1. Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2021.
Nghị định này quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên lãnh thổ Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài.
Nghị định này áp dụng đối với các đối tượng sau:
- Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên lãnh thổ Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên lãnh thổ Việt Nam.
- Tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Ảnh minh họa: Internet
Quy định cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn:
- Chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
- Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại.
- Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.
Hình thức tổ chức biểu diễn nghệ thuật:
- Tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị; biểu diễn nghệ thuật phục vụ nội bộ cơ quan và tổ chức, thực hiện thông báo theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.
- Tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, nhà hàng không bán vé xem biểu diễn nghệ thuật, thực hiện thông báo theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.
- Tổ chức biểu diễn nghệ thuật khác không thuộc hình thức quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 8, thực hiện quy định tại Điều 10 Nghị định này.
- Tổ chức biểu diễn nghệ thuật không trực tiếp trước công chúng được đăng tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình và môi trường mạng do người đăng, phát chịu trách nhiệm.
2. Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2021.
Theo Nghị định, một số nội dung về điều kiện lao động và quan hệ lao động theo các điều, khoản sau đây của Bộ luật Lao động:
- Quản lý lao động theo khoản 3 Điều 12.
- Hợp đồng lao động theo khoản 4 Điều 21; điểm d khoản 1 Điều 35, điểm d khoản 2 Điều 36; khoản 4 Điều 46; khoản 4 Điều 47; khoản 3 Điều 51.
- Cho thuê lại lao động theo khoản 2 Điều 54.
- Tổ chức đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo khoản 4 Điều 63.
- Tiền lương theo khoản 3 Điều 92; khoản 3 Điều 96; khoản 4 Điều 98.
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo khoản 5 Điều 107, khoản 7 Điều 113, Điều 116.
- Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất theo khoản 5 Điều 118; khoản 6 Điều 122; khoản 2 Điều 130; Điều 131.
- Lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới theo khoản 6 Điều 135.
- Lao động là người giúp việc gia đình theo khoản 2 Điều 161.
- Giải quyết tranh chấp lao động theo khoản 2 Điều 184; khoản 6 Điều 185; khoản 2 Điều 209; khoản 2 Điều 210.
Nghị định này áp dụng với các đối tượng:
- Người lao động, người học nghề, tập nghề theo khoản 1 Điều 2 của Bộ luật Lao động.
- Người sử dụng lao động theo khoản 2 Điều 2 của Bộ luật Lao động.
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện quy định tại Nghị định này.
Nghị định quy định, hợp đồng lao động đối với người lao động được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại khoản 4 Điều 21 của Bộ luật Lao động gồm những nội dung chủ yếu:
- Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; họ tên, ngày tháng năm sinh, số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, số điện thoại, địa chỉ liên lạc của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị.
- Họ tên; ngày tháng năm sinh; giới tính; quốc tịch; trình độ đào tạo; địa chỉ nơi cư trú tại Việt Nam, địa chỉ nơi cư trú tại nước ngoài (đối với người lao động là người nước ngoài); số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu; số điện thoại, địa chỉ liên lạc; số Giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp Giấy phép lao động; các giấy tờ khác theo yêu cầu của người sử dụng lao động (đối với người lao động là người nước ngoài) nếu có của người lao động được thuê làm giám đốc.
- Công việc được làm, không được làm và nghĩa vụ gắn với kết quả thực hiện công việc của người lao động được thuê làm giám đốc…
Nghị định này còn quy định cụ thể về cho thuê lại lao động; đối thoại tại nơi làm việc; tiền lương; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới…
3. Nghị định số 150/2020/NĐ-CP ngày 25/12/2020 của Chính phủ về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2021.
Nghị định quy định về đối tượng áp dụng sau:Đơn vị sự nghiệp công lập đáp ứng điều kiện để chuyển thành công ty cổ phần được quy định tại Điều 4 Nghị định này bao gồm:
- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi là UBND cấp tỉnh).
- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác của UBND cấp tỉnh.
- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi là UBND cấp huyện).
- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh;
- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Điều kiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần: Các đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này thực hiện chuyển thành công ty cổ phần khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
- Tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư hoặc tự bảo đảm được chi thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi.
- Còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị đơn vị sự nghiệp công lập.
- Thuộc danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ. Danh mục này không bao gồm các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành quy định không thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
- Có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Hình thức chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập:
- Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại đơn vị sự nghiệp công lập, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
- Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại đơn vị sự nghiệp công lập hoặc vừa kết hợp bán một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
4. Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2021.
Theo đó, quy định về sử dụng người lao động nước ngoài như sau:
- Xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài:
+ Trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (viết tắt là UBND cấp tỉnh) nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
Trong quá trình thực hiện nếu thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động phải báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc UBND cấp tỉnh theo Mẫu số 02/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài.
+ Trường hợp người lao động nước ngoài quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 154 của Bộ luật Lao động và các khoản 1, 2, 8, 9, 10, 11, 12 và 13 Điều 7 Nghị định này thì người sử dụng lao động không phải thực hiện xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc UBND cấp tỉnh có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận về việc sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc theo Mẫu số 03/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình hoặc báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
Người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động gồm các trường hợp được quy định tại Điều 7 Nghị định này.
Thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được quy định như sau:
- Tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam) bao gồm:
+ Tổ chức được Bộ Ngoại giao phân cấp, ủy quyền, giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.
+ Tổ chức được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phân cấp, ủy quyền, giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.
- Tổ chức quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Nghị định này được tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sau đây:
+ Tổ chức nước ngoài quy định tại điểm a, b, c và d khoản 3 Điều 2 Nghị định này.
+ Cá nhân nước ngoài đang làm việc cho tổ chức nước ngoài quy định tại điểm a, b, c và d khoản 3 Điều 2 Nghị định này.
- Tổ chức quy định tại điểm b khoản 1 Điều 22 được tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sau đây:
+ Tổ chức nước ngoài quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 2 Nghị định này.
+ Cá nhân nước ngoài đang làm việc cho tổ chức nước ngoài quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 2 Nghị định này, người nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam.
Khánh Linh (tổng hợp)