Thời gian công tác tại Bộ Tư lệnh (BTL) Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, những lần được làm việc, tiếp xúc với các nhà khoa học y tế Liên Xô (trước đây) và Liên bang (LB) Nga sau này đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp về tình cảm của các nhà khoa học và người dân nước bạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.
Trong số các nhà khoa học của nước bạn, Viện sĩ V.A.Bykov, Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu LB Nga, đã có những đóng góp hiệu quả, rất đáng trân trọng đối với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là vào những thời điểm gặp nhiều khó khăn.
Các nhà khoa học y tế LB Nga và cán bộ, bác sĩ Việt Nam thường gọi Viện sĩ V.A.Bykov bằng cái tên trìu mến: “Nhà khoa học năng động và quyết đoán”. Trên cương vị công tác của mình, ông là giám đốc cơ quan cấp trên của Trung tâm Nghiên cứu y sinh Moscow (Viện Nghiên cứu Lăng Lênin trước đây) - cơ quan khoa học trực tiếp giúp Việt Nam giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trung tâm Nghiên cứu y sinh Moscow do Viện sĩ S.S.Debov làm Giám đốc. Sau này, khi Viện sĩ S.S.Debov qua đời, Viện sĩ V.A.Bykov kiêm nhiệm chức Giám đốc trung tâm. Là người hiểu biết rộng, năng động và quyết đoán, ông đã có những quyết định táo bạo, mở ra bước đột phá và hướng đi mới trong quan hệ giữa Trung tâm Nghiên cứu y sinh Moscow và Ban Quản lý (BQL) Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngược dòng thời gian, vào tháng 8-1991, hệ thống chính trị ở Liên Xô thay đổi. Đây là một thử thách lớn đối với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi những năm trước đó, theo hiệp định ký kết giữa hai Nhà nước Việt Nam và Liên Xô, công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được sự giúp đỡ trực tiếp, toàn diện của nước bạn. Khi Liên Xô tan rã, hai Nhà nước Việt Nam và LB Nga khi đó chưa ký kết được các thỏa thuận hợp tác, trong đó có nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một thử thách lớn đối với nhiệm vụ chính trị đặc biệt này. Do vậy, việc thúc đẩy hợp tác trực tiếp giữa BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung tâm Nghiên cứu y sinh Moscow để bảo đảm không bị gián đoạn và ảnh hưởng tới nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ có ý nghĩa chính trị to lớn, đặt ra rất cấp bách.
Viện sĩ V.A.Bykov (ngoài cùng, bên trái) cùng Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn
ký biên bản phối hợp pha chế dung dịch tại Việt Nam, tháng 6-2003. Ảnh tư liệu
Tuy nhiên, khi chúng ta đặt vấn đề hợp tác trực tiếp, phía bạn chưa sẵn sàng. Chính vào thời điểm khó khăn đó, Viện sĩ V.A.Bykov, trên cương vị Giám đốc cơ quan cấp trên của Trung tâm Nghiên cứu y sinh Moscow, sau khi nghe Viện sĩ S.S.Debov báo cáo kết quả làm việc với BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và những băn khoăn, trăn trở trước đề xuất của BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn hợp tác trực tiếp với Trung tâm Nghiên cứu y sinh Moscow, Viện sĩ V.A.Bykov đã phát biểu chỉ đạo, thể hiện sự nhất trí cao với đề nghị của BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông nhấn mạnh: “Luật pháp của nước Nga cho phép chúng ta hợp tác trực tiếp với nhau”. Khẳng định đó của Viện sĩ V.A.Bykov đã mở ra hướng đi mới trong quan hệ giữa các nhà khoa học của hai nước, trực tiếp là giữa Trung tâm Nghiên cứu y sinh Moscow và BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác.
Thời điểm năm 2000, sau gần 10 năm hợp tác trực tiếp giữa BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung tâm Nghiên cứu y sinh Moscow, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Được sự bồi dưỡng, đào tạo trực tiếp của các nhà khoa học y tế LB Nga, đội ngũ cán bộ, bác sĩ của Việt Nam đã có sự trưởng thành nhanh chóng. Từ chỗ các nhà khoa học y tế LB Nga giữ vai trò chủ đạo trong làm thuốc thường xuyên và làm thuốc lớn đối với thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến thời điểm đó, cán bộ, bác sĩ của Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ được nhiệm vụ chính trị đặc biệt này.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi vẫn là dung dịch để làm thuốc phục vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Hằng năm, mỗi khi đoàn công tác của BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu y sinh Moscow, khi trở về, đoàn đều mang theo dung dịch đã pha chế sẵn tại Moscow. Việc vận chuyển dung dịch bằng đường hàng không khi đó gặp rất nhiều khó khăn, nhất là sau sự kiện ngày 11-9-2001 tại Mỹ. Khi dung dịch được đưa ra sân bay quốc tế ở thủ đô Moscow, an ninh hàng không của Nga yêu cầu kiểm tra rất ngặt nghèo và không cho vận chuyển về Việt Nam. Có lần, chúng ta phải gửi dung dịch theo chuyên cơ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước sang thăm LB Nga trở về nước.
Những khó khăn đó, khi chúng ta đưa ra để cùng trao đổi, thảo luận với bạn, đã xuất hiện một số ý kiến khác nhau, chưa tạo được sự đồng thuận, nhất là việc giải quyết những khó khăn trong quá trình vận chuyển dung dịch. Đúng lúc đó, “nút thắt” của vấn đề lại được chính Viện sĩ V.A.Bykov “hóa giải” thành công. Sau khi dự hội nghị nghiệm thu các đề tài sinh - hóa do các nhà khoa học y tế LB Nga và Việt Nam phối hợp nghiên cứu, Viện sĩ V.A.Bykov đã nhất trí để các bác sĩ và kỹ sư của Trung tâm Nghiên cứu y sinh Moscow phối hợp với các cán bộ, bác sĩ Việt Nam pha chế dung dịch tại Việt Nam. Ngay sau khi hội nghị nghiệm thu các đề tài nghiên cứu kết thúc, đầu tháng 6-2003, tại Moscow, Viện sĩ V.A.Bykov, Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu LB Nga và Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn, Trưởng ban BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký biên bản phối hợp tiến hành pha chế dung dịch tại Việt Nam, bắt đầu thực hiện từ quý I-2004.
Việc ký kết thành công biên bản phối hợp này là dấu mốc quan trọng trong quá trình chúng ta vươn lên làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ chính trị đặc biệt, là tiền đề cơ bản để Việt Nam tiếp tục hợp tác với bạn trong nghiên cứu giải quyết những vấn đề mới, phát sinh phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong nhiệm vụ đặc biệt này, Viện sĩ V.A.Bykov đã đưa ra các quyết định mang tính đột phá trong những thời điểm hết sức gian nan, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là từ năm 1991 đến nay. Là một nhà quản lý luôn đổi mới, sáng tạo, nhà khoa học nhiệt huyết, trí tuệ, rất gắn bó với Việt Nam, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, song vì lý do sức khỏe, Viện sĩ V.A.Bykov chưa một lần có cơ hội đến thăm Việt Nam. Tuy vậy, trái tim, khối óc, tấm lòng của ông luôn hướng về Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019), Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định trao tặng Viện sĩ V.A.Bykov Huân chương Độc lập hạng Nhì, thể hiện sự ghi nhận, tri ân của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với những cống hiến và công lao đóng góp của ông trong giúp đỡ thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được sự ủy quyền của Chủ tịch nước, Đại sứ Việt Nam tại LB Nga và lãnh đạo BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng Viện sĩ V.A.Bykov phần thưởng cao quý này.
Năm 2020, hai nước kỷ niệm 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - LB Nga, cũng là tròn 45 năm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khánh thành (29-8-1975/29-8-2020). Trong suốt hàng chục năm qua, ngày tiếp ngày, đông đảo đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế vẫn vào Lăng viếng Bác, bày tỏ lòng thành kính đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, chiến sĩ lỗi lạc trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Chúng ta mãi biết ơn Nhà nước và các chuyên gia, nhà khoa học Xô viết và LB Nga, trong đó có Viện sĩ V.A.Bykov, đã hết lòng giúp đỡ Việt Nam xây dựng Lăng Bác và thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt - giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tình cảm, sự tri ân của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta với các bạn Liên Xô trước đây và LB Nga ngày nay luôn sâu đậm, mãi son sắt, thủy chung.
Trung tướng, PGS, TS Đặng Nam Điền,
nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử
Thu Hiền (st)