nang cao nang luc cam quyen
Hội nghị lần thứ bảy khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận về Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Xây dựng Ðảng không phải là mục đích tự thân của Ðảng mà từ yêu cầu xã hội, sự phát triển của cách mạng và đất nước. Xây dựng Ðảng nghiêm cẩn, có bài bản là làm cho Ðảng thật sự vững mạnh, lãnh đạo và cầm quyền tốt hơn, mang lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào. Ðó là mục tiêu cao cả của xây dựng, chỉnh đốn Ðảng.

Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng tiếp tục nhấn mạnh xây dựng Ðảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và coi xây dựng Ðảng là then chốt; trong xây dựng Ðảng, lấy công tác cán bộ là then chốt. Xét đến cùng, khi đã có Cương lĩnh, đường lối đúng đắn thì cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cấp chiến lược có vai trò quyết định năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng.

Mọi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý luôn luôn ghi nhớ chỉ dẫn của Bác Hồ: "Ðảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng"1. Ðảng lãnh đạo, cầm quyền giỏi thì cách mạng thắng lợi, đất nước phát triển, nhân dân được hưởng lợi. Bác Hồ nhấn mạnh: "Dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta"2. Ðảng phải quyết định mọi vấn đề cho đúng và phải dựa vào ý kiến, kinh nghiệm của dân chúng. Phải phòng ngừa những quyết định sai, nhất là sự sai lầm về đường lối. "Việc gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Ðược dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm"3. "Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra"4.

Lời dạy ngắn gọn, sâu sắc của Bác Hồ có ý nghĩa rất quan trọng đối với vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng và mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý của Ðảng, chính quyền nhà nước ở tất cả các cấp, các lĩnh vực.

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là vấn đề đặt lên hàng đầu trong văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng. Trong Báo cáo trình bày trước Ðại hội (ngày 26-01-2021), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh". Xây dựng, chỉnh đốn Ðảng gắn liền với xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị là điểm mới được nhấn mạnh tại Ðại hội XIII nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Kết hợp hài hòa, chặt chẽ và có hiệu quả giữa xây dựng với chỉnh đốn Ðảng; giữa xây dựng Ðảng với bảo vệ Ðảng. Không ngừng nâng cao năng lực và đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng trong điều kiện mới". Ðể nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng trong điều kiện của thời kỳ mới cần chú trọng trên những vấn đề rất căn bản:

Thứ nhất, là sự kiên định và không ngừng bổ sung, hoàn thiện đường lối đổi mới, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh như Ðại hội XIII đã nhấn mạnh. Ðảng lãnh đạo, cầm quyền thông qua đường lối, Cương lĩnh được xây dựng, hoàn thiện, bảo đảm tính đúng đắn, tính khoa học và hiện thực dựa trên nền tảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được vận dụng sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam. Ðại hội XIII chú trọng kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa. Kiên định đồng thời phải đổi mới, sáng tạo để bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Chống nguy cơ sai lầm về đường lối, đồng thời chú trọng cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối thành chính sách, pháp luật, chú trọng khâu tổ chức thực hiện vì vẫn còn có nhiều hạn chế. Ðại hội XIII nhấn mạnh: "Ðổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đi đôi với việc củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên".

Ðảng cầm quyền, lãnh đạo đất nước, xã hội chủ yếu qua vai trò của chính quyền nhà nước. Chính quyền nhà nước mạnh là Ðảng mạnh. "Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước về thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Ðảng". Nhà nước thể chế hóa và tổ chức thực hiện các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Ðại hội XIII nêu rõ trong đột phá chiến lược: "Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách. Ðó là công cụ lãnh đạo, cầm quyền hữu hiệu trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng đòi hỏi Ðảng và cán bộ lãnh đạo, quản lý không ngừng nâng cao trình độ lý luận, trí tuệ và khả năng vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn và đổi mới phương thức lãnh đạo. Lý luận soi sáng cách mạng Việt Nam và cũng là nền tảng tư tưởng của Ðảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ðảng cầm quyền phải kiên định lý luận đó và vận dụng phát triển sáng tạo để làm sáng tỏ lý luận, thực tiễn, những quy luật phát triển riêng của cách mạng Việt Nam. Từ thực tiễn 35 năm đổi mới, Ðảng tiếp tục làm sáng tỏ nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; nhận thức những đặc trưng, quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhận thức rõ những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; lý luận về văn hóa, con người, về xã hội văn minh, hạnh phúc và quản lý xã hội và phát triển xã hội; nhận thức lý luận về chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong điều kiện mới của thời đại. Trong lãnh đạo, cầm quyền luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, khắc phục bệnh giáo điều, chủ quan, duy ý chí. Năng lực nhận thức và hành động theo quy luật là điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng.

Ðảng luôn luôn tự bồi đắp năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, không ngừng làm rõ và trang bị khoa học lãnh đạo, quản lý. Nhận thức càng cao đối với khoa học lãnh đạo, quản lý thì năng lực lãnh đạo, cầm quyền càng được nâng cao, có hiệu lực, hiệu quả. Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Ðảng Cộng sản lãnh đạo, cầm quyền nắm vững những tri thức hiện đại càng trở nên bức thiết. V.I.Lênin từng nhấn mạnh xã hội cộng sản "chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở một nền học vấn hiện đại, và nếu họ không có nền học vấn đó, thì chủ nghĩa cộng sản vẫn chỉ là một nguyện vọng mà thôi"5.

Phương thức lãnh đạo, cầm quyền có tầm quan trọng đặc biệt. Thực tiễn đòi hỏi phải nắm vững và thực hiện tốt các nguyên tắc nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc đoàn kết, thống nhất, tự phê bình, phê bình và gắn bó mật thiết với nhân dân. Ðại hội XIII nêu rõ phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Ðó chính là quyền làm chủ thật sự của nhân dân, mục đích vì dân đồng thời cũng là điểm quan trọng trong phương pháp, phương thức lãnh đạo. Lãnh đạo, cầm quyền bằng phương pháp dân chủ, trên cơ sở phát huy dân chủ.

Trong phương thức lãnh đạo, cầm quyền, Ðại hội XIII chủ trương tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn. "Giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ", và đặc biệt mối quan hệ mới được bổ sung lần này "là mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội".

Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị. Ðại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và Ðại hội XIII của Ðảng là bước đổi mới và thành công rất quan trọng của công tác cán bộ. Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và lựa chọn cán bộ vào các cấp lãnh đạo được thực hiện bài bản, công khai, dân chủ với quy trình năm bước. Cán bộ lãnh đạo về căn bản bảo đảm tiêu chuẩn, gương mẫu về đạo đức, lối sống, tiêu biểu về trí tuệ, có năng lực chỉ đạo thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng và có uy tín trong Ðảng và trong nhân dân. Kiên quyết không để lọt vào các cơ quan lãnh đạo những cán bộ có hiện tượng chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm và những tiêu cực khác. Với đội ngũ cán bộ lãnh đạo như thế chắc chắn năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Ðảng được nâng cao, việc tổ chức thực hiện, đưa đường lối của Ðảng vào cuộc sống trong thời kỳ mới sẽ có hiệu quả thiết thực bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Thành công của công tác cán bộ là kết quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng và chỉnh đốn Ðảng, giữa xây dựng và bảo vệ Ðảng. Kiên quyết xử lý nghiêm minh những cán bộ sai phạm, hư hỏng, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, đồng thời chú trọng phát hiện, bồi dưỡng và bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thách thức. Thực hiện tốt chỉ dẫn của Bác Hồ: "Ðảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta"6. Toàn Ðảng, mỗi cán bộ, đảng viên coi trọng rèn luyện bản lĩnh chính trị. Ðó là nâng cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, sáng tạo; là kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định con đường đổi mới; chủ động, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thách thức; giữ vững niềm tin và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thước đo năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Ðảng chính là kinh tế của đất nước phát triển, chính trị ổn định, vững vàng, văn hóa, xã hội, con người ngày càng văn minh, tiến bộ, quốc phòng, an ninh vững mạnh, đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng, có hiệu quả và đời sống nhân dân ngày càng sung sướng, hạnh phúc.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc

Theo Báo Nhân Dân điện tử
Tâm Trang (st)

---------------------------------

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 5, trang 289.
2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 5, trang 325.
3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 5, trang 334.
4. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 5, trang 335.
5. Lênin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1977, tập 41, trang 365.
6. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 5, trang 313.

Bài viết khác: