Ngày nay, mạng xã hội đã lan tỏa, trở thành một thứ “quyền lực” tác động đến mọi quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh tính ưu việt, mạng xã hội bộc lộ hạn chế không nhỏ, tác động tiêu cực tới sự phát triển xã hội, con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, làm trong sạch, lành mạnh mạng xã hội, sẽ góp phần nâng cao nhận thức, hành động và chất lượng cuộc sống của người dân và ngược lại. Đây là vấn đề cấp thiết hiện nay, cần có giải pháp phù hợp.
Mạng xã hội là nền tảng trực tuyến kết nối mọi người cùng sở thích thông qua dịch vụ internet. Như vậy, cứ ở đâu có internet, phương tiện liên lạc thông minh thì tổ chức, cá nhân đều có thể thiết lập nội dung thông tin tương tác với nhau nhằm thực hiện mục đích nào đó. Mạng xã hội mặc dù mới xuất hiện (Facebook bắt đầu từ năm 2004, Twitter từ năm 2006…), nhưng đã nhanh chóng trở thành hiện tượng và một thứ “quyền lực” mới khi xuất hiện smartphone. Thực tế cho thấy, mạng xã hội (Facebook, Youtube, FB Messenger, Zalo, Instagram,…) đã đem lại nhiều tiện ích, hiệu ứng tích cực đối với con người và xã hội, làm cho các quốc gia, mọi tổ chức, cá nhân trên thế giới phải đổi mới phương pháp, hình thức, phong cách quản lý,… và trên thực tế đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên, mạng xã hội đã sớm bộc lộ những tác động tiêu cực đến đời sống con người cả về tư tưởng, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đạo đức. Nguyên nhân hàng đầu là do người dùng chưa nhận thức, sử dụng đúng mạng xã hội; bị kẻ xấu lợi dụng biến thành nơi để thực hiện hành vi lừa đảo, kinh doanh bất hợp pháp, v.v. Nguy hiểm hơn, mạng xã hội bị các thế lực xấu biến thành công cụ, “mảnh đất lý tưởng” để truyền bá quan điểm sai trái, kích động bạo lực; xây dựng, phát triển mạng lưới tổ chức lực lượng thực hiện “Cách mạng màu”, tiến tới lật đổ, thay đổi thể chế chính trị ở quốc gia mà chúng nhắm tới. Thực tế cho thấy, sự bất ổn chính trị, xã hội do “Cách mạng màu” ở hàng loạt quốc gia, có nguyên nhân hàng đầu từ sự tác động tiêu cực của mạng xã hội. Mới đây, ở Mỹ, mạng xã hội là một tác nhân dẫn đến sự kiện khủng khiếp ngày 06/01/2021, mà cựu Tổng thống B. Obama gọi là “một trong những sự kiện đen tối nhất trong lịch sử đất nước”. Thông qua mạng xã hội, các lực lượng cực hữu đã tụ tập, tổ chức đánh thẳng vào “biểu tượng dân chủ Mỹ - Capitol” (Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ) làm rúng động đời sống chính trị, xã hội thế giới và chính nước Mỹ. Như vậy, mạng xã hội đem đến nhiều tiện ích, nhưng cũng tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, nên việc quản lý, làm lành mạnh các hoạt động trên mạng xã hội là đòi hỏi khách quan, tất yếu của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet và ứng dụng mạng xã hội hàng đầu trong khu vực và trên thế giới1. Không chỉ là công cụ tích cực chuyển tải đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước, quảng bá truyền thống lịch sử, chủ nghĩa yêu nước, nhân văn, nét đặc sắc văn hóa, mạng xã hội còn góp phần phổ biến kiến thức, kinh nghiệm phát triển kinh tế, xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau xây dựng đất nước, cộng đồng, gia đình giàu đẹp, văn hóa, văn minh, ấm no, hạnh phúc, v.v.. Tuy nhiên, mạng xã hội ở Việt Nam có những bất cập, tác động tiêu cực không nhỏ đến đời sống xã hội với những thông tin thật, giả lẫn lộn, nhiễu loạn, như “mê hồn trận”. Trên Facebook, Youtube, Zalo,… nhan nhản bài viết, video clip, hình ảnh chứa đựng nội dung, hành vi phản văn hóa, thuần phong mỹ tục, cổ vũ bạo lực, coi thường pháp luật, đề cao lối sống vị kỷ,… do những kẻ xấu đưa lên. Đặc biệt, một số tổ chức, cá nhân cơ hội, phản động chính trị đã triệt để lợi dụng mạng xã hội để truyền bá quan điểm sai trái về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo; xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử, truyền thống dân tộc, chế độ; kích động dư luận, hô hào tụ tập đông người, biến bức xúc thành bạo động,… phản đối đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp,… nhằm tạo điều kiện, môi trường cho âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ, “cách mạng màu”, tiến tới lật đổ chế độ. Mặt trái của mạng xã hội làm ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng, hành động của người dân, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ quyền, an ninh quốc gia.
Vì vậy, “Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên”2, làm lành mạnh, phát huy tiện ích, ngăn chặn, đẩy lùi tác động tiêu cực của mạng xã hội ở nước ta là yêu cầu cơ bản, cấp thiết của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trước hết là cấp ủy, chính quyền, cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp. Theo đó, cần tiến hành toàn diện, đồng bộ, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục nhận thức, trách nhiệm cho nhân dân, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh khi sử dụng mạng xã hội. Để thực hiện tốt nội dung này, các cấp cần đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp với từng đối tượng, làm cho họ nhận thức và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền tự do thông tin, tự do báo chí, công tác quản lý, sử dụng internet và mạng xã hội. Trọng tâm là: Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư (khóa X) về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Luật Báo chí 2016; Luật Tiếp cận thông tin 2016; Luật An ninh mạng 2018 và các bộ luật, luật liên quan. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, truyền thống, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn, phép ứng xử của dân tộc ta; kịp thời định hướng dư luận khi có các vấn đề nhạy cảm diễn ra trong xã hội, v.v. Đồng thời, làm cho các đối tượng nắm rõ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội để chống phá đất nước của các thế lực thù địch. Quá trình thực hiện, cần làm thường xuyên, liên tục, phối hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức trong hệ thống chính trị, hệ thống thông tin, truyền thông từ Trung ương đến cơ sở; kết hợp giáo dục, tuyên truyền theo chuyên đề với chủ đề, giáo dục trong nhà trường và gia đình, các loại hình truyền thông, thông tin từ truyền thống đến hiện đại cho phù hợp với không gian, thời gian và đối tượng, v.v. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật, quy tắc xã hội, xây dựng phong cách văn hóa cho các đối tượng khi tham gia mạng xã hội; đồng thời, ngăn chặn, vô hiệu hóa những thông tin xấu độc, hành vi phản cảm, thiếu văn hóa, nhất là âm mưu, thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội để chống phá của các thế lực thù địch.
Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Xây dựng, phát triển, hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lý hoạt động trên internet, mạng xã hội là vấn đề tất yếu, khách quan, quan trọng hàng đầu. Hiện nay, Nhà nước ta đã xây dựng các bộ luật, luật liên quan đến quản lý, điều chỉnh hành vi người sử dụng internet, mạng xã hội rất chặt chẽ, khoa học, trong đó có Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, internet và mạng xã hội sẽ luôn xuất hiện vấn đề mới, dễ làm cho một số quy định pháp luật trở nên không còn phù hợp, lạc hậu. Vì thế, cơ quan chức năng các cấp cần thường xuyên theo dõi, khảo sát, đánh giá, kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo công tác quản lý hoạt động internet, mạng xã hội phù hợp với các quy trình sinh hoạt xã hội, cộng đồng, thực sự “ích nước, lợi nhà”, ngăn chặn hiệu quả các mặt tiêu cực. Hệ thống pháp luật phải đồng bộ, hiện đại, có khung pháp lý khoa học, chặt chẽ, đủ mạnh, phù hợp thực tiễn, đủ sức quản lý, xử lý hiệu quả tổ chức, cá nhân lợi dụng internet, mạng xã hội để đưa tin xấu độc, bội nhọ, chống chính quyền, lừa đảo,… kịp thời biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt trong hoạt động trên không gian mạng.
Ba là, đầu tư, phát triển các phương tiện, giải pháp khoa học, kỹ thuật, công nghệ, tiên tiến. Đây là điều kiện căn bản để cơ quan chức năng luôn chủ động, kịp thời, hiệu quả trong quản lý internet, mạng xã hội. Theo đó, cần nghiên cứu, đầu tư, phát triển công nghệ phù hợp sự phát triển của internet; khuyến khích phát triển mạng xã hội có nền tảng công nghệ trong nước, xây dựng mạng xã hội nội bộ ở các cơ quan, đơn vị, nhất là ở những cơ quan, đơn vị trọng yếu. Đồng thời, xây dựng, phát triển các công cụ quản lý, thu thập, định lượng, phòng ngừa, cảnh báo, lọc, phát hiện tin giả, tin xấu độc; chú trọng xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp,… đảm bảo chủ động cảnh báo, ngăn chặn sự lan truyền, gỡ bỏ tin giả, tin xấu độc ngay khi xuất hiện trên mạng xã hội. Mạng xã hội là môi trường “không có biên giới”, nên chúng ta cần tăng cường thông tin, phối hợp với chính phủ các nước và các định chế quốc tế, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội lớn từ nước ngoài, như: Facebook, Google, Twitter, Youtube,… để kịp thời ngăn chặn, xử lý, loại trừ nguy cơ, hiểm họa có thể xảy ra từ sớm, từ xa.
Bốn là, xây dựng lực lượng nòng cốt chuyên sâu “vừa hồng, vừa chuyên”. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, quyết định trực tiếp đến kết quả ngăn chặn những tác động tiêu cực của mạng xã hội. Lực lượng nòng cốt, chuyên sâu phải được tổ chức gọn nhẹ, chặt chẽ, tinh nhuệ, phù hợp chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, tổ chức đảng, sự quản lý của người đứng đầu các cấp. Đó phải là những cán bộ, đảng viên tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, kiến thức chuyên sâu, năng lực tư duy phản biện toàn diện, nhạy bén trong khai thác, sử dụng internet, mạng xã hội và khả năng diễn đạt, luận chiến tốt; nhiệt huyết, dũng khí, quyết tâm bảo vệ Đảng, chế độ, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lợi ích quốc gia, dân tộc trong mọi điều kiện.
Năm là, đa dạng hóa hình thức và phương pháp làm trong sạch mạng xã hội. Chúng ta cần thiết lập, tăng cường sử dụng các website, blog, diễn đàn,… đăng tải những bài viết, video clip, hình ảnh về tư tưởng, lý luận Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, thực tiễn phát triển đất nước,… có chất lượng, thu hút được người xem, chia sẻ. Chủ động cung cấp thông tin cho các tổ chức, lực lượng, nhất là cơ quan truyền thông, báo chí để vừa đấu tranh với những thông tin xấu độc, vừa ngăn chặn, vô hiệu hóa các trang mạng “độc hại” ngay từ khi mới xuất hiện. Đặc biệt, cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần xây dựng được quy định, quy ước sử dụng mạng xã hội; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia mạng xã hội. Đảm bảo cho họ phải trở thành “pháo đài vững chắc” trên trận địa đấu tranh bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân; chủ động “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, tự giác đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực, trực diện đấu tranh với thông tin xấu độc, tạo thành phong trào rộng khắp làm cho mạng xã hội ngày càng tích cực, lành mạnh.
Minh Quân
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Tâm Trang (st)
1. Theo thống kê của cơ quan chức năng Nhà nước Việt Nam: Số lượng người dùng internet ở Việt Nam năm 2020 là 68,17 triệu người, tăng 6,2 triệu người so với năm 2019 (tăng đến 10%); có hơn 145 triệu thiết bị di động được kết nối với internet, bình quân mỗi người dùng 2,1 thiết bị di động và có hơn 65 triệu người dùng các mạng xã hội: Facebook, Youtube, Zalo, FB Messenger, Instagram, Tiktok, Twitter, Skype, Viber, Printest, Line, Linkedin, Wechat, Whatsapp, Twitch, Snapchat (theo thứ tự từ cao đến thấp).
2. ĐCSVN - Văn kiện Đại hội XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 129.