1. Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.

Nghị định này quy định chi tiết Điều 169 của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu.

Thời điểm nghỉ hưu và thời điểm hưởng chế độ hưu trí được quy định như sau:

- Thời điểm nghỉ hưu là kết thúc ngày cuối cùng của tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Đối với trường hợp người lao động tiếp tục làm việc sau khi đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì thời điểm nghỉ hưu là thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

- Thời điểm hưởng chế độ hưu trí là bắt đầu ngày đầu tiên của tháng liền kề sau thời điểm nghỉ hưu.

- Trường hợp hồ sơ của người lao động không xác định được ngày, tháng sinh mà chỉ có năm sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh để làm căn cứ xác định thời điểm nghỉ hưu và thời điểm hưởng chế độ hưu trí.

Lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này được thực hiện theo bảng dưới đây:

Lao động nam

Lao động nữ

Năm nghỉ hưu

Tuổi nghỉ hưu

Năm nghỉ hưu

Tuổi nghỉ hưu

2021

60 tuổi 3 tháng

2021

55 tuổi 4 tháng

2022

60 tuổi 6 tháng

2022

55 tuổi 8 tháng

2023

60 tuổi 9 tháng

2023

56 tuổi

2024

61 tuổi

2024

56 tuổi 4 tháng

2025

61 tuổi 3 tháng

2025

56 tuổi 8 tháng

2026

61 tuổi 6 tháng

2026

57 tuổi

2027

61 tuổi 9 tháng

2027

57 tuổi 4 tháng

Từ năm 2028 trở đi

62 tuổi

2028

57 tuổi 8 tháng

   

2029

58 tuổi

   

2030

58 tuổi 4 tháng

   

2031

58 tuổi 8 tháng

   

2032

59 tuổi

   

2033

59 tuổi 4 tháng

   

2034

59 tuổi 8 tháng

   

Từ năm 2035 trở đi

60 tuổi

 

2. Nghị định số 141/2020/NĐ-CP ngày 08/12/2020 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/01/2021.


Nghị định này quy định chế độ cử tuyển đối với người học là người dân tộc thiểu số, bao gồm: đối tượng, tiêu chuẩn, chỉ tiêu, quy trình, đào tạo và kinh phí thực hiện chế độ cử tuyển; xét tuyển, bố trí việc làm, bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo đối với người học cử tuyển và tổ chức thực hiện chế độ cử tuyển.

Nghị định này áp dụng với các đối tượng sau:

- Người học là người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển gồm:

+ Người dân tộc thiểu số rất ít người.

che do cu tuyen
Ảnh minh họa: Internet

+ Người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.

- Các cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên, trung cấp, cao đẳng, đại học; trường phổ thông dân tộc nội trú; trường dự bị đại học; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện chế độ cử tuyển.

Tiêu chuẩn tuyển sinh theo chế độ cử tuyển được quy định như sau:

- Tiêu chuẩn chung:

+ Thường trú từ 05 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi (hoặc có một trong hai bên là cha đẻ hoặc mẹ đẻ, cha nuôi hoặc mẹ nuôi), người trực tiếp nuôi dưỡng sống tại vùng này.

+ Đạt các tiêu chuẩn sơ tuyển đối với các ngành, nghề có yêu cầu sơ tuyển.

+ Không quá 22 tuổi tính đến năm tuyển sinh, có đủ sức khỏe theo quy định hiện hành.

- Ngoài tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 1 Điều 6, người học được cử tuyển vào đại học phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể sau:

+ Tốt nghiệp trung học phổ thông.

+ Xếp loại hạnh kiểm các năm học của cấp học trung học phổ thông đạt loại tốt.

+ Xếp loại học lực năm cuối cấp đạt loại khá trở lên.

+ Có thời gian học đủ 03 năm học và tốt nghiệp trung học phổ thông tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo quy định hoặc tại trường phổ thông dân tộc nội trú.

- Ngoài tiêu chuẩn chung quy định tại khoản l Điều 6, người học được cử tuyển vào cao đẳng phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể sau:

+ Tốt nghiệp trung học phổ thông;

+ Xếp loại hạnh kiểm các năm học của cấp học trung học phổ thông đạt loại tốt;

+ Xếp loại học lực năm cuối cấp đạt loại trung bình trở lên;

+ Có thời gian học đủ 03 năm học và tốt nghiệp trung học phổ thông tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo quy định hoặc tại trường phổ thông dân tộc nội trú.

- Ngoài tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 1 Điều 6, người học được cử tuyển vào trung cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể sau:

+ Tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông.

+ Xếp loại hạnh kiểm các năm học của cấp học cuối đạt loại khá trở lên.

+ Xếp loại học lực năm cuối cấp đạt loại trung bình trở lên.

+ Có thời gian học đủ 04 năm học và tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc học đủ 03 năm học và tốt nghiệp trung học phổ thông tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo quy định hoặc tại trường phổ thông dân tộc nội trú.

- Ưu tiên trong tuyển sinh cử tuyển:

Người học đạt đủ các tiêu chuẩn tuyển sinh cử tuyển quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 6 nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì được ưu tiên trong cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp theo thứ tự:

+ Con liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có giấy chứng nhận người được hưởng chính sách như thương binh.

+ Học tại trường phổ thông dân tộc nội trú.

+ Trúng tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp tại năm xét đi học cử tuyển.

+ Đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi từ cấp huyện trở lên.

+ Trường hợp người học thuộc đối tượng được hưởng nhiều ưu tiên đồng thời thì chỉ được hưởng một ưu tiên cao nhất trong tuyển sinh cử tuyển.

3. Thông tư số 06/2020/TT-BNV ngày 01/12/2020 của Bộ Nội vụ ban hành Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; Nội quy thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/01/2021.

Theo Thông tư, một số quy định của Nội quy thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức như sau:

Quy định đối với thí sinh:

- Phải có mặt tại phòng thi đúng giờ quy định. Trang phục gọn gàng, văn minh, lịch sự. Trường hợp thí sinh dự thi đến chậm quá 30 phút tính từ khi bắt đầu giờ làm bài thi thì không được dự thi.

- Xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc một trong các loại giấy tờ tùy thân hợp pháp khác có dán ảnh để giám thị đối chiếu trước khi vào phòng thi.

- Ngồi đúng chỗ theo số báo danh, để Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc một trong các loại giấy tờ tùy thân hợp pháp khác có dán ảnh lên mặt bàn để các giám thị phòng thi và các thành viên Hội đồng thi kiểm tra.

- Chỉ được mang vào phòng thi thước kẻ, bút viết để làm bài thi và một số loại thuốc mà thí sinh dự thi có bệnh án phải mang theo; không được mang vào phòng thi điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính, các phương tiện kỹ thuật thu, phát truyền tin, phương tiện sao lưu dữ liệu, thiết bị chứa đựng, truyền tải thông tin khác và các loại giấy tờ, tài liệu có liên quan đến nội dung thi (trừ trường hợp đề thi có quy định khác)…

Một số quy định của Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức như sau:

- Quy định chung về Hội đồng:

+ Hội đồng tuyển dụng công chức, viên chức; Hội đồng thi nâng ngạch công chức; Hội đồng thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (sau đây gọi chung là Hội đồng) do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng hoặc tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức quyết định thành lập. Hội đồng hoạt động theo từng kỳ tuyển dụng hoặc thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

+ Hội đồng tuyển dụng công chức (thi tuyển, xét tuyển) thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

+ Hội đồng tuyển dụng viên chức (thi tuyển, xét tuyển) thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức…

- Công tác chuẩn bị (Điều 12 Quy chế này):

+ Chậm nhất trước 05 ngày làm việc tính đến ngày tổ chức vòng thi, phần thi, môn thi, Hội đồng có trách nhiệm gửi thông báo triệu tập thí sinh dự thi hoặc xét. Nội dung thông báo triệu tập ghi rõ thời gian, địa điểm làm thủ tục dự thi, thu lệ phí thi; thời gian, địa điểm tổ chức ôn tập (nếu có); thời gian, địa điểm tổ chức thi; hình thức thi, thời gian tổ chức các vòng thi, phần thi, môn thi và các nội dung khác liên quan.

+ Trước ngày khai mạc ít nhất 01 ngày làm việc, Hội đồng có trách nhiệm niêm yết danh sách thí sinh theo số báo danh, theo phòng thi, sơ đồ vị trí các phòng thi, nội quy, hình thức, thời gian thi đối với từng phần thi, môn thi tại địa điểm tổ chức…

4. Thông tư số 143/2020/TT-BQP ngày 08/12/2020 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/01/2021.

Thông tư này quy định đối tượng tham gia bảo hiểm y tế như sau:

Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, tổ chức cơ yếu và thân nhân của quân nhân tại ngũ, thân nhân của người làm công tác cơ yếu và người làm công tác khác trong Ban Cơ yếu Chính phủ, thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng được quy định tại khoản 1 Điều 1; khoản 13, khoản 15 Điều 3; khoản 3 Điều 4 và khoản 1, khoản 3 Điều 6 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế (viết tắt là Nghị định số 146/2018/NĐ-CP), gồm:

- Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế:

+ Công chức, công nhân, viên chức quốc phòng.

+ Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

+ Người làm công tác khác thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ.

+ Trí thức trẻ tình nguyện theo quy định tại Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 29/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án “Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng giai đoạn 2010-2020”.

- Nhóm do ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế:

+ Học viên quốc phòng - an ninh theo Quyết định số 607/QĐ-TTg ngày 24/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2020; học viên đào tạo cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã (hệ tập trung) theo Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 25/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở đến năm 2020 và những năm tiếp theo đang hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước, chưa tham gia bảo hiểm y tế.

+ Học viên quân sự quốc tế đang học tập tại các học viện, nhà trường, cơ sở đào tạo, huấn luyện trong Bộ Quốc phòng theo các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc do Nhà nước mời và đài thọ.

+ Thân nhân của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ đang tại ngũ, bao gồm cả thân nhân hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ có quyết định cử đi đào tạo sĩ quan dự bị (sau đây gọi chung là thân nhân quân nhân), bao gồm các đối tượng thực hiện theo điểm a, điểm b và điểm c khoản 13 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

+ Thân nhân của người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác trong Bộ Quốc phòng; thân nhân của học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên các trường Quân đội, bao gồm đối tượng thực hiện theo điểm a, điểm b và điểm c khoản 13 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

- Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, bao gồm: Học sinh, sinh viên hệ dân sự trong các học viện, nhà trường Quân đội và Cơ yếu.

- Nhóm do người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế, gồm:

+ Thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội bao gồm các đối tượng quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c khoản 13 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

+ Thân nhân của đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 bao gồm đối tượng như quy định tại điểm a khoản 4 Điều 1 Thông tư này.

Mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế được quy định như sau:

- Đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư này:

+ Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định), hoặc 4,5% tiền lương tháng ghi trong hợp đồng lao động (đối với người lao động hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của người sử dụng lao động); trong đó, người sử dụng lao động đóng 2/3, người lao động đóng 1/3.

+ Trong thời gian người lao động bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng của người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh.

+ Trong thời gian được cử đi học tập, công tác hoặc lao động tại nước ngoài thì không phải đóng bảo hiểm y tế; thời gian trên được tính là thời gian tham gia bảo hiểm y tế cho đến ngày có quyết định trở lại làm việc của cơ quan, tổ chức cử đi; trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh về nước, trường hợp tham gia bảo hiểm y tế thì toàn bộ thời gian được cử đi học tập, công tác hoặc lao động tại nước ngoài và thời gian kể từ khi về nước đến thời điểm tham gia bảo hiểm y tế được tính là thời gian tham gia bảo hiểm y tế liên tục.

+ Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế.

- Đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư này: Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở và do ngân sách nhà nước đóng.

- Đối với đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư này: Mức đóng hàng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở.

- Đối với đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 1 Thông tư này: Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở. Đối với đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thì do ngân sách nhà nước đảm bảo; đối với đơn vị sự nghiệp công lập thì sử dụng kinh phí của đơn vị theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; đối với doanh nghiệp thì sử dụng kinh phí của doanh nghiệp.

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác: