Cán bộ, đảng viên là “hình ảnh thể chế, hình ảnh quốc gia, hình ảnh chính quyền” thu nhỏ trong con mắt người dân, do đó họ phải có trách nhiệm chung tay góp sức tạo dựng, lan tỏa “hình ảnh thể chế, hình ảnh quốc gia, hình ảnh chính quyền” ngày càng tốt đẹp trong xã hội. Ngoài đời thực đã vậy thì trên mạng xã hội cũng phải vậy.
Không nên sống ảo, chớ "lạc lối trên mạng xã hội"
Thời nay, rất nhiều người không chỉ sống trong cuộc đời thực, mà còn “sống” trên môi trường mạng xã hội (MXH). Gọi là “sống”, vì không ít người coi MXH như một phần tất yếu của cuộc đời mình, nghĩa là nó thiết thân như cơm ăn nước uống hằng ngày. Thậm chí, có nhiều người có thể chịu đựng một chút đói khát trong thời điểm nào đó, nhưng nhất định không chịu rời xa “thế giới phẳng” trong một ngày.
Tôi quen biết một người bạn am hiểu công nghệ thông tin, hằng ngày không bỏ quên thói quen “lang thang” trên MXH. Tôi từng hỏi bạn, “lang thang” trên thế giới mạng vô cùng tận như thế, đã bao giờ cậu “lạc lối” chưa?”, thì bạn bảo rằng, dù chưa bị “lạc lối”, nhưng đầu óc cũng có lúc gần như trở nên mụ mị bởi những thông tin “thượng vàng hạ cám” ở cái “chợ trời xuyên biên giới” này. Bạn cho rằng, một trong những mặt trái của MXH là dễ làm cho những người nghiện nó (trong đó có cả cán bộ, đảng viên) rất dễ sa đà vào những giá trị ảo. Những người này có xu hướng “ăn phây” (facebook), "ngủ phây”, đi đâu cũng “phây” nên tự mình đắm chìm vào thế giới thông tin, hình ảnh trên MXH mà sao nhãng, lãng quên bao điều thực tế xảy ra xung quanh mình. Thậm chí, có người tìm mọi cách để tạo ra những thông tin trái chiều, hình ảnh dị biệt chỉ nhằm mục đích duy nhất là thu hút được càng nhiều like, nhiều view càng tốt. Khi đắm chìm vào những ngôn từ mỹ miều và những hình ảnh đã được đánh bóng trên MXH, không ít người tự ảo tưởng mình đang “nổi đình nổi đám” trong thiên hạ, mà không hề biết rằng, đó chỉ là cái thứ nổi tiếng hão huyền, viển vông.
Đáng nói hơn, không ít những thông tin trên MXH được ngụy tạo đúng-sai, thực - hư, thật - giả lẫn lộn khiến người dùng mạng bị “dắt mũi”, rồi người nọ chia sẻ thông tin cho người kia, lan truyền theo cơ chế "tam sao thất bản" khiến cho cái sai, cái giả có khi càng trở nên trầm trọng hơn. Chỉ cần một cái sai trong vòng ít phút, với tốc độ lan tỏa cực nhanh trên MXH, cái sai ban đầu có thể trở thành hàng nghìn, thậm chí hàng vạn cái sai khiến nhiều cư dân mạng nếu không tỉnh táo, vững vàng, thận trọng thì dễ rơi vào tâm trạng dao động, chênh chao tư tưởng, nghiêng ngả niềm tin vào những giá trị tích cực, tốt đẹp trong thực tế.
Thời gian qua, một số cán bộ, đảng viên, công chức đã bị xử lý kỷ luật vì có hành vi cổ xúy thông tin lệch lạc, phát ngôn sai sự thật, bôi nhọ uy tín người khác và đăng tải bài viết có nội dung trái quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; trong đó có một cán bộ cấp khoa của Trường Chính trị tỉnh Hà Tĩnh đã bị cách chức; một chuyên viên Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh và một cán bộ Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng đã bị khai trừ Đảng... Đây là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên nào còn coi nhẹ ý thức chấp hành kỷ luật phát ngôn, ứng xử thiếu chuẩn mực trên MXH.
Ảnh minh họa / Tuyengiao.vn
Chấp hành nghiêm quy định về kỷ luật phát ngôn, ứng xử lành mạnh trên môi trường mạng
Trên môi trường mạng, thói quen tiếp nhận, lan truyền, cổ xúy thông tin theo hiệu ứng domino làm cho người ta lạc vào “ma trận thông tin” không lối thoát, từ đó dễ bị lôi kéo, kích động theo tâm lý đám đông lợi bất cập hại. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhóm người ở độ tuổi trung niên trở lên (trong đó có cán bộ, đảng viên) ít có kiến thức về công nghệ thông tin, song lại chịu sự tác động của tin giả, tin xấu nhiều hơn nhóm người trẻ tuổi. Trong khi đó, một số cán bộ, đảng viên trẻ am tường về công nghệ số, có kỹ năng dùng MXH thành thạo nhưng lại hạn chế về nhận thức, bản lĩnh chính trị, vì thế cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực trên môi trường mạng. Đấy là chưa kể một số cán bộ, đảng viên “sống” trên MXH vẫn luôn “mũ ni che tai”, thấy thông tin đúng không bảo vệ, biết thông tin sai không phê phán, đấu tranh.
Sử dụng MXH là xu hướng trong thời đại công nghệ số và đây là một trong những quyền chính đáng của con người. Cán bộ, đảng viên cũng không ngoại lệ. Tuy vậy, cần nhớ rằng, công dân có thể làm tất cả những gì pháp luật không cấm; còn cán bộ, đảng viên chỉ được làm những điều luật pháp cho phép. Điều này là hiển nhiên, bởi cán bộ, đảng viên được Nhà nước, nhân dân ủy quyền làm nhiệm vụ dẫn dắt, định hướng, quản lý xã hội, do đó họ phải có bổn phận, nghĩa vụ tiên phong trong việc tạo ra và thực thi những quy ước, chuẩn mực đạo đức, pháp lý để góp phần nuôi dưỡng, duy trì, thúc đẩy những giá trị tiến bộ, văn minh của xã hội.
Cán bộ, đảng viên là “hình ảnh thể chế, hình ảnh quốc gia, hình ảnh chính quyền” thu nhỏ trong con mắt người dân, do đó họ phải có trách nhiệm chính trị là chung tay góp sức tạo dựng, lan tỏa “hình ảnh thể chế, hình ảnh quốc gia, hình ảnh chính quyền” ngày càng tốt đẹp trong xã hội. Ngoài đời thực đã vậy thì trên MXH cũng phải vậy. Để góp phần giảm thiểu sự nhiễu loạn thông tin và làm trong sạch môi trường mạng, hơn ai hết, cán bộ, đảng viên cần đề cao và thực hiện những quy tắc, chuẩn mực khi sử dụng MXH và chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước và cơ quan, đơn vị về kỷ luật phát ngôn.
Trước hết cán bộ, đảng viên cần tuân thủ triệt để Quy định số 47-NQ/TW ngày 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về những điều đảng viên không được làm”, đó là không được: “Nói trái cương lĩnh chính trị, điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước; viết bài, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, vu cáo, bịa đặt; tán phát bài viết, hồi ký không đúng sự thật”. Cùng với chấp hành nghiêm các quy định về kỷ luật phát ngôn và quy định về cung cấp thông tin trên MXH theo Luật An ninh mạng 2018, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh Đề án Văn hóa công vụ năm 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có yêu cầu phải “tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng MXH để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ”.
MXH như một trong những tấm gương phản chiếu về chính bản thân người sử dụng nó. Để góp phần giữ gìn hình ảnh, tư cách của mình, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sống, ứng xử ở ngoài đời chuẩn mực như thế nào thì cũng phải giao tiếp, cư xử, tương tác trên MXH thể hiện ý thức chuẩn mực như thế. Bên cạnh việc giữ gìn lời ăn tiếng nói lành mạnh của bản thân trên MXH, cán bộ, đảng viên rất nên và rất cần cổ vũ, khích lệ, lan tỏa những điều tốt đẹp, những giá trị nhân văn, những hình ảnh tràn đầy năng lượng tích cực để góp phần làm giàu những giá trị văn hóa trên môi trường mạng. Mặt khác, khi tham gia MXH, mỗi cán bộ, đảng viên cần thể hiện lập trường, chính kiến chính trị rõ ràng của mình để bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, qua đó góp phần giữ vững và tăng cường sự đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; đồng thời góp phần làm cho hình ảnh văn hóa Việt Nam và những phẩm chất, giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam ngày càng tỏa sáng trong lòng bạn bè thế giới.
Bảo Như
Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử
Tâm Trang (st)