xung dang dai dien y chi
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (năm 1946).

Suốt chiều dài lịch sử 75 năm qua, Quốc hội luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gắn bó chặt chẽ và trách nhiệm với cử tri, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước.

Sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử (ngày 06-01-1946), phát biểu tại kỳ họp thứ nhất, khai mạc ngày 02-3-1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nói về ý nghĩa của việc ra đời Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đây là: "kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc".

Cuộc Tổng tuyển cử đã đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước công nông đầu tiên ở Ðông - Nam Á, mở ra thời kỳ Việt Nam có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về cả đối nội lẫn đối ngoại. Sự kiện này còn là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến kiến quốc, khẳng định vị thế của Việt Nam với thế giới.

Trải ba phần tư thế kỷ, Quốc hội Việt Nam đã góp phần quan trọng đưa đất nước vượt qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử, đầy cam go, thách thức. Sự phát triển của Quốc hội là một quá trình liên tục kế thừa và không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng. Việc đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội cũng được tiến hành chặt chẽ, đồng bộ, có định hướng mục tiêu rõ ràng, bước đi chắc chắn, đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Trên chặng đường ấy, Dân chủ - hai chữ thiêng liêng mà nhân dân ta đã phải đổ biết bao công sức, trí tuệ, kể cả máu xương - vừa trở thành mục tiêu, vừa là động lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Thực tế hoạt động của Quốc hội đã cho thấy có những vấn đề được quyết định đều phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng từ nhiều góc độ, nhiều khía cạnh, qua đó giúp nâng cao tính chính xác, tạo sự đồng thuận tốt hơn, giúp công tác chỉ đạo điều hành thuận lợi và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và phù hợp với ý nguyện của cử tri và nhân dân cả nước.

Để tiếp tục phát huy vị trí, vai trò của Quốc hội trong giai đoạn phát triển mới; Quốc hội, các cơ quan Quốc hội và nhất là các đại biểu Quốc hội (ÐBQH) thời gian qua đã thường trực tinh thần trách nhiệm, phát huy cao độ trí tuệ tập thể và quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, đáp ứng nguyện vọng và đòi hỏi ngày càng cao của cử tri. Có thể thấy, kế thừa thành tựu từ các nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021) này đã tiếp tục đẩy mạnh hoạt động lập pháp, tăng cường năng lực lập pháp của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và nhất là các ÐBQH, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng các dự án luật. Cùng đó, việc đổi mới mạnh mẽ phương thức tiến hành, khắc phục tình trạng giám sát dàn trải, thiếu chuyên sâu; tập trung hơn vào nhiệm vụ giám sát những vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội, đã cho thấy rõ hơn hiệu quả giám sát của Quốc hội.

Luật Tổ chức Quốc hội năm 2015 (vừa được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14) đã tiêu chuẩn hóa rất rõ những đòi hỏi về năng lực của ÐBQH. Cụ thể, Luật này được thông qua tại kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XIV, nâng tỷ lệ ÐBQH chuyên trách lên ít nhất 40% tổng số ÐBQH. Ngoài các tiêu chuẩn ÐBQH quy định tại Ðiều 22 của Luật, người được lựa chọn giới thiệu ứng cử làm ÐBQH chuyên trách cần đáp ứng các tiêu chuẩn: Có trình độ đại học trở lên, có năng lực phân tích, hoạch định chính sách và khả năng tổ chức công việc, có chuyên môn tốt và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến; có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, có ý thức trách nhiệm trong hoạt động Quốc hội; đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ từ vụ trưởng và tương đương, chức vụ giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên và đã được quy hoạch ÐBQH chuyên trách; độ tuổi ứng cử thực hiện theo quy định tại Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW ngày 18-10-2019 của Ban Tổ chức Trung ương.

Ðây là sự bổ sung, sửa đổi quan trọng, cần thiết, một bước hoàn thiện kịp thời nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả và năng lực của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Năm 2021 sẽ diễn ra một sự kiện đặc biệt quan trọng, đó là cuộc bầu cử ÐBQH và đại biểu HÐND các cấp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong những bài viết cũng như phát biểu gần đây đặc biệt nhấn mạnh, việc chuẩn bị nhân sự để giới thiệu ứng cử ÐBQH khóa XV cần được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện thật tốt. Ðể cuộc bầu cử ÐBQH và đại biểu HÐND các cấp diễn ra vào tháng 5-2021 thành công, người đứng đầu Quốc hội đề nghị, cần thực hiện quy trình giới thiệu, lựa chọn một cách chặt chẽ để bầu được những ÐBQH thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý.

Cùng với sự tự đổi mới, tự hoàn thiện của Quốc hội, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; sự hợp tác và giúp đỡ của bạn bè quốc tế; sự ủng hộ và giám sát của cử tri, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, hào hùng của dân tộc, xứng đáng là cơ quan đại diện cho quyền lực của nhân dân Việt Nam.

Theo Báo Nhân dân điện tử
Tâm Trang (st)

Bài viết khác: