1. Thủ tướng Chính phủ: Công văn số 35/TTg-KGVX ngày 13/01/2021 về việc tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19

Công văn nêu rõ, trong thời gian tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiều đồng chí lãnh đạo, trong đó, có thể có những đồng chí đang là thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của các Bộ, ngành, địa phương sẽ tham gia Đoàn đại biểu dự Đại hội.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong điều kiện dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của chủng mới virus SARS-Cov-2 lây lan mạnh hơn đã xuất hiện ở nhiều nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch; phân công cán bộ xử lý công việc thay các thành viên Ban Chỉ đạo tham gia Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các Bộ, ngành, địa phương rà soát kỹ các biện pháp, kịch bản phòng, chống dịch trong lĩnh vực, địa bàn. Các đồng chí hiện là Trưởng ban Chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo nếu tham gia Đoàn đại biểu đi dự Đại hội cần bàn giao, thống nhất cơ chế điều hành, cơ chế thông tin với các đồng chí được phân công thay mình xử lý công việc liên quan tới phòng, chống dịch, đảm bảo công tác phòng, chống dịch thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

P32
Ảnh minh họa/Internet

2. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19: Công văn số 308/CV-BCĐ ngày 14/01/2021 về việc tăng cường kiểm soát và quản lý người nhập cảnh

Theo đó, Bộ Y tế (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19) đề nghị các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt tinh thần chống dịch với mức độ cảnh giác cao nhất, không được chủ quan, lơ là; gắn với trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 và chỉ đạo thực hiện quyết liệt một số nội dung sau:

- Đề nghị Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với:

+ Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quân đội, công an phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát nghiêm, quản lý chặt chẽ khu vực biên giới đường bộ, đường biển, tại các khu vực cửa khẩu, đặc biệt là các đường mòn, lối mở, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý nhập cảnh không để các trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

+ Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quản lý chặt chẽ việc cách ly người nhập cảnh, bảo đảm thời gian cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày và phải có kết quả xét nghiệm ít nhất 2 lần âm tính với vi rút SARS-CoV-2 và đủ thời gian theo dõi y tế sau cách ly tập trung theo quy định, tuyệt đối không để lây lan dịch trong khu cách ly và lây lan từ khu cách ly ra cộng đồng. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác cách ly y tế.

- Đề nghị Bộ Công an phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị công an phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ người từ nước ngoài đến bất hợp pháp trên địa bàn. Tổ chức điều tra, làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là các đường dây đưa người vượt biên trái phép vào Việt Nam; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp cố tình vi phạm.

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an:

+ Chỉ đạo các cấp chính quyền phối hợp với các đơn vị công an, quân đội tăng cường tuyên truyền, vận động các ban, ngành, đoàn thể, phát động phong trào quần chúng, đề nghị từng người dân, gia đình, tổ dân phố, khu dân cư chủ động tham gia phát giác, khai báo các trường hợp từ nước ngoài về nhập cảnh trái phép trong cộng đồng chưa được cách ly, quản lý và thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý theo quy định.

+ Chỉ đạo các cơ quan liên quan lập danh sách tất cả những người nhập cảnh trái phép lưu trú tại địa phương, tổ chức cách ly ngay, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

- Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19:

+ Kiện toàn bổ sung thêm thành viên của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Cục Xuất nhập cảnh - Bộ Công an, Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông tham gia Tổ thông tin đáp ứng nhanh để tăng cường phối hợp hiệu quả việc truy vết, xác minh các đối tượng nguy cơ mắc COVID-19 nhập cảnh vào Việt Nam.

+ Tiếp tục triển khai trực 24/24 để phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, địa phương trong việc truy vết, xác minh đối tượng nguy cơ, quản lý và sử dụng thông tin, dữ liệu đáp ứng nhanh với dịch COVID-19.

+ Cập nhật, phân tích và sử dụng thông tin, số liệu giám sát để đánh giá và dự báo nguy cơ sớm về tình hình diễn biến của dịch bệnh trên thế giới và tại Việt Nam. Tham mưu, đề xuất, xây dựng và triển khai các giải pháp đáp ứng nhanh với dịch COVID-19.

3. Bộ Giao thông vận tải: Công văn số 207/BGTVT-CYT ngày 11/01/2021 về việc thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 05/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Cụ thể, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 05/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ sau:

- Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 05/01/2021 nêu trên.

- Yêu cầu mọi công chức, viên chức, người lao động ngành Giao thông vận tải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp “5K” gồm: khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế, trong đó khuyến cáo thực hiện nghiêm đeo khẩu trang khi ra ngoài, nhất là trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người, thường xuyên rửa, sát khuẩn tay; hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc. Thực hiện khai báo y tế theo quy định, khi có các dấu hiệu ho, sốt, khó thở, viêm phổi phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

- Tiếp tục dừng các hoạt động, sự kiện có tập trung đông người khi không cần thiết; trường hợp tổ chức thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay... theo đúng quy định.

Các cơ quan, đơn vị khi tổ chức các sự kiện, hoạt động có tiếp xúc với người đến từ nước ngoài, nhất là từ các nước có nguy cơ cao phải hỏi ý kiến của cơ quan y tế.

- Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục: Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam: Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm vận tải an toàn, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng trong thực hiện các hoạt động vận tải, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác.

+ Tăng cường chỉ đạo, giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong phạm vi quản lý về việc thực hiện các hướng dẫn, yêu cầu về phòng chống dịch của Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng.

+ Thông báo tới các đơn vị kinh doanh vận tải siết chặt và củng cố các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng trong thực hiện các hoạt động vận tải hành khách: Bắt buộc đeo khẩu trang đối với tất cả người điều khiển phương tiện, tiếp viên, người phục vụ và hành khách trong khu vực nhà ga, sân bay, bến tàu, bến xe... và trên các phương tiện vận tải hành khách công cộng; Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch khác theo hướng dẫn tại Công văn số 7234/BGTVT-CYT ngày 26/7/2020 của Bộ Giao thông vận tải.

+ Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các nơi có nguy cơ cao như nhà ga, sân bay, bến xe... xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra vi phạm.

- Cục Hàng không Việt Nam:

+ Tạm dừng cấp phép các chuyến bay về Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có lây nhiễm chủng biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 và đang có dịch diễn biến phức tạp, trước hết là từ Anh, Nam Phi.

+ Yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch trước, trong và sau chuyến bay chở người nhập cảnh, trong đó chú trọng: Khai báo y tế, đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt hành khách trước khi lên tàu bay, khử khuẩn các bề mặt, khử khuẩn tàu bay theo quy định... Bảo đảm phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp phù hợp đối với các trường hợp mắc bệnh, có nguy cơ mắc bệnh nhập cảnh qua đường hàng không.

- Cục Hàng hải Việt Nam:

+ Chỉ đạo Cảng vụ Hàng hải: Phối hợp với cơ quan Biên phòng, Kiểm dịch y tế tăng cường công tác quản lý, kiểm soát không để thuyền viên đi bờ, hạn chế tối đa việc thay đổi thuyền viên; Phối hợp với các cảng, các công ty hoa tiêu có biện pháp bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch cho những người có tiếp xúc trực tiếp với thuyền viên (hoa tiêu, công nhân xếp dỡ làm việc trên tàu…).

+ Phối hợp với các địa phương có biện pháp quản lý chặt chẽ thuyền viên và hành khách đi tàu.

- Trung tâm Công nghệ Thông tin phối hợp với Cục Y tế Giao thông vận tải, các Cục, Tổng cục chuyên ngành, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổ Công nghệ Thông tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 khẩn trương triển khai thực hiện “Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19” đối với các phương tiện giao thông công cộng, cập nhật thông tin lên ứng dụng “An toàn COVID-19”.

4. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Quyết định số 1921/QĐ-TLĐ ngày 12/01/2021 về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và thiên tai năm 2020 trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021

Theo đó, chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và thiên tai năm 2020 trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 như sau:

- Nguồn chi hỗ trợ:

+ Từ nguồn tài chính tích lũy tại Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở Tổng mức chi tối đa không quá 50% kinh phí dự phòng theo quyết định giao dự toán năm 2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (số kinh phí còn lại chưa chi hết của gói hỗ trợ theo Quyết định số 643/QĐ-TLĐ ngày 22/5/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19).

+ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét cấp hỗ trợ đối với các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không cân đối được tài chính và phải cấp bù năm 2020.

- Đối tượng hỗ trợ: Đoàn viên, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 và thiên tai năm 2020.

- Tiêu chí hỗ trợ:

Là đoàn viên, người lao động có thời gian làm việc tại doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị từ 01 năm trở lên, tính đến ngày 31/12/2020, định hướng tiêu chí như sau:

+ Bản thân hoặc có vợ, chồng, con, bố, mẹ (đang ở cùng và phải trực tiếp nuôi dưỡng) bị bệnh hiểm nghèo; bản thân là người khuyết tật hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang được hưởng trợ cấp hàng tháng.

+ Làm việc trong các doanh nghiệp gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phải ngừng hoạt động, không có việc làm, nghỉ luân phiên hoặc giãn việc làm, có thu nhập không ổn định với mức bình quân chung trong năm 2020 không quá 03 triệu đồng/ tháng.

+ Làm việc tại các cơ sở giáo dục phải nghỉ việc từ 1,5 tháng trở lên, ảnh hưởng nhiều đến đời sống, thu nhập của bản thân và gia đình do tác động bởi dịch bệnh COVID-19 và thiên tai năm 2020.

+ Có hoàn cảnh khó khăn, làm việc trong các cơ quan, đơn vị, địa bàn bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai năm 2020.

+ Có hoàn cảnh khó khăn đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi, có thu nhập trung bình hàng tháng trong năm thấp dưới mức lương tối thiểu vùng.

Trên cơ sở các tiêu chí trên, căn cứ vào tình hình số lượng đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; sự hỗ trợ của cơ quan, ngành, chính quyền địa phương; nguồn tài chính tích lũy của đơn vị, các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bổ sung, cụ thể hóa các tiêu chí theo phương châm ưu tiên những đối tượng khó khăn nhất, trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 và thiên tai năm 2020.

Đoàn viên, người lao động đã được hỗ trợ theo Quyết định số 643/QĐ-TLĐ ngày 22/5/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19 thì không được nhận hỗ trợ theo Quyết định này. Trường hợp đã được hỗ trợ theo Quyết định số 643/QĐ-TLĐ ngày 22/5/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhưng đoàn viên, người lao động vẫn gặp khó khăn đặc biệt, thì các cấp công đoàn xem xét kỹ lưỡng và tiếp tục hỗ trợ theo mức tại Mục 4.2 của Quyết định này.

- Mức hỗ trợ:

+ Hỗ trợ bằng tiền: Mức hỗ trợ 1.000.000đồng/người (một triệu đồng chẵn).

+ Trường hợp đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, thiên tai, mức hỗ trợ tối đa không quá 2.000.000 đồng/người (hai triệu đồng chẵn) (các trường hợp xét đặc biệt để trao này không quá 20% tổng số đoàn viên, người lao động được hỗ trợ).

+ Một đối tượng chỉ được một cấp công đoàn chi hỗ trợ.

Thu Hiền (tổng hợp)

Bài viết khác: