LTS: "Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy", thông điệp đó của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) ngày 31-7-2017 đã lan tỏa rộng rãi trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Công cuộc phòng, chống tham nhũng là dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ XII của Đảng. Với mong muốn góp tiếng nói đồng thanh, đồng chí, đồng lòng cùng các đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng xây dựng các chủ trương, biện pháp về phòng, chống tham nhũng; nhiều trí thức, văn nghệ sĩ đã bày tỏ với Báo QĐND Cuối tuần tâm huyết của mình về vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
TS Nguyễn Viết Chức: Không có ai trên luật
Nhiệm kỳ XII, Đảng đã xử lý kỷ luật hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị. Đó là sự "chặt cành để cứu cây" rất đau đớn nhưng hiệu quả. Xử lý nghiêm theo pháp luật là nguyên tắc tối thượng của Nhà nước pháp quyền. Không có ai trên luật, không có vùng cấm là mệnh lệnh sống còn của Đảng và chế độ ta. Xử lý nghiêm một người để cứu muôn người là tuyên ngôn có tính nhân văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
TS Nguyễn Viết Chức.
Đảng ta là một Đảng mạnh. Một số đảng viên, thậm chí một vài chi bộ, tổ chức đảng có khuyết điểm giống như cái cành, cái lá bị sâu bệnh không thể không cắt bỏ để cả cái cây phát triển, mãi mãi xanh tươi. Sự nghiệp của Đảng là sự nghiệp của cả đất nước. Chống tham nhũng là nhiệm vụ sống còn của Đảng ta, là nguyện vọng của nhân dân, là niềm tin, là sức mạnh chính nghĩa. Đảng là người lãnh đạo, là đảng cầm quyền. Trong tổ chức của người cầm quyền lại lạm quyền, tham nhũng thì không thể chấp nhận được. Bởi thế đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới dùng hình tượng “cái lồng nhốt quyền lực” đến kiểm soát không cho lạm quyền, không được mất dân chủ. Có như thế mới xứng đáng là người lãnh đạo, là đảng cầm quyền “không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân”.
Đạo diễn, NSND Khải Hưng: Điện ảnh không thể đứng ngoài cuộc
Đạo diễn, NSND Khải Hưng.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Với trách nhiệm của một người nghệ sĩ, trách nhiệm của một công dân, tôi thấy cần phải làm gì đó. Từ trước đến nay, các phim của tôi hầu hết xoay quanh đề tài chính luận. Làm đề tài chính luận thì vừa khô, vừa khó, dễ động chạm nên người ta hay ngại.
Trong đề tài này, tôi và đồng nghiệp gặp khá nhiều khó khăn. Khó khăn đến ngay từ khâu xây dựng kịch bản. Liệu nói thế này đã đúng chưa? Nói thế này đã đủ chưa? Có cần thiết trong lúc này không? Những câu hỏi như thế luôn bề bộn, day dứt trong tâm trí mỗi người...
Điều thứ hai, chúng ta hiện không có một phim trường đúng nghĩa. Khi quay đều phải mượn một bối cảnh thực tế. Nhưng khi biết bộ phim nói về chống tham nhũng, những người có trách nhiệm đều từ chối một cách rất khéo, rất dễ thương khiến công đoạn này trở nên rất khó thực hiện. Khi mượn được địa điểm rồi, chúng tôi thường bị theo dõi, thường bị chú ý “xem đoàn làm phim nói gì”, v.v... Điểm khó khăn thứ ba là diễn viên. Diễn viên phải vào vai ông chủ tịch, ông bí thư thì diễn viên phải có phong thái, giọng điệu phù hợp và đây là điều rất khó.
Ngoài ra, chúng tôi cũng gặp khó khăn từ chính người dân hay những cơ quan có liên quan. Ví dụ trong phim có cảnh xe của công an đến bắt một cán bộ, hôm trước người cho mượn bối cảnh đã đồng ý, nhưng sáng hôm sau khi thấy xe công an đến thì họ đóng cửa, khóa cửa. Thế là hỏng. Xem phim thì khán giả thích xem, nhưng để đoàn làm phim sử dụng nhà mình để làm bối cảnh quay phim thì người ta ngại. Ai cũng né.
Nhiều khó khăn là thế, nhưng những người nghệ sĩ như chúng tôi tâm niệm làm hết sức mình, qua đó góp phần nào đó vào công cuộc làm cho khuôn mặt xã hội sạch sẽ, đẩy lùi "văn hóa tham nhũng", mà nhất là tình trạng tham nhũng vặt. Tôi gọi tên là “văn hóa tham nhũng” bởi rất nhiều người dân, dù rất ghét tham nhũng nhưng lại sẵn lòng hối lộ, đút lót cán bộ, công chức cốt để xong công việc. Thế là chính người dân cũng đang tiếp tay cho tham nhũng. Tôi thấy đó là một thứ "văn hóa" cần lên án, cần gột bỏ.
Làm phim chính luận vất vả, gian khổ nhưng có niềm vui là chúng tôi được khán giả, cả già, cả trẻ ủng hộ. Nhiều bạn trẻ gặp tôi đã bày tỏ những suy nghĩ đáng trân trọng về công cuộc chống tiêu cực trong xã hội. Đó chính là lý do để những người làm nghệ thuật không thể đứng ngoài cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay.
Nhà thơ Vương Trọng: Tham nhũng quyền lực là nguy hiểm nhất
Nhà thơ Vương Trọng.
Ai cũng biết tham nhũng đã trở thành quốc nạn, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Thủ phạm những vụ tham nhũng lớn là người có chức, có quyền...tức là những đảng viên. Tham nhũng hiện có ở mọi lúc, mọi nơi, từ thôn xóm đến những cơ quan chống tham nhũng ở Trung ương. Tôi nghĩ, có lẽ Đảng cần có tinh thần chống tham nhũng như chống giặc, như chống đại dịch Covid-19 mà chúng ta đã và đang làm rất tốt, thì mới đạt được hiệu quả mong muốn.
Tham nhũng trong lĩnh vực nào cũng tệ hại, nhưng theo tôi, tham nhũng quyền lực là nguy hiểm nhất. Khi Đảng giao cho anh thay mặt tổ chức để tìm chọn người tài vào các vị trí công việc, thì anh lại biến thành thị trường mua bán hoặc nơi ban phát ân huệ thì thật tệ hại. Thời gian gần đây chuyện mua bán chức tước được dư luận nói đến rất nhiều. Tất nhiên là mua bán vô cùng tinh vi. Tinh vi nhưng bản chất vẫn là mua bán, cán bộ đã bỏ tiền ra mua chức thì cố tham nhũng, vơ vét không chỉ bù lại, mà để kiếm lời. Như thế tham nhũng quyền lực nảy sinh ra các tệ nạn tham nhũng mới. Đó là chưa kể việc đưa người nhà, người thân vào các vị trí béo bở, khiến Thủ tướng Chính phủ phải kêu gọi "tìm người tài chứ không tìm người nhà". Hành động này khiến dư luận xã hội bất bình, nhưng trong xử lý thì có cảm giác vẫn còn nhẹ tay.
Phải thừa nhận nhiệm kỳ qua, Đảng và Nhà nước đã nghĩ ra nhiều biện pháp để phòng và diệt tham nhũng, nhưng sao nạn tham nhũng vẫn nhức nhối? Theo tôi, chúng ta đã có những biện pháp hữu hiệu, nhưng thực hành chưa đến nơi đến chốn, ví như biện pháp kê khai, công khai tài sản. Nhiều người nói giải pháp này "nhạy cảm", nên việc thực thi còn khó khăn. Nếu thế thì đây chính là "vùng cấm" mà chúng ta đang tìm. Đảng khẳng định "không có vùng cấm" thì tại sao vẫn có cá nhân, tập thể cho rằng kê khai, công khai tài sản là "nhạy cảm". Nếu làm tốt việc này, tôi tin việc chống tham nhũng sẽ thu được thắng lợi lớn hơn rất nhiều.
Nhà văn, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến: Phải xử lý tận gốc!
Năm 2011 tôi làm kịch bản phim “Đàn trời” dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Cao Duy Sơn, trong đó nói đến những tiêu cực, tham nhũng của lãnh đạo một tỉnh miền núi. Nhưng, sau bộ phim ấy, tôi vẫn thấy khán giả vẫn chưa thỏa mãn ở đề tài này nên ấp ủ làm một kịch bản phim tương tự phản ánh những vấn đề nóng của xã hội, đặc biệt là chống tham nhũng.
Tôi cứ nung nấu dần cho đến năm 2018, khi công cuộc chống tham nhũng của Đảng đang diễn ra rất mạnh mẽ thì đây chính là cơ hội, thời điểm phù hợp để ra đời phim truyền hình về chủ đề chống tham nhũng một cách trực diện, quyết liệt. Khi tôi liên hệ với đạo diễn Đỗ Thanh Hải, đúng lúc Trung tâm sản xuất Phim truyền hình đang kết hợp với ngành kiểm sát làm một phim đề tài chống tham nhũng. Vậy là “Sinh tử” ra đời. Và tôi cũng phải khẳng định là nhờ sự cởi mở của thể chế mà những tác phẩm như “Sinh tử” mới ra đời.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến
Tôi từng là một người lính, từng thề hy sinh, mong muốn đóng góp cho đất nước ngày càng tốt đẹp. Nhưng sự thoái hóa trong một bộ phận đảng viên, cán bộ đã làm cho tôi và nhiều người dân bức xúc, mất lòng tin ghê gớm. Là một nhà văn, khi thấy điều đó tôi lại càng cảm thấy vô cùng đau đớn và nghĩ rằng không thể im lặng, phải dùng tác phẩm góp sức vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng để đất nước phát triển.
Bằng những cảm nhận của bản thân, tôi thấy Đảng, Nhà nước luôn giương cao ngọn cờ chống tham nhũng nhưng cũng có giai đoạn chưa hiệu quả, khiến có người thiếu kiên nhẫn mất niềm tin, người ta không tin là chúng ta có thể chống được tham nhũng. Nhưng rồi, với những vụ việc nổi cộm được xử lý thời gian qua, niềm tin đã trở lại, nhưng chưa vững chắc. Vì vậy, trong cuộc đấu tranh này, muốn triệt để giải quyết vấn đề tham nhũng thì phải xử lý được tận gốc, phải là cuộc cách mạng đồng bộ, cần sự tham gia vào cuộc một cách nghiêm túc của cả hệ thống chính trị và người dân. Chúng ta cần phải bỏ vốn đầu tư bắt đầu từ gốc, đó là đầu tư cho tuyên truyền, giáo dục. Tức là, giáo dục ý thức khinh ghét tham nhũng từ cấp nhỏ nhất để con em chúng ta hiểu thế nào là phải - trái, tốt - xấu, có ý thức tu dưỡng, rèn luyện trở thành người tốt... Và phương pháp hiệu quả nhất có lẽ chính là nêu gương, bố mẹ làm gương cho con, anh chị làm gương cho em, thầy làm gương cho trò, cấp trên làm gương cho cấp dưới... Tôi biết để thực hiện được điều đó chắc chắn sẽ không dễ dàng chút nào, có thể sẽ mất rất nhiều năm, nhưng phải bắt tay làm ngay từ bây giờ.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Chúng ta đang đi về phía ánh sáng
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều.
Trong một lần ngồi ăn tối với các giáo sư, nhà văn Mỹ tại Trung tâm William Joiner, Đại học Massachusetts, Boston (Mỹ), tôi đã kể cho họ nghe một câu chuyện nhỏ về cha tôi. Đó là một ngày cha tôi về đầm Tuy Lai thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Tây cũ mua cá để cơ quan liên hoan tổng kết năm. Vì nhà tôi ở gần đó nên cha tôi ghé thăm nhà. Trước khi trở lại cơ quan, cha tôi lục cả hai sọt cá xem có con nào bé thì để lại cho các con. Nhưng cuối cùng cha tôi đã không chọn một con cá nào. Cha tôi nói với mẹ tôi: “Con cá dù bé thế nào nhưng vẫn là của tập thể”. Khi cha tôi đạp xe trở về thành phố, mẹ tôi đứng trên hiên nhà và khóc. Mẹ tôi khóc vì thương các con. Mẹ tôi khóc thương cha tôi và cũng ngập tràn kiêu hãnh về cha tôi. Đó là những năm tháng chiến tranh đầy thiếu thốn và đói rét. Nhưng những năm tháng đó, người Việt Nam sống trong lòng tin, sự kiêu hãnh và dâng hiến cho tổ quốc mình một cách trong sáng nhất. Nghe xong câu chuyện đó, một nhà văn Mỹ hỏi tôi: “Cha ông có là cộng sản không?”. Tôi nhìn vào mắt nhà văn ấy và nói: “Cha tôi là một người cộng sản, một người cộng sản chân chính”.
Khi cha tôi về hưu, ông không có tài sản gì ngoài một chiếc xe đạp Thống Nhất được mua tiêu chuẩn từ 20 năm trước đó. Nhưng ông hạnh phúc vì ông đã dâng hiến cho nhân dân và cho Đảng mà không đòi hỏi hay lợi dụng gì. Sau này, không ít cán bộ giàu có vượt ra ngoài hình dung của người dân và đầy phi lý. Cha tôi biết điều đó. Ông có lúc đã rơi vào hoang mang. Nhưng ông đã tìm cách giải thích cho những người nông dân hàng xóm đến hỏi ông về hiện tượng có những cán bộ đảng viên giàu lên rất nhanh: “Làm cách mạng là để cho đất nước giàu có. Đất nước giàu có thì nhân dân và cán bộ phải giàu có chứ”. Cha tôi đã cố tình đưa ra lý do để chống lại chính sự hoang mang của bản thân mình. Trong những năm cuối đời của cha tôi, tôi không biết ông có xoá đi được sự hoang mang trong ông không, tôi chỉ biết ông im lặng nhiều hơn.
Sau khi cha tôi mất, tôi nghĩ ông mang theo nỗi hoang mang ấy về chốn vĩnh hằng. Nhưng nỗi hoang mang ấy không đi theo cha tôi, nó ở lại và bước vào lòng tôi với bao câu hỏi về đất nước. Không chỉ lòng tôi vang lên những câu hỏi trong nỗi hoang mang của mình về một hiện thực là có những cán bộ đã sống trong hưởng lạc phi lý và giàu có ngoài trí tưởng tượng của nhân dân. Chính lúc đó, toàn Đảng, toàn dân dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng mà đứng đầu là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã bước vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Chỉ có cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong những năm gần đây mới nhóm lên một ngọn lửa của niềm tin thực sự của nhân dân về vận mệnh Tổ quốc mình.
Trong bài phát biểu của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trong Đại hội Hội Nhà Văn Việt Nam khoá 10 có nói đến kẻ thù của đất nước trong thời bình là những kẻ mang gương mặt thiện và đầy phép trá hình. Và đó chính là thách thức lớn nhất trong cuộc đấu tranh chống “nội xâm” của Đảng và của nhân dân. Nhưng không có phép trá hình nào có thể lừa mị được những con người mang trong mình lương tâm chân chính và sự dâng hiến phi vụ lợi cho đất nước.
Khi những đảng viên giữ vị trí quan trọng trong Đảng, trong chính quyền bị đưa ra ánh sáng của lương tâm và luật pháp, có những người dân đã khóc. Họ khóc bởi đau đớn và họ khóc bởi cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã “giải cứu” niềm tin cho nhân dân và làm ra một thời đại mới của đất nước. Đó là thời đại của lương tri, của công chính, của lẽ công bằng và của lòng tự trọng của Đảng cầm quyền và là nhân cách của một dân tộc.
Tham nhũng là hành động chiếm đoạt tài sản của nhân dân, là cản trở sự phát triển đất nước, là tạo ra một hệ thống tội phạm có nguy cơ không bị trừng phạt bởi vỏ bọc quyền lực. Nhưng hậu quả trầm trọng hơn hậu quả của sự phá hoại kinh tế và phá vỡ sự bền vững cấu trúc xã hội dân chủ là sự tàn phá đạo đức của một dân tộc. Khi đạo đức của một dân tộc bị tàn phá thì tương lai của dân tộc đó chỉ là bóng tối.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng là một thành công mà chúng ta có thể chưa thấy hết ý nghĩa lớn lao của cuộc đấu tranh này. Chính vì thành công trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã làm cho người dân sau hàng chục năm gần đây đã quan tâm, theo dõi tiến trình tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII với một tâm thế khác biệt. Nhân dân đang đặt cược lòng tin của mình vào một thời đại mới của đất nước, đang công khai bày tỏ sự tín nhiệm của mình với những đảng viên đang giữ trọng trách của Đảng và đất nước. Và lúc này, chúng ta đang nhận ra sự tương đồng cao giữa nhân dân và Đảng trong lựa chọn nhân sự cho đại hội. Chưa bao giờ sự chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng lại kỹ lưỡng, nghiêm minh như lần này. Sự chuẩn bị nhân sự như vậy chính là chuẩn bị đạo đức và trí tuệ cho một chính thể. Một chính thể không có đạo đức và không có trí tuệ thì không bao giờ có thể đưa dân tộc của mình về phía ánh sáng được.
Năm 2020, Việt Nam đã vượt qua những cơn “sóng thần” của đại dịch Covid-19 và trở thành một đất nước được cả thế giới bàn đến với lòng kính phục và không hết ngỡ ngàng.
Trong rất nhiều lý do dẫn đến sự thành công chống đại dịch chính là sự gắn kết giữa chính quyền và người dân. Và chúng ta nhận ra một điều vô cùng hệ trọng như một chân lý và có thể nói điều đó là sự sống còn đối với mọi quốc gia ở bất cứ hình thức thể chế chính trị nào.
Đó là khi chính quyền và nhân dân có cùng một mục đích, đi trên cùng một con đường thì sẽ đi qua mọi thách thức và chiến thắng mọi kẻ thù.
Trong những năm tháng đầy thách thức và không ít thất vọng, vào một đêm cuối năm giá lạnh tôi đã ngồi trong im lặng để trái tim vang lên những câu thơ:
“Còn một giọt nước thì còn
dòng sông
Còn một hạt giống thì còn vụ mùa
Còn một người có đức tin thì cả
thế gian được cứu rỗi”.
Nhưng lúc này đây, chúng ta có vô vàn những giọt nước, có vô vàn những hạt giống, có vô vàn người dân mang niềm tin đẹp đẽ, vậy chúng ta sẽ có những dòng sông âm vang, sẽ có những vụ mùa rực rỡ và sẽ có một xã hội tốt đẹp như chúng ta mơ ước và không bao giờ ngừng hành động cho ước mơ ấy.
Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sinh, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng): Cần có chế tài bảo vệ người chống tham nhũng
Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sinh.
Trong công tác phòng chống, tham nhũng ở các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội thì việc tố cáo của công dân có vị trí quan trọng trong việc phản ánh, lên án, tố cáo các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nơi sinh sống, công tác và làm việc, góp phần to lớn vào việc ngăn ngừa và từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng trực tiếp ở cơ sở hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều vấn đề đặt ra trong việc thực hiện bảo vệ người chống tham nhũng của công dân. Nhiều người tỏ ra e ngại việc tố cáo tham nhũng, bởi họ sợ gánh chịu hậu quả. Còn nhiều hiện tượng “mũ ni che tai”, không phản ánh, tố cáo những vi phạm pháp luật khi những vi phạm đó không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình vì sợ liên lụy đến bản thân. Thậm chí, có nhiều vụ việc vi phạm pháp luật trực tiếp xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhưng công dân cũng không dám tố cáo vì đối tượng sử dụng các thủ đoạn che giấu hành vi vi phạm bằng cách mua chuộc, đe dọa và thực hiện các hành vi bạo lực khiến cho công dân hoang mang, lo sợ. Đặc biệt, đối với các hiện tượng tham nhũng thì tâm lý này có phần còn nặng nề hơn vì những đối tượng tham nhũng là những người có chức vụ. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do chế tài bảo vệ người chống tham nhũng hiện nay của chúng ta chưa thật sự đủ mạnh để giúp họ mạnh dạn, có trách nhiệm tố cáo các hành vi sai phạm, tham nhũng ở cơ quan, đơn vị mình.
Mặc dù, thể chế của chúng ta về bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng đã khá đầy đủ, như: Khoản 3 Điều 30 Hiến pháp 2013; Luật Tố cáo năm 2011 (từ Điều 34 đến Điều 39); Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (từ Điều 65 đến Điều 69); Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17-6-2013 của Chính phủ; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã dành riêng một chương (chương XXXIV) về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và người tham gia tố tụng khác. Tuy nhiên, pháp chế của nước ta vẫn chưa đủ mạnh để bảo vệ người chống tham nhũng. Một số quy định về bảo vệ người tố cáo còn nhiều bất cập, khó thực hiện, chưa hiệu quả trên thực tế nên khó đi vào cuộc sống. Thiếu những văn bản quy định cụ thể cơ chế và các biện pháp bảo vệ người chống tham nhũng hiệu quả trong trường hợp họ bị trả thù, trù dập.
Về thiết chế, người chống tham nhũng nói chung và người tố cáo các hành vi tham nhũng nói riêng thường đứng trước nhiều mối đe dọa, chịu sức ép trả thù hay trù dập... Việc các đối tượng tham nhũng dùng mọi phương thức, thủ đoạn để đe dọa, trả thù người tố cáo tham nhũng khiến không ít người dân và cán bộ, đảng viên e ngại, né tránh, không dám tố cáo. Do vậy, cần phải xem xét giao trách nhiệm và thẩm quyền cho một cơ quan chuyên trách về bảo vệ người chống tham nhũng; xác định rõ các biện pháp bảo vệ người chống tham nhũng và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong bảo vệ người tố cáo tham nhũng./.
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)