Đó là những vuông bánh chưng đậm nét đặc trưng của miền sóng gió. Là bữa cơm tất niên với món ăn cổ truyền được bày biện thật công phu, thêm tiết mục chấm điểm. Và dễ đến mười mấy năm, kể từ những ngày thơ ấu, những người lính mới chơi lại trò ném vòng, nhảy bao bố… háo hức chờ phần thưởng dù đó chỉ là chiếc kẹo, phong bánh. Thiêng liêng nhất là khoảnh khắc giao thừa. Sóng vỗ bốn bề, đảo nhỏ quây quần, đầm ấm và bừng lên niềm tin, sức sống.
Vì sao bánh chưng nơi đầu sóng không có được màu xanh? Là bởi những cuộn lá dong từ đất liền gửi ra đã phải vượt hành trình đầy khắc nghiệt, tính ra, ròng rã cả tháng trời mới được chuyển lên đảo. Trên những chuyến tàu chở “mùa xuân” ra đảo và Nhà giàn DK1, bộ đội nâng niu, gìn giữ lắm nhưng theo thời gian, lá ngả màu vàng. Không sao cả, chung quanh vẫn là những nụ cười ngày cuối năm bừng lên như có nắng. Đồng đội cũng là gia đình, cái không khí sum vầy, ấm cúng dâng quyện lại, thấm thía làm sao. Đến lúc này, ai cũng cảm nhận được sự thiêng liêng, gần gũi của khẩu hiệu “Đảo là nhà - Biển cả là quê hương”.
Bữa cơm tất niên của bộ đội nơi tuyến đầu Tổ quốc chộn rộn, ấm nồng, mà cũng khó tả. Bắt đầu từ mờ sáng, toàn đảo đã rộn lên. Phía này tiếng gà, phía kia “ông ỉn” béo tròn ụt ịt. Gạo nếp, đỗ xanh, măng miến, củ quả bày ra. Các phân đội không chỉ chế biến món ăn, bày mâm cỗ thật đẹp mà còn phải chuẩn bị cho phần dự thi, chấm điểm. Quanh năm quen với món đồ bọc thép, nhắm mắt vào cũng thấy món ruốc mặn chát hiện lên nhói cả óc. Bữa cơm tất niên này thực sự là một bữa ăn tươi. Lợn nuôi cả năm được mang ra thịt, riêng phần thủ lợn cùng khấu đuôi được dâng lên cúng cột mốc chủ quyền. Thịt được chia đều về các phân đội để gói bánh chưng. Phần thừa ra anh em mang ra nấu mâm cơm tất niên. Ngon nhất lại là miếng mỡ lợn, nó đậm đà và thơm phức, chứ không khô khan như thịt xay đựng trong lon đồ hộp hằng ngày.
Mỗi phân đội lại còn có những món ăn của riêng mình. Nơi giỏi tăng gia rau xanh thì bữa cơm tất niên có đĩa rau đầy để mà gắp, ngày thường chỉ thấy lèo tèo cọng rau trong chậu canh sũng nước mà thôi. Nơi thì lại có thêm món cá tươi vừa câu được đêm qua hay như ốc nhảy, bạch tuộc, cá mú hoa mới bắt ngoài rạn san hô quanh đảo. Mâm cơm nào cũng được bày biện thật đẹp mắt. Trước khi phá cỗ sẽ là tiết mục chấm điểm thi đua, điểm cộng được đưa vào thành tích của đơn vị. Và rồi cuối cùng đặc biệt nhất là tất cả cùng ăn. Một bữa cơm đầm ấm mà hòn đảo nhỏ bỗng nhiên trở thành ngôi nhà chung ấm cúng. Ngoài kia vẫn đang có phiên gác và rồi lại có những người ăn thật nhanh để thay phiên cho bạn vào hưởng không khí gia đình.
Phút giao thừa, giờ phút thiêng liêng chào đón một năm mới, toàn đảo tập trung ấm áp bên nhau. Chậu quất xuân của đất liền gửi ra tháng trước quả đã vàng đúng độ, những nhành phong lan tươi tắn, mâm ngũ quả đầy ắp đặc sản các vùng miền mang đến một cảm nhận quê hương đang ở ngay nơi này. Anh em sum vầy bên nhau cất cao lời ca kết đoàn, rồi cùng đếm ngược chào đón thời khắc giao thừa, hòa chung cùng không khí đón giao thừa cả nước qua cầu truyền hình trước khi nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết. Ai cũng cảm thấy rưng rưng, tự hào khi hai tiếng “đảo xa” được nhắc đến trong lá thư đầu xuân.
Sáng mùng một Tết, cả đảo tập trung trước cột mốc chủ quyền tổ chức lễ chào cờ đầu năm. Thời khắc đánh dấu cho những quyết tâm mới, nhiệm vụ mới phải hoàn thành vì trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân. Không khí lắng đọng mà hào hùng khi bài hát Quốc ca vang lên. Lễ chào cờ đầu năm mới luôn mang đến một cảm xúc vô cùng đặc biệt với mỗi người trên đảo. Không chỉ những người lính cảm nhận được, mà những người dân, đến cả những đứa trẻ cũng cảm thấy hồn thiêng dân tộc lắng đọng ở nơi đầu sóng ngọn gió này. Sau lễ chào cờ, chỉ huy đảo lì xì đầu năm cho toàn đảo. Vui nhất có lẽ là những đứa trẻ và những chiến sĩ mới tò te vừa ra đảo nhận nhiệm vụ được một tháng.
Ngay trong ngày đầu tiên của năm, đảo cũng tổ chức các trò chơi cho bộ đội. Trò ném vòng, thả bóng vào chậu, nhảy bao bố, kéo co… dễ đến mười mấy năm bộ đội không biết đến nay bắt đầu chơi lại. Trò chơi như sự tiếp nối của tuổi thơ. Những tiếng cười vang lên, giòn tan, sảng khoái. Gương mặt lính mới trẻ măng, phảng phất nét tinh nghịch, thơ ngây niên thiếu. Phần thưởng chỉ là cái kẹo, phong bánh thôi nhưng ai cũng cố trổ hết sự tập trung, khéo léo để chiến thắng.
Ngày mùng bốn Tết, đảo tổ chức Tết trồng cây. Những mầm xanh được trồng xuống, đối với mỗi người lính cây xanh như thay họ tiếp tục làm nhiệm vụ ở nơi này. Đối với tập thể thì cả một màu xanh cho các thế hệ tiếp nối. Bởi ai cũng biết rằng mình sẽ rời nơi này nhưng ai cũng sống trọn vẹn “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Và rồi khi vào bờ, ai cũng cảm thấy rằng nơi đó, mình đã gửi lại một phần bóng mát, màu xanh cho những người ở lại, cho tấc đất tiền tiêu đầy thương nhớ, bâng khuâng…
Tết nơi đảo xa vẫn luôn có những người canh gác cho đồng đội, cho bình yên của Tổ quốc. Người lính nào vinh dự được nhận nhiệm vụ gác tại cột mốc chủ quyền trong xuân mới đều cảm thấy thiêng liêng, thấy trách nhiệm trang trọng trên vai và trái tim không thôi thổn thức. “Canh giữ đảo để nhân dân đón Tết/ Gác biển trời cho Tổ quốc vào xuân”, đôi câu đối Tết ấy bất cứ người lính nào ở đảo nổi, đảo chìm, Nhà giàn DK1 đều thấm thía mỗi độ xuân về. Quê nhà xa lắm nhưng cũng gần kề, hiện hữu trong từng vuông bánh chưng, nhành quất xuân, gói bánh chả loáng thoáng lá chanh, mứt gừng khiến dư vị trà mạn thêm ấm nồng, lan tỏa./.
Bài: TRẦN THÀNH; Ảnh: NHÍM BIỂN
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)