Năm mươi hai năm Bác đã đi xa, nhưng trong lòng chúng ta không bao giờ vắng hình bóng của Bác. Trong những ngày mùa Xuân Tân Sửu này, chúng ta lại càng nhớ đến Bác kính yêu. Nhất là trong lòng nhiều người từng sống qua những năm kháng chiến, lại dâng lên trong lòng niềm thương nhớ Bác, nhớ giọng nói của Người, nhớ những lời chúc Tết mỗi đêm Giao thừa của Người được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Năm 1949, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn cầm cự và chuẩn bị tổng phản công. Nhằm động viên toàn thể nhân dân Việt Nam tham gia vào công cuộc kháng chiến kiến quốc, ngày 01/01/1949, hơn một tháng trước Tết Nguyên đán Kỷ Sửu (1949), báo Cứu quốc đã đăng Thư chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Sang năm mới,
Các chiến sĩ sẽ thi đua xung phong giết nhiều giặc, cướp nhiều súng, lập nhiều công.
Đồng bào sẽ xung phong thi đua tăng gia sản xuất về mọi nghề, mọi ngành, diệt giặc đói, diệt giặc dốt.
Các cụ phụ lão xung phong đốc thúc con cháu thi đua.
Các cán bộ thi đua thực hành cần, kiệm, liêm, chính.
Các cháu thiếu niên và nhi đồng xung phong thi đua học và hành.
Sang năm mới, chúng ta mọi người đều ra sức thi đua với tinh thần mới, lực lượng mới để đưa kháng chiến và kiến quốc đến nhiều thắng lợi mới và thành công mới”.
Đến Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, từ núi rừng Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài thơ chúc Tết Xuân Kỷ Sửu gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước.
Kháng chiến lại thêm một năm mới,
Thi đua yêu nước thêm tiến tới.
Động viên lực lượng và tinh thần,
Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi.
Người người thi đua,
Ngành ngành thi đua,
Ngày ngày thi đua,
Ta nhất định thắng,
Địch nhất định thua.
Bài thơ và chữ ký của Người được in trên trang nhất của báo Sự thật, số 106 - 107, ra ngày mùng 1 Tết Kỷ Sửu (ngày 29/01/1949). Tờ báo có 32 trang bằng giấy dó và 01 phụ bản, kích thước 32cm x 24cm, tranh nhất in ba màu: Tiêu đề báo màu đỏ, hình vẽ minh họa màu xanh, chữ in màu đen. Chủ nhiệm tờ báo là Nguyễn Lương Hoàng, đồng chí Phạm Cao Tăng khắc gỗ bản in; họa sĩ Kích (Phan Kế An) trình bày và minh họa.
Bài thơ và chữ ký của Người được in trên trang nhất của báo Sự thật, số xuân 1949.
Ảnh Tạp chí Tuyên giáo.
Những lời thơ giản dị nhưng giọng điệu ngân vang, chắc khỏe định hướng hành động, cụ thể hóa nhiệm vụ, mục tiêu chiến lược của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Lời thơ của Bác lôi cuốn, thúc giục nhân dân tích cực thi đua.
Với những câu thơ ý nghĩa này, Bác đã tạo nên không khí thi đua yêu nước nở rộ trong cả nước với một khí thế hết sức khẩn trương và sâu rộng. Mùa chiến công được Bác báo trước từ những ngày sôi nổi này: “Ta nhất định thắng/ Địch nhất định thua”.
Họa sĩ Phan Kế An (bút danh Kích) - người vẽ minh họa bài thơ Xuân 1949 của Bác kể lại: Ngay từ cuối năm 1948, bước vào đầu năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bài thơ chúc Tết đến Ban biên tập tờ báo để chuẩn bị cho số báo đặc biệt mừng Xuân mới. Khi nhận được bài thơ, nhìn nét chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cùng với các đồng chí Thép Mới, Quang Đạm, Xuân Trường đã hội kiến về ý tưởng đưa bút tích của Người lên trang báo. Sau khi thống nhất với đồng chí Trường Chinh, đồng chí Xuân Trường đã lên báo cáo với Bác và được Bác đồng ý. Để chữ Bác viết được đúng như kích thước của trang báo, ông đã đề nghị Người viết đi, viết lại mấy lần. Tuy nhiên, lúc Người viết chữ to quá, lúc lại nhỏ quá, cuối cùng Người đề nghị ông kẻ dòng để viết lại.
Thơ chúc Tết Kỷ Sửu 1949 của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lưu giữ
tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Bên cạnh hai bức thư trên, mùa Xuân Kỷ Sửu năm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có Thư chúc Tết đồng bào trong vùng bị tạm chiếm và thư chúc Tết các cháu thiếu nhiên nhi đồng toàn quốc. Bác viết: “… Tết nay là Tết kháng chiến thứ ba của các cháu, Tết kháng chiến thứ tư của các cháu miền Nam… Trong những năm vừa qua, các cháu khổ sở, nhưng các cháu tiến bộ nhiều… Các cháu đã xứng đáng là dòng dõi Phù Đổng Thiên Vương, Trần Quốc Toản. Thật xứng đáng là nhi đồng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bác rất bằng lòng các cháu… Năm mới, Bác chúc các cháu vui vẻ, mạnh khỏe và tiến bộ nhiều hơn năm ngoái”.
Những bức thư chúc Tết Xuân Kỷ Sửu 1949 của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lời thăm hỏi, chúc mừng năm mới đồng bào, là tình cảm, sự quan tâm, ân cần của Người mà trong đó chứa đựng cả một tinh thần thi đua sôi nổi, một niềm tin, sự động viên, khích lệ toàn dân sang năm mới sẽ thi đua hăng hái hơn, đạt kết quả cao hơn. Bài thơ cũng chính là tư tưởng của Người về thi đua yêu nước.
Năm 1961, Tết Dương lịch, Bác Hồ viết “Lời chúc mừng năm mới 1961” gửi đến đồng bào ta, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và chúc mừng nhân dân các nước bạn.
Đến Tết Nguyên đán, chào Xuân Tân Sửu, trên Báo Nhân Dân số 2479, Bác Hồ lại có bài:
Mừng năm mới, mừng xuân mới
Mừng Việt Nam, mừng thế giới
Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh
Kế hoạch năm năm thêm phấn khởi
Chúc miền Bắc hăng hái thi đua
Chúc miền Nam đoàn kết tiến tới
Chúc Hòa bình, Thống nhất thành công
Chúc Chủ nghĩa xã hội thắng lợi
1961
Hồ Chí Minh
Có thể nói, những bài thơ chúc Tết của Bác đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi người dân Việt Nam. Mỗi bài thơ chúc Tết của Bác là một sự tổng kết thắng lợi năm cũ, đề ra mục tiêu năm mới, và bao trùm lên hết thảy luôn luôn là một khát vọng độc lập tự do cho dân tộc, hạnh phúc ấm no cho nhân dân. Từ khi Bác đi xa, người dân không còn được nghe những bài thơ mừng xuân mới của Bác nữa, nhưng nỗi nhớ thương thì vẫn còn nguyên vẹn trong triệu trái tim. Như Tố Hữu đã viết:
Bác ơi Tết đến. Giao thừa đó
Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần
Ríu rít đàn em vui pháo nổ
Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân.
Những lời chúc tết của Bác vừa là mừng xuân, vừa là lời căn dặn chỉ bảo cụ thể mà khái quát sâu xa, mộc mạc mà sâu lắng, tác động mạnh mẽ đến lòng người, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cách mạng nước nhà. Nhớ lời dạy của Bác từ đó đến nay các thế hệ người Việt Nam đã ra sức phấn đấu, quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng to đẹp hơn như Bác hằng mong muốn./.
Thanh Huyền (Tổng hợp)