dan thu huong 1
Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 246, Sư đoàn 346 (Quân khu 1) khám chữa bệnh cho người dân xã Xuân Lạc (Chợ Đồn, Bắc Kạn). Ảnh: Trần Hải

Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của đảng bổ sung thành tố “dân giám sát, dân thụ hưởng” bên cạnh “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là sự khẳng định sâu sắc bản chất ưu việt chế độ ta. “Dân thụ hưởng” là đích cuối cùng, mục tiêu tối thượng của một Nhà nước vì dân, luôn nỗ lực quan tâm nâng cao đời sống nhân dân, thể hiện rõ nét qua các chính sách an sinh xã hội (ASXH), phúc lợi xã hội, tập trung chăm lo đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng chính sách, người yếu thế.

Dốc sức chăm lo, nâng cao đời sống dân sinh

Những năm qua, hệ thống luật pháp và chính sách ASXH từng bước được bổ sung hoàn thiện, bảo đảm thực hiện tốt theo ba chức năng phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro, điển hình là quy định trong Hiến pháp năm 2013 “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống ASXH, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”. Các quan điểm hiện đại về thiết kế hệ thống ASXH, các kinh nghiệm quốc tế, cách tiếp cận về đo lường nghèo đa chiều, các tiêu chuẩn về sàn ASXH, các tiêu chí về phát triển bền vững đã được nghiên cứu áp dụng phù hợp thực tiễn. Vai trò, trách nhiệm tham gia, đóng góp và thụ hưởng của Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức và người dân trong hệ thống được xác lập theo xu hướng tiến bộ.

Nói một cách hình ảnh, nếu chỉ chú trọng phát triển kinh tế xã hội mà không bảo đảm ASXH thì khác nào như người có hai chân mà chỉ đi một chân. Bản chất của ASXH đã hướng đến quyền cơ bản của con người, bảo đảm công bằng xã hội, góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, đồng thuận, không có sự loại trừ, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đất nước. Mức đầu tư cho ASXH chiếm 21% chi GDP là cao nhất trong số các nước ASEAN. Thực tiễn chứng minh thành tựu phát triển đất nước đã đem lại cho nhân dân đời sống ngày càng ấm no, điển hình là hai chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; niềm tin của nhân dân về chính sách xã hội được đánh giá ở mức độ tốt chiếm 68% (khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương), tăng 13 bậc so với năm 2019.

Từ năm 1993 đến nay, công tác xóa đói, giảm nghèo đi qua sáu giai đoạn điều chỉnh chuẩn nghèo, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ, phù hợp từng thời kỳ phát triển của đất nước, điểm nhấn là ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều bao gồm cả chỉ số thu nhập và sự thiếu hụt tiếp cận năm dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch vệ sinh và thông tin, truyền thông). Tổng nguồn vốn NSNN đầu tư thực hiện chương trình giai đoạn 2016 - 2020: 48.397 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 41.449 tỷ đồng. Ở các thành phố lớn và một số tỉnh, thành tự chủ ngân sách, chuẩn nghèo còn được điều chỉnh cao hơn, khẳng định sự quan tâm sâu sắc từ Trung ương đến địa phương nhằm không ngừng nâng cao đời sống người dân.

Với chuẩn nghèo đa chiều, tính đến cả yếu tố đời sống văn hóa tinh thần, hưởng thụ của người dân tăng lên cả về chất và lượng. Giai đoạn ban đầu, đời sống người nghèo còn gặp rất nhiều khó khăn nên phải giải quyết tức thời trên diện rộng, cho không “con cá” bằng tiền mặt, hiện vật, hỗ trợ dầu hỏa, điện thắp sáng... để xóa đói khát, đói rách, cấp bách vượt qua hoàn cảnh cơ cực. Sau này, hỗ trợ cho không dần được bãi bỏ và tăng dần các chính sách hỗ trợ có điều kiện như cho vay vốn, hỗ trợ đất canh tác, nước sinh hoạt... nhằm khuyến khích người nghèo phát huy nội lực, hướng đến ăn no mặc ấm, ăn ngon mặc đẹp, tránh trông chờ ỷ lại. Tăng cường việc đào tạo, dạy nghề “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cụ thể cách trồng cây gì, nuôi con gì, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế giúp người dân có thu nhập ổn định, không bị tái nghèo. Cùng với đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị, hỗ trợ bao tiêu “đầu ra” đã giúp nông sản không chỉ đáp ứng tự cung, tự cấp mà còn trở thành hàng hóa lưu thông, phân phối trên thị trường. Nhiều vùng đất vốn khô cằn, khốn khó đã chuyển mình, trở nên trù phú bởi ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp như Mộc Châu (Sơn La) nổi tiếng với nhiều loại rau, quả được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh thành và xuất khẩu ra nước ngoài, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) xuất khẩu đem lại giá trị kinh tế cao... Nhà nước định hướng, điều tiết và kết nối thị trường, người dân đầu tư đúng hướng, thụ hưởng thành quả lao động với giá trị ngày càng cao, nhiều hộ dân vượt khó vươn lên và thoát nghèo.

Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách đầu tư của Trung ương 63.155 tỷ đồng, địa phương 130.000 tỷ đồng. Nhà nước đầu tư một phần kích cầu và huy động sức dân đã tạo diện mạo đổi thay ở nhiều vùng quê. Đề cao tính tự chủ, người dân được bàn thảo, trực tiếp tham gia xây dựng nông thôn mới và được hưởng lợi thành quả từ giao thông, thủy lợi, đồng ruộng, trạm y tế, nhà văn hóa, môi trường sống xanh..., đời sống vật chất lẫn tinh thần không ngừng được cải thiện, càng thêm yêu, gắn bó với quê hương mình. Câu chuyện tỷ phú ở làng quê với trang trại quy mô rộng lớn, nhiều nhà đầu tư chuyển sang địa bàn nông thôn để khai thác tiềm năng còn bỏ ngỏ đã không còn xa lạ.

dan thu huong 2
Ngày xuân ở Lao Xa (Sủng Là, Đồng Văn, Hà Giang). Ảnh: Lê Bích

Về nguyên tắc hưởng thụ, quyền và nghĩa vụ song hành. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận không đóng góp nhưng vẫn được Nhà nước trợ giúp xã hội thường xuyên như là người cao tuổi, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, người khuyết tật, người yếu thế... và số lượng ngày càng tăng cho thấy tính nhân văn điển hình của xã hội ta. Vai trò Nhà nước bảo vệ an toàn cho mọi thành viên trong xã hội khi họ gặp rủi ro mà bản thân không thể khắc phục được thể hiện rõ nét qua chính sách trợ giúp xã hội đột xuất, thời điểm Tết Nguyên đán, giáp hạt, mất mùa, gặp rủi ro, thiên tai, dịch bệnh trên diện rộng... Nhờ có “phao cứu sinh” tạm thời, người dân không bị rơi vào cảnh bần cùng. Xuất 787.984 tấn gạo dự trữ quốc gia để cấp hỗ trợ trong bảy năm, hơn 3.700 tỷ đồng Chính phủ hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng cho gần 1,7 triệu người cao tuổi... chỉ điểm qua vài con số cho thấy Nhà nước đã chủ động tích lũy nguồn lực, dốc tâm, dốc sức lo cho dân, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Tinh thần tương thân tương ái, tính nhân văn càng tỏa sáng khi năm 2020 đại dịch Covid-19 hoành hành, mặc dù đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng Nhà nước đã chủ động vào cuộc với gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cho người dân bị giảm sâu thu nhập không thể bảo đảm mức sống tối thiểu và gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng, cùng hàng loạt hỗ trợ thiết thực khác như giảm giá bán điện, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, gia hạn nộp thuế...

Bảo đảm thụ hưởng công bằng, bình đẳng

Tín hiệu đáng mừng là đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước còn 2,75%, các chính sách hỗ trợ như tín dụng, giáo dục và đào tạo nghề... được duy trì ổn định ngày càng phát huy hiệu quả; việc thực hiện chuẩn nghèo đa chiều của Việt Nam tiến triển nhanh, cả nước về đích trước 10 năm so với mục tiêu thiên niên kỷ và là một trong 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều được quốc tế công nhận. Diện mạo nghèo đói ở tất cả các vùng miền đã cải thiện đáng kể, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Đến tháng 6-2020, cả nước có 5.177 xã (58,2%), 127/664 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Những chuyển biến tích cực nói trên xuất phát từ việc kiên trì thực hiện nguyên tắc: phát huy dân chủ ở cơ sở để bảo đảm quyền, nghĩa vụ của công dân; tăng trưởng và phát triển phải đem lại lợi ích cho người dân.

Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn nhiều gian nan. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo tăng nhanh và hộ cận nghèo giảm chậm, ngân sách chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn từ trung ương, bố trí phân tán và dàn trải. Bảo đảm tốt ASXH góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm, giữ ổn định TTATXH, xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đòi hỏi xây dựng hệ thống ASXH đa tầng, hiện đại, linh hoạt và bao phủ toàn dân. Để đối phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, Nhà nước cần chuẩn bị tích lũy đủ nguồn lực và có chiến lược “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Muốn vậy, phải tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, tăng cường phân công, phân cấp; mạnh dạn trao quyền tự chủ cho địa phương, cơ sở, nhấn mạnh trách nhiệm và phát huy sáng tạo của người đứng đầu. Bên cạnh đó, bảo đảm sự kiểm tra, giám sát, chặt chẽ trên cơ sở công khai, minh bạch để mọi người đều được hưởng thụ một cách công bằng, bình đẳng, tránh tình trạng “người ăn không hết kẻ lần chẳng ra”.

TS. Bùi Sỹ Lợi

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Theo Báo Nhân Dân
Tâm Trang (st)

Bài viết khác: