gio trai dat
Chiến dịch Giờ Trái đất 2021 sẽ được tiến hành trên quy mô toàn cầu 
vào 20 giờ 30 ngày 27/3/2021

Giờ Trái Đất là một sáng kiến của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) khuyên các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong vòng 60 phút (từ 20h30 đến 21h30) ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng 3 hàng năm. Lần đầu tiên Giờ Trái đất được tổ chức năm 2007 ở thành phố Sydney, Australia với sự tham gia của khoảng 2 triệu người.

Chiến dịch Giờ Trái đất hiện nay đã trở thành một trong những chiến dịch vì môi trường lớn nhất thế giới, được hưởng ứng tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hoạt động chính là cùng tắt đèn, thiết bị điện không cần thiết để thể hiện sự ủng hộ đối với hành tinh, trách nhiệm của mỗi người đối với việc bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Góp phần giải quyết những vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường, năm 2021, Chiến dịch Giờ Trái đất sẽ được tiến hành đồng loạt trên quy mô toàn cầu vào lúc 20h30 (giờ địa phương) ngày 27/3 với chủ đề “Speak up for Nature” - “Lên tiếng vì thiên nhiên”. Đây là thông điệp với mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng, đề cao sợi dây liên kết giữa con người và thiên nhiên, mối quan hệ tương sinh giữa các giống loài.

Tại Việt Nam, Giờ Trái đất được tổ chức lần đầu vào năm 2009, tại các thành phố như Hà Nội, thành phố Hồ Chi Minh, Cần Thơ, Huế, Nha Trang. Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021, Việt Nam tập trung kêu gọi cộng đồng, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào Cuộc đua Phát thải cân bằng, trong đó kêu gọi xã hội cùng chung tay đưa phát thải khí nhà kính về ngưỡng cân bằng và giảm thiểu để không còn rác thải nhựa trong tự nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, chung sức đưa Việt Nam đạt được các mục tiêu tại Chương trình Mục tiêu Quốc gia đến năm 2030, thực hiện cam kết thỏa thuận Paris và các cam kết về Biến đổi khí hậu khác đối với Quốc tế.

Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới. Quảng trường Ba Đình và các khu vực liên quan luôn được quan tâm giữ gìn môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Hàng năm, đơn vị luôn tạo được hiệu ứng tích cực khi tham gia Giờ Trái đất. Hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021 và lan toả thông điệp bảo vệ môi trường những năm tiếp theo, các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong Ban Quản lý Lăng cần tập trung vào các hoạt động chính như:

Quán triệt tới mọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang trong Ban Quản lý Lăng chủ đề, thông điệp, mục đích, ý nghĩa, phương pháp thực hiện Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021 nhất là Hướng dẫn số 1046/BTNMT-TĐKTTT ngày 08/3/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức và người lao động về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.

Treo pano, băng rôn, áp phích, infographic… tại trụ sở, nơi làm việc, địa điểm công cộng và các địa điểm phù hợp khác tuyên truyền về Giờ Trái đất, giảm phát thải nhựa với các khẩu hiệu như: “Lên tiếng vì thiên nhiên”, “Giảm phát thải, giảm rủi ro cho thiên nhiên”, “Chống biến đổi khí hậu và rác thải nhựa: Trách nhiệm của tôi và bạn”, “Mỗi hành động giảm phát thải là thêm một đảm bảo cho thịnh vượng dài lâu”, “Tắt một bóng đèn là thêm một đốm sáng cho tương lai”, “Trồng một cây là thêm một lá phổi cho Trái đất”.

Tuyên truyền, chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm, sản phẩm, kết quả thực hiện Chiến dịch Giờ Trái đất của tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị trong và ngoài Ban Quản lý Lăng trên Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng, trong sinh hoạt, học tập; gắn hoạt động Chiến dịch Giờ Trái đất, hoạt động bảo vệ môi trường với các hoạt động của Tháng Thanh niên, Tháng Công nhân.

Thực hiện “tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết” từ 20h30 đến 21h30 ngày 27/3/2021 (thứ Bảy) tại trụ sở, nơi làm việc, hộ gia đình. Tăng cường sử dụng các loại bóng đèn và thiết bị tiết kiệm điện.

Lựa chọn và sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng; dùng gang tay trong quá trình giặt, rửa, vệ sinh để hạn chế sử dụng nước nóng; đóng kín cửa, đặt nhiệt độ từ 250C đến 280C, tắt điều hòa trước khi ra ngoài 30 phút; rút phích cắm khi không sử dụng thiết bị điện; không sử dụng thang máy khi di chuyển giữa các tầng gần nhau; tận dụng ánh sáng và gió tự nhiên; tắt động cơ xe khi dừng đèn đỏ trên 10 giây…

Hạn chế sử dụng túi ni-lông, tăng cường sử dụng các sản phẩm nhựa dùng nhiều lần, nhựa sinh học (bioplastic) và các sản phẩm làm từ nguyên liệu dễ tái chế thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần; sử dụng các bình thủy tinh, gốm, sứ thay các chai nhựa. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân sau khi sử dụng sản phẩm nhựa cần phân loại, thu gom rác thải đúng quy định nhất là rác thải nhựa y tế, túi ni-lông.

Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Vì vậy, chung tay bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cộng đồng cả nước cho hôm nay và mai sau.

Nguyễn Văn Vượng (tổng hợp)

Bài viết khác: