Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm. So với Đại hội XII, Báo cáo chính trị có hai điểm mới: Một là về cơ cấu, Đại hội XII dành nhiệm vụ 1 và 2 về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ; Báo cáo chính trị Đại hội XIII dành nhiệm vụ thứ nhất về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ; thêm nhiệm vụ về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu; hai là, từng nhiệm vụ trọng tâm có những nội dung mới.

 Một là, nhiệm vụ về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Báo cáo chính trị bổ sung yêu cầu: Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nhấn mạnh củng cố niềm tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Hai là, nhiệm vụ về phát triển kinh tế, Báo cáo chính trị bổ sung, nhấn mạnh tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19 cho cộng đồng; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

nhan thuc ro bai 3
Quang cảnh Đại hội XIII của Đảng/ Ảnh minh họa/ TTXVN.

Ba là, nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Báo cáo chính trị nhấn mạnh: Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Bốn là, nhiệm vụ về văn hóa, xã hội, Báo cáo chính trị bổ sung, nhấn mạnh: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam.

Năm là, nhiệm vụ về dân chủ xã hội chủ nghĩa, đại đoàn kết toàn dân tộc, Báo cáo chính trị bổ sung và nhấn mạnh: Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là việc thực thi tinh thần “thượng tôn pháp luật”, gương mẫu tuân theo pháp luật, kỷ cương và thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên; tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sáu là, nhiệm vụ về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu, Báo cáo chính trị nêu: Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để làm sâu sắc hơn nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong Báo cáo chính trị, Báo cáo về xây dựng Đảng đã đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm, đó là một trong những điểm phát triển tư duy lý luận của Đảng. Ba nhiệm vụ trọng tâm gồm: Một là, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương. Hai là, đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Ba là, tiếp tục đổi mới, kiện toàn và từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Cùng với xác định các nhiệm vụ trọng tâm, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặc biệt chú trọng việc xác định đột phá chiến lược phù hợp với điều kiện, yêu cầu 5, 10 năm tới. Báo cáo chính trị xác định 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 nêu 3 đột phá chiến lược trong 10 năm; Báo cáo xây dựng Đảng nêu 3 giải pháp đột phá. Các đột phá chiến lược được đại hội xác định gồm: Đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế; đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, sự đoàn kết, thống nhất, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, có hiệu quả, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, giải quyết kịp thời, có hiệu quả nhiều vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn... đã góp phần tích cực để đất nước ta đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Với những nhận thức mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục khẳng định tính khoa học, sự phát triển tư duy lý luận của Đảng, sự thống nhất rất cao về ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta khát khao xây dựng đất nước vững mạnh, hùng cường.

PGS, TS. Nguyễn Viết Thông,
Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương
Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử
Tâm Trang (st)

Bài viết khác: