Thứ năm, 28/03/2024

Trong thời gian qua, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá cách mạng Việt Nam với mục đích “tạo ra “khoảng trống” về tư tưởng, đưa ý thức hệ tư sản thâm nhập sâu rộng vào đời sống tinh thần của cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”1. Một trong những vấn đề bị các thế lực thù địch tấn công nhiều nhất là vai trò lãnh đạo, đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, cần nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đó để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và bảo vệ những thành quả cách mạng to lớn mà nhân dân ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hơn 90 năm qua.

dau tranh phan bac 1
Ảnh minh họa

1. NHẬN DIỆN NHỮNG QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH VỀ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Trong thời gian qua, các thế lực thù địch đang ra sức đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” bằng việc chống phá cách mạng Việt Nam, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, chia rẽ nội bộ, gây mất ổn định về chính trị nhằm cản trở quá trình Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch về Đảng Cộng sản Việt Nam theo các hướng chủ yếu sau:

Thứ nhất, những quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam

Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Trong thời gian qua, các thế lực thù địch đã cố tình xuyên tạc, bóp méo để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Chúng cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều sai lầm trong quá khứ, dù quá khứ có làm được một số việc thì bây giờ chuyển sang thời kỳ mới, Đảng đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ sức để lãnh đạo đất nước2.

Từ những hạn chế của công cuộc đổi mới, nhất là sự tụt hậu về kinh tế của Việt Nam so với các nước trong khu vực, các thế lực thù địch đã lên tiếng đổ lỗi cho Đảng ta lãnh đạo đất nước không hiệu quả nên cần phải “trả lại cho nhân dân Việt Nam quyền tự quyết định vận mệnh của chính mình và của đất nước”3. Với danh nghĩa đứng về phía nhân dân, các thế lực thù địch đã khuyên nước ta cần phải đi theo mô hình “xã hội dân chủ”, thực hiện chính sách “chính trị đa nguyên”, “đa đảng đối lập” vì Đảng có “một bộ máy đã tạo nên một xã hội không có tự do, dân chủ”4. Chúng cho rằng: “Từ bỏ độc quyền lãnh đạo là vấn đề căn bản vì đó là then chốt của chế độ dân chủ”5. Chúng lập luận rằng Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội là theo “chế độ đảng trị = đảng chủ”, “thể chế Việt Nam hiên nay là không phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Chế độ một Đảng lãnh đạo, độc quyền là trái với nguyên tắc nhà nước pháp quyền”, “Hiến pháp của Việt Nam là không chính danh, chỉ là Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam độc tài, toàn trị”6.

Như một thông lệ, trước thềm các kỳ đại hội của Đảng, các thế lực thù địch lại tấn công mạnh mẽ vào vai trò lãnh đạo của Đảng bằng những luận điệu xuyên tạc. Điển hình là trước khi Đại hội XII diễn ra, đã có những luận điệu vu khống cực kỳ phản động: “Cộng sản khinh dân, Đảng Cộng sản đã mạo nhận là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động. Trong lịch sử, không có khi nào Đảng Cộng sản phục vụ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động mà cộng sản chỉ lợi dụng công nhân và nhân dân lao động để phục vụ quyền lợi của Đảng Cộng sản”7. Từ việc đưa ra những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch còn lên tiếng đòi xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về quyền lãnh đạo của Đảng.

Thứ hai, những quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận đường lối cách mạng của Đảng, phủ nhận công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Bên cạnh việc phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, trong thời gian qua, các thế lực thù địch còn ra sức xuyên tạc, phủ nhận quan điểm, đường lối của Đảng qua các cương lĩnh, văn kiện. Các thế lực thù địch cho rằng, việc ban hành các cương lĩnh, văn kiện là thể hiện sự “chuyên quyền”, “độc đoán”, “đảng trị”, thể hiện sự “sự chuyên chính của một đảng”, “sự thống trị quan liêu của giới thượng lưu”8. Những luận điệu này được các thế lực thù địch tung ra ngày càng nhiều nhằm phá hủy lòng tin của Nhân dân với Đảng, chia rẽ Đảng với Nhà nước, đối lập Đảng và Nhà nước với Nhân dân. Chúng tập trung tuyên truyền những luận điệu này ngày càng nhiều nhằm kêu gọi nhân dân phải “tỉnh ngộ”, từ bỏ đường lối lãnh đạo của Đảng. Trắng trợn hơn, chúng còn đưa ra luận điệu đòi “đánh đổi chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo lấy sự cam kết của một số cường quốc phương Tây, làm đối trọng với Trung Quốc để giữ gìn độc lập, chủ quyền của đất nước và lợi ích quốc gia dân tộc”9.

Trọng tâm của sự công kích, chống phá cương lĩnh, văn kiện của Đảng là sự xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch về con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vấn đề dân tộc, dân chủ, tôn giáo, nhân quyền… Dễ dàng nhận thấy thực chất của sự chống phá này là phủ nhận đường lối xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra trong các cương lĩnh chính trị; từ đó cổ xúy cho chủ nghĩa tư bản nhằm gây nên sự hoang mang, dao động của nhân dân về con đường phát triển đất nước, sâu xa hơn nữa là nhằm phá vỡ từng mảng nền tảng tư tưởng của Đảng ta, tạo ra sự khủng hoảng chính trị, làm chệch hướng con đường mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn.

dau tranh phan bac 2

Bên cạnh những luận điệu phủ nhận về đường lối lãnh đạo của Đảng, các thế lực thù địch còn ra sức tấn công vào công cuộc xây dựng Đảng hiện nay. Chúng cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã quá khôn ngoan khi đưa vấn đề xây dựng Đảng thành vấn đề then chốt nhưng đó chỉ là kiểu “giật gấu vá vai”. Tình trạng này tất yếu sẽ khiến Đảng đổ vỡ và tan rã”10. Chúng còn dự đoán tình hình sẽ ngày càng có nhiều sự phản ứng quyết liệt của nhân dân chống lại Đảng: “Trước tình hình cai trị độc tài, vô hiệu quả của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân không thể chịu đựng được nữa, đang đứng lên để chống đối những sai lầm đó, đứng lên đòi nhân phẩm, nhân quyền dân chủ. Càng ngày càng có nhiều người đấu tranh, người trước, kẻ sau, càng ngày càng đông”11.

Thứ ba, những quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc về cán bộ lãnh đạo của Đảng.

Trong hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam, một mục tiêu mà các thế lực thù địch luôn hướng tới là các cán bộ lãnh đạo của Đảng. Vì xác định đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính là “linh hồn” của Đảng nên các thế lực thù địch đã ra sức xuyên tạc sự thật, bôi nhọ hình ảnh của các lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cấp cao của Đảng nhằm tạo nên sự hoài nghi, mất niềm tin của nhân dân. Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng truyền thông, nhất là mạng xã hội để phát tán các bài viết, video, clip xuyên tạc về cuộc đời và sự nghiệp của các lãnh tụ của Đảng, các cán bộ lãnh đạo nhằm tạo ra sự bất mãn trong nhân dân, kích động “phản biện xã hội”, nhất là vào các dịp trước, trong và sau Đại hội Đảng.

Gần đây, các thế lực thù địch còn triệt để lợi dụng các hiện tượng tiêu cực, nhất là tình trạng tham nhũng, “lợi ích nhóm”, các mâu thuẫn xã hội để kích động nhân dân đứng lên khiếu kiện tập thể, gây rối trật tư công cộng, bêu riếu một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; từ đó tạo điều kiện để cho các phần tử cơ hội chính trị nước ngoài tham gia gây nên tình trạng mất ổn định chính trị nghiêm trọng tại một số địa phương. Trước thềm Đại hội XIII, “đến hẹn lại lên”, các thế lực thù địch ra sức đồn đoán về tình hình nhân sự của Đại hội Đảng, tìm mọi cách để xuyên tạc, bôi nhọ những đồng chí có tên trong danh sách bầu cử Đại hội Đảng các cấp, nhất là nhân sự của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Một âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch khi thực hiện sự chống phá này là chúng móc nối, xâm nhập vào nội bộ của Đảng, tìm cách phân hóa tổ chức để tìm ra “ngọn cờ” tập hợp lực lượng. “Ngọn cờ” mà các thế lực thù địch hướng tới chính là những phần tử ở ngay trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng nhưng có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bất mãn chính trị. Đây chính là những kẻ “tay trong” được các thế lực thù địch lợi dụng nhằm lấy thông tin để thêu dệt, xuyên tạc về các lãnh tụ của Đảng nói riêng và công tác nhân sự của Đảng nói chung.

Có thể nhận thấy, các thế lực thù địch đã dùng những chiêu bài, thủ đoạn rất tinh vi để xuyên tạc, phủ nhận Đảng Cộng sản Việt Nam. Mục đích lớn nhất của những chiêu bài này là nhằm hạ bệ uy tín của Đảng, kêu gọi thực hiện “đa nguyên chính trị”, từ đó tiến tới xây dựng một chế độ chính trị mới ở Việt Nam do các thế lực thù địch, phản động giật dây, điều khiển. Đây là một âm mưu rất nguy hiểm, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ nên cần được tỉnh táo nhận diện.

2. TIẾP TỤC KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ TO LỚN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA DÂN TỘC

Từ việc nhận diện những quan điểm sai trái, thù địch về Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta càng cần phải tiếp tục khẳng định vai trò to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc để tiếp thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng cũng như vận mệnh và tương lai của đất nước.

Thứ nhất, sự lãnh đạo của Đảng luôn là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Từ khi thành lập đến nay, suốt hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thủ thách để đạt được những thành quả cách mạng to lớn. Đó là thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược và đặc biệt nhất là những thành công to lớn của 35 đổi mới đất nước. Thực tế phát triển đất nước qua hơn 35 năm đổi mới đã cho thấy, Việt Nam từ một đất nước nghèo nàn, có cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; mọi mặt đời sống của nhân dân được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Đây là một sự thật lịch sử đã được nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới ghi nhận và nhân dân Việt Nam tôn vinh chứ không phải giống như những luận điệu vu cáo của các thế lực thù địch: “Đảng tự vinh danh, tự đeo vòng nguyệt quế vào cổ cho mình quyền cầm đầu nhân dân”12. Những thành tựu rất quan trọng của đất nước trong thời gian qua là cơ sở khách quan để khẳng định: sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Những thành tựu đó cũng ngày càng khẳng định vai trò to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc đúng như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã khẳng định trong Diễn văn Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2020): Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Thứ hai, có thái độ khách quan, công tâm khi nhìn nhận những khuyết điểm, thiếu sót của Đảng trong quá trình lãnh đạo đất nước.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không tránh khỏi những sai lầm, thiếu sót do giáo điều, chủ quan, duy ý chí. Tuy nhiên, như một thông lệ không thể thiếu, trước mỗi kỳ Đại hội Đảng, nhất là kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, khi đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội qua một nhiệm kỳ, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”, “tôn trọng hiện thực khách quan”, Đảng ta luôn thẳng thắn nhìn nhận những sai lầm, khuyết điểm. Đảng ta coi những sai lầm, khuyết điểm là yêu cầu, đòi hỏi Đảng phải tiếp tục đổi mới, nhân dân phải tiếp tục đồng lòng để vượt qua những khó khăn, thử thách. Điều này được khẳng định rõ trong Báo cáo tổng kết chặng đường 30 năm đổi mới của Đảng: “Những hạn chế, khuyết điểm đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải nỗ lực phấn đấu không ngừng để khắc phục, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững theo con đường xã hội chủ nghĩa”13.

Nhìn nhận lại những chủ trương của Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian qua thông qua những Nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI (năm 2012), Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII (năm 2016), có thể nhận thấy tinh thần nghiêm túc trong tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, chỉnh đốn, giữ vững bản chất cách mạng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân và của toàn dân tộc. Đây không phải là sự “chắp vá”, “giật gấu vá vai” như những luận điệu mà các thế lực thù địch vẫn rêu rao mà nó thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng trong việc “tự sửa mình” và đào tạo, huấn luyện cán bộ, đảng viên. Do đó, cần có thái độ khách quan, công tâm khi xem xét những sai lầm, khuyết điểm của Đảng. Cần tránh cả hai xu hướng xem nhẹ, bỏ qua những khiếm khuyết hoặc tuyệt đối hóa, thổi phồng những khuyết điểm bởi cả hai xu hướng này hoặc là dẫn đến thái độ chủ quan, lơ là; hoặc dẫn đến thái độ cực đoan, bất mãn. Sai lầm, khuyết điểm của Đảng, nhất là của một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong thời gian qua là một bài học đắt giá cho công tác xây dựng Đảng nhưng không vì thế mà đánh đồng với đóng góp của biết bao thế hệ đảng viên với sự nghiệp cách mạng của đất nước. Cũng không vì thế mà đưa ra những lời rêu rao theo kiểu chụp mũ, vô căn cứ là “không ai muốn sống ở Việt Nam”, “những kẻ lắm tiền, nhiều của là thành phần cán bộ có chức có quyền đã tìm mọi cách đem gia đình chạy khỏi Việt Nam sau khi đã vơ vét đầy túi”14.

Thứ ba, tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lòng dân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đây là sự kế thừa các bản Hiến pháp trước đó như Hiến pháp năm 1980, năm 1992 đồng thời thể hiện ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Do đó, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là hoàn toàn hợp hiến và hợp pháp. Hơn nữa, chính nhân dân Việt Nam đã tin tưởng lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo duy nhất sự nghiệp cách mạng trong suốt thời gian qua.

Hơn nữa, mối quan hệ của Đảng với Nhân dân là mối quan hệ máu thịt bởi Đảng vì Nhân dân là phấn đấu, tôi luyện, trưởng thành, lấy hạnh phúc cho Nhân dân là mục tiêu phấn đấu; ngược lại, Nhân dân cũng luôn vững tin theo Đảng, cùng chung tay giúp sức xây dựng và chỉnh đốn Đảng, sát cánh bên Đảng để vượt qua những khó khăn. Mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng và Nhân dân chính là nguồn gốc sức mạnh và nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Do đó, “luận điệu phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội của các thế lực thù địch là hoàn toàn trái với nguyện vọng, sự lựa chọn đúng đắn của nhân dân Việt Nam. Mọi công dân Việt Nam cần nêu cao cảnh giác, không mắc mưu kẻ địch phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước và xã hội của chúng ta”15.

Như vậy, nhận diện các quan điểm sai trái về Đảng Cộng sản Việt Nam để chúng ta - những người cộng sản luôn cảnh giác trước những luận điệu công kích, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Quan trọng hơn nữa, chúng ta cũng có dịp nhìn lại hành trình hơn 90 năm ra đời và phát triển của Đảng, cảm thấy tự hào về những thành tựu to lớn, nổi bật của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời không được chủ quan, lơ là trước những sai lầm, khuyết điểm để có ý thức xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Nhận diện những quan điểm sai trái, thù địch về Đảng Cộng sản Việt Nam để mỗi đảng viên thêm vững tin vào Đảng, luôn trọn một niềm tin theo Đảng, cùng sát cánh bên Đảng để vượt qua những khó khăn, thử thách nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên những chặng đường tiếp theo./.

ThS. Hà Thị Bích Thủy
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Tuyên giáo điện tử
Đàm Anh (st)

Chú thích:

1. Cục Tuyên huấn (2019), Phòng, chống âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch (sách chuyên khảo), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.17.
2. Dẫn theo: Ban Tuyên giáo Trung ương (2017), Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.51.
3. Ban Tuyên giáo Trung ương (2017), Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.127.
4. Ban Tuyên giáo Trung ương (2017), Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.59.
5. Ban Tuyên giáo Trung ương (2017), Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.53.
6. Xem: Cục Tuyên huấn (2019), Phòng, chống âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch (sách chuyên khảo), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.33.
7. Dẫn theo: Nguyễn Văn Cần: “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là cơ sở phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch”, trong sách Bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, Cục Tuyên huấn, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.79-80.
8. Xem: Võ Văn Hải: “Những luận điệu lạc lõng của RSF”, trong sách Bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, Cục Tuyên huấn, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.99-100.
9. Xem: Hải Đăng, “Thực chất “hai kịch bản” cho Việt Nam là gì?”, đăng trên Báo Quân đội nhân dân, ngày 29/8/2018, tr.8.
10. Xem: Cục Tuyên huấn (2019), Phòng, chống âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch (sách chuyên khảo), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.32.
11. Dẫn theo: Cục Tuyên huấn (2019), Phòng, chống âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch (sách chuyên khảo), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.32.
12. Dẫn theo Bùi Quang Cường, “Lại là luận điệu xuyên tạc chống phá Đảng”, trong sách Bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, Cục Tuyên huấn, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2017, tr.42.
13. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội địa biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.68.
14. Xem: Bùi Quang Cường: “Lại là luận địu xuyên tạc chống phá Đảng”, trong sách Bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, Cục Tuyên huấn, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2017, tr.39.
15. Nguyễn Đức Độ: “Tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lòng dân của Đảng Cộng sản Việt Nam”, trong sách Bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, Cục Tuyên huấn, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2017, tr.65.

Bài viết khác: