1. Bộ Y tế: Công văn số 1175/BYT-DP ngày 26/02/2021 về việc thực hiện xét nghiệm SARS- CoV-2 cho các đối tượng nguy cơ
Theo đó, để phòng chống dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành các quy định, hướng dẫn phòng chống dịch trong đó công tác lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Nhằm chủ động, kịp thời khống chế hiệu quả dịch bệnh COVID-19 và sử dụng hợp lý nguồn lực hiện có theo "Kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch COVID-19" ban hành kèm theo Quyết định số 4042/QĐ-BYT ngày 21/09/2020 và các hướng dẫn liên quan, Bộ Y tế đề nghị Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh; Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang; Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung sau:
- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 để lựa chọn lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 cho các đối tượng có nguy cơ cao theo chỉ định dịch tễ, ưu tiên tập trung cho công tác phòng chống dịch.
Ảnh minh họa/Internet
- Khi có đủ nguồn lực và đã đảm bảo xét nghiệm cho các đối tượng có nguy cơ cao thì xem xét việc thực hiện xét nghiệm cho các đối tượng có nguy cơ thấp hơn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Trong thời gian hiện nay, nhiều cơ quan đón cán bộ, nhân viên quay trở lại làm việc sau Tết và có nhu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho cán bộ, nhân viên của đơn vị mình. Đề nghị các cơ sở xét nghiệm căn cứ trên nguồn lực tại chỗ để xem xét, nếu có thể thì bố trí thực hiện xét nghiệm cho các cơ quan có nhu cầu.
2. Bộ Giao thông vận tải: Công văn số 1571/BGTVT-VT ngày 26/02/2021 về việc tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa do ảnh hưởng của dịch COVID-19
Công văn nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại văn bản số 1193/VPCP-KTTH ngày 24/02/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ, cụ thể như sau:
- Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2021 về một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2021 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và Thông báo số 28/TB-VPCP ngày 17/02/2021 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19; các văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT để hướng dẫn, triển khai các chỉ thị, kết luận của Thủ tướng Chính phủ nêu trên.
- Chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ, có các giải pháp khả thi, kịp thời để tạo thuận lợi cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hoá, nhất là đối với nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và nông sản tại các địa phương có dịch COVID-19, không để tình trạng ách tắc trong khâu giao nhận, vận tải làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, đồng thời bảo đảm yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị của các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo đề xuất những nội dung vượt thẩm quyền.
- Giao cho Cục Y tế GTVT là đầu mối của Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế trong việc hướng dẫn thống nhất và quy định rõ các biện pháp an toàn phòng dịch cho người, phương tiện và hàng hóa để lưu thông hàng hóa qua các địa bàn có và không có dịch bệnh COVID-19…
3. UBND thành phố Hà Nội: Thông báo số 82/TB-VP ngày 26/02/2021 Kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thành phố Hà Nội (tại Phiên họp số 94)
Hiện nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh các địa phương khác, trong đó tại Hải Dương còn phức tạp, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ các nguồn tại các ổ dịch ngoài Thành phố, các trường hợp nhập cảnh vẫn còn cao, khả năng có thể xuất hiện ca bệnh mới. Thành phố tiếp tục duy trì trạng thái phòng, chống dịch ở mức độ cao, kiên quyết kiểm soát tình hình dịch bệnh. Trong thời gian tới, UBND Thành phố chỉ đạo một số nội dung cụ thể như sau:
- Tiếp tục chủ động thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bô Y tế, Thành ủy, UBND Thành phố để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
- Giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan chức năng:
+ Tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ thực hiện nghiêm thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, không tụ tập đông người và thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng chống dịch tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất đảm bảo an toàn khi làm việc, tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
+ Chỉ đạo việc thực hiện khai báo y tế bắt buộc dùng QR code (theo hướng dẫn của ngành Y tế) tại các địa điểm công cộng, các khu vực tập trung đông người, nhà máy, cơ quan, xí nghiệp, địa điểm kinh doanh, cơ sở khám chữa bệnh,... tuyên truyền cài đặt ứng dụng “Bluezone, Ncovi”, hoàn thành vào ngày 05/3/2021.
+ Chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, tình huống có thể xảy ra để chủ động, xử lý nhanh chóng, kịp thời với chiến lược truy vết triệt để, thần tốc thực hiện khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng, phong tỏa hẹp; yêu cầu thực hiện nghiêm việc cách ly, giám sát y tế theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị theo phương châm 04 tại chỗ.
+ Yêu cầu những người đi về từ khu vực có dịch phải thực hiện khai báo y tế trung thực, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly y tế theo đúng quy định; xử lý nghiêm những người không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực.
+ Phát huy vai trò của Tổ Covid cộng đồng tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, có phương án triển khai trước mọi tình huống, thường xuyên nắm bắt lịch trình, nhân khẩu tại địa bàn, giám sát, chặt chẽ những người có triệu chứng viêm đường hô hấp tại các cơ sở y tế và cộng đồng để thực hiện tốt nhất giám sát tại địa bàn.
+ Chuẩn bị điều kiện, sẵn sàng truy vết thần tốc, triệt để, khoanh vùng nhanh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng và thực hiện nghiêm việc cách ly y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế; kiểm tra chặt chẽ việc tổ chức, quy trình cách ly y tế tại tất cả các khu cách ly tập trung, tuyệt đối không để lây chéo trong khu cách ly và lây nhiễm ra ngoài cộng đồng.
+ Thực hiện sẵn sàng “4 tại chỗ”: đảm bảo sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, trang thiết bị y tế được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho công Tác phòng, chống dịch; xây dựng kịch bản tình huống dịch bệnh lan rộng để không bị động.
+ Rà soát các địa điểm khu vực có nguy lây nhiễm cơ cao, phối hợp ngành Y tế để sàng lọc, xét nghiệm ngẫu nhiên, chủ động xây dựng phương pháp giám sát trọng điểm để phát hiện nguy cơ trong cộng đồng.
- Giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Y tế hướng dẫn việc cập nhật, khai báo y tế, quản lý học sinh đặc biệt các đối tượng từ các tỉnh thành phố khác trở lại Hà Nội theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo công tác phòng chống dịch tại trường học.
Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông cập nhật, hướng dẫn cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố thực hiện khai báo y tế bắt buộc QRcode (theo hướng dẫn của ngành Y tế), thông báo cài đặt ứng dụng “Bluezone, Ncovi” để nắm rõ lộ trình di chuyển của các học sinh, sinh viên trong đó có những người từ các vùng dịch trở lại Hà Nội học tập.
Giao Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trường mầm non, trường phổ thông tổ chức khử khuẩn, vệ sinh trường lớp, chuẩn bị máy đo thân nhiệt, dung dịch khử khuẩn, kịch bản trong việc tổ chức đón, các hoạt động trong nhà trước và khi học sinh tan trường trước khi mở cửa đón học sinh trở lại học tập. Tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp rà soát toàn bộ lịch trình của học sinh, sinh viên và gia đình, đặc biệt người về từ các vùng có dịch trên cả nước, trước khi các nhà trường mở cửa, đón học sinh trở lại nhập học.
- Giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp các cơ quan chức năng chủ động hướng dẫn cụ thể các địa phương tổ chức các hoạt động giải cứu nông sản, thực phẩm từ các vùng dịch theo đúng quy định, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn phòng, chống dịch bệnh.
- Giao Sở Y tế tham mưu UBND Thành phố, báo cáo Thường trực Thành ủy, HĐND Thành phố xây dựng cơ chế, bố trí ngân sách, triển khai tiêm chủng cho các đối tượng quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.
- Giao các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát các điều kiện để tham mưu, báo cáo UBND Thành phố chỉ đạo nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
- UBND thành phố Hà Nội: Công văn số 570/UBND-KT ngày 26/02/2021 về việc tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng dịch COVID-19 tại Hà Nội
Công văn nêu rõ, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã, các tổ chức, cá nhân tham gia công tác hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm (gọi tắt là các tổ chức thiện nguyện) tập trung triển khai, thực hiện tốt các nội dung.
Trong đó, Sở Công Thương chủ trì tổ chức hoạt động giới thiệu, kết nối các sản phẩm khó tiêu thụ từ các địa phương có khó khăn về tiêu thụ các sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội: Kết nối thông tin với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị liên quan của các tỉnh, thành phố khi có nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm đang có khó khăn; hỗ trợ thông tin kết nối nguồn hàng giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất các địa phương có dịch và các đơn vị phân phối, siêu thị, chợ, cửa hàng, các tổ chức thiện nguyện... thành phố Hà Nội; kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên thông tin, hướng dẫn, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương và thành phố Hà Nội.
Sở Công Thương phối hợp với các sở: Y tế, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Công an thành phố để triển khai công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm khó tiêu thụ của các địa phương tại Hà Nội, đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo quy định.
Tổng hợp danh sách các xe vận chuyển hàng hóa của các địa phương, gửi Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố để kiểm soát, hỗ trợ các địa phương lưu thông, vận chuyển hàng hóa về Hà Nội…
Sở Y tế thống nhất với Sở Y tế các địa phương triển khai các quy định về phòng chống dịch COVID-19 đối với các hàng hóa, con người, phương tiện vận chuyển... khi tham gia lưu thông hàng hóa từ các địa phương về Hà Nội. Hướng dẫn cụ thể, thông báo rộng rãi các biện pháp an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với con người, phương tiện, hàng hóa của các vùng, địa phương có dịch về tiêu thụ tại Hà Nội và hướng dẫn người tiêu dùng Hà Nội bảo đảm công tác phòng, chống dịch khi tham gia mua bán sản phẩm từ vùng có dịch về tiêu thụ tại Hà Nội, gửi các đơn vị liên quan của Hà Nội và các địa phương triển khai thực hiện.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì việc phối hợp các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội tuyên truyền, hưởng ứng việc hỗ trợ kết nối nông sản từ các vùng có dịch về tiêu thụ tại Hà Nội đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng Thủ đô biết, yên tâm thực hiện; đồng thời kịp thời thời ngăn chặn tác động tâm lý trước các thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh, gây hoang mang lo lắng cho người tiêu dùng.
Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố kiểm tra, hướng dẫn cho các phương tiện chở hàng hóa nông sản thực phẩm bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch COVID-19 từ các vùng có dịch được lưu thông thuận lợi, kịp thời cung ứng hàng hóa đến các siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng... trên địa bàn thành phố.
UBND thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố phối hợp với Sở Công Thương, chính quyền các cấp để nắm bắt danh sách, các đối tượng cần hỗ trợ tiêu thụ để triển khai thực hiện. Khi tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ trên địa bàn thành phố phải có địa điểm cụ thể (không tổ chức tại lòng đường, vỉa hè, các địa điểm cấm họp chợ…) và phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định. Chịu trách nhiệm trước thành phố khi tổ chức thực hiện.
UBND thành phố đề nghị các tổ chức, cá nhân tự nguyện tham gia công tác hỗ trợ phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan của các địa phương để nắm bắt danh sách, các đối tượng cần hỗ trợ tiêu thụ (theo danh sách cung cấp của các địa phương để đảm bảo chất lượng hàng hóa và công tác phòng, chống dịch COVID-19) để triển khai thực hiện.
Khi tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ trên địa bàn thành phố phải thông báo và đăng ký địa điểm cụ thể với chính quyền địa phương nơi tổ chức phối hợp, hướng dẫn nhân dân tham gia mua sắm phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định. Không lợi dụng danh nghĩa làm thiện nguyện để triển khai các nội dung khác sai mục đích, tránh lây lan dịch bệnh hoặc trục lợi khi tổ chức thực hiện.
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi tổ chức các điểm bán thiện nguyện để đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, công tác phòng chống dịch COVID-19, các dịch bệnh khác khi tổ chức thực hiện. Chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước thành phố khi tổ chức triển khai thực hiện.
UBND thành phố cũng giao UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ các hoạt động thiện nguyện trên địa bàn. Rà soát, bố trí các địa điểm bán hàng phù hợp cho các tổ chức thiện nguyện để hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản, vỉa hè, các địa điểm cấm họp chợ, các địa điểm không được phép kinh doanh… và đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định. Có biện pháp phù hợp cung cấp thông tin để người tiêu dùng biết, đến mua bán hàng hóa tại các điểm bán được bố trí trên và tuân thủ thực hiện nghiêm các quy tắc phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác.
Chỉ đạo các lực lượng chức năng địa phương kiểm tra, rà soát, kiên quyết thực hiện giải tỏa ngay các tụ điểm kinh doanh, bán hàng tự phát, chợ cóc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm dịch COVID-19. Tổ chức lực lượng chốt giữ, duy trì sau giải tỏa không để xảy ra tình trạng tái phát, phát sinh mới trên địa bàn.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chấn chính việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại các nơi tổ chức bán thiện nguyện, các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo công tác an ninh trật tự và phòng, chống dịch trên địa bàn.
Phối hợp với Sở Công Thương, các đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm khó tiêu thụ của các địa phương Hà Nội…
Thu Hiền (tổng hợp)