80 năm trước, khi cả dân tộc đang chìm trong cảnh mất nước, lầm than, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước đã chọn Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) là nơi trở về nước (ngày 28-01-1941) để lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước.
Cao Bằng vinh dự cho cả nước được Người chọn làm nơi trở về chỉ đạo thí điểm thành công chương trình, đường lối quan trọng của Đảng để chuẩn bị lực lượng và chớp lấy thời cơ tiến hành Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đem lại mùa xuân vĩnh hằng cho Tổ quốc...
Bài 1: Pác Bó nơi đây còn ấm hơi Người...
Vào những ngày đầu tiên của năm mới 2021, trong cái rét nơi núi rừng hùng vĩ Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng) với gió ngàn thổi vờn lên những rừng hoa mơ, hoa đào, chúng tôi đứng bên cột mốc 108 nghe ngân vang câu thơ “… Bác đã về đây Tổ quốc ơi/Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người/ Ba mươi năm ấy chân không nghỉ? Mà đến bây giờ mới tới nơi…” (Theo chân Bác - Tố Hữu) từ cô hướng dẫn viên Vi Thị Thoa… như thấy ấm dấu chân lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nơi đây. Dòng lịch sử 80 năm trước như tái hiện lại, ngày Mồng hai Tết năm Tân Tỵ (ngày 28-01-1941), Người đã về đây thắp lửa, soi đường đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam.
Bên ngọn núi Các Mác và dòng suối Lê-nin rì rào, chúng tôi như nghe đâu đó trầm ấm giọng ngâm thơ của Người:
“Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lê nin, kia núi Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà”.
Suối Lênin.
“Ngày đó Bác về nước bí mật lắm, nhưng bí mật với thực dân Pháp xâm lược, bọn phong kiến tay sai chứ không bí mật với dân bản đã được giác ngộ cách mạng. Vì thế ngày Người và đoàn cán bộ cách mạng trở về Pác Bó đến nhà ông Lý Quốc Súng (dân bản lúc đó thường gọi là ông Máy Lỳ đó là tên của con gái ông), sau đó chuyển lên hang núi đá Pác Bó đầu nguồn suối Giàng (suối Lênin bây giờ). Dân bản Pác Bó còn cử người đưa cơm cho Bác”, Cô Vi Thị Thoa xúc động kể và dẫn chúng tôi đến bản Pác Bó gặp cụ Hoàng Thị Khìn, gần 100 tuổi, người mà 80 năm trước đưa cơm cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở hang Pác Bó.
Nhắc lại những ngày đưa cơm cho ông Ké (tức lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc), bà Khìn xúc động kể: “Gần Tết Tân Tỵ năm 1941, trời rét buốt, tôi thấy pá (tiếng Nùng là cha của bà tức ông Hoàng Quốc Long) thường đón mấy người bạn tồng (anh em kết nghĩa) là các ông Lê Quảng Ba, Hoàng Tô, Hoàng Sâm... về nhà ăn cơm, rồi vội vàng ra đi trong đêm rét lạnh. Mấy người bạn tồng đi rồi, tôi thấy pá đêm ngồi trầm ngâm bên bếp lửa, lo lắng đứng ngồi không yên. Khi đó, tôi đâu biết pá đã được giác ngộ cách mạng, đang lo cho mấy đồng chí cán bộ đi đón một người thượng cấp ở bên kia biên giới về bản.
Mấy ngày Tết Tân Tỵ, tôi thấy pá ra đi rồi trở về cùng chú Lê Quảng Ba. Pá bảo chị Hoa (chị gái của cụ Khìn) nấu cơm gói mang đi theo chú Ba bí mật vượt rừng đi lên đầu nguồn suối Giàng (suối Lê-nin) đưa cơm cho Ké. Ông Ké nói tiếng Nùng giọng ấm áp, ân cần hỏi thăm dân bản sống cực khổ thế nào và giải thích: Bọn quan lại tay sai và thực dân Pháp bắt dân ta nộp sưu cao thuế nặng và bắt người đi phu, không cho dân ta đi học, bắt đi lính là để dân đói khổ, mù chữ, gia đình ly tán không có sức chống lại chúng. “Các cháu có muốn dân bản ai cũng được tự do, cơm no, áo ấm”?.
Lời ông Ké như ngọn lửa sưởi ấm lòng tôi. Hai chị em reo lên: “Có cách nào làm được điều ông nói? Ông Ké ôn tồn giải thích: Nếu dân bản già, trẻ, gái, trai, rồi người Tày, Nùng, Mông, Dao… ở khắp nơi cùng nhau hợp sức lại, học chữ làm cách mạng sẽ đánh đuổi bọn chúng, giành lại độc lập, tự do, hạnh phúc...
Núi Các Mác.
Về nhà, hai chị em vui mừng kể lại cho pá nghe lời ông Ké nói. Pá tôi mừng lắm, bụng ưng lắm và bảo hai chị em nghe lời ông Ké vận động dân bản cùng nhau hợp sức làm cách mạng. Được pá động viên, hai chị em tôi đi học chữ và vận động dân bản cùng đi học...
Được ông Ké mở lớp, thanh thiếu niên và cả người già nữa trong bản Pác Bó tham gia học tập khá đông. Trong lớp học ai cũng cố gắng học để biết đọc báo, sách tuyên truyền về đường lối cách mạng cho gia đình, dân bản và vận động mọi người tham gia vào các tổ chức cứu quốc. Chỉ từ tháng 1 đến tháng 4-1941, bản Pác Bó đã thành lập được 5 đội cứu quốc đại diện cho người già, thanh niên, nông dân, phụ nữ và nhi đồng cứu quốc. Hai chị em tôi tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc, cùng Tổ Phụ nữ cứu quốc vận động chị em trong bản đóng góp lương thực, lấy củi đổi muối nuôi cán bộ. Dân bản Pác Bó ngày càng tin tưởng vào lời ông Ké, như ngọn đuốc sáng soi đường cho bao cuộc đời làm than khổ cực đi tới tương lai tươi sáng.
Tại Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc liên tiếp mở nhiều lớp huấn luyện về tổ chức Mặt trận Việt Minh, chương trình điệu lệ Việt Minh cho các cán bộ người Cao Bằng. Đồng thời Người chỉ đạo triển khai thí điểm Việt Minh và tổ chức các đoàn thể cứu quốc tại châu Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình. Dưới sự chỉ đạo, tuyên truyền giác ngộ của ông Ké và cán bộ cách mạng phong trào Việt Minh ngày càng cuốn hút đông đảo đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao từ vùng đồng đến núi cao tin tưởng theo Người, theo Mặt trận Việt Minh. Chỉ trong 3 tháng (từ tháng 02 - đến tháng 4-1941) các tổ chức cứu quốc các châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình đã kết nạp thêm hàng nghìn hội viên là đồng bào các dân tộc và theo Mặt trận Việt Minh.
Cột mốc 108 nơi Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài.
Những người già ở bản Pác Bó hôm nay, nhiều người vẫn nhớ 60 năm trước, vào đầu xuân Tân Sửu (ngày 20-02-1961), Bác đã cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương trở lại thăm Cao Bằng, thăm Pác Bó. Ở Pác Bó, ngồi ở mỏm đá nơi Người từng câu cá, làm thơ. Bác và các đồng chí của mình lại làm thơ về Pác Bó, bài thơ không có tựa đề, nhưng nội dung chan chứa, hồn nhiên và lắng động:
Hai mươi năm trước ở hang này,
Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây
Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu,
Non sông gấm vóc có ngày nay.
Truyền thuyết kể rằng Pác Bó xưa là nơi tiên ở. Với dân bản Pác Bó, Bác đã thực sự là một ông tiên, một ông thánh của núi rừng. Pác Bó theo tiếng Nùng có nghĩa là đầu nguồn nước. Suối Lênin có tên gọi trước kia là suối Giàng (suối nhà trời). Vùng rừng núi linh thiêng ấy đã được lịch sử chọn làm căn cứ địa cách mạng của Việt Nam.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Trường Hà
Theo Báo điện tử Quân đội nhân dân
Thu Hiền (st)