Hơn 40 năm làm công tác dân vận - Mặt trận, với trách nhiệm được giao, tôi có hạnh phúc lớn là được tiếp xúc với nhiều chính khách, nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng, các vị tiêu biểu của các dân tộc, các tôn giáo, trong đó không ít người đã được Bác Hồ cảm hóa, trở thành cộng sự thân thiết của Bác, tiếp thu tư tưởng của Người và đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất.

Mỗi lần kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại một lần anh chị em làm công tác Mặt trận chúng tôi có dịp được nghe chính những người trong cuộc kể lại những câu chuyện đầy xúc động về tầm nhìn xa, trông rộng, lòng bao dung, độ lượng, sức hút kỳ diệu và tài cảm hóa lạ thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những câu chuyện đó được anh em chúng tôi ghi chép đầy đủ. Nhân dịp kỷ niệm 66 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tôi trích đăng chuyện kể của Luật sư Phan Anh, Phó Chủ tịch thứ nhất Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa III, tại buổi họp mặt của Mặt trận ngày 10-5-1990 kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác Hồ. Không ai nghĩ rằng đây là buổi nói chuyện cuối cùng của Luật sư tại cơ quan Mặt trận vì chỉ sau đó hơn một tháng, ngày 28-6-1990 luật sư Phan Anh đã vĩnh biệt chúng ta. Tiêu đề bài viết này chính là câu kết bài nói của Luật sư.

Ông kể: Theo tôi nhớ, từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 8-1945, những cuộc thương lượng giữa Chính phủ Trần Trọng Kim với Việt Minh diễn ra dồn dập tại Hà Nội. Mở đầu là việc ông Lê Trọng Nghĩa với vai giáo sư Lê Ngọc đã có cuộc tiếp xúc đầu tiên với Khâm sai đại thần Phan Kế Toại ngay tại Phủ khâm sai trong giờ hành chính. Tiếp đó là cuối tháng 7, Thủ tướng Trần Trọng Kim ra Bắc Bộ để thị sát thực địa và điều đình với Nhật cũng đã được ông Phan Kế Toại bố trí tiếp xúc với đại diện Việt Minh ở Hà Nội.

Trước tình hình chuyển biến mau lẹ, ngày 18-8 Khâm sai Phan Kế Toại lại gặp các ông Nguyễn Khang, Lê Trọng Nghĩa, Trần Đình Long tại Phủ khâm sai, chính thức mời Việt Minh cộng tác với Chính phủ Trần Trọng Kim và sẵn sàng chờ Mặt trận cử người tham gia Chính phủ. Cùng ngày, Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn cũng xin gặp Việt Minh, mời Việt Minh tham gia Chính phủ mở rộng và đề nghị trong tình hình quân Đồng minh đang trên đường vào Việt Nam mong cuộc thương lượng tiếp tục, Việt Minh nên nắm vùng nông thôn, Chính phủ lâm thời quản lý các thành phố để có danh nghĩa nói chuyện với Đồng minh.

Tất cả các cuộc thương lượng đều không có kết quả. Ông Trần Trọng Kim giao tôi làm thuyết khách cuối cùng với hy vọng: Với "tài hùng biện của Phan Anh” may ra còn cứu vãn được tình thế.

Nể lời Thủ tướng Trần Trọng Kim, tôi nhận lời và chuẩn bị kỹ cho cuộc gặp.

Tôi còn nhớ, ngày 25-8 Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tân Trào về Hà Nội. Ngày 26, Người chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Ngày 28, báo chí Hà Nội công bố danh sách 15 thành viên của Chính phủ cách mạng do Bác làm Chủ tịch. Cũng ngày đó, tôi đến gặp lại giáo sư Hoàng Minh Giám – một trí thức tiêu biểu của nước ta, thầy Hiệu trưởng Trường Thăng Long xưa mà tôi đã một thời dạy học ở đó. Ông lúc này là Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ và được Giáo sư cho biết Cụ sẽ tiếp tôi vào 9 giờ sáng hôm sau. Hay tin tôi ra "đấu tranh” với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chú Phan Mỹ – em tôi, một cán bộ cách mạng, vội gặp tôi can ngăn:

- Từ trước đến nay, tôi vẫn phục anh, coi anh là thần tượng. Nhưng với việc anh định "đấu tranh” với Cụ thì anh mê muội quá chừng. Anh muốn "đội đá, vá trời” chăng? – Tôi chỉ mỉm cười, chẳng phản đối, cũng chẳng thanh minh.

Đúng giờ, tôi đến địa điểm hẹn. Tôi quá bất ngờ và đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đón tôi là một ông Tiên thực thụ. Cụ vận bộ kaki bạc màu, đi đôi bata của đồng bào dân tộc Tày. Cụ không chờ tôi lên mà dáng nhanh nhẹn, Cụ vội bước xuống ngang chỗ tôi đứng bắt tay:

- Tôi đã chờ chú từ lâu. Người nói – Trước khi ra Bắc, chú đã về quê choa chưa?

Tôi bối rối và thực sự xúc động. Những điều lâu nay tôi chuẩn bị công phu nay tan biến cả trước một con người cao sang nhưng không xa cách, một vĩ nhân xa quê hương, đất nước hơn một phần ba thế kỷ nhưng vẫn không quên thổ ngữ thân thương. Tôi ấp úng trả lời:

- Thưa Cụ, con chưa kịp về quê nhà.

Cụ ôm eo tôi cùng bước lên, đưa tôi vào phòng khách. Đồng chí Đàm Quang Trung lúc đó là Đội trưởng Đội bảo vệ Bác vào định rót nước mời khách.

Cụ ngăn:

- Chú Phan Anh là khách của Bác, để Bác tiếp. Chú cứ lo việc của chú. Chính tay Bác rót nước mời tôi, thân mật như cha con lâu ngày gặp lại.

Vừa uống nước, Cụ vừa giải thích cho tôi hiểu tình hình thời cuộc và đời sống cùng cực của dân ta hiện nay. Cụ nói ý:

- Dân ta bao năm một cổ đôi tròng, sống dưới chế độ áp bức của thực dân, phong kiến và phát xít Nhật. Nay ta đã giành được độc lập, phải mau chóng tái thiết quốc gia để dân có cơm ăn, áo mặc, được học hành. Chú là người tài cao, học rộng, tôi đề nghị chú ra gánh vác việc nước và trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban Kiến thiết quốc gia.

Tôi ngỡ ngàng trước một sự việc mà mình chưa bao giờ nghĩ tới, liền thưa:

- Thưa Cụ, con chỉ được đào tạo về luật chứ chưa được đào tạo về kiến thiết xây dựng.

- Thế tôi có được ai đào tạo để làm Chủ tịch nước đâu? Dân giao thì mình phải làm, phải vừa làm, vừa học và làm cho tốt, cho thật tốt.

Bác Hồ của chúng ta là như vậy đó. Ngày 29-8-1945 là ngày mà Bác Hồ đổi đời cho tôi, cho gia đình tôi.

45 năm đã trôi qua, tôi lớn lên theo cách mạng, lớn lên theo sự dìu dắt, bảo ban của Người, của Bác Hồ kính yêu của chúng ta.

Con đường mà Luật sư đi theo cách mạng là như vậy. Luật sư Phan Anh là Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Kiến thiết quốc gia của nước ta.

Ngày 2-3-1946 Chính phủ liên hiệp quốc gia được thành lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, ông được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tháng 7-1946 ông được Chính phủ giao trọng trách Tổng Thư ký Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi dự Hội nghị Fontainbleau đàm phán với Chính phủ Pháp.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông từng đảm nhiệm các chức vụ: Bộ trưởng Bộ Kinh tế (1948), Bộ trưởng Bộ Công thương (1954). Tháng 7-1954, ông là phái viên Phái đoàn Việt Nam đàm phán tại Hội nghị Giơnevơ.

Sau Hiệp định Giơnevơ, Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao ông đảm nhận nhiều trọng trách: Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp rồi Bộ trưởng Bộ Ngoại thương.

Luật sư Phan Anh là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VIII, là Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII. Ông cùng luật sư Nguyễn Mạnh Tường sáng lập Hội Luật gia Việt Nam và trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của Hội và là Ủy viên Thường vụ của Hội Luật gia dân chủ thế giới.

Đối với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và hoạt động của Mặt trận Dân tộc thống nhất, luật sư Phan Anh là thành viên của Ban Vận động thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam. Ngày 29-5-1946 khi Hội chính thức được thành lập, ông được cử làm Ủy viên Thường vụ.

Ngày 10-9-1955 MTTQ Việt Nam ra đời, ông tiếp tục được cử làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho đến khi Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận trong phạm vi cả nước vào tháng 2-1977.

Tại Đại hội I và Đại hội II MTTQ Việt Nam, luật sư Phan Anh được cử làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch. Và tại Đại hội III ông được cử làm Phó Chủ tịch thứ nhất Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Luật sư Phan Anh là một trí thức tiêu biểu, tài năng và đức độ, một nhà hùng biện nổi tiếng, một trong những nhân vật đã từng được cộng tác mật thiết bên cạnh Bác Hồ trong nhiều năm và đã có những cống hiến to lớn vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và Mặt trận Dân tộc thống nhất.

Nguyễn Túc

(Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam)

  1. (1)Sau này là Thượng tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước

Theo daidoanket.vn

Thúy Hằng (st)

 

Bài viết khác: