Trở về với cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Nguyễn Thế Nghĩa ở thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang vẫn miệt mài truyền ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng cho thế hệ trẻ. Những câu chuyện của ông đầy cảm động và chất chứa nhiều nỗi niềm. Đặc biệt là câu chuyện kể về tình cảm của những người con Long An và các chiến sĩ Quân Giải phóng khi nghe tin Bác Hồ qua đời.

“Đầu tháng 9-1969, chúng tôi là những người lính đặc công của Trung đoàn 320, Bộ Tư lệnh Miền vừa từ chỗ ém quân đến nhà chị Tám (cơ sở mật ở huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) thì nghe tin: “Bác Hồ đi xa rồi các chú ơi! Ba má cháu nghe đài đang khóc suốt à!”. Lời của cháu bé 9 tuổi con chị Tám làm chúng tôi bủn rủn chân tay, hai hàng nước mắt chảy đều. Chúng tôi không thể tin được Bác đã rời xa mãi mãi”, cựu chiến binh Nguyễn Thế Nghĩa nhớ lại.

Ông Nghĩa cùng đồng đội vội vàng vào nhà chị Tám. Chiếc radio của chị đang phát sóng thông báo về việc chuẩn bị Quốc tang. Cả nhà chị Tám và một số bà con đang nghe đều khóc. Những người lính đặc công đứng ngoài cũng không nén nổi nước mắt, cảm giác đột ngột và tiếc thương vô hạn. Từ trong nhà, anh chị Tám chạy ra ôm chầm lấy các chiến sĩ vừa khóc to vừa nói: “Người dân miền Nam chúng tôi mong Bác vào lắm. Chúng tôi muốn được nhìn thấy Bác Hồ bằng xương bằng thịt, giờ thì không còn cơ hội nữa rồi...”.


lap cong dang bac
Cựu chiến binh Nguyễn Thế Nghĩa trở lại Long An thăm cơ sở mật năm xưa.
Ảnh: VĂN CƯỜNG.

“Để trấn an tinh thần anh chị Tám, tôi vỗ vai động viên hai người. Đây là nỗi đau không chỉ riêng anh em mình mà là của cả dân tộc Việt Nam. Đồng thời là nỗi đau thương mất mát của tất cả những nước yêu chuộng hòa bình. Bác mất đi còn có Trung ương Đảng, còn Bộ Chính trị, còn 31 triệu đồng bào nữa. Sau đó, anh Tám lập một bàn thờ nhỏ, còn tôi vẽ chân dung Bác Hồ để lên bàn thờ cho mọi người thắp nhang”, ông Nghĩa xúc động kể.

Từ những suy nghĩ không thể cứ ngồi một chỗ mà buồn, phải biến đau thương thành hành động, các chiến sĩ đặc công đã hội ý, hạ quyết tâm ngay trong đêm phải giáng cho địch một đòn chí mạng. Theo đó, các chiến sĩ đặc công thực hành đánh địch theo hai hướng: Đánh tàu thủy ở sông Vàm Cỏ; pháo kích địch ở bốt Cầu Ván và phục đánh chặn trên quốc lộ. Một tiểu đội theo đồng chí Bảy, Đại đội trưởng Đặc công nước đánh tàu thủy. Ông Nghĩa đi cùng trung đội do đồng chí Chuyền làm Trung đội trưởng chỉ huy, pháo kích bốt Cầu Ván và đánh xe. Trước khi đi, anh Tám cắt cho mỗi người một miếng vải đen nhỏ gắn trước ngực trái để tang Bác Hồ. Chị Tám thì gói cho mỗi người một nắm xôi để ăn đêm lấy sức đánh giặc.

Đúng 23 giờ, hai bộ phận tập hợp cùng hứa với Bác: “Đêm nay, chúng con ra đi quyết giành thắng lợi, lập công dâng Bác”. Hai giờ sáng hôm sau, cối 60mm của ta bắn cấp tập vào bốt Cầu Ván. Tiếp theo, những loạt đạn AK, thủ pháo liên tục quét vào bốt. Quân địch la ó hoảng loạn, kẻ chết, kẻ thì bị thương. Thấy có động ở bốt Cầu Ván, bốt Bến Lức bắn pháo sáng rực cả một vùng trời. Trực thăng “cá lẹp” xuất hiện bắn xung quanh bốt, chúng dùng đèn pha soi xuống cánh đồng. Trực thăng cứu thương lên xuống liên tục đưa những tên bị thương đi cấp cứu. Tổ đánh địch do đồng chí Chuyền phụ trách phục sẵn, dùng 3 quả B40 bắn cháy một xe M113 và hai xe GMC chở quân từ thị xã Tân An lên chi viện.

 Còn trên hướng sông Vàm Cỏ, tàu chiến của Mỹ cháy rực cả một vùng trời. Trực thăng của Mỹ lại hoạt động liên tục. Rốc két bắn cả tràng dài vào những nơi chúng nghi ngờ. Đến hơn 3 giờ sáng, tất cả các chiến sĩ đều trở về đông đủ. Mọi người kể cho nhau nghe từng hướng đánh. Anh Tám ở trong nhà bước ra khen: “Đánh đã quá tụi bay ơi! Đêm nay chúng nó phải bái phục chúng ta”. Bà Năm hàng xóm đưa bánh kẹo, thuốc, rượu sang, thành kính đặt lên bàn thờ Bác, phần còn lại góp vui cùng mọi người./.

Biên Cương
Theo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: