1. Chính phủ: Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 10/02/2021 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2021
Nghị quyết nêu rõ, dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục gia tăng do sự lây lan nhanh và mạnh của các chủng biến thế mới của vi rút SARS-CoV-2 ở nhiều quốc gia và ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta cả trước mắt và lâu dài. Trong bối cảnh đó, để tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch; không ngừng đổi mới tư duy phát triển, cách nghĩ, cách làm, đổi mới sáng tạo trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, quyết tâm đưa đất nước vượt qua thử thách, vững bước đi lên, sớm hiện thức hóa mục tiêu của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Ảnh minh họa/Internet
Các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình, chủ động xây dựng các kịch bản, tình huống, chuẩn bị mọi phương án và các biện pháp phù hợp để sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả, bảo đảm phát hiện nhanh, hành động quyết liệt hơn để dập dịch triệt để trong thời gian ngắn nhất, kiên quyết không để dịch bệnh xâm nhập, lan rộng. Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 22/TB-VPCP ngày 30/01/2021 của Văn phòng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19; các biện pháp phòng dịch theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu địa phương, đơn vị trong công tác phòng, chống dịch, chịu trách nhiệm về công tác này trên địa bàn, trong đó ưu tiên thực hiện phương châm 4 tại chỗ, chủ động các phương án ứng phó với các cấp độ của dịch; rà soát kỹ các trường hợp đi về từ vùng dịch; mở rộng xét nghiệm, phát hiện sớm ca lây nhiễm để khoanh vùng, dập dịch kịp thời, không để lây lan trên diện rộng; bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng; không tập trung đông người.
Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, Giáo dục và Đào tạo; Lao động - Thương binh và Xã hội, Công thương và Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ các lực lượng trên địa bàn thực hiện nghiêm việc cách ly y tế; tăng cường năng lực lấy mẫu, xét nghiệm nhanh; kiểm soát các tuyến biên giới đường bộ, đường thủy, đường biển, quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, ngăn chặn nhập cảnh trái phép; tổ chức việc cách ly đối với cán bộ ngoại giao và chuyên gia nước ngoài nhập cảnh theo đúng quy định; tăng cường hỗ trợ chuyên môn, năng lực điều trị tại các địa phương, cơ sở y tế; chú trọng phòng, chống dịch COVID-19 tại các bệnh viện, trường học, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở lưu trú, công sở, trụ sở, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ…; bảo đảm an sinh xã hội, cung ứng đủ hàng hóa, lương thực, sinh phẩm y tế; tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa (kể cả ra vào vùng dịch) gắn với bảm đảm các yêu cầu phòng, chống dịch; tạm dừng lễ hội, sự kiện đông người không cần thiết; thực hiện nghiêm túc khai báo y tế bắt buộc đối với người đến từ vùng dịch và đẩy mạnh khai báo y tế toàn dân.
Bộ Y tế khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phương án mua vắc-xin phòng, chống dịch COVID-19 của nước ngoài phù hợp với điều kiện của Việt Nam để người dân sớm tiếp cận trong quý I năm 2021; tiếp tục đẩy nhanh nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm vắc-xin COVID-19 trong nước, ưu tiên sử dụng vắc-xin trong nước nếu bảo đảm yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn, giá cả.
Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, các cơ quan thông tấn, báo chí, UBND cấp tỉnh tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh kịp thời, chính xác để người dân đề cao cảnh giác nhưng cũng không hoang mang, lo lắng; khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế; xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là không đeo khẩu trang nơi công cộng; triển khai cài đặt các ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 để chủ động phòng ngừa; thông báo cho chính quyền về các trường hợp nhập cảnh trái phép, nghi mắc hoặc đi, về từ vùng có dịch.
Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động rà soát các giải pháp điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, căn cứ vào diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và tình hình tác động của dịch bệnh để đề xuất việc thực hiện các chính sách giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay, hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương theo dõi tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến người lao động và cập nhật tình hình, nhu cầu lao động nước ngoài.
Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền về những thành tựu của đất nước, các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội trong dịp Tết phù hợp với diễn biến tình hình dịch COVID-19; chủ động đấu tranh, phản bác các luận điểm sai trái, thù địch…
2. Chính phủ: Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 về chi phí cách ly y tế, chi phí khám bệnh, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19
Cụ thể, về chi phí cách ly y tế, chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian cách ly y tế được quy định như sau:
- Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và không phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch:
+ Phải chấp hành chỉ định xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 của cơ quan y tế và tự chi trả chi phí xét nghiệm cho cơ sở y tế theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.
Quy định này không áp dụng đối với các đoàn ngoại giao cấp cao; các nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, chuyên gia, khách mời do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh mời. Việc chỉ định xét nghiệm đối với các trường hợp này do Bộ Y tế thống nhất với cơ quan mời. Việc miễn hoặc cá nhân phải tự chi trả chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định.
+ Cơ quan, tổ chức đón tiếp người nhập cảnh phải thông báo cho Sở Y tế địa phương về danh sách lưu trú và địa chỉ lưu trú để tổ chức theo dõi, giám sát y tế và thực hiện việc xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định.
- Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam thuộc đối tượng phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch:
+ Phải có bảo hiểm y tế quốc tế còn giá trị sử dụng và có phạm vi thanh toán khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam phù hợp với thời gian lưu trú tại Việt Nam.
+ Phải thực hiện cách ly tại khách sạn, resort (không cách ly tại các doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác được cơ quan có thẩm quyền chọn là nơi cách ly tập trung).
+ Phải tự chi trả các chi phí sau đây: Chi phí đưa đón từ nơi nhập cảnh vào Việt Nam đến cơ sở cách ly; Chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành; Các chi phí về ăn, ở, sinh hoạt (bao gồm cả chi phí khử trùng, diệt khuẩn; chi phí bảo vệ, bảo đảm an ninh, trật tự và chi phí khác) theo mức giá do khách sạn, resort, chủ phương tiện vận tải công bố.
- Người Việt Nam đi làm việc, lao động, đi du học, du lịch, khám, chữa bệnh, thăm thân ở nước ngoài trở về phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch:
+ Trường hợp tự lựa chọn cách ly tại khách sạn, resort phải tự chi trả các chi phí quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị quyết này.
+ Trường hợp được UBND cấp tỉnh quyết định cách ly tại doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly tập trung, người nhập cảnh phải tự chi trả các chi phí sau đây cho cơ sở cách ly:
+ Chi phí đưa đón từ nơi nhập cảnh vào Việt Nam đến cơ sở cách ly tập trung.
+ Chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.
+ Chi phí tiền ăn theo mức 80.000 đồng/người/ngày.
+ Các chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế tập trung (nước uống, khăn mặt, khẩu trang, dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác) với tổng chi phí là 40.000 đồng/người/ngày.
Trường hợp người phải cách ly y tế tập trung là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ các chi phí quy định tại điểm b khoản này.
- Người Việt Nam được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, nghiên cứu ở nước ngoài; thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, phu nhân hoặc phu quân và con chưa thành niên đi theo trở về nước phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung:
+ Trường hợp tự lựa chọn cách ly tại khách sạn, resort phải tự chi trả các chi phí quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị quyết này. Riêng chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 thì được ngân sách nhà nước chi trả.
+ Trường hợp cách ly tại doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho làm nơi cách ly tập trung thì được ngân sách nhà nước bảo đảm các chi phí quy định tại điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị quyết này.
- Người Việt Nam ở trong nước phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch:
+ Trường hợp tự lựa chọn cách ly tại khách sạn, resort phải tự chi trả các chi phí quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị quyết này.
+ Trường hợp cách ly tại cơ sở y tế, doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly tập trung chỉ phải tự chi trả tiền ăn theo mức 80.000 đồng/người/ngày cho cơ sở cách ly y tế tập trung; còn các khoản chi phí sau đây được ngân sách nhà nước bảo đảm: Chi phí đưa đón từ cơ sở, địa điểm phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế tập trung; Chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2; Chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế tập trung (nước uống, khăn mặt, khẩu trang, dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác) với tổng chi phí là 40.000 đồng/người/ngày. Trường hợp người phải cách ly y tế tập trung là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ các chi phí quy định tại điểm b khoản này, bao gồm cả tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày.
- Người tham gia công tác phòng, chống dịch phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung được áp dụng chế độ theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị quyết này.
- Trong thời gian cách ly y tế tập trung, người bị cách ly mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì việc chi trả chi phí khám, điều trị như sau:
+ Người có thẻ bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế như các trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến. Đối với phần chi phí đồng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi hưởng bảo hiểm y tế (nếu có) thì người bị cách ly phải tự chi trả theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
+ Người không có thẻ bảo hiểm y tế tự chi trả toàn bộ chi phí khám, điều trị theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.
Về chế độ phụ cấp chống dịch:
- Chế độ phụ cấp chống dịch mức 300.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với:
+ Người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch.
+ Người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc COVID-19, nghi mắc COVID-19 tại khu vực cách ly của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
+ Người làm công việc lấy mẫu, gộp mẫu, phân tách mẫu, người trực tiếp làm xét nghiệm SASR-CoV-2 tại cơ sở y tế.
+ Người làm công việc vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh tại khu điều trị người mắc COVID-19.
- Chế độ phụ cấp chống dịch mức 200.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với:
+ Người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; bảo quản tử thi người bệnh; người giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, bệnh nhân; thu gom vỏ chai, lọ, hộp hóa chất; bảo vệ khu điều trị cách ly; vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh trong khu cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
+ Người làm nhiệm vụ giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà và cơ sở cách ly y tế theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước.
+ Người làm công việc súc rửa dụng cụ, pha chế môi trường tại cơ sở y tế để phục vụ cho phòng xét nghiệm SASR-CoV-2.
- Chế độ phụ cấp chống dịch mức 150.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với:
+ Người làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú).
+ Người làm nhiệm vụ cưỡng chế cách ly y tế, truy tìm đối tượng phải áp dụng biện pháp cách ly y tế nhưng không chấp hành biện pháp cách ly y tế.
+ Người phiên dịch, đội cấp cứu 115, kíp vận chuyển người bị cách ly; lái xe đưa cán bộ đi kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch.
+ Người làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh tại tổ, chốt, đường mòn, lối mở trên toàn tuyến biên giới; làm thủ tục cho người nhập cảnh tại các cửa khẩu, cảng biển.
+ Người làm nhiệm vụ khoanh vùng, phong tỏa, tuần tra, kiểm soát và đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực cách ly y tế tập trung, chốt kiểm soát dịch bệnh tại các địa bàn dân cư có người nhiễm COVID-19.
+ Người làm nhiệm vụ phun khử trùng, diệt khuẩn tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (không bao gồm đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều này), cơ sở cách ly y tế tập trung, khu vực dân cư bị khoanh vùng, phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
+ Người làm nhiệm vụ phân luồng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận, điều trị người mắc COVID-19.
- Chế độ thường trực chống dịch mức 130.000 đồng/người/ngày áp dụng cho đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 3 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ (không bao gồm các đối tượng quy định tại khoản 7 Điều này).
- Người làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú), phân luồng, làm thủ tục cho người nhập cảnh; người bảo vệ khu vực cách ly y tế tại các địa bàn dân cư theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước; người làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh tại các tổ, chốt đường mòn, lối mở trên toàn tuyến biên giới; cán bộ y tế thường trực 24/24 giờ tại cơ sở điều trị cách ly y tế để chăm sóc, điều trị người mắc, nghi mắc COVID-19 được hỗ trợ tiền ăn là 80.000 đồng/người/ngày.
- Chế độ bồi dưỡng đối với phóng viên, nhà báo, cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia chống dịch trong thời gian có dịch COVID-19:
+ Mức 130.000 đồng/người/ngày đối với phóng viên, nhà báo trực tiếp đến cơ sở khám, chữa bệnh điều trị COVID-19; khu vực dân cư có người nhiễm COVID-19 bị phong tỏa; đường mòn, lối mở trên toàn tuyến biên giới để lấy tin về công tác phòng, chống dịch, số lượng phóng viên, báo được hưởng chế độ bồi dưỡng do Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp quyết định phù hợp với từng thời kỳ.
+ Mức 130.000 đồng/người/ngày đối với cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp hoặc phối hợp tham gia các hoạt động chống dịch.
+ Mức 80.000 đồng/người/ngày đối với cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân, phát tờ rơi hoặc tham gia diễn tập.
- Chế độ đối với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp:
+ Thành viên Ban chỉ đạo các cấp, các Tiểu ban, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo khi tham gia phòng, chống dịch theo các nhóm quy định tại Điều này thì được hưởng mức phụ cấp chống dịch tương ứng theo nhóm đó.
+ Các thành viên quy định tại điểm a khoản này trong những ngày thực hiện nhiệm vụ thường trực, chỉ đạo chống dịch theo quyết định phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp được bồi dưỡng mức 100.000 đồng/người/ngày nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng…
3. Chính phủ: Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 09/02/2021 về chi hỗ trợ tiền ăn và bồi dưỡng chống dịch COVID-19 trong 05 ngày Tết Nguyên đán năm Tân Sửu 2021
Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền ăn 160.000 đồng/người/ngày áp dụng cho các đối tượng sau:
- Người làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú), phân luồng, làm thủ tục cho người nhập cảnh; người bảo vệ khu vực cách ly y tế tại các địa bàn dân cư theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước; người làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh tại các tổ, chốt đường mòn, lối mở trên toàn tuyến biên giới; cán bộ y tế thường trực 24/24 giờ tại cơ sở điều trị cách ly y tế để chăm sóc, điều trị người mắc, nghi mắc COVID-19.
- Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung tại các doanh trại, trường của quân đội; các cơ sở y tế, trường học... do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định làm nơi cách ly tập trung (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khách sạn, resort, doanh nghiệp).
Ngoài các chế độ đang được bảo đảm, áp dụng chế độ bồi dưỡng tham gia chống dịch mức 200.000 đồng/người/ngày đối với lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh tại các tổ, chốt đường mòn, lối mở trên toàn tuyến biên giới (lực lượng bộ đội biên phòng thuộc Bộ Quốc phòng, lực lượng công an, dân quân tự vệ), lực lượng đang làm nhiệm vụ tại các khu cách ly y tế tập trung của Bộ Quốc phòng.
Chế độ bồi dưỡng và tiền ăn hỗ trợ cho các đối tượng tại Điều 1 và Điều 2 Nghị quyết này được thực hiện trong thời gian 05 ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
4. Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội: Thông báo số 09/TB-BCĐ ngày 15/02/2021 về kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thành phố Hà Nội (tại Phiên họp số 90)
Theo đó, trong thời gian tới, UBND thành phố giao các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Thành ủy, UBND Thành phố và Thông báo Kết luận của Trưởng Ban chỉ đạo.
UBND thành phố giao các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, khi có ca nhiễm bệnh trên địa bàn, cần xác định ngay nguồn lây bệnh, truy vết các trường hợp F1, F2, F3, khoanh vùng nhanh, cách ly triệt để và kịp thời lấy mẫu xét nghiệm. Nếu chậm trễ việc này, nguy cơ dịch bệnh lan rộng trên địa bàn Thành phố sẽ rất cao.
Tuyên truyền, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Trường hợp không thực hiện xử phạt nghiêm theo quy định, thông báo đến nơi làm việc và sinh sống.
Thực hiện nghiêm việc khai báo y tế đối với các trường hợp từ nơi khác trở về Hà Nội sống và làm việc sau nghỉ Tết, đặc biệt là các trường hợp trở về từ địa phương có ổ dịch. Đối với tất cả các trường hợp trở về Hà Nội từ tỉnh Hải Dương, cần phải khai báo y tế theo mẫu in trên giấy, hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết, thường xuyên theo dõi sức khỏe và được các tổ dân phố và tổ giám sát COVID-19 cộng đồng theo dõi, đối với các trường hợp đã từng đi, đến, về từ huyện Cẩm Giàng từ ngày 15/01/2021 cần lấy ngay mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và giám sát sức khỏe theo quy định.
Bắt đầu từ 00h00 ngày 16/02/2021: Tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo; tạm dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè và quán cà phê đến khi có chỉ đạo mới của UBND Thành phố.
Đối với nhà hàng ăn phục vụ trong nhà, yêu cầu thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn, thực hiện giãn cách tối thiểu 2m giữa người với người hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 1m và có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà (theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố tại Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 03/02/2021); trường hợp không đáp ứng đầy đủ việc phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu, cho dừng hoạt động theo thẩm quyền. Thường xuyên kiểm tra việc đóng cửa các quán game, internet, bar, karaoke, club... theo đúng chỉ đạo của UBND Thành phố.
Tiếp tục thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng nhân lực, vật lực cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Tất cả các trường hợp từ nơi khác đến địa phương, đặc biệt là từ các tỉnh, thành phố đang có ổ dịch đều phải được quản lý chặt chẽ về y tế.
Sở Y tế dừng hoạt động cơ sở y tế không thực hiện quy định khám sàng lọc COVID-19 khi khám bệnh, đặc biệt đối với người nước ngoài. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của các cơ sở khám chữa bệnh, kiên quyết xử lý cơ sở không đảm bảo an toàn. Trao đổi với đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế thống nhất quy trình sau cách ly để thống nhất triển khai trên địa bàn Thành phố, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm cho người dân và chính quyền.
Bộ Tư lệnh Thủ đô thực hiện tốt công tác cách ly tập trung theo quy định, phối hợp, hỗ trợ địa phương thực hiện tốt phương án “4 tại chỗ”. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc ngoài thẩm quyền giải quyết cần kịp thời báo cáo Bộ Quốc phòng, UBND Thành phố để giải quyết.
Thống nhất Sở Y tế và quận, huyện, thị xã nghiên cứu xây dựng quy trình phối hợp trong việc tiếp nhận, bàn giao... đối với các trường hợp cách ly tập trung theo quy định.
Công an thành phố Hà Nội chỉ đạo công an các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp với địa phương trong công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt là công tác khai báo y tế cho người từ nơi khác trở về Hà Nội sau nghỉ Tết.
Sở Du lịch chỉ đạo các khách sạn, cơ sở lưu trú chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương yêu cầu các trường hợp hết thời gian cách ly tập trung về ở khách sạn, cơ sở lưu trú phải tuân thủ theo dõi sức khỏe tiếp 14 ngày và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác giảng dạy trong thời gian học sinh học online theo chỉ đạo của UBND Thành phố tại văn bản số 160/UBND-KGVX ngày 15/02/2021.
Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đặc biệt là trong thời gian UBND Thành phố chỉ đạo tạm thời dừng mở cửa đón khách đối với các khu di tích, cơ sở tôn giáo để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, xử phạt theo quy định, đồng thời, công khai phê bình những địa phương, cơ sở, tổ chức, cá nhân vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các cơ quan báo chí Trung ương và Thành phố, các quận, huyện, thị xã tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền để người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Đặc biệt đối với các trường hợp đến từ các địa phương có ổ dịch như đã nêu trên.
Sở Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo các bến xe, nhà xe thực hiện nghiêm việc vận chuyển hành khách sau nghỉ Tết, đặc biệt đối với các tuyến xe liên tỉnh, đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh. Đối với các trường hợp vi phạm cần xử phạt nghiêm theo quy định, thông tin công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội xây dựng kế hoạch chi tiết và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh khi đón công nhân trở lại làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Chủ động phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên đối với nơi có nguy cơ cao để có phương án ứng phó hiệu quả khi cần thiết.
Cụm Cảng hàng không miền Bắc rà soát tất cả các khâu, quy trình trong việc phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị, đảm bảo luôn chủ động trong mọi tình huống dịch bệnh.
Các Sở, ban, ngành Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Đảm bảo tất cả các ban chỉ đạo từ cấp Thành phố đến cơ sở đều phải được vận hành thông suốt, ứng phó kịp thời mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Tuyệt đối không được chủ quan lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ quan đơn vị.
5. UBND thành phố Hà Nội: Công văn số 460/UBND-KGVX ngày 15/02/2021 về việc học sinh, sinh viên tạm dừng đến trường nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Theo đó, UBND thành phố đồng ý đề xuất của liên Sở: Giáo dục và Đào tạo và Y tế tại Tờ trình số 456/TTrLN:GDĐT-YT ngày 15/02/2021, của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 765/TTr-SLĐTBXH ngày 15/02/2021 về việc cho học sinh, sinh viên, học viên tạm dừng đến trường nhằm bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, từ ngày 17/02 đến hết ngày 28/02/2021. Trong thời gian này, các trường, các đơn vị tổ chức dạy học trực tuyến qua internet để đảm bảo chương trình học tập.
UBND thành phố giao Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các quận, huyện, thị xã, các trường, các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Trung ương và Thành phố.
Thu Hiền (tổng hợp)