Mùa Xuân Tân Sửu (2021), Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua 91 năm lịch sử. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII) được tổ chức thành công. Đại hội khẳng định, đất nước và dân tộc Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Một thời kỳ phát triển mới mạnh mẽ vì sự phồn vinh và hùng cường của Tổ quốc Việt Nam đã mở ra.
Khởi đầu sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã có niềm tin sâu sắc vào thắng lợi và khát vọng phát triển. Tại Pa-ri, quý I-1921, trong cuộc gặp An-be Sa-rô, Bộ trưởng thuộc địa Pháp, từng là Toàn quyền Đông Dương (1912-1919), Nguyễn Ái Quốc nêu rõ: “Nếu nước Pháp trả lại nền độc lập cho chúng tôi, ông sẽ thấy chúng tôi biết cầm quyền cai trị lấy”. Tại cuộc gặp tháng 6-1922, Nguyễn Ái Quốc thẳng thắn yêu cầu nước Pháp phải trả lại nền độc lập cho Việt Nam, nếu không chúng tôi sẽ đấu tranh để giành lại độc lập, “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn”. Khát vọng độc lập tự do và xây dựng đất nước giàu mạnh trở thành lý tưởng và mục tiêu xuyên suốt sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh và của Đảng cách mạng do Người sáng lập.
Vì mục tiêu thiêng liêng, cao cả đó mà biết bao thế hệ những người cộng sản, đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh và vững tin vào thắng lợi. Ngay trong phong trào cách mạng đầu tiên (1930-1931) do Đảng lãnh đạo, các đồng chí lãnh đạo tiêu biểu như Châu Văn Liêm, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh,… đã hy sinh vì cách mạng và dân tộc. Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Trần Phú trước lúc hy sinh đã nhắn lại các đồng chí: Hãy giữ vững chí khí chiến đấu. Mùa Xuân Tân Tỵ (1941), Nguyễn Ái Quốc trở về nước cùng Trung ương Đảng phát triển hoàn chỉnh đường lối giải phóng dân tộc với ý chí, quyết tâm giành cho được độc lập. Năm 1941-1942, cách mạng tổn thất nặng nề, nhiều đồng chí lãnh đạo hàng đầu của Đảng đã hy sinh: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Phùng Chí Kiên. Trong sự thống trị tàn bạo của giặc Pháp - Nhật, Nguyễn Ái Quốc vẫn vững tin ở thắng lợi. Người dự báo: Năm 1945 Việt Nam độc lập. Năm 1944, nhà lãnh đạo nổi tiếng Hoàng Văn Thụ bị địch xử bắn. Đồng chí nhắn lại bạn bè, đồng chí: “Trước sau xin giữ tấm lòng thành”, đồng thời khẳng định trước mặt kẻ thù: “Chỉ biết rằng, cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”. Chỉ hơn một năm sau ngày Hoàng Văn Thụ hy sinh, Cách mạng Tháng Tám do Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo đã thắng lợi, nước Việt Nam được độc lập. ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC và xây dựng nước Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” là niềm tin và khát vọng lớn lao của Đảng cầm quyền và của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tết Đinh Hợi 1947, khởi đầu cuộc toàn quốc kháng chiến vô cùng ác liệt vì thực dân Pháp muốn cướp nước ta một lần nữa. Trong gian khổ, hy sinh, với lời chúc năm mới, Hồ Chí Minh tin tưởng: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi. Thống nhất độc lập nhất định thành công”. Niềm tin và khát vọng lớn lao đó đã động viên sức mạnh toàn dân tộc đi đến thắng lợi với chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, miền bắc được giải phóng đi lên chủ nghĩa xã hội, miền nam tiếp tục sự nghiệp giải phóng để đi đến thống nhất đất nước. Mùa Xuân năm Canh Tý 1960 diễn ra cuộc Đồng khởi lịch sử ở miền nam theo đường lối đấu tranh của Đảng, tiến công trực diện vào ngụy quyền, ngụy quân Sài Gòn do đế quốc Mỹ dựng lên, mở ra thời kỳ tiến công của cách mạng miền nam. Bác Hồ gọi đó là mùa Xuân vĩ đại “Đồng bào miền Nam tin tưởng chắc chắn rằng “Bĩ cực thì thái lai”, mùa Xuân thống nhất và tự do nhất định sẽ đến”1. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra ngày càng ác liệt trên cả nước. “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”2. Niềm tin son sắt đó của Bác Hồ cũng là niềm tin, khát vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước. Niềm tin và khát vọng đó đã làm nên chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968, Xuân Hè 1972, Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 và mùa Xuân 1975 toàn thắng. Trong chiến tranh ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thắp sáng niềm tin đến ngày thắng lợi sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, nhân dân được sống sung sướng, hạnh phúc.
Độc lập, thống nhất đã hoàn thành nhưng lại phải tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây - Nam và biên giới phía bắc, cứu dân tộc Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng và giúp bạn hồi sinh đất nước. Đó là những năm tháng đau thương không thể nào quên “Lụt bắc, lụt nam. Máu đầm biên giới/Tay chống trời. Tay giữ nước. Căng gân” (Tố Hữu). Ý chí không có gì quý hơn độc lập, tự do thật sự, biết bao đồng chí, đồng bào dù phải đổ máu vẫn vững niềm tin vào con đường đi tới của dân tộc. Việt Nam - máu và hoa. Máu đào của các liệt sĩ tô thắm ngọn cờ cách mạng. Máu là sự hy sinh, là chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là lời thề độc lập, là danh dự của Đảng và dân tộc. Hoa là văn hóa, là tình yêu, là cái đẹp bất tận và thế đứng Việt Nam, là biểu tượng của văn minh chiến thắng bạo tàn. Các chiến sĩ cầm súng chiến đấu ngoài mặt trận đã từng nói: Không sợ gian khổ, hy sinh, chỉ lo thiếu văn hóa và tình yêu. Giá trị tinh thần bất tận đó đã làm nên sức mạnh Việt Nam.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986) mở ra con đường đổi mới toàn diện đất nước với ý chí và khát vọng đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, thoát khỏi cảnh đói nghèo. Khi đó, Việt Nam là một trong 20 nước nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người chỉ có 280 USD. Vượt qua biết bao khó khăn trong nước, sự bao vây cấm vận của nước ngoài, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nhiều nước, Việt Nam vững bước trên con đường đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội với những thành tựu to lớn được thế giới khâm phục. Năm 1996, đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Năm 2008 trở thành nước có thu nhập trung bình. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm biến đổi sâu sắc diện mạo đất nước, nâng cao đáng kể mức sống và chất lượng cuộc sống của người dân theo hướng văn minh, tiến bộ và hiện đại. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người là 2.750 USD khi số dân tăng gấp hai lần năm 1986. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo là 58%, năm 2020 còn 2,8%. Cuộc chiến chống đói nghèo do Liên hợp quốc đề ra, Việt Nam về đích trước 10 năm. Đi lên bằng ý chí, niềm tin và tự lực, tự cường của cả dân tộc. Năm 1986, câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh được nhiều người nhắc lại: hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu. Khi đó lại nhắc nhau lời căn dặn của Bác Hồ: “muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”3.
Đại hội XIII của Đảng (1-2021) với tầm nhìn xa, tư duy chiến lược đã có những quyết sách quan trọng đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đến năm 2026, vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình thấp. Năm 2030, tròn 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại có thu nhập trung bình cao (Cương lĩnh 2011 xác định đến giữa thế kỷ 21 Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa). Những mục tiêu chiến lược đó được đề ra trên nền tảng lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và tiền đề là những thành tựu to lớn của 35 năm đổi mới, phù hợp với đặc điểm của tình hình quốc tế và phản ánh khát vọng phát triển vì sự hùng cường của Tổ quốc.
Khát vọng phát triển đất nước hôm nay không phải viển vông, chủ quan duy ý chí như đã từng diễn ra trước đổi mới, mà được tính toán từ thực tiễn của đất nước với tiềm lực, cơ đồ đã có được ở một đất nước 100 triệu dân yêu nước và đoàn kết, ổn định về mọi mặt, có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý, kiến tạo năng động của Nhà nước, Chính phủ, vì thế mang tính hiện thực. Phát triển nhanh, bền vững là khắc phục nguy cơ tụt hậu về kinh tế và sa vào bẫy thu nhập trung bình. Xây dựng nền kinh tế với đầy đủ đặc trưng, quy luật của kinh tế thị trường nhưng vẫn bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng là phá bỏ vật cản trên con đường phát triển. Trở thành nước phát triển không chỉ phát triển cao về kinh tế mà phải hoàn thiện hệ thống chính trị; phát triển văn hóa, con người; tạo dựng xã hội văn minh, hạnh phúc; có sức mạnh cần thiết về quốc phòng, an ninh. Bản chất của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa là hòa bình, hữu nghị, bình đẳng, bảo đảm hội nhập quốc tế sâu rộng.
Độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, phồn vinh và hạnh phúc là khát vọng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Khát vọng đó được Đảng Cộng sản Việt Nam bồi đắp, phát triển đến đỉnh cao trong thời đại Hồ Chí Minh và không ngừng hiện thực hóa. Trong thời kỳ phát triển mới của đất nước theo đường hướng Đại hội XIII đã đề ra, có cơ sở để vững tin đất nước sẽ phát triển nhanh, bền vững, vì một Việt Nam hùng cường và nhân dân ngày càng sung sướng, hạnh phúc. Tin ở trí tuệ, bản lĩnh và sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, của Đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và tin ở xu thế hội nhập, đoàn kết, hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới.
PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc
Theo Báo Nhân Dân điện tử
Thu Hiền (st)
---------------------------
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H,2011, tập 12, trang 456.
(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H,2011, tập 15, trang 621.
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H,2011, tập 2, trang 320.