1. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19: Công văn số 770/CV-BCĐ ngày 01/02/2021 về việc hỗ trợ thành phố Hà Nội thực hiện xét nghiệm COVID-19

Công văn nêu rõ, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố trong đó có Thành phố Hà Nội, để hỗ trợ Thành phố Hà Nội khẩn trương thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trong thời gian ngắn nhất cho những người về từ vùng có dịch, những người có nguy cơ cao theo hướng dẫn giám sát (Theo đề nghị của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP. Hà Nội ngày 31/01/2021 đề nghị hỗ trợ xét nghiệm khoảng 40.000 mẫu), Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị các đơn vị hỗ trợ Sở Y tế Hà Nội xét nghiệm số mẫu bệnh phẩm theo đề xuất nêu trên trong khoảng thời gian từ 01/02/2021 - 05/02/2021.

Cụ thể như sau: Sở Y tế thành phố Hà Nội chỉ đạo các Trung tâm Y tế cấp huyện tiến hành lấy mẫu và điều phối mẫu đến các đơn vị xét nghiệm đã được phân công để triển khai xét nghiệm trên cơ sở dự kiến số lượng xét nghiệm gửi kèm theo công văn này; Chủ động trao đổi, thống nhất trước với các đơn vị được xét nghiệm về số lượng, thời gian, địa điểm bàn giao mẫu bệnh phẩm, đảm bảo các quy định về quản lý mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm theo quy định.

Các đơn vị trong danh sách gửi kèm tích cực, chủ động liên hệ với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội để thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR.

Đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ Bộ Y tế, Thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị: Viện Y học dự phòng Quân đội, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bệnh viện Quân y 108, Bệnh viện Quân y 103 cùng hỗ trợ thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2.

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ Bộ Y tế, thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị Cục Thú y, Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương, Chi Cục Thú y vùng 1 hỗ trợ thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2.

Hoạt động xét nghiệm này sử dụng kinh phí từ nguồn do Sở Y tế Hà Nội xây dựng kế hoạch, dự toán đề xuất UBND Thành phố bố trí và từ các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác…

P35 covid
Ảnh minh họa/Internet

2. Văn phòng Chính phủ: Công văn số 807/VPCP-KSTT ngày 01/02/2021 về việc tăng cường gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước nhằm phòng, chống dịch COVID-19

Theo đó, triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước, trong 02 năm qua các bộ ngành, địa phương, các đơn vị đã tích cực phối hợp với Văn phòng Chính phủ trong công tác này. Với tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Văn phòng Chính phủ trân trọng đề nghị các bộ, ngành, địa phương:

- Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng tại Văn bản thông báo số 8363/VPCP-KSTT ngày 17/9/2019 và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Văn bản thông báo số 11796/VPCP-KSTT ngày 26/12/2019 về gửi, nhận văn bản điện tử.

- Tăng cường gửi, nhận văn bản điện tử không kèm bản giấy theo danh mục tại Văn bản số 775/VPCP-KSTT ngày 04/02/2020 của Văn phòng Chính phủ, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm thông qua việc tiếp xúc, trao đổi, gửi, nhận văn bản giấy.

- Thường xuyên giám sát hạ tầng ứng dụng, mạng, thiết bị, máy chủ bảo mật của hệ thống quản lý văn bản và điều hành, bảo đảm các thiết bị, ứng dụng hoạt động ổn định, an toàn, an ninh thông tin, hạn chế tối đa gián đoạn trong gửi, nhận văn bản điện tử.

- Đối với các văn bản đã gửi điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia, đặc biệt là các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, hệ thống quản lý văn bản và điều hành của đơn vị gửi phải có chức năng cảnh báo kịp thời đối với các văn bản gửi lỗi, văn bản không đến được nơi nhận, các đơn vị nhận chưa nhận được văn bản để có phương án xử lý kịp thời.

- Tuân thủ các quy định về thời gian gửi, nhận văn bản, cập nhật đầy đủ nội dung thông tin, bảo đảm đúng thể thức văn bản phát hành, gửi văn bản điện tử đúng thẩm quyền, văn bản phải có chữ ký số và đầy đủ thông tin xác thực chữ ký số và nội dung đính kèm, không gửi trùng lặp văn bản, đề cao vai trò cán bộ công chức, viên chức, đặc biệt là vai trò của đội ngũ chuyên viên, văn thư lưu trữ trong công tác rà soát, kiểm tra thành phần văn bản trước khi gửi qua Trục liên thông văn bản quốc gia.

- Hệ thống cảnh báo của Trục liên thông văn bản quốc gia hàng ngày đã gửi báo cáo cho các bộ, ngành, địa phương thông báo về tình hình gửi, nhận văn bản điện tử của đơn vị. Đề nghị các đơn vị thường xuyên theo dõi, xử lý kịp thời để bảo đảm không có văn bản gửi lỗi, không có văn bản nhận lỗi, không có văn bản tồn đọng, chưa phản hồi trạng thái trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

- Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, đơn vị triển khai Hệ thống quản lý văn bản và điều hành và các đơn vị liên quan để công tác này được thực hiện ổn định, liên tục, là một trong những giải pháp quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.

3. Bộ Y tế: Quyết định số 973/QĐ-BYT ngày 31/01/2021 Phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược (Nghị định 54/2017/NĐ-CP), cụ thể như sau:

- Tên vắc xin: COVID-19 Vaccine AstraZeneca

- Thành phần hoạt chất, nồng độ/hàm lượng: Mỗi liều (0,5ml) chứa: vắc xin COVID-19 (ChAdOx1-S tái tổ hợp) 5 x 1010 hạt vi rút (vp).

- Dạng bào chế: Dung dịch tiêm.

- Quy cách đóng gói:

+ Hộp 10 lọ, mỗi lọ chứa 8 liều, mỗi liều 0,5ml;

+ Hộp 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5ml.

- Tên cơ sở sản xuất - Nước sản xuất:

+ Catalent Anagni S.R.L - Ý.

+ CP Pharmaceuticals Limited - Anh.

+ IDT Biologika GmbH - Đức.

Cơ sở sản xuất có thể được thay đổi căn cứ vào khả năng cung cấp vắc xin tại thời điểm cơ sở nhập khẩu nộp Hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu vắc xin theo quy định tại Điều 67 Nghị định 54/2017/NĐ-CP.

- Tên cơ sở đề nghị phê duyệt vắc xin: Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam.

Các điều kiện đi kèm việc phê duyệt vắc xin COVID-19 Vaccine AstraZeneca cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được ban hành tại Phụ lục kèm theo Quyết định này…

4. Bộ Giao thông vận tải: Công văn số 51/BGTVT-CYT ngày 01/02/2021 về việc tăng cường các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 trong hoạt động vận tải trước, trong và sau Tết Nguyên đán

Cụ thể, để đảm bảo các hoạt động vận tải hành khách công cộng được an toàn, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 cho người điều khiển, tiếp viên, cán bộ nhân viên phục vụ và hành khách tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách công cộng (xe buýt, taxi, xe chở khách, tàu hỏa, tàu bay, tàu thủy, bến xe, nhà ga...), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chỉ đạo khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 (các chỉ đạo, quy định, hướng dẫn của ngành y tế) bảo đảm an toàn phòng chống dịch, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng trong thực hiện các hoạt động vận tải, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác.

- Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục: Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam.

+ Nâng mức cảnh báo, cảnh giác phòng chống dịch lên mức cao nhất, đặc biệt tại các nhà ga hàng không, đường sắt, bến tàu, bến xe... và trên các phương tiện giao thông công cộng.

Tăng cường chỉ đạo, giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong phạm vi quản lý về việc thực hiện các chỉ đạo, quy định, hướng dẫn về phòng chống dịch của Bộ GTVT, ngành Y tế và các cơ quan chức năng.

+ Yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải siết chặt và củng cố các biện pháp phòng chống dịch, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng trong thực hiện các hoạt động vận tải hành khách công cộng: Kiểm tra và nhắc nhở cán bộ nhân viên, người lao động của đơn vị và hành khách thực hiện nghiêm yêu cầu 5K trong phòng, chống dịch (đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, khai báo y tế); bổ sung thêm bồn rửa tay, xà phòng, hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh (có ít nhất 60% nồng độ cồn) tại các khu vực phòng chờ trong nhà ga, bến tàu, bến xe...và trên các phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, taxi, xe chở khách, tàu hỏa, tàu bay, tàu thủy...) để thuận lợi cho hành khách sử dụng; Bắt buộc đeo khẩu trang đối với tất cả người điều khiển phương tiện, tiếp viên, người phục vụ, hành khách và mọi người khác (như người đưa tiễn) trong khu vực nhà ga, bến tàu, bến xe... và trên các phương tiện vận tải hành khách. Từ chối vận chuyển các trường hợp hành khách không đeo khẩu trang theo đúng quy định; Yêu cầu tất cả cán bộ nhân viên, người lao động của đơn vị cài đặt ứng dụng truy vết Bluezone và phải thường xuyên bật Bluetooth để ứng dụng hoạt động hiệu quả, nhằm cảnh báo sớm nguy cơ tiếp xúc với người nhiễm, người nghi nhiễm và giúp cơ quan chức năng phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm, kiểm tra, nhắc nhở vận động hành khách có sử dụng điện thoại thông minh cài đặt và bật ứng dụng Bluezone để được cảnh báo sớm khi có tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng; Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch khác theo hướng dẫn tại Công văn số 7234/BGTVT-CYT ngày 26/7/2020 của Bộ GTVT.

- Cục Hàng không Việt Nam: Yêu cầu các Cảng vụ hàng không và các hãng hàng không rà soát quy trình, biện pháp phòng chống dịch để phát hiện nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về cách ly đối với tổ bay nhập cảnh theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khẩn trương cập nhật thông tin lên ứng dụng “An toàn COVID - 19” theo hướng dẫn tại Công văn số 449/BGTVT-TTCNTT ngày 18/01/2021 của Bộ GTVT về việc triển khai thực hiện phần mềm An toàn COVID-19. Tăng cường kiểm tra và tạm dừng hoạt động đối với những doanh nghiệp không thực hiện cập nhật thông tin và không đảm bảo an toàn phòng dịch.

5. Bộ Giáo dục và đào tạo: Công văn số 442/BGDĐT-GDĐH ngày 01/02/2021 về việc tăng cường giải pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19

Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có Chỉ thị số 79/CT-BGDĐT ngày 28/01/2021 về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở GDĐT. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ GDĐT yêu cầu các đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng sư phạm và trường trung cấp sư phạm (sau đây gọi là cơ sở đào tạo) thực hiện nghiêm các chỉ thị trên đây và tập trung triển khai các hoạt động sau:

- Căn cứ vào tình hình dịch bệnh của địa phương, cơ sở đào tạo điều chỉnh kế hoạch dạy và học trong giai đoạn hiện tại và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu; chủ động quyết định cho sinh viên nghỉ học hoặc chuyển sang dạy và học trực tuyến (nếu cần thiết) theo các hướng dẫn của Bộ GDĐT tại các Công văn số 795/BGDĐT-GDĐH ngày 13/3/2020 về việc triển khai công tác đào tạo từ xa ứng phó với dịch COVID-19 và Công văn số 988/BGDĐT-GDĐH ngày 23/3/2020 về việc đảm bảo chất lượng đào tạo từ xa trong thời gian phòng chống dịch COVID-19.

- Tăng cường truyền thông, quán triệt tới toàn thể cán bộ và sinh viên:

+ Thực hiện nghiêm túc “Thông điệp 5K” (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, và khai báo y tế), cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone;

+ Hạn chế tối đa việc di chuyển ra khỏi nơi cư trú; trong trường hợp sinh viên về quê nghỉ Tết phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn;

+ Thực hiện nghiêm công tác khai báo y tế nếu có các triệu chứng bệnh như ho, sốt, đau họng; đã từng đi tới vùng có dịch hoặc có tiếp xúc với những người thuộc diện F0, F1, F2.

6. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội: Thông báo số 32/TB-VP ngày 31/01/2021 Kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thành phố Hà Nội (tại Phiên họp số 83)

Cụ thể, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Chử Xuân Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã, trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Thành ủy và UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch Thành phố về tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là chỉ đạo của đồng chí Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2021 và Công điện số 02/CĐ-UBND, ngày 28/01/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố.

 Tiếp tục chủ động chuẩn bị sẵn sàng mọi tình huống kịch bản phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở mức cao hơn lên trên một mức; Xây dựng kịch bản cụ thể, phân công cụ thể từng công việc cho từng cá nhân, các đội cơ động, các lực lượng dân phòng, tổ dân phố, y tế trên địa bàn thường trực 24/24/7 để đáp ứng kịp thời trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Các đơn vị huy động tối đa lực lượng khẩn trương khoanh vùng điều tra, truy vết các trường hợp mắc bệnh và những người liên quan để xử trí, lấy mẫu xét nghiệm và áp dụng biện pháp cách ly y tế.

Đồng thời, nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh tại các tỉnh đặc biệt là tại Hải Dương, Quảng Ninh và tỉnh/thành phố có vùng dịch, chủ động giám sát các trường hợp về từ vùng có dịch, xác minh, truy vết nhanh, quyết đoán, ngăn chặn kịp thời các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh để khoanh vùng xử trí, lấy mẫu xét nghiệm và áp dụng biện pháp cách ly y tế.

 Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về nhập cảnh, giám sát, cách ly y tế, phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là các điều kiện trước khi nhập cảnh (giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, giấy khai báo y tế...), việc đưa đón từ cửa khẩu đến các khu vực cách ly y tế đối với người nhập cảnh. Siết chặt công tác cách ly, tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly, lây lan ra cộng đồng.

 Tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn cộng đồng thực hiện đầy đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch trong tình hình mới, thực hiện tốt thông điệp “5K” gồm Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế. Đề nghị các tổ chức, cá nhân hạn chế tối đa việc tập trung đông người khi không cần thiết; trong trường hợp cần thiết tổ chức phải đảm bảo và chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch, hạn chế tổ chức các lễ hội, chủ động phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng các trường hợp nhập cảnh trái phép, vi phạm quy định phòng, chống dịch.

 UBND Thành phố yêu cầu tất cả các cửa hàng kinh doanh dịch vụ Karaoke, Vũ trường, quán bar trên địa bàn Thành phố tạm dừng hoạt động từ 0h00 ngày 01/02/2021 để đảm bảo công tác phòng dịch bệnh COVID-19 cho đến khi có thông báo mới; các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có biện pháp phòng, chống dịch (thường xuyên sát khuẩn bề mặt tiếp xúc, dung dịch sát khuẩn tay, ngồi giãn cách, vách ngăn, nhân viên phải đeo khẩu trang).

 Sở Y tế chủ động phối hợp chặt chẽ, cập nhật nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh tại các tỉnh đặc biệt là tại Hải Dương và Quảng Ninh và tỉnh/thành phố có vùng dịch để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

 Triển khai xét nghiệm cho tất cả các trường hợp người dân đã từng đi đến, về từ thành phố Chí Linh - Hải Dương, trong thời gian từ ngày 01/01/2021 và Sân bay quốc tế Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 05/01/2021 đến nay. Xây dựng kế hoạch tổ chức xét nghiệm nhân viên Sân bay quốc tế Nội Bài liên quan đến ca bệnh tại sân bay Vân Đồn.

 Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các Bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, các Bệnh viện Trung ương, Bộ, ngành trên địa bàn: duy trì phân luồng bệnh nhân, yêu cầu người nhà và người bệnh phải đeo khẩu trang, tăng cường xét nghiệm COVID-19 đối với bệnh nhân nghi ngờ, bệnh nhân nặng và nhân viên y tế và đảm bảo các tiêu chí Bệnh viện an toàn, Phòng khám an toàn theo Hướng dẫn của Bộ Y tế; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, dụng cụ, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, cơ sở vật chất cho tình huống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Rà soát lại số giường bệnh tại các Bệnh viện trên địa bàn Thành phố để phục vụ công tác cách ly và điều trị khi Trung ương và Thành phố yêu cầu đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch.

 Tiếp tục chỉ đạo Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp với các đơn vị tổ chức cách ly tập trung trên địa bàn thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung theo quy định, tuyệt đối không được cho người cách ly về cộng đồng khi chưa hết thời gian cách ly hoặc chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính theo quy định.

 Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo phòng Giáo dục các quận, huyện, thị xã và các Trường trung học phổ thông trên địa bàn thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 79/CT-BGDĐT ngày 28/01/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; tăng cường trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường tại trường học như: máy đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, xà phòng, duy trì thực hiện vệ sinh, tẩy trùng lớp theo quy định. Rà soát, xây dựng phương án đảm bảo công tác phòng, chống dịch cụ thể đảm bảo an toàn cho học sinh trước khi tổ chức thi tay nghề học sinh. Phối hợp Sở Y tế nghiên cứu tham mưu đề xuất UBND Thành phố cho học sinh nghỉ học trước Tết sớm hơn 01 tuần.

 Bộ Tư lệnh Thủ đô chủ trì, phối hợp Sở Y tế, các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác tổ chức cách ly tập trung tại các cơ sở do Bộ Tư lệnh Thủ đô quản lý theo đúng quy định; phối hợp Sở Y tế tiếp tục rà soát mở rộng các cơ sở cách ly tập trung dân sự để sẵn sàng tiếp nhận các đối tượng tiếp xúc gần (F1) trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

 UBND các quận, huyện, thị xã kích hoạt toàn bộ hệ thống chính trị và các đoàn thể xã hội, tổ giám sát để hành động nhanh, quyết liệt đáp ứng công tác phòng chống dịch lên trên một mức. Chủ tịch UBND chỉ đạo các đơn vị thần tốc, khẩn trương điều tra truy vết, khoanh vùng xử trí dịch theo quy định khi xuất hiện ca bệnh dương tính và các trường hợp liên quan trên địa bàn, tuyệt đối không được để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng.

 Thông tin rộng rãi các trên các phương tiện thông tin đại chúng nội dung: người dân đã từng đi đến, về từ thành phố Chí Linh - Hải Dương trong thời gian từ ngày 01/01/2021 và Sân bay quốc tế Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 05/01/2021, chủ động đến trạm y tế nơi lưu trú hoặc trung tâm y tế quận, huyện, thị xã khai báo y tế để được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2.

 Siết chặt công tác cách ly tại các cơ sở cách ly, người nhập cảnh cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung, các cơ sở lưu trú có thu phí, cách ly tại nơi lưu trú và các cơ sở cách ly Tổ bay; thực hiện nghiêm túc việc bàn giao người cách ly về địa phương và giám sát theo dõi sức khỏe 14 ngày tại nơi lưu trú, tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly, lây lan ra cộng đồng.

 Xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn, những trường hợp không tuân thủ quy định về phòng chống dịch của Bộ Y tế và Thành phố. Tăng cường hơn công tác kiểm tra việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn, đặc biệt tại các nhà hàng, chợ, siêu thị và các khu vực công cộng và các khu vực tổ chức các lễ hội; phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao để được hướng dẫn việc tổ chức các lễ hội.

 Các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã, căn cứ theo chức năng nhiệm vụ, tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh tại các văn bản chỉ đạo của Thành phố và Thông báo kết luận của ban Chỉ đạo Thành phố. Chủ động rà soát, thực hiện tốt các nhiệm vụ được Thành phố giao, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo chỉ đạo nội dung vượt thẩm quyền của đơn vị. Người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Thành phố khi các đơn vị, cơ sở, các tổ chức, cá nhân vi phạm những quy định của Bộ Y tế và Thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Thu Hiền (tổng hợp)

 

Bài viết khác: