So với các đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng đã thể hiện rõ nhận thức mới trong dự báo tình hình thế giới và trong nước; xây dựng được hệ quan điểm chỉ đạo, hệ quan điểm phát triển; đồng thời, đại hội đã có những nhận thức mới trong xác định mục tiêu lãnh đạo, xây dựng đất nước.
1. Về dự báo tình hình thế giới, so với Đại hội XII, Đại hội XIII có những nhận thức mới: Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn.
Cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm; các nước lớn vẫn hợp tác, thỏa hiệp, nhưng đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng. Các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới.
Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của đại dịch Covid-19. Các quốc gia, nhất là các nước lớn điều chỉnh lại chiến lược phát triển, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài, làm thay đổi các chuỗi cung ứng. Cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, tranh giành thị trường, các nguồn tài nguyên, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, thu hút đầu tư nước ngoài giữa các nước ngày càng quyết liệt, tác động mạnh đến chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu.
Ảnh minh họa: dangcongsan.vn
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc.
Đại hội XIII của Đảng nêu những dự báo mới về tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. ASEAN có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn.
Đối với tình hình trong nước, Đại hội XIII của Đảng có những nhận thức mới: Sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm năm tới, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn và sẽ phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. So với Đại hội XII, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh một số dự báo: Xu hướng già hóa dân số nhanh; tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh; đặc biệt biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh gay gắt, phức tạp... ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước.
2. Những đại hội đảng gần đây, trong báo cáo chính trị thường không xác định các quan điểm chỉ đạo. Xuất phát từ tầm vóc và ý nghĩa quan trọng của Đại hội XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thống nhất rất cao phải xây dựng một hệ quan điểm chỉ đạo trong Báo cáo chính trị và hệ quan điểm phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Do đó, hệ quan điểm chỉ đạo trong Báo cáo chính trị được đại hội xác định gồm: Quan điểm nhất quán có tính nguyên tắc; quan điểm về chiến lược tổng thể phát triển đất nước nhanh, bền vững; quan điểm về động lực phát triển; quan điểm về nguồn lực phát triển; quan điểm về những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công.
Đại hội xác định hệ quan điểm phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 gồm: Quan điểm phát triển nhanh, bền vững; quan điểm về thể chế phát triển; quan điểm về nguồn lực con người; quan điểm về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; quan điểm về phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Có thể khẳng định rằng, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặc biệt chú trọng xây dựng hệ quan điểm chỉ đạo, hệ quan điểm phát triển, do vậy, tầm định hướng và dẫn dắt được nâng lên. Hai hệ quan điểm trình bày ở hai văn kiện, do tính chất, yêu cầu khác nhau nên nội dung cụ thể không trùng lặp, hệ quan điểm chỉ đạo trong Báo cáo chính trị có tầm bao quát chung, rộng hơn; hệ quan điểm phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 cụ thể hơn, định hướng cho các lĩnh vực chủ yếu. Song về tư tưởng, hai hệ quan điểm là thống nhất, đều hướng vào thực hiện mục tiêu chung mà đại hội đã xác định.
3. Kế thừa và phát triển cách tiếp cận trong xác định mục tiêu trong 35 năm đổi mới, tham khảo kinh nghiệm của các nước và những chuẩn mực phát triển chung của thế giới, Đại hội XIII của Đảng đã có những nhận thức mới trong xác định mục tiêu, bao gồm mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể. Đặc biệt là mục tiêu tổng quát, so với Đại hội XII, Đại hội XIII của Đảng bổ sung “năng lực cầm quyền” vào nội dung “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng”; bổ sung “hệ thống chính trị”, “toàn diện”, “tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”; xác định “đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Mục tiêu tổng quát được đại hội xác định là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
(còn nữa)
PGS, TS. Nguyễn Viết Thông,
Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương
Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử
Tâm Trang (st