Quốc phòng, an ninh (QP, AN), bảo vệ Tổ quốc là lĩnh vực rất quan trọng luôn được đề cập trong văn kiện các Ðại hội Ðảng. Qua mỗi kỳ Ðại hội, quan điểm của Ðảng về tăng cường QP, AN, bảo vệ Tổ quốc luôn có sự bổ sung, phát triển, ngày càng hoàn thiện.

Trong Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, mục tiêu tăng cường QP, AN bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển phù hợp tình hình thế giới, khu vực và thực tiễn nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, khẳng định: "Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Ðiều đó cho thấy tư duy mới của Ðảng trước bối cảnh quốc tế và trong nước có những thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đan xen cả thời cơ và thách thức; đồng thời, biểu thị quyết tâm của Ðảng ta trong xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ðể thực hiện mục tiêu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng một lần nữa khẳng định: "Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế ". Ðây là quan điểm, chủ trương, là định hướng để toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tăng cường QP, AN, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng nhấn mạnh mục tiêu tăng cường QP, AN, bảo vệ Tổ quốc nhằm: "giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Nội dung mục tiêu tăng cường QP, AN, bảo vệ Tổ quốc thể hiện sâu sắc sự phát triển tư duy chiến lược của Ðảng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng, xác định mục tiêu tăng cường QP, AN, bảo vệ Tổ quốc xác định: "giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội ", thì trong Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng, trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu, rộng, sự phát triển của công nghệ thông tin, các vấn đề an ninh phi truyền thống diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá, do vậy, Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng xác định mục tiêu tăng cường QP, AN, bảo vệ Tổ quốc phải toàn diện, trong đó có: "giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh". Bởi lẽ, con người là trung tâm của mọi hoạt động, là mục tiêu và động lực phát triển đất nước và quan điểm "do con người, vì con người" của Ðảng, Nhà nước ta, xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh thể hiện bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Theo đó, các cấp, các ngành, các lực lượng, nhất là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cần nhận thức sâu sắc, chủ động xác định giải pháp triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng cường QP, AN, bảo vệ Tổ quốc, phải "Xác định chủ động phòng ngừa" là chính. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển".

Ðiểm mới nữa là, tại Ðại hội XIII của Ðảng đã xác định nhiệm vụ kết hợp giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, QP, AN, đối ngoại để thực hiện mục tiêu bảo vệ Tổ quốc có bước phát triển. Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng xác định: "Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại ". Nhiệm vụ nêu trên đã được các kỳ đại hội trước đề cập: "kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội"; "kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại", nhưng chưa thật rõ kết hợp giữa kinh tế, văn hóa, xã hội với đối ngoại và đối ngoại với kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo thành sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc. Ðồng thời, yêu cầu "Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong từng địa phương, vùng, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể".

Trong xây dựng lực lượng, Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng xác định: "Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại". Văn kiện Ðại hội XII, mới chỉ xác định: "ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng", Văn kiện Ðại hội XIII xác định tiến thẳng lên hiện đại". Ðây là sự phát triển về chất trong định hướng xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Cùng với đó, Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng tiếp tục và khẳng định xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân "vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội và Công an tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Ðảng, Nhà nước và nhân dân". Quan điểm của Ðảng chú trọng xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân "vững mạnh về chính trị", "tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Ðảng, Nhà nước và nhân dân" là yếu tố tiên quyết để Quân đội và Công an là lực lượng tin cậy, công cụ sắc bén của Ðảng, Nhà nước và nhân dân. Ðồng thời: "Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển. Quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở"; "Chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống".

Ðại hội XIII của Ðảng đã bổ sung, phát triển quan điểm: tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc của Ðại hội XII thành: "Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ "thế trận lòng dân" trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân", nhằm gắn kết chặt chẽ giữa quốc phòng và an ninh, tạo thành sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ðể đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Văn kiện Ðại hội XII xác định quan điểm, chủ trương: "tăng cường nguồn lực cho quốc phòng, an ninh", Văn kiện Ðại hội XIII bổ sung thêm: "có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh tại các khu vực phòng thủ". Vì để huy động nguồn lực cho QP, AN thì ngoài quan điểm, chủ trương đúng còn phải có cơ chế, chính sách huy động phù hợp, hiệu quả trong điều kiện nước ta thực hiện nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.

Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng nhấn mạnh: Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch... Bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về QP, AN và liên quan đến QP, AN trong điều kiện mới. Chủ động, tăng cường hợp tác và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về QP, AN.

Trung tướng, PGS, TS. Trần Việt Khoa

Ủy viên Trung ương Ðảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương,
Giám đốc Học viện Quốc phòng
Theo Báo Nhân Dân điện tử
Phương Thành (st)

Bài viết khác: