Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng và nhân dân ta, nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Sau 30 năm xa Tổ quốc đi tìm đường cứu nước, ngày 28/01/1941 (tức mùng 02 Tết Nguyên đán năm Tân Tỵ), Bác Hồ trở về qua cột mốc 108 biên giới Việt - Trung. Người về Việt Nam và chọn Pác Bó - một làng nhỏ thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng làm đại bản doanh trực tiếp lãnh đạo công cuộc chuẩn bị lực lượng cách mạng.

Mảnh đất Pác Bó là nơi có địa thế hiểm trở, núi non hùng vĩ, quần chúng nhân dân đã được giác ngộ kiên cường tranh đấu, trung thành với Ðảng, với cách mạng, một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, vào thắng lợi của cách mạng. Bước chân đầu tiên về đất mẹ cũng là giây phút Người lắng nghe sự sống của sinh thể đất nước đang phôi thai. Nhà thơ Chế Lan Viên đã diễn tả lại hình ảnh ấy bằng những câu thơ đầy xúc động:

“Kìa! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất.

Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai”.

Bác về nước đúng vào thời khắc của mùa Xuân, mùa tươi đẹp nhất của đất trời, mùa của trăm hoa đua nở, mùa của lộc biếc chồi xanh, vạn vật như khoác lên mình sắc áo mới hứa hẹn một tương lai tươi sáng ở phía trước. Người về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đi đến thành công để tiếp nối con đường, lý tưởng Người đã chọn cho Đảng ta, nhân dân ta. Cả thiên nhiên đất trời như reo vui chào đón Bác:

“Ôi sáng Xuân nay, Xuân bốn mốt.

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ.

Bác về… im lặng. Con chim hót.

Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ”.

(Tố Hữu)

“Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!

Nhớ thương hòn đất, ấm hơi Người

Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ

Mà đến bây giờ mới tới nơi”.

(Tố Hữu)

Sự kiện Người trở về nước ngày 28/01/1941 không phải là ngẫu nhiên

Theo biên niên sử Hồ Chí Minh, ngày 11/11/1924, Bác Hồ từ Moskva (Nga) về Quảng Châu (Trung Quốc) lần đầu tiên. Trong những năm 1925 - 1927, Người mở lớp huấn luyện chính trị cho các thanh niên yêu nước từ trong nước đến đây với giáo trình là sách Đường kách mệnh và thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Do bị mật thám Anh tại Hong Kong truy bắt, Bác phải trở lại Nga. Ngày 25/4/1928, Người được Quốc tế Cộng sản cho trở về Đông Dương theo nguyện vọng. Người tới Thái Lan ở một thời gian rồi về lại Hong Kong tiến hành thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03/02/1930.

Sau khi thoát khỏi nhà tù ở Hong Kong (vào cuối năm 1932) và có thời gian hoạt động tại Trung Quốc, đầu năm 1934, Người trở lại Moskva và năm 1938 về lại Quảng Châu. Trong thời gian 1938 - 1939, trong vai thiếu tá Bát lộ quân Hồ Quang, Người đi đến các thành phố Quế Lâm, Liễu Châu, Nam Ninh, Long Châu, Quý Dương, Côn Minh…, những địa danh nằm dọc theo cuộc trường chinh vĩ đại của Đảng Cộng sản và Quân Giải phóng Trung Quốc từ Nam lên Bắc. Đầu năm 1940, Bác Hồ gặp các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp ở Côn Minh vừa từ Việt Nam sang.

Sau ngày 20/6/1940, được tin Paris bị quân phát xít Đức chiếm, dự báo tình hình cách mạng việt Nam và những thời cơ sắp đến, Bác liền triệu tập một cuộc họp Ban Hải ngoại của Đảng, phân tích: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.

Đầu tháng 01/1941, tại Tĩnh Tây (tỉnh Quảng Tây) cách biên giới Trung Quốc - Việt Nam khoảng 50 km, Bác cùng với các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Vũ Anh… tổ chức lớp học và trực tiếp huấn luyện chính trị. Chương trình huấn luyện gồm 03 phần chính: Tình hình thế giới và trong nước; tổ chức đoàn thể quần chúng; cách điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đấu tranh cách mạng. Lớp huấn luyện cấp tốc này dành cho những cán bộ cách mạng và người yêu nước từ trong nước sang để chuẩn bị nhân lực cho cách mạng trong tình hình mới.

Đây là thời kỳ sau ngày khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ, vừa là thời cơ, đồng thời là thách thức. Cuộc nổi dậy của nhân dân đã có sự lãnh đạo của Đảng nhưng cách mạng trong nước bị tổn thất sau khởi nghĩa, nhiều cơ sở của Đảng bị Pháp khủng bố, tiêu diệt. Sau gần một tháng tổ chức lớp, Bác cùng các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp và Hoàng Văn Lộc lên đường về nước.

Lúc này, Bác đã nhận định về các cuộc khởi nghĩa trong nước và tình hình thế giới. Theo Người, tình hình thế giới có lợi cho ta nhưng chưa thể tổng khởi nghĩa trên cả nước được mà cần duy trì các phong trào trong nước: “Trước tình hình mới, vấn đề đoàn kết dân tộc càng quan trọng, ta phải nghĩ đến việc lập một mặt trận rộng rãi, có hình thức và tên gọi cho thật thích hợp. Việt Nam Giải phóng đồng minh? Hay là Việt Nam Độc lập đồng minh? Theo ý Bác, nên lấy tên Việt Nam Độc lập đồng minh”. Bấy giờ, chưa về đến Cao Bằng, Bác cũng đã đề cập việc lập chiến khu ở vùng Cao Bằng và Thái Nguyên. Người nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên hoặc thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được, có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể công, lúc khó khăn có thể giữ.”

Đi qua cột mốc 108, Đoàn tới nhà ông Lý Quốc Súng (tức Máy Lỳ), một cơ sở cách mạng vùng ven biên giới. Đêm đó, Bác cùng Đoàn ăn Tết với gia đình ông Súng gần lối đi bên hồ. Lần đầu tiên, sau 30 năm ở hải ngoại, Bác mới được hưởng một cái Tết cổ truyền thật ấm cúng và thật tình cảm với đồng bào (đa số là dân tộc Nùng) ở ngay trên quê hương Việt Nam.

Từ ngày 08/02/1941, đúng 12 ngày sau ngày về nước, Nguyễn Ái Quốc với bí danh Già Thu, đến ở hang Pác Bó (tiếng Nùng có nghĩa là hang Ðầu nguồn). Pác Bó thuộc lưng chừng sườn núi cao được Bác đặt tên là núi Các Mác. Dưới chân núi, cách cửa hang chừng 50 mét, có hồ nước lớn trong xanh, nơi bắt đầu dòng suối chảy uốn quanh đổ xuống đồng bằng của bản Khuổi Nậm, Bác đặt tên là suối Lênin. Bên cạnh đầu nguồn của suối Lê-nin, có chiếc bàn đá làm việc của Bác.

Những cái tên thể hiện tư tưởng, mục tiêu, đường lối và niềm tin của Người vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Chọn hang Pác Bó làm nơi ở và làm việc, Bác Hồ bắt tay ngay vào công việc.

Người trở về nước để chuẩn bị những nhân tố quan trọng, cần thiết đưa cách mạng đến thành công

Năm 1930, Người thống nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam và tổ chức hội nghị thành lập, sáng lập Ðảng Cộng sản Việt Nam. Ðó là nhân tố đầu tiên, có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Ðó cũng là sáng tạo lớn đầu tiên của Người. Hơn mười năm sau, khởi điểm từ mùa xuân Tân Tỵ năm 1941 tại Pác Bó (Cao Bằng) cho đến tháng 8/1945, Người đã thực hiện “ba sáng tạo” lớn tiếp theo sau khi sáng lập Ðảng Cộng sản Việt Nam. Ðó là: Sáng lập Mặt trận Dân tộc thống nhất (Mặt trận Việt Minh); Sáng lập lực lượng vũ trang nhân dân (Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân); Sáng lập chính quyền của nhân dân (Ủy ban dân tộc giải phóng toàn quốc).

Ở Pác Bó, Bác Hồ - Già Thu - Ông Ké cách mạng đã sống những năm tháng vô cùng khó khăn, thiếu thốn với “cháo bẹ, rau măng”, nhưng tràn đầy niềm tin, lạc quan cách mạng. Tại đây, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941) - Hội nghị đánh dấu sự chuyển hướng chiến lược của Ðảng ta. Ðiểm nổi bật của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 là việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và vấn đề giai cấp. Hội nghị chủ trương: “Trong lúc này khẩu hiệu của Ðảng ta là trước hết phải làm sao giải phóng cho được các dân tộc Ðông Dương ra khỏi ách của giặc Pháp - Nhật... Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

Cũng tại Pác Bó - Cao Bằng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc liên tiếp mở lớp huấn luyện về tổ chức, vận động, chuẩn bị thành lập Mặt trận Việt Minh. Và chính Người đã chỉ đạo soạn thảo các văn kiện của Việt Minh như Tuyên ngôn, Chương trình, Ðiều lệ. Mặt trận Việt Minh đã lôi cuốn, tập hợp sức mạnh quần chúng cả nước để đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, Mặt trận Việt Minh đã góp phần quyết định sự thành công của Cách mạng Tháng Tám và vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng to lớn, giữ vai trò người cầm lái con tàu cách mạng vượt qua bão táp để cập bến độc lập tự do. Việt Minh là sự sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc kết hợp với truyền thống đoàn kết "muôn người như một" từ bao đời của ông cha.

Cùng với việc xây dựng Mặt trận Việt Minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tập trung chỉ đạo việc tổ chức xây dựng căn cứ địa cách mạng làm nơi đứng chân để xây dựng lực lượng, tích lũy lương thực, súng đạn, chuẩn bị tiền đề vật chất cho tổng khởi nghĩa cách mạng giành chính quyền. Dưới sự trực tiếp chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ tháng 6 đến tháng 8/1941, Ðảng bộ Cao Bằng đã cử 70 cán bộ đi học quân sự ở nước ngoài. Ðây là những hạt giống quân sự đầu tiên của căn cứ địa Cao Bằng, sau này là Cao - Bắc - Lạng và khu giải phóng trong tổng khởi nghĩa Cách mạng Cao - Bắc - Lạng.

Theo lời Bác dặn, ngày 22/12/1944, Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay ra đời, tạo ra một cục diện mới trên mặt trận đấu tranh vũ trang cách mạng. Chỉ thị thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy ngắn gọn nhưng rất súc tích bao gồm các vấn đề chủ yếu về đường lối quân sự của Ðảng ta.

Có thể nói, từ mùa xuân 1941, Bác Hồ trở về nước, Ðảng ta và phong trào cách mạng do Bác trực tiếp chỉ đạo mới thật sự thực hiện được một chiến lược lớn là đặt cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam đứng về phe Ðồng minh chống phát-xít. Cũng từ Cao Bằng, cách mạng Việt Nam đã liên lạc với lực lượng Ðồng minh, được phe Ðồng minh ủng hộ. Ðó là cơ sở thực tế và pháp lý quốc tế quan trọng để đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong Tuyên ngôn Ðộc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định và tuyên bố trước toàn thế giới: "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Ðồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!".

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và tiếp tục mở đường đi tới những thắng lợi huy hoàng cho cách mạng Việt Nam. Từ mùa xuân ấy ngọn lửa cách mạng do Bác nhen nhóm từ hang Pác Bó đã lan nhanh trong cả nước, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta do Bác Hồ trực tiếp lãnh đạo đã chuyển sang một thời kỳ mới - thời kỳ nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu. Ðể rồi đến mùa Xuân 1975 hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Pác Bó vì thế trở thành cái nôi của cách mạng Việt Nam.

Ý nghĩa của sự kiện Bác Hồ về nước năm 1941

Sự kiện Bác Hồ trở về nước vào đầu năm 1941 là sự kiện lớn của lịch sử đấu tranh cách mạng của đất nước và dân tộc Việt Nam, đã làm thay đổi tình hình cách mạng trong nước từ đó trở về sau. Đây là mốc son lịch sử quan trọng dẫn tới cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 và ngày 02/9/1945, Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hồ Chí Minh trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc vào mùa xuân năm 1941 đã đáp ứng đòi hỏi khách quan của phong trào cách mạng trong nước và sự phát triển của tiến trình lịch sử đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc Việt Nam. Người đã cùng Trung ương Đảng hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam và phát triển đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, tập hợp lực lượng cùng toàn Đảng, toàn dân hướng vào mục tiêu cao nhất là giành độc lập dân tộc và chính quyền về tay Nhân dân; thúc đẩy toàn bộ tiến trình của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, góp phần lan tỏa, lan rộng các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc từ Bắc Kỳ, Trung Kỳ cho tới Nam Kỳ; cùng với đó là việc củng cố tổ chức, hệ thống Đảng từ Trung ương đến địa phương, tập hợp các lực lượng tham gia vào phong trào đấu tranh cách mạng.

Đối với quốc tế, quyết định của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi trở nước cũng là cơ sở quan trọng sau này để Việt Nam củng cố các mối quan hệ với các nước Đồng minh chống lại chủ nghĩa phát xít; cũng như tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều nước đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nước ta giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền và Cách mạng tháng Tám 1945.

Sự kiện này cho thấy tầm nhìn chiến lược của vị lãnh tụ thiên tài, không chỉ tạo ra bước ngoặt to lớn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX mà còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là bài học về xây dựng căn cứ địa cách mạng; bài học về dự báo và nhận định, đánh giá đúng tình hình, xu thế vận động của cách mạng từ đó kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, sách lược cách mạng phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra; bài học về  xác định “thời cơ” và chớp thời cơ cách mạng; bài học về xây dựng thế trận lòng dân, tuyệt đối trung thành, ủng hộ, bảo vệ Đảng và cách mạng thành công; bài học về xác định nhiệm vụ cách mạng; bài học về tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng trong một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi (Mặt trận Việt Minh); bài học về công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trước sự thay đổi của tình hình. Những bài học này có giá trị và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mãi mai sau.

Lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người

Năm 1969, trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh ngừng đập. Thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Công trình Lăng của Người; đồng thời gìn giữ những nơi Người từng đi qua và làm việc trở thành các khu di tích để giáo dục truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn, "Ăn quả nhớ người trồng cây" và để tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi trường tồn cùng dân tộc.

Hôm nay đây, trong những ngày đầu tiên của năm mới 2021 khi cả nước cùng thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chào mừng 91 năm Ngày thành lập Đảng, mừng Xuân Tân Sửu, chúng ta nhớ lại thời khắc Bác Hồ về nước năm 1941, về Pác Bó, ôn lại những sự kiện lịch sử đã diễn ra tại nơi đầu nguồn của cách mạng Việt Nam, chúng ta lại càng ý thức sâu sắc hơn về giá trị của hơn 700 điểm di tích ở 35 tỉnh, thành phố liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh - nơi lưu giữ và tái hiện thân thế, sự nghiệp cách mạng Hồ Chí Minh.

Đối với mỗi người Việt Nam chúng ta, Pác Bó là một địa danh thiêng liêng và rất đỗi thân thương. Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt này gồm nhiều điểm di tích như hang Pác Bó, lán Khuổi Nậm, hang Sỹ Điếng, hang Diêm Tiêu… Đặc biệt ở đây còn có những tên núi tên sông do Bác Hồ đặt như núi Các Mác, suối Lê-nin, có dòng suối quanh năm tuôn trào ôm vòng quanh chân núi Các Mác; cùng những câu chuyện huyền thoại về Bác Hồ, về “Già Thu” với Pác Bó và đồng bào Pác Bó, Cao Bằng với Bác Hồ. Về Pác Bó chúng ta hiểu vì sao Bác Hồ nói đây là quê hương thứ hai của Người, là nơi cội nguồn của cách mạng.

Còn Ba Đình lịch sử lại là nơi tiếp nối mạch nguồn truyền thống, là lịch sử nối tiếp những tháng năm của Người đi cùng đất nước. Lăng Chủ tịch Hồ Chí minh được xây trên lễ đài Bác từng đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nơi đó Người yên nghỉ, mãi trường tồn và dõi theo từng bước đi lên của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, chứng kiến những đổi thay của đất nước con người của mảnh đất mang dáng hình chữ S theo ước nguyện của Người.

80 năm đã trôi qua kể từ ngày Người trở về Tổ quốc, hơn 50 năm sau khi Người đi vào cõi vĩnh hằng, những bước chân bước theo Người, về bên Người không ngừng nghỉ như sợi dây cách mạng Người đã vun trồng mãi xanh tươi ngày một đơm hoa kết trái. Những cống hiến của Người cùng tấm gương đạo đức, phong cách sống giản dị, sự tinh tế trong ứng xử với con người, thiên nhiên, tinh thần đoàn kết dân tộc, hội nhập quốc tế... đã đi vào lịch sử dân tộc, nhân loại; có vai trò to lớn trong việc thu hút đông đảo nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế tới tham quan, học tập...

Mỗi chúng ta đều không khỏi bồi hồi xúc động và thành kính tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu đã hy sinh trọn đời mình cho dân tộc. Người đã dành cả cuộc đời chăm lo cho hạnh phúc nhân dân mà không gợn chút riêng tư để đất nước hôm nay trọn niềm vui độc lập tự do và đổi mới phát triển, ngày càng cường thịnh. Càng nhớ Bác Hồ, mỗi người chúng ta hôm nay càng phải tiếp tục thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần đưa  tấm gương của Người vào cuộc sống, tạo thành nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cùng thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ trong thời kì cách mạng mới, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới, xứng đáng với lòng mong ước của Bác Hồ kính yêu.

“Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi

Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”.

 (Tố Hữu)

Đại tá Đinh Quốc Hùng

 Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

(Tham luận tại Hội thảo 80 năm Ngày Bác Hồ về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam)

Bài viết khác: