Mùa Xuân vốn là mùa luôn mang lại cho con người nhiều cảm xúc, nhất là khi mùa Xuân lại gắn với những ấn tượng, những kỉ niệm không dễ phai mờ. Năm Nhâm Thìn sắp qua, Xuân Quý Tỵ đang dần hiện hữu. Nó ẩn hiện trong dáng dấp e ấp của nụ hoa, trong sắc biếc của chồi non cây cỏ, trong cái se lạnh của đất trời và cả trong nét cười tươi rói của em thơ... Nó khiến chúng ta - những người đã từng nghe, từng đọc thơ Xuân của Bác - nhớ về Bác và những vần thơ Xuân của Người.
Như chúng ta đã biết, là một vị lãnh tụ tối cao của Đảng, của dân tộc; với bao bộn bề công việc phải lo toan, nhưng cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, Bác Hồ kính yêu của chúng ta, lúc sinh thời, lại có những vần thơ Xuân - thơ chúc tết - đằm thắm nghĩa tình, xiết bao xúc động.
Đọc lại những vần thơ chúc Tết của Bác, tính từ bài đầu tiên - năm 1942 - đến bài cuối cùng - năm 1969 - chúng ta lại càng thêm hiểu Bác, càng thêm kính yêu Người, cảm phục Người - một trong những vĩ nhân của thế giới.
Thơ chúc Tết, hay còn gọi là thơ Xuân, bao giờ cũng ẩn chứa trong đó niềm vui say, náo nức, rộn ràng. Bác đã từng nói: Một năm khởi đầu từ mùa Xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ...Huống chi, những bài thơ chúc Tết của Người không chỉ nói về mùa Xuân của thiên nhiên, đất trời mà còn nói về mùa Xuân, tuổi Xuân của cả một quốc gia, dân tộc. Vì vậy, niềm vui say trong những bài thơ ấy như được nhân lên gấp triệu triệu lần. Có khác chăng, trong những vần thơ Xuân của Bác, niềm vui trước độ Tết đến Xuân về bao giờ cũng gắn liền với niềm vui trước thắng lợi của phong trào cách mạng trong nước và thế giới.
Ngay từ bài thơ Xuân đầu tiên - năm 1942, năm mà nhân dân ta chưa giành được chính quyền - Bác đã viết:
Năm nay là năm Tết vẻ vang
Cách mệnh thành công khắp thế giới.
Bác vui trước thành công của phong trào cách mạng thế giới. Bác truyền niềm vui đó đến với đồng bào cả nước bằng những vần thơ Xuân, qua đó gửi gắm niềm hi vọng, lạc quan vào thắng lợi của cách mạng nước nhà.
Gắn với từng giai đoạn cách mạng của dân tộc, những vần thơ Xuân của Bác cũng như có thêm hương sắc mới. Đọc lại bài thơ chúc Tết năm 1947, Người đọc hôm nay như đang được sống trong cái không khí sôi sục, hào hùng của những ngày toàn quốc kháng chiến. Bài thơ tràn ngập hình ảnh, âm thanh, sắc màu. Tất cả đều rộn rã, tươi mới, chan chứa sức Xuân:
Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiếp đến những năm kháng chiến chống Mĩ gian lao, vất vả khi cả nước cùng lên đường để bảo vệ chân lí: Không có gì quý hơn độc lập tự do, thì những bài thơ chúc Tết của Bác càng hào hùng hơn, nồng ấm hơn. Quân dân cả nước nhận được từ những vần thơ Xuân của Người niềm phấn chấn, tin tưởng để vững bước đi tiếp chặng đường phía trước với niềm tin sắt đá vào thắng lợi ngày mai:
Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà,
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mĩ.
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta!
(Thơ chúc tết năm 1968)
Hay:
Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào...
(Thơ chúc tết năm 1969)
Với ý nghĩa đó, những bài thơ Xuân của Bác không chỉ là những bài thơ đón Xuân, vui Xuân mà còn là những bài thơ báo tin Xuân - báo tin thắng lợi của toàn dân tộc trong từng thời kì lịch sử, tạo đà đi lên trong những nhiệm vụ mới, ở những thời kì mới. Với cảm quan nhạy bén của một lãnh tụ cách mạng lỗi lạc, Bác đã phát huy triệt để sức mạnh của thơ ca, giúp thơ ca nói chung, thơ chúc Tết nói riêng làm tròn sứ mệnh là vũ khí tư tưởng của cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc.
Mặt khác, đã là thơ chúc Tết thì phải có lời chúc. Lời chúc trong thơ Xuân của Bác vừa có nét truyền thống lại vừa mang nét đặc sắc riêng. Nó có giá trị động viên tinh thần yêu quý độc lập - tự do; tinh thần chiến đấu bất khuất, khí phách anh hùng cách mạng; kêu gọi thắt chặt tình đoàn kết chiến đấu... của đồng bào cả nước.
Trong bài thơ xuân Bác viết năm 1942, lời chúc của Bác vừa tha thiết vừa mong mỏi, bởi đây là năm dân tộc ta đang đứng trước thềm của thời kì đấu tranh giành độc lập dân tộc:
Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!
Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi;
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!
Chúc Việt Minh ta càng tiến tới...
Đến năm 1961, lời chúc đầu Xuân của Bác vừa được cụ thể hóa gắn với nhiệm vụ cách mạng của từng miền vừa được khái quát hóa gắn với xu thế phát triển chung của phong trào cách mạng thế giới:
Chúc Miền Bắc hăng hái thi đua,
Chúc Miền Nam đoàn kết tiến tới!
Chúc hòa bình thống nhất thành công!
Chúc chủ nghĩa xã hội thắng lợi!
Nhưng có lẽ ấm nồng hơn cả là lời chúc trong bài thơ Xuân năm 1967 của Người. Bởi một lí do rất dễ hiểu, đó là năm cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc ta đang ở giai đoạn quyết liệt trên cả hai miền Nam - Bắc. Bác như tiên liệu được trước thắng lợi mà quân dân ta sẽ giành được trong thời gian tới nên lời chúc có giọng điệu hân hoan, phơi phới. Niềm vui như tràn ra khỏi đường biên chữ nghĩa để đến với mọi người:
Xuân về xin có một lời ca,
Gửi chúc đồng bào cả nước ta:
Chống Mĩ hai miền đều đánh giỏi,
Tin mừng thắng trận nở như hoa!
Và ít ai ngờ được rằng lời chúc trong bài thơ đón Xuân năm 1969 lại là lời chúc cuối cùng của Người đối với toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước:
Tiến lên chiến sĩ, đồng bào,
Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!
Câu thơ không chỉ là lời chúc Tết mà còn là lời kêu gọi tràn đầy nhiệt huyết, lời khẳng định chắc chắn về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ, về công cuộc giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước của một trái tim vĩ đại suốt đời cống hiến, hi sinh cho độc lập - tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.
Một điều đặc biệt quan trọng ở văn thơ của Bác nói chung, thơ chúc Tết của Người nói riêng là cách nói đơn giản, bình dị, chân chất, xuất phát từ yêu cầu phục vụ đối tượng cũng bình dị, chân chất: Quần chúng nhân dân lao động. Đó là dấu hiệu của một nền nghệ thuật lớn - nền nghệ thuật mang tính nhân dân sâu sắc. Cho nên, đọc thơ chúc Tết của Bác, mỗi người Việt Nam đều cảm thấy rung động trong tim mình những gì tha thiết nhất. Những tình cảm yêu nước, yêu đời, yêu người, yêu thiên nhiên cảnh vật trong thơ Người có sức mạnh thúc đẩy biến thành hành động tự giác có tác dụng cải tạo xã hội. Nếu xét đến cùng thì những bài thơ chúc Tết của Bác đã đạt đến đỉnh cao của phong cách chính luận trong việc tuyên truyền, động viên quần chúng tham gia cách mạng.
Trong bài thơ chúc Tết năm 1952, Bác đã từng viết:
Mấy câu thành thật nôm na,
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân.
Bởi phương châm của Bác là: Lấy sự chân thành mà đãi người, dùng sự chân thành mà cảm hóa lòng người. Bác vĩ đại bởi những điều giản dị như thế đó.
Đã xa rồi những khoảnh khắc đón giao thừa, nhà nhà, người người bồn chồn, náo nức đợi chờ giây phút Bác đọc thơ chúc Tết bên chiếc rađio bé nhỏ để được nghe giọng nói âm vang, ấm áp của Người. Rất giản dị và tự nhiên, vì:
Giọng của Người, không phải sấm trên cao,
Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước.
Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước,
Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau...
(Sáng tháng Năm - Tố Hữu)
Dẫu vậy, mười năm, hai mươi năm... sau nữa, đọc lại những vần thơ Xuân của Bác, lòng chúng ta vẫn không khỏi bồi hồi, xao xuyến, rưng rưng... bởi, niềm kính yêu Bác mãi mãi không bao giờ nguôi vơi trong trái tim mỗi người dân đất Việt; bởi, Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn! (Tố Hữu)
Theo Website Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội
Tâm Trang (st)