Năm 2020, dư luận thế giới không ngớt lời ca ngợi, nhắc đến Việt Nam như là một “mẫu hình” trong phòng, chống đại dịch Covid-19.
Ngay cả những ngày đầu năm 2021, mặc dù tại một số địa phương lại xuất hiện những ca nhiễm Covid 19 mới, nhưng các chuyên gia, học giả và truyền thông quốc tế vẫn bày tỏ tin tưởng về vai trò lãnh đạo Đảng và tin rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục vượt qua được đại dịch, gặt hái thành công trong trạng thái “bình thường mới”.
Một nhóm công dân Việt Nam trở về nước vừa bước xuống máy bay tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: AP.
Viết lên kỳ tích nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng cộng sản
Có nhiều nguyên nhân làm nên thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Coivd-19 như: Phản ứng chính sách hết sức nhanh nhạy, mạch lạc và mạnh mẽ; năng lực và kinh nghiệm chống dịch của ngành y tế; sự ủng hộ và đồng lòng của người dân; đóng góp tích cực của truyền thông và lực lượng vũ trang..., nhưng có một nguyên nhân sâu xa hơn, cơ bản hơn và mang tính chất quyết định là sự lãnh đạo của Đảng và sức mạnh to lớn của thể chế chính trị ở nước ta. Điều này đã được các chuyên gia và báo giới nhiều nước thừa nhận và đưa ra những đánh giá rất tích cực ngay trong những ngày Đại hội XIII của Đảng vừa qua.
Theo tờ The Times of India, Việt Nam đã tự mình viết nên câu chuyện thành công trong ứng phó với sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự tham gia của toàn dân với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực để phòng, chống và kiểm soát thành công dịch bệnh.
Dẫn thông tin về kết quả bầu cử tại Đại hội XIII, hãng thông tấn Kyodo News của Nhật Bản nhấn mạnh, thành tựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, giúp đất nước kiểm soát được đại dịch Covid-19 trong năm 2020 và duy trì tăng trưởng kinh tế là điểm sáng hiếm có.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery nhận định, Việt Nam từ cấp trung ương đến địa phương đã có những biện pháp quyết liệt ngay từ đầu cuộc khủng hoảng y tế này để kiểm tra, khoanh vùng và dập tắt sự lây lan của virus. Các kết quả đạt được đã tự nói lên điều đó và Việt Nam hiện nay được nêu lên như một tấm gương về thành công trong công tác phòng chống Covid-19 và trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế tích cực.
Trong khi khẳng định sức mạnh và khả năng lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, PGS, TS. Artyom Lutkin, Phó giám đốc Viện Phương Đông thuộc trường Đại học Liên bang Viễn Đông của Nga, nhấn mạnh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là đảng của nhân dân, vì nhân dân, luôn lắng nghe tiếng nói và tâm trạng của nhân dân. “Đảng Cộng sản Việt Nam đã kịp thời đổi mới. Việc duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là minh chứng nổi bật về sự ổn định của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự điều hành của Chính phủ Việt Nam”, ông Lutkin khẳng định.
Trong khi đó, phóng viên Dipanjan Chaudhury của báo The Economic Times của Ấn Độ cho rằng Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa minh chứng vai trò vô cùng quan trọng của Đảng trong việc duy trì ổn định đất nước. “Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 là một trong những thành tựu lớn nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam trong năm 2020”, ông Chaudhury nhấn mạnh.
Trận đấu trên sân Thiên Trường vào cuối tháng 5-2020 trong khuôn khổ Cup Quốc gia 2020 giữa Nam Định và HAGL là biểu tượng về sự tự tin và chiến thắng của cả đất nước Việt Nam trước đại dịch Covid-19. Ảnh: CAND.
Nhà báo Yuri Denisovych, Trưởng cơ quan đại diện Hãng thông tấn quốc gia Nga TASS tại Việt Nam, một trong số các nhà báo nước ngoài tham gia đưa tin về Đại hội XIII của Đảng, chia sẻ rằng ông đã tận mắt chứng kiến những thành công to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong tình hình dịch bệnh toàn cầu đầy thách thức hiện nay, những thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 đặc biệt ấn tượng.
Trang mạng Project Syndicate nhận định, với sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương, toàn bộ hệ thống chính trị của Việt Nam đã vào cuộc và huy động được sự tham gia của toàn thể người dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội để thực hiện các biện pháp chống dịch một cách mạnh mẽ, huy động được các nguồn lực lớn trong thời gian ngắn phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trên thực tế, công tác triển khai hoạt động phòng, chống dịch tại các địa phương cho thấy có sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự đoàn kết, tương trợ giữa ngành y tế với các bộ, ban, ngành khác và giữa các địa phương trong cả nước.
Đó chỉ là một vài dẫn chứng cụ thể khẳng định, với mô hình thể chế quyền lực nhà nước là tập trung, thống nhất, được coi là một lợi thế giúp chúng ta phản ứng nhanh chóng với các tình huống và diễn biến của dịch bệnh. Khi Trung ương ban hành quyết định, ngay lập tức cả hệ thống tuân thủ, triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả. Điều này là vô cùng quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Bởi, chỉ cần chậm trễ dù chỉ một ngày, dịch bệnh có thể lây lan ra cả cộng đồng và vượt ngoài tầm kiểm soát.
Toàn dân “chống giặc”
Ngay sau khi Việt Nam ghi nhận trường hợp bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Mệnh lệnh “chống dịch như chống giặc” có lẽ chỉ có ở Việt Nam và khi được nêu ra trong một văn bản chính thức của người đứng đầu chính phủ đã khơi dậy tinh thần chiến đấu của cả dân tộc. Cả hệ thống chính trị cho tới mỗi con người Việt Nam đều chuyển sang tinh thần của thời chiến, tập trung cao độ, thực hiện các biện pháp ứng phó với dịch.
Các pano, áp phích nâng cao cảnh giác cho người dân xuất hiện nhiều trên các tuyến đường ở Việt Nam. Ảnh: Reuters.
Và cốt lõi của mệnh lệnh này là quan điểm tính mạng, sức khỏe của nhân dân là tối thượng. Trong khi các nước khác chần chừ, còn đong đếm lợi ích kinh tế với phòng, chống dịch bệnh, ngay từ đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố rất dứt khoát: "Việt Nam chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân”. Tuyên bố trên thể hiện rõ bản chất vì người dân, vì con người của Nhà nước ta, chế độ ta.
Điều này thể hiện ngay trong cảm nhận của các nhà ngoại giao nhân dịp tham dự Đại hội XIII của Đảng vừa qua. Bà Irmina Perojo, đại biện lâm thời Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam cho rằng, thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19 đã cho phép Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thành công đó cũng đem lại cho các nhà ngoại giao, các đại diện tổ chức quốc tế ở Việt Nam cảm thấy rất an toàn.
Cùng chung cảm nhận này, Đại sứ Nhà nước Palestine tại Việt Nam Saadi Salama cho rằng, các chính sách và biện pháp của Chính phủ Việt Nam về an ninh, an sinh xã hội được thực thi rất tốt. Minh chứng rõ nét nhất là việc Việt Nam ứng phó rất thành công với đại dịch Covid-19. Đó là kết quả từ những chính sách đúng đắn và sự tuân thủ nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch của người dân.
Tờ The New York Times trong bài viết có tựa đề “Việt Nam - Điều thần kỳ mới của châu Á?", đã nhận xét rằng tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Việt Nam được thể hiện qua những nỗ lực, giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tinh thần đoàn kết dân tộc, qua đó giúp Việt Nam đẩy lùi và kiểm soát dịch Covid-19 một cách hiệu quả. Không quá lời khi nói rằng Việt Nam là một trong những hình mẫu thành công trên thế giới trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Theo The New York Times, bằng cách cô lập các ổ dịch và tích cực phòng, chống dịch, nâng cao ý thức của người dân cũng như huy động mọi nguồn lực, Việt Nam nằm trong danh sách số ít quốc gia có số người mắc và tỷ lệ tử vong do dịch Covid-19 thấp nhất thế giới. “Thực hiện tốt lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19!”, mỗi người dân đều là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”, tờ báo này nhắc lại.
Tạp chí The Diplomat nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam luôn đặt tính mạng con người và lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, và đặc biệt phải phòng bệnh hơn chữa bệnh. Việt Nam đã phát huy hiệu quả sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó, ngành y tế, quân đội và công an là lực lượng nòng cốt; phát huy tối đa nội lực đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ, hợp tác từ các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”
Đưa tin về Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Reuters ngày 1-2 đề cập tới mục tiêu phục hồi kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới dựa vào sự kết hợp có điều chỉnh giữa các thỏa thuận thương mại tự do, thúc đẩy vai trò của kinh tế tư nhân và các biện pháp chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt. Hãng tin của Anh, tin tưởng với việc Việt Nam ngăn chặn được Covid-19 và là thành viên của một loạt các thỏa thuận thương mại tự do và ngày càng thu hút các nhà đầu tư, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức thông qua mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm (2021-2025) khoảng 6,5-7%. Trong kế hoạch phát triển kinh tế trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ phát huy vai trò là một trung tâm sản xuất chủ chốt của các tập đoàn toàn cầu như Samsung, Electronics, Foxconn và Intel.
Nhiều tờ báo quốc tế uy tín như The Times of India, The Business Times đều chia sẻ nhận định, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ càng rõ ràng hơn khi Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đường lối thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian tới. Tờ Malaymail của Malaysia nhấn mạnh, nhiệm kỳ tới Việt Nam sẽ tập trung vào nhiệm vụ phục hồi kinh tế trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, phát triển đất nước đến năm 2030 và năm 2045.
Nhà báo Yuri Denisovych, Trưởng cơ quan đại diện Hãng thông tấn quốc gia Nga TASS tại Việt Nam Bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới đã giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tăng trưởng GDP ở mức 2,91%. Đồng thời, Việt Nam cũng lọt vào top 10 nền kinh tế thế giới có tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm cao, duy trì mức trung bình khoảng 5,9%/năm trong nhiệm kỳ vừa qua.
Báo điện tử Rusvesna (Mùa xuân nước Nga) có bài viết ca ngợi: “Những thành tựu của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với các biện pháp được áp dụng kiên quyết, mạnh mẽ, công khai và minh bạch”.
Theo AP, dưới vai trò lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế lành mạnh và có nhiều thành tựu trong cuộc chiến chống Covid-19. Đánh giá cao khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sau Đại hội XIII của Đảng, nhật báo The Times of India đăng bài viết nhận định: “Với GDP năm 2020 tăng 2,91%, Việt Nam lọt vào nhóm số ít nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Đây là thành công lớn của Việt Nam”. The Times of India tin tưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận triển vọng khởi sắc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh Covid-19. Ảnh: AP.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng lại nhận định, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 là khá cao so với bối cảnh chung của thế giới khi nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm. Năm 2021, con số này được kỳ vọng sẽ là trên 6%. “Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sẽ củng cố vị thế của Việt Nam là “ngôi sao đang lên” của châu Á”.
Theo Nikkei Asia, Việt Nam sẽ dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế khu vực trong năm nay. Bất chấp đại dịch, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã chứng tỏ khả năng phục hồi nhanh chóng và vững vàng hơn nhiều, và với tính chất cởi mở của thị trường, việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hứa hẹn mang lại những cơ hội tăng trưởng to lớn.
Chia sẻ những quan điểm trên, hãng tin Sputnik cho rằng nhờ đạt được những thành công cơ bản trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, kinh tế Việt Nam được dự kiến sẽ “bật dậy và phục hồi nhanh chóng” giai đoạn hậu Covid-19.
Quân đội tham gia chống dịch - Bản sắc và giá trị phổ quát mang tính toàn cầu
Ở Việt Nam, quân đội tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19 nói riêng và ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống nói chung xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ và trên hết đó là mệnh lệnh từ trái tim của đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân chiến đấu, hy sinh. Đó là bản sắc nhưng cũng là những giá trị phổ quát mang tính toàn cầu mà nhân loại đang theo đuổi.
Lực lượng chức năng tiến hành phun diệt khuẩn cho xe cộ tại một trạm kiểm soát dịch ở tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Reuters.
Dự luận quốc tế cũng dành cho Quân đội nhân dân Việt Nam những dòng đánh giá rất tích cực. Theo tờ Heinrich Boll Stiftung, cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam có sự tham gia tích cực của quân đội cùng với ngành y tế, trong đó có công tác quản lý, điều hành các cơ sở cách ly. Cũng theo trang này, trong thời gian cách ly, những người bị cách ly cảm thấy rất thoải mái với sự hỗ trợ nhiệt tình, trách nhiệm của các cán bộ, chiến sĩ quân đội. “Các cán bộ, chiến sĩ trong khu cách ly luôn quan tâm, giúp đỡ chúng tôi”, anh Nguyễn Tăng Quang, một du học sinh trở về từ Anh và thực hiện cách ly tại Trường Quân sự Quân khu 7, chia sẻ với Heinrich Boll Stiftung.
Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra chỉ ra kinh nghiệm quý của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch là huy động sự tham gia của quân đội và chính quyền địa phương trong xét nghiệm và đảm bảo ăn ở miễn phí tại tất cả các địa điểm kiểm dịch. Ngoài ra, Việt Nam còn tăng cường đoàn kết và hợp tác quốc tế, khu vực trong ứng phó với đại dịch. Là nước Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020, Việt Nam đã đề ra sáng kiến “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, chủ trì hội nghị trực tuyến giữa các thành viên ASEAN và đối tác. Việt Nam còn giúp đỡ các nước phòng, chống dịch bằng cách tặng khẩu trang và vật tư y tế.
(Còn nữa)
Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân điện tử
Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử
Tâm Trang (st)