài “Quyền được sống trong hòa bình”. Sự kiện này cho thấy người dân Chile không chỉ tưởng nhớ Victor Jara, người nhạc sĩ - chiến sĩ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho bình quyền xã hội, phải chăng còn là thông điệp gửi đến chính phủ Chile về tấm gương của một vị lãnh tụ phương Đông - Hồ Chí Minh - Người đã hy sinh cả cuộc đời đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam, đem lại quyền bình đẳng cho nhân dân và luôn lấy con người làm trung tâm trong hoạch định chính sách xã hội của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Một điều đặc biệt, trong thời gian biểu tình, không ít tượng đài ở một số công viên của thành phố bị người biểu tình kéo đổ, tô vẽ bậy nhưng riêng tượng Hồ Chí Minh tại công viên mang tên Hồ Chí Minh tại quận Cerro Navia, Chile vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.

Hơn thế nữa, chào mừng kỷ niệm 50 năm quan hệ đối ngoại Việt Nam - Chile và 50 năm Công viên Hồ Chí Minh (1969 - 2019) chính quyền và nhân dân địa phương quận Cerro Navia đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam sửa sang lại công viên như trồng thêm cây bóng mát, lát lại nền gạch, bổ sung trò chơi, dụng cụ tập thể dục và trang trí Công viên bằng bức tranh sơn dầu minh họa lịch sử quan hệ đối ngoại hai nước bằng hình ảnh Tổng thống Sanvador Allende, chủ tịch Hồ Chí Minh và nhạc sĩ Victor Jara. Trong buổi lễ khánh thành tu sửa Công viên Hồ Chí Minh, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã phối hợp với Đại sứ Quán Việt Nam trưng bày triển lãm chuyên đề “Chủ tịch Hồ chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất”. Tham dự buổi lễ, về phía bạn có Thị trưởng quận Cerro Navia, Hội hữu nghị Chile - Việt Nam và nhân dân địa phương; về phía Việt Nam có Đại sứ quán Việt Nam và cán bộ Khu Di tích Phủ Chủ tịch; ngoài ra còn có sự tham gia hơn 10 Đại sứ các nước (Cuba, Braxin, Peru, Venezuela, Thái Lan...) và Cụ bà thân sinh Tổng thống Michelle Bachelet Jeria... Buổi lễ được tổ chức trong không khí trang trọng và thắm tình đoàn kết hữu nghị. Nhân dịp này, Thị trưởng Cerro Navia bày tỏ niềm vinh dự khi địa phương có tượng đài Hồ Chí Minh và Công viên mang tên Người ở địa phương; Ông khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc tu sửa công viên sau 50 năm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - dấu mốc lịch sử quan hệ đối tác hợp tác toàn diện song phương; đồng thời cam kết chính quyền cùng với nhân nhân dân địa phương sẽ quan tâm bảo vệ tượng đài và Công viên Hồ Chí Minh. Đáp lễ, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn bày tỏ vui mừng và cảm ơn chính quyền địa phương và người dân Quận Cerro Navia về ý tưởng tốt đẹp tôn tạo, chỉnh trang Công viên Hồ Chí Minh vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm Công viên mang tên Hồ Chí Minh và 50 năm cuộc gặp lịch sử tại Hà Nội, giữa cố Tổng thống Chile Salvador Allende và Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019); sự kiện này khẳng định tình cảm sâu sắc và hữu nghị của nhân dân Chile dành Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung.

50 mươi năm trôi qua, thế giới đã bao đổi thay nhưng tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và Chile ngày càng phát triển. Công cuộc đổi mới trong suốt hơn ba thập kỷ qua đã đưa Việt Nam vươn đến những tầm cao mới, dang rộng tay đến bạn bè khắp năm châu với tư cách là một người bạn và đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Nếu như trước đây cơ quan đại diện của chúng ta là cầu nối của tình đoàn kết chiến đấu thì giờ đây mục tiêu xây dựng nhịp cầu hữu nghị, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt vì sự nghiệp phát triển của hai dân tộc đang là chương trình nghị sự nóng hổi của cả hai nước. Chưa bao giờ mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước lại đứng trước những vận hội phát triển như ngày nay với những chuyến viếng thăm cấp cao ngày càng trở nên thường xuyên giữa hai nước cùng những thỏa thuận quan trọng đã đạt được trên nhiều lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế, thương mại, văn hóa; mở ra một chương mới đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao ngang với tầm của truyền thống hữu nghị gắn bó giữa Hà Nội và Santiago. Trong chuyến viếng thăm cấp nhà nước, Tổng thống Chile, Sebastián Pinera Echenique đã dành thời gian tham quan Khu di tích Phủ Chủ tịch, ngày 22/3/2012 và để lại lưu bút: “Tưởng nhớ và khâm phục cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam vì sự tự do và độc lập, xin bày tỏ lòng tưởng nhớ đến Bác Hồ”4.

Ngày nay thế giới tiếp tục chuyển biến nhanh, phức tạp với nhiều tác động đa chiều, cơ hội và thách thức đan xen, đất nước ta đang chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, thì những giá trị to lớn về tư tưởng, văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh càng cần được tôn vinh, truyền tải, lan tỏa rộng rãi, đặc biệt trong cộng đồng quốc tế và các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài. Hoạt động này không chỉ để các thế hệ người Việt Nam cả trong và ngoài nước củng cố và phát huy niềm tự hào dân tộc, cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” như ước nguyện của Bác; đồng thời để thế giới ngày càng biết đến nhiều hơn hình ảnh Việt Nam thông qua hình tượng Hồ Chí Minh, là đất nước có nền văn hóa đậm đà bản sắc, yêu chuộng hòa bình, thắm tình hữu nghị, kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia; chủ động và tích cực hội nhập, là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, nỗ lực cùng nhân dân tiến bộ trên thế giới đấu tranh cho chính nghĩa, cho hòa bình, dân chủ và thịnh vượng chung của nhân loại.

ThS. Cù Thị Minh
Phòng Tuyên truyền, Giáo dục
Theo Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Đức Lâm (st)

Chú thích:

1. Tổng Giám đốc UNESCO Amadou Mahtar M'bơ,
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chính khách quốc tế, Nxb. Thông Tấn, Hà Nội, 2006, tr.234-235
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.600-601.
4. Sổ ghi cảm tưởng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, năm 2012

Bài viết khác: