1. Văn phòng Chính phủ: Thông báo số 26/TB-VPCP ngày 08/02/2021 Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19

Trong Kết luận, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương ngành y tế và các địa phương, nhất là Hải Dương, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Gia Lai... đã kịp thời áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ, tổng lực, đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo để phòng, chống dịch. Đến nay, tuy tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới trong cộng đồng nhưng về cơ bản đã kiểm soát được các ổ dịch tại Hải Dương, Quảng Ninh.

P36
Ảnh minh họa/Internet

Việc xuất hiện ổ dịch mới tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội cho thấy nguy cơ dịch bệnh đang ở mức cao. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp của Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc khoanh vùng, cách ly, truy vết, xét nghiệm trên diện rộng... nhanh chóng kiểm soát dịch, quyết không để lây lan rộng trong cộng đồng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội quyết định theo thẩm quyền việc áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 hoặc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ tương ứng với mức nguy cơ lây lan dịch bệnh đối với một số khu vực cụ thể trên địa bàn.

Bộ Y tế chỉ đạo thành lập ngay Sở chỉ huy tiền phương phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh; tập trung chỉ đạo, hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh sớm kiểm soát ổ dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện việc thực hiện yêu cầu 5K, trước hết là đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Vận động hạn chế đến mức tối đa việc tập trung nhiều người tại lễ tang, lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tiệc mừng cuối năm, đám cưới; dừng bắn pháo hoa nhân dịp năm mới.

- Vận động hạn chế tối đa việc đi lại trong dịp Tết Nguyên đán; vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, công nhân viên tổ chức làm việc trong dịp Tết, sinh hoạt tại chỗ...

- Rà soát, chuẩn bị mọi nguồn lực cần thiết (nhân lực, vật tư, sinh phẩm, công cụ, phương tiện, kể cả bệnh viện dã chiến), sẵn sàng cho các tình huống dịch bệnh, kể cả tình huống xấu nhất có thể xảy ra; quan tâm giải quyết chế độ, chính sách, có biện pháp thiết thực động viên kịp thời các lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán.

- Các đô thị, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng được chủ động quyết định các biện pháp mạnh mẽ phòng, chống dịch; chuẩn bị kỹ lưỡng theo các kịch bản có thể xảy ra, sẵn sàng cho tình huống có đông người mắc bệnh. Các địa phương hiện đang có dịch phải tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh một cách tốt nhất.

- Chỉ đạo thực hiện việc cách ly tập trung 14 ngày.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện xét nghiệm trên diện rộng đối với người ở các khu vực có nguy cơ cao; thường xuyên cập nhật, giao ban với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương và kịp thời hỗ trợ, chi viện các địa phương phòng, chống dịch khi cần thiết.

 Các Bộ liên quan và UBNDcác địa phương chỉ đạo sản xuất, cung ứng, không để xảy ra thiếu, khan hiếm các loại vật tư, sinh phẩm phòng, chống dịch và các loại hàng hóa phục vụ nhân dân. Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa cần thiết bảo đảm đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong bối cảnh có dịch bệnh.

 Các lực lượng chức năng như công an, quân đội, quản lý thị trường tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, không để xảy ra các tình huống xấu do diễn biến mới của dịch bệnh.

 Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan báo chí, UBNDcấp tỉnh tiếp tục thông tin về tình hình dịch bệnh để nhân dân đề cao cảnh giác và có biện pháp mạnh mẽ phòng, chống dịch.

 Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 dành thời gian cần thiết chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; xử lý kịp thời các kiến nghị của các địa phương.

2. Bộ Y tế: Quyết định số 1125/QĐ-BYT ngày 08/02/2021 về việc ban hành Hướng dẫn chăm sóc người bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV- 2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Hướng dẫn này đã đưa ra định nghĩa ca bệnh như sau:

Trường hợp bệnh nghi ngờ, bao gồm các trường hợp:

- Người bệnh có sốt và/hoặc viêm đường hô hấp cấp tính không lý giải được bằng các nguyên nhân khác.

- Người bệnh có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào VÀ có tiền sử đến/qua/ở/về từ vùng dịch tễ* có bệnh COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng HOẶC tiếp xúc gần (**) với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng.

* Vùng dịch tễ: được xác định là những quốc gia, vùng lãnh thổ có ghi nhận ca mắc COVID-19 lây truyền nội địa, hoặc nơi có ổ dịch đang hoạt động tại Việt Nam theo “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19” của Bộ Y tế và được cập nhật bởi Cục Y tế dự phòng.

** Tiếp xúc gần: bao gồm: 1. Tiếp xúc tại các cơ sở y tế, bao gồm: trực tiếp chăm sóc người bệnh (NB) COVID-19; làm việc cùng với NVYT mắc COVID-19; tới thăm NB hoặc ở cùng phòng bệnh có NB mắc COVID-19; 2. Tiếp xúc trực tiếp trong khoảng cách ≤ 2 mét với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19 trong thời kỳ mắc bệnh; 3. Sống cùng nhà với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19 trong thời kỳ mắc bệnh; 4. Cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh; 5. Cùng nhóm: du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp... với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh; 6. Di chuyển trên cùng phương tiện (ngồi cùng hàng, trước hoặc sau hai hàng ghế) với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19 trong thời kỳ mắc bệnh.

Trường hợp bệnh xác định là trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc bất cứ người nào có xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 được thực hiện bởi các cơ sở xét nghiệm do Bộ Y tế cho phép khẳng định.

Triệu chứng lâm sàng là:

- Thời gian ủ bệnh: từ 2 ngày -14 ngày, trung bình từ ngày 5-7 ngày.

- Khởi phát: Triệu chứng hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Một số trường hợp đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy…

Theo Hướng dẫn này, người bệnh được xuất viện khi có đủ các tiêu chuẩn sau:

- Hết sốt ít nhất 03 ngày.

- Các triệu chứng lâm sàng cải thiện, toàn trạng tốt, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, chức năng các cơ quan bình thường, xét nghiệm máu trở về bình thường, Xquang phổi cải thiện.

- Ba mẫu bệnh phẩm (các mẫu lấy cách nhau ít nhất 01 ngày) xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp realtime RT-PCR.

Theo dõi sau xuất viện: Người bệnh cần tiếp tục được cách ly phù hợp tại nhà dưới sự giám sát giám sát của y tế cơ sở và CDC địa phương thêm 14 ngày nữa và theo dõi thân nhiệt tại nhà 2 lần/ngày, nếu thân nhiệt cao hơn 38oC ở hai lần đo liên tiếp hoặc có các dấu hiệu bất thường khác, phải đến khám lại ngay tại các cơ sở y tế.

3. Bộ Y tế: Công văn số 898/BYT-MT ngày 07/02/2021 về việc hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi và an toàn phòng, chống dịch, đặc biệt trong dịp giáp Tết Nguyên đán, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện việc vận chuyển hàng hóa với các nội dung như sau:

- Yêu cầu người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa: ghi chép lại hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; đảm bảo thông thoáng phương tiện, thường xuyên mở cửa sổ phương tiện; hạn chế tiếp xúc với người khác; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch (đeo khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa, sát khuẩn tay thường xuyên, khai báo y tế, khử khuẩn phương tiện vận chuyển hàng ngày...).

- Tổ chức xét nghiệm SARS-COV-2 hai lần cho người điều khiển phương tiện vận chuyển đi ra từ khu vực phong tỏa hoặc khu vực ổ dịch (vào thời điểm trước khi đi và khi quay về). Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc đơn vị được chỉ định chịu trách nhiệm xét nghiệm SARS-COV-2 cho người điều khiển phương tiện vận chuyển.

- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc phòng, chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa; giám sát y tế đối với người điều khiển phương tiện.

4. Bộ Y tế: Công văn số 897/BYT-MT ngày 07/02/2021 về việc hướng dẫn cách ly y tế cho trẻ em dưới 15 tuổi

Theo đó, thời gian cách ly cho trẻ em dưới 15 tuổi là 14 ngày. Đối với trẻ dưới 5 tuổi, thực hiện cách ly y tế tại nhà riêng khi đảm bảo đủ các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Đối với trẻ từ 5-15 tuổi, thực hiện cách ly y tế tập trung trong 7 ngày đầu. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính 3 lần liên tiếp với SARS-CoV-2 (lấy mẫu vào ngày 1, ngày 3 và ngày 7), trẻ sẽ được về cách ly tại nhà riêng nếu đảm bảo đủ các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Việc di chuyển từ cơ sở cách ly y tế tập trung về nhà phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.

Để được cách ly tại nhà cần đáp ứng những điều kiện sau:

- Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị:

+ Là nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập).

+ Trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY Y TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19”.

+ Phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nếu nhà có nhiều tầng thì sử dụng một tầng riêng biệt để thực hiện cách ly y tế. Trong nhà vệ sinh phải có xà phòng rửa tay, nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay có chứa ít nhất 60% cồn.

+ Phòng cách ly phải được vệ sinh khử khuẩn sạch sẽ, đảm bảo thông thoáng khí, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ, hạn chế dùng điều hòa (nếu dùng thì để nhiệt độ trên 26°C và tăng cường thông gió), không dùng điều hòa trung tâm, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng.

+ Trong và ngoài cửa phòng cách ly có thùng đựng rác màu vàng có nắp đậy, có đạp chân và có lót túi đựng chất thải lây nhiễm, có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.

+ Trong phòng cách ly có dụng cụ vệ sinh cá nhân; xô, chậu đựng quần áo của trẻ và người chăm sóc trẻ để xử lý sơ bộ trước khi giặt sạch.

+ Trong phòng cách ly có chổi, cây lau nhà, giẻ lau, 02 xô và dung dịch khử khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường, cồn 70 độ để người chăm sóc trẻ hoặc trẻ được cách ly tự làm vệ sinh khử khuẩn phòng hàng ngày.

+ Phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống lây nhiễm cho người chăm sóc trẻ và người nhà (trang phục phòng, chống dịch gồm khẩu trang y tế, găng tay y tế, giày, kính bảo hộ, áo quần) để sử dụng khi cần thiết.

- Yêu cầu đối với trẻ được cách ly và người chăm sóc trẻ:

+ Bắt buộc phải có người khỏe mạnh chăm sóc và giám sát trẻ trong suốt thời gian thực hiện việc cách ly.

+ Không ra khỏi phòng cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác. Không tiếp xúc với động vật nuôi. Được bố trí suất ăn riêng.

+ Hướng dẫn cho trẻ và bản thân thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay...

+ Tự theo dõi sức khỏe của trẻ và bản thân. Nếu có các triệu chứng nghi ngờ thì thông báo cho nhân viên y tế cấp xã.

+ Chủ động vệ sinh khử khuẩn phòng cách ly, quần áo, đồ dùng cá nhân và thu gom chất thải theo hướng dẫn tại phụ lục 1.

- Phải có xác nhận của UBND cấp xã đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế tại nhà.

5. Bộ Y tế: Quyết định số 1053/QĐ-BYT ngày 06/02/2021 về việc ban hành Hướng dẫn đeo khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi công cộng

5 nguyên tắc đeo khẩu trang được đưa ra trong Hướng dẫn này là:

- Hướng dẫn đeo khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19tại nơi công cộng dựa trên cơ chế lây truyền trực tiếp từ người sang người theo đường hô hấp chủ yếu qua giọt bắn và nguy cơ làm lây lan dịch COVID-19: Nơi có nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh; Nơi có không gian kín; Nơi tập trung đông người; Nơi có sự giao tiếp gần dưới 2 mét.

- Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.

- Người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người đi từ vùng dịch trở về trong thời gian cách ly khi tiếp xúc gần với người khác bắt buộc đeo khẩu trang.

- Người nhận thấy có nguy cơ bị lây nhiễm COVID-19 phải đeo khẩu trang.

- Hướng dẫn này không áp dụng với những khu vực, địa điểm đang có ổ dịch COVID-19; người đang thực hiện các hoạt động sinh hoạt, vệ sinh cá nhân (ngủ, ăn uống, đánh răng, tắm rửa…).

Bộ Y tế dướng dẫn đeo khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi công cộng ở các địa điểm gồm: Tại nơi có nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh; tại nơi có không gian kín; tại nơi tập trung đông người. Như:

- Tại trụ sở làm việc, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

+ Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải đeo khẩu trang khi đi đến, khi ra về và khi tiếp xúc với khách đến thăm, làm việc.

+ Khách khi đến thăm, rời khỏi và trong suốt quá trình làm việc tại trụ sở làm việc, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải đeo khẩu trang.

- Tại cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn.

+ Người tham gia và người tổ chức cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình họp.

+ Người đang trình bày, phát biểu ý kiến không phải đeo khẩu trang.

+ Đối với các cuộc họp cấp cao, có tính chất nghi lễ, ngoại giao, cuộc họp nội bộ của cơ quan, đơn vị mà kiểm soát được nguy cơ lây nhiễm của những người tham gia thì việc đeo khẩu trang do ban tổ chức xem xét, quyết định.

6. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Công văn số 5/LĐTBXH-TE ngày 04/02/2021 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho trẻ em và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch

Theo đó, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về trẻ em và điều phối việc thực hiện quyền trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai một số nội dung, công việc sau:

- Chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị chức năng tại địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ trẻ em, bảo đảm an toàn cho trẻ em cùng với việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó, đặc biệt quan tâm các hoạt động chăm sóc dinh dưỡng phù hợp; hỗ trợ, phòng ngừa sang chấn tâm lý; phòng, chống nguy cơ bạo lực, xâm hại trẻ em.

- Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực, chủ động phối hợp với các ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt với Sở Giáo dục và Đào tạo:

+ Theo dõi, cập nhật tình hình tác động của dịch bệnh COVID-19 đến trẻ em; số lượng trẻ em, nhu cầu cần hỗ trợ của trẻ em, học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh đang thực hiện cách ly tập trung và cách ly tại gia đình để kịp thời tổng hợp, báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Cục Trẻ em).

+ Triển khai ngay việc truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tuyên truyền bằng nhiều hình thức các tài liệu, sản phẩm truyền thông, hướng dẫn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch COVID-19 đã được Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các tổ chức quốc tế xây dựng, sản xuất, trước hết đến các điểm cách ly tập trung có đông trẻ em và các cơ sở giáo dục, các địa phương có trẻ em phải cách ly tại gia đình.

+ Liên hệ với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) để tổ chức tham vấn, tập huấn trực tuyến dành cho học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh tại các điểm cách ly tập trung và các cơ sở giáo dục có học sinh cách ly tại gia đình về những nội dung: an toàn cho trẻ em; chăm sóc, ổn định tâm lý, phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý những sang chấn tâm lý của trẻ em trong bối cảnh cách ly; giải quyết tình huống khẩn cấp về bảo vệ trẻ em, đặc biệt trong thời gian Tết Nguyên đán Tân Sửu.

+ Khi có các vấn đề phát sinh hoặc trường hợp khẩn cấp liên quan đến đối tượng trẻ em cần chủ động báo cáo cơ quan có thẩm quyền và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Trẻ em) để có giải pháp xử lý, hỗ trợ kịp thời.

7. Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia: Công văn số 43/CV-UBATGTQG ngày 05/02/2021 về việc tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, công tác vận tải trong dịp nghỉ Tết và lễ hội mùa xuân Tân Sửu gắn liền với công tác phòng, chống dịch Covid-19

Công văn nêu rõ, để tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm gắn với phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả, Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông (ATGT) Quốc gia trân trọng đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo cơ quan chức năng, đoàn thể, chính quyền các cấp và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thực hiện một số nội dung sau:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành quy định pháp luật về TTATGT và phòng chống dịch bệnh Covid-19; tự giác thực hiện “Đã uống rượu, bia - không lái xe” và Thông điệp 5K trong phòng chống dịch Covid- 19 (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tập trung và Khai báo Y tế”; cài đặt ứng dụng Bluzone, khai báo y tế khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.

- Yêu cầu các đơn vị quản lý bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng... và các đơn vị kinh doanh vận tải tuân thủ nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo trung ương, Bộ Y tế, Bộ GTVT và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, về phòng chống dịch Covid-19; thực hiện việc ghi nhận, cung cấp thông tin về hoạt động của phương tiện, hành khách tham gia giao thông theo quy định pháp luật và yêu cầu của cơ quan chức năng; cung cấp và yêu cầu hành khách thực hiện rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang trước khi lên phương tiện và trong suốt hành trình chuyến đi nhằm triệt để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng từ hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa.

- Tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông và phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhất là hành vi lái xe vi phạm quy định…; xe ô tô kinh doanh vận tải chở quá  tải trọng về hàng hóa, chở quá số người quy định, vận chuyển hàng cấm, nguy cơ cháy, nổ; chủ phương tiện, người điều khiển, nhân viên phục vụ trên phương tiện và người tham gia giao thông vi phạm các quy định về phòng chống dịch COVID-19 (như: không đeo khẩu trang, không cài đặt ứng dụng Bluzone phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19...), đặc biệt là hành vi không đeo khẩu trang khi tham gia giao thông.

- Tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kinh doanh vận tải và phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên các tuyến giao thông trọng điểm, các đầu mối giao thông lớn, bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng...chấn chỉnh và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, đặc biệt là người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn, tốc độ, chở hàng hóa quá tải trọng, chở quá số người quy định, không hướng dẫn và yêu cầu hành khách thực hiện quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cũng như các hành vi liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng cấm, vật liệu cháy, nổ trái quy định; chấn chỉnh và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về thực thi công vụ.

- Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, các đơn vị khai thác bến tàu, bến xe, nhà ga, bến cảng trên địa bàn địa phương khẩn trương cập nhật dữ liệu lên Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19 của quốc gia theo các bước: cài đặt ứng dụng “An toàn Covid-19” lên điện thoại đi dộng của người được phân công phụ trách; đăng ký tài khoản; khai báo và cập nhật thông tin về các biện pháp phòng chống dịch đơn vị đã triển khai. Tăng cường kiểm tra và tạm dừng hoạt động đối với những đơn vị, doanh nghiệp không thực hiện cập nhật thông tin và không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

- Giao Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kinh doanh vận tải và phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt quan tâm đảm bảo phương án tổ chức lực lượng ứng trực theo chế độ 24/7, phương án vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và phương án ứng phó khi xảy ra tình huống có người nghi nhiễm COVID-19 trên phương tiện công cộng hoặc đầu mối vận tải, đồng thời công bố số điện thoại đường dây nóng của địa phương tiếp nhận các phản ánh của người dân về tình hình TTATGT trên địa bàn trên trang thông tin điện tử của địa phương…

8. UBNDThành phố Hà Nội: Thông báo số 05/TB-BCĐ ngày 04/02/2021 Kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thành phố Hà Nội (tại Phiên họp số 85)

Cụ thể, để tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc” và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ, của Thành ủy và UBND Thành phố về tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19. UBND Thành phố giao:

Các quận, huyện, thị xã:

- Thực hiện nghiêm các chỉ đạo tại: Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 28/01/2021 của UBND Thành phố; các thông báo số: 03/TB-BCĐ ngày 31/01/2021 và 04/TB-BCĐ ngày 02/02/2021 của Ban Chỉ đạo và đặc biệt là chỉ Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 03/02/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố.

- Ngay sau khi nhận được thông tin về các ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn, triển khai ngay công tác truy vết các trường hợp F1, F2. Đối với các trường hợp đã xác định F1 chuyển sang F0, chậm nhất sau 04 tiếng phải gửi mẫu xét nghiệm COVID - 19 của các trường hợp F1 (trước đó là F2) về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, đồng thời triển khai công tác cách ly F1, F2 theo quy định (F1 cách ly tập trung, F2 cách ly tại gia đình có sự quản lý của địa phương). Trường hợp chậm trễ, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố.

- Thành phố sẽ mở rộng diện xét nghiệm ở một số vùng có nguy cơ lây nhiễm cao, theo chỉ đạo của Bộ Y tế và Thành phố. Các đơn vị cần chủ động chuẩn bị vật tư, trang thiết bị để thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”, trường hợp có khó khăn cần chủ động phối hợp với các địa phương khác để được hỗ trợ, đảm bảo an toàn trong việc vận chuyển người đến khu cách ly...

- Thực hiện nghiêm việc xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Cần xử phạt mức cao nhất đối với người vi phạm trên phương tiện giao thông công cộng, trong thang máy tại các tòa nhà cao tầng, khu chung cư và người phục vụ, bán hàng tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, quán nước vỉa hè (đây là những nơi có nguy cơ lây nhiễm rất cao). Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hợp đồng nếu vi phạm cần thông tin đến cơ quan, nơi làm việc; đối với người dân nếu vi phạm, thông tin đến chính quyền cơ sở, nơi cư trú.

- Đồng ý đề xuất của UBND quận Hoàn Kiếm về việc tạm dừng hoạt động phố đi bộ, từ ngày 05/02/2021 cho đến khi có chỉ đạo mới của UBND Thành phố.

Giao Sở Y tế: Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tiếp tục phối hợp đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác xét nghiệm được giao. Trả kết quả xét nghiệm F1, trong thời gian chậm nhất là sau 06 tiếng kể từ khi nhận được mẫu xét nghiệm từ các đơn vị gửi đến. Trường hợp chậm trễ, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố (thực hiện Công thức 4-6: 4 giờ lấy mẫu F1 và bàn giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, 6 giờ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố trả kết quả xét nghiệm F1); Chủ động phối hợp các quận, huyện, thị xã rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị để sẵn sàng phục vụ công tác cách ly tập trung tại địa phương khi cần thiết. Báo cáo Ban Chỉ đạo tại phiên họp tới.

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội: Chủ trì, phối hợp Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác tổ chức cách ly tập trung tại các cơ sở do Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội quản lý; quản lý các cơ sở cách ly tập trung dân sự do Thành phố thành lập. Đảm bảo tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn Thành phố.

Sở Giao thông vận tải: Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19tại bến xe, bến tàu, phương tiện giao thông công cộng; - Hạn chế việc vận chuyển hành khách trên phương tiện giao thông công cộng, cụ thể: xe chở khách không chở vượt quá 50% số người theo thiết kế của nhà sản xuất và không quá 20 người đối với tất cả các loại xe. Chủ động điều phối phương tiện giao thông công cộng, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn Thành phố, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu.

Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các quận, huyện thị xã, Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan báo chí của Thành phố: Chủ động liên hệ Sở Y tế để cập nhật thông tin mới nhất về dịch bệnh COVID - 19; tăng cường thông tin tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch về diễn biến tình hình dịch bệnh; tuyên truyền người dân thực hiện tốt khuyến cáo “5K”; tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng truy vết, ứng dụng Bluezone, ứng dụng khai báo y tế.

Các Sở, ban, ngành Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã: Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Chủ động rà soát, thực hiện tốt các nhiệm vụ được Thành phố giao, tổng hợp kết quả thực hiện, báo Ban Chỉ đạo Thành phố chỉ đạo nội dung vượt thẩm quyền của đơn vị. Đặc biệt, đối với quận, huyện, thị xã và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố cần phối hợp tốt trong công tác xét nghiệm, đảm bảo thời gian tối đa kể từ khi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và trả kết quả về địa phương không quá 10 tiếng.

Thu Hiền (tổng hợp)

Bài viết khác: