Ứng phó thắng lợi mọi tình huống an ninh phi truyền thống là nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; trong đó, Quân đội nhân dân là nòng cốt, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Thiên tai và biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với các quốc gia trong thế kỷ XXI. Đối với Việt Nam, biến đổi khí hậu đã và đang làm cho các hình thái thiên tai, thảm họa môi trường, dịch bệnh ngày càng phức tạp, cực đoan, khó lường, cả về kiểu loại, cấp độ, vùng phân bố và chu kỳ xuất hiện, gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tác động trực tiếp nhất đối với đất nước ta thời gian gần đây là đại dịch Covid-19, hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ miền Trung; sự chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị thông qua chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội, v.v. Hậu quả do những thách thức an ninh phi truyền thống gây ra có khi còn thiệt hại nặng nề, nghiêm trọng hơn những thách thức an ninh truyền thống. Nhận thức rõ sự nguy hại của thách thức này, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị tích cực, chủ động phòng ngừa, ứng phó thắng lợi với các mối đe dọa này. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống”1. Thực tiễn cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, cùng sự nỗ lực, đồng thuận của toàn dân, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân, chúng ta đã phòng, chống, khắc phục kịp thời, hiệu quả những vấn đề an ninh phi truyền thống, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

ung pho voi thach thuc an ninh
Đại tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại hội nghị trực tuyến Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+). Ảnh: qdnd.vn

Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa; tham gia tích cực, hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng cơ sở chính trị, đời sống văn hóa mới trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Khi có tình huống xảy ra, Quân đội nhân dân luôn chủ động, tích cực, đi đầu tham gia khắc phục, với tinh thần “ở đâu khó khăn, vất vả, ở đó có bộ đội”. Toàn quân thực hiện tốt công tác nghiên cứu, nắm, đánh giá, dự báo tình hình, tham mưu chiến lược; kiên quyết, kiên trì, xử lý kịp thời, linh hoạt, mềm dẻo, hiệu quả các tình huống cả an ninh truyền thống và phi truyền thống, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời, là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường.

Trong phòng, chống đại dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, toàn quân đã quán triệt, thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương quyết liệt đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch; tổ chức tốt cuộc diễn tập cấp Bộ về phòng, chống dịch trên phạm vi toàn quốc, với gần 22.000 người tham gia; thường xuyên duy trì hơn 1.600 tổ, chốt kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới đất liền và hướng biển; tổ chức 175 điểm tiếp nhận hàng trăm nghìn người từ các vùng dịch vào Việt Nam, thực hiện cách ly y tế đúng quy định; tích cực tham gia xử lý môi trường tại một số địa phương; kịp thời sản xuất bộ kit, test chẩn đoán nhanh virus SARS-CoV-2 và nghiên cứu thử nghiệm vaccine phòng dịch Covid-19.

Trong phòng, chống bão lũ, thảm họa môi trường tại miền Trung, Quân đội đã huy động hơn 330 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, gần 11 nghìn lượt phương tiện thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, tổ chức sơ tán nhân dân đến địa điểm an toàn; tích cực tìm kiếm người mất tích ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và trên các vùng biển, đảo; làm tốt công tác tư tưởng, giải quyết kịp thời chính sách, sớm ổn định đời sống, khắc phục khó khăn cho người dân sau bão, lũ. Khi có tình huống xảy ra, cán bộ, chiến sĩ Quân đội phát huy tốt vai trò xung kích, nòng cốt, kịp thời có mặt ở những nơi xung yếu, khó khăn, không quản ngại gian khổ, hy sinh, phối hợp xử lý có hiệu quả các tình huống, khẳng định vai trò của “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”, xứng đáng là Quân đội của dân, do dân, vì dân, góp phần tô đẹp phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền, xung đột dân tộc, sắc tộc,... xuất hiện nhiều loại hình chiến tranh mới. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, dẫn đến thời tiết, khí hậu, thủy văn diễn biến phức tạp, không theo quy luật, gây ra hiệu ứng El Nino và La Nina - hạn hán, lũ lụt kéo dài, tác nhân của các loại dịch bệnh, điển hình như đại dịch Covid-19. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đang len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo nhiều yếu tố tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, song cũng tạo “mảnh đất màu mỡ” để các phần tử cơ hội chính trị, đối tượng có quan điểm sai trái, các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng hòng thay đổi chế độ chính trị ở nước ta, v.v.

Để sẵn sàng ứng phó thắng lợi với những tình huống an ninh phi truyền thống, đòi hỏi Quân đội cần tập trung quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về phòng, chống các thách thức an ninh phi truyền thống, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Trước mắt, toàn quân tập trung quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhất là quan điểm coi “Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng, an ninh”2. Chú trọng phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện công bằng xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của nhân dân; tăng cường quốc phòng, an ninh; kết hợp kinh tế với quốc phòng và đối ngoại, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thường xuyên giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội; chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, mẫu mực, tiêu biểu; gương mẫu, đoàn kết, giữ vững nguyên tắc, phát huy tốt vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy. Giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội là điều kiện tiên quyết để toàn quân luôn vững vàng, kiên định với đường lối, quan điểm của Đảng, phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong ứng phó, xử lý thắng lợi các tình huống an ninh phi truyền thống. Sự tác động, ảnh hưởng của các vấn đề an ninh phi truyền thống đến đời sống xã hội là rất lớn, không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia - dân tộc, mà còn lan rộng ra toàn thế giới. Vì thế, các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho các lực lượng và nhân dân về những thách thức an ninh phi truyền thống; làm rõ đặc điểm, tính chất, phạm vi ảnh hưởng; sự cần thiết, nội dung, biện pháp, lực lượng, phương tiện phòng ngừa và ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Thực tế trong “cuộc chiến” chống đại dịch Covid-19 cho thấy, công tác tuyên truyền, giáo dục đã mang lại hiệu quả rất lớn, tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động, giúp toàn quân chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, cán bộ, chiến sĩ toàn quân, các tầng lớp nhân dân có kiến thức, hiểu biết cơ bản về dịch bệnh, các nguy cơ lây nhiễm, cách phòng, chống; góp sức, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, Quân đội và các lực lượng chuyên ngành dập dịch.

Công tác tuyên truyền phải làm thường xuyên, liên tục, tác động trực tiếp đến nhận thức, hành động của bộ đội và nhân dân về các nguy cơ, tạo sự đồng thuận xã hội, sẵn sàng tiếp nhận, bình tĩnh xử lý hiệu quả các tình huống xảy ra. Nội dung tuyên truyền phải phù hợp với từng đối tượng và phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để bộ đội và nhân dân dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ nhớ về tác hại, mức độ nguy hiểm của các thách thức an ninh phi truyền thống; từ đó, đề cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, tích cực trong ứng phó và xử lý hậu quả do tình huống này gây ra. Các cơ quan báo chí Quân đội phải giữ vững vai trò xung kích, đi đầu trong công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm của Đảng và Nhà nước về các thách thức an ninh phi truyền thống. Tăng cường đấu tranh với nhận thức lệch lạc, hành vi vi phạm pháp luật; phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, bảo vệ và giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần định hướng dư luận, củng cố lòng tin của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Ba là, thường xuyên nghiên cứu, dự báo đúng tình hình, tham mưu chính xác, ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có tính quyết định để xử lý thắng lợi các vấn đề an ninh phi truyền thống. Các cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan tham mưu chiến lược cần đẩy mạnh nghiên cứu, nhận định, phân tích, đánh giá, dự báo chính xác tình hình, giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước có đối sách xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh, nhất là tình huống an ninh phi truyền thống, như: “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, khủng bố, an ninh mạng; thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, v.v. Quá trình nghiên cứu, cần phân tích, làm rõ một cách có hệ thống, toàn diện những vấn đề lý luận trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong nước, quốc tế trong phòng ngừa, ứng phó và giải quyết hậu quả; dự kiến các tình huống, dự báo chính xác tình hình, có giải pháp phù hợp sẵn sàng ứng phó với các mối de dọa của an ninh phi truyền thống. Đồng thời, quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật, các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phòng, chống các thách thức an ninh phi truyền thống. Trước mắt, chú trọng thực hiện tốt các phương án phòng, chống đại dịch Covid-19, cùng những hành động gây rối, bạo loạn, khủng bố,… bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng yếu, sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, nhất là dịp bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Các cơ quan tham mưu chiến lược của Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị định số 71/2002/NĐ-CP ngày 23/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm. Tích cực rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, phương án xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống để bổ sung, hoàn thiện, sát hợp với thực tiễn.

Bốn là, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, huấn luyện, diễn tập thuần thục các phương án, sẵn sàng ứng phó thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt, cả về nhân lực, vật lực, phương án cụ thể và thường xuyên tổ chức luyện tập thành thục để ứng phó có hiệu quả với các tình huống xảy ra. Từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2020, toàn quân đã chủ động xây dựng phương án, chuẩn bị và huy động, sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật, phương tiện của các đơn vị, góp phần vào sự thành công và hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra ở miền Trung. Điều đó cho thấy, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện chuyên dùng sẵn sàng cho mọi nhiệm vụ, mọi tình huống là rất quan trọng và cần thiết nên cần chủ động rà soát phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, triển khai cụ thể, chặt chẽ, phù hợp đặc thù của từng cơ quan, đơn vị.

Toàn quân tập trung xây dựng kế hoạch ứng phó với các thảm họa, thiên tai, dịch bệnh,... bảo đảm khoa học, thống nhất; tổ chức huấn luyện, diễn tập định kỳ làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc mục tiêu, yêu cầu, kỹ năng, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ khi thực hiện. Hệ thống cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị của các cơ quan, đơn vị, nhất là các đơn vị chuyên ngành, đơn vị đứng chân trên các vùng, miền có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng, tác động của các yếu tố an ninh phi truyền thống phải thường xuyên được rà soát, bổ sung, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng cao, có lượng dự trữ phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống. Định kỳ tiến hành kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chuẩn bị cho việc phòng ngừa và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ở các cấp, trực tiếp là lực lượng chuyên trách. Quán triệt tinh thần “chủ động”, thực hiện tốt cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng “trực tiếp, thiết thực, hiệu quả”, với phương châm “3 sẵn sàng”3 và “4 tại chỗ”4; quan tâm xây dựng các lực lượng theo các phương án đã xác định để sẵn sàng ứng phó với các mối de dọa an ninh phi truyền thống. Toàn quân cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp, kết hợp chặt chẽ; chú trọng phối hợp với lực lượng Công an cùng cấp thực hiện tốt Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng; Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/11/2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự.

Năm là, tăng cường hợp tác, mở rộng quan hệ với quân đội các nước, các tổ chức trong khu vực và quốc tế, nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra cảnh báo, dự báo sớm, phối hợp hành động, tạo nguồn lực và sức mạnh tổng hợp ứng phó hiệu quả với những thách thức an ninh phi truyền thống. Đẩy mạnh hợp tác, phối hợp với các nước và tổ chức quốc tế, cơ quan an ninh, nhằm xây dựng hành lang pháp lý, thiết lập cơ chế hợp tác để phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, biến đổi khí hậu, thảm họa, thiên tai, bảo đảm an ninh biển, cùng với các chương trình, kế hoạch và cơ chế phù hợp. Thực tế cho thấy, các vấn đề an ninh phi truyền thống là thách thức lớn đối với toàn cầu, nên phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trong ứng phó, xử lý mới có thể giảm được những thiệt hại gây ra. Tích cực tham gia, thực hiện tốt các công ước quốc tế, các hiệp ước đa phương, song phương liên quan đến vấn đề an ninh phi truyền thống, để quân đội các nước trong khu vực và thế giới có tiếng nói chung. Trước mắt, cần tập trung thực hiện tốt Tuyên bố chung của Hội nghị ADMM hẹp năm 2020 về hợp tác quốc phòng trong ứng phó với dịch bệnh, nhằm đối phó với mối đe dọa an ninh phi truyền thống khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp; thúc đẩy hợp tác với các nước trong khu vực, khối ASEAN về cách thức ứng phó với dịch bệnh. Nghiên cứu, đề xuất, tổ chức diễn tập xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống, xây dựng một ASEAN thật sự đoàn kết, gắn kết và có một hành động chung, v.v.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nhân dân hết lòng yêu thương, đùm bọc, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, cùng với toàn dân tộc lập nên nhiều chiến công hiển hách trong chiến tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, trước thách thức an ninh phi truyền thống và yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới cần tập trung xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, sẵn sàng ứng phó thắng lợi các tình huống cả an ninh truyền thống và phi truyền thống, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị,
Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam,
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Tâm Trang (st)

_______________

1. ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 148.
2. Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng.
3. Như chống giặc, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.
4. Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ.

Bài viết khác: