Ngay sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng hoàn thành chương trình làm việc, chỉ một tháng sau đó, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị tới các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây là cơ sở quan trọng để hiện thực hóa Nghị quyết vào cuộc sống. Tuy nhiên, để Nghị quyết thực sự phát huy giá trị thì cần vận dụng tốt bài học và phương châm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi"...
Từ quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Từ rất sớm, ngày 14-9-1847, sau khi C.Mác và Ph.Ăngghen cải tổ Đồng minh những người chính nghĩa thành Liên đoàn những người cộng sản, được sự nhất trí và ủy quyền của 2 ông, đại diện Ban Chấp hành Trung ương là Các Sáp-pơ, Hen-rích, Bau-ơ, I-ô-xíp Môn trong thư Gửi Liên đoàn những người cộng sản tháng 9-1847 đã khẳng định vai trò của tinh thần quyết tâm trong thực hiện các quyết nghị của Liên đoàn những người cộng sản, đó là: “Chúng ta cần phải thay đổi các phương pháp của mình; thật là không chính đáng nếu đòi hỏi chúng ta suốt đời làm những việc không đâu vào đâu và chỉ ngồi mơ ước. - Chúng tôi kiên trì ý kiến dưới đây: 100 người làm được việc thì tốt hơn là 1.000 người mà một nửa số đó là những kẻ không có quyết tâm và thờ ơ. - Thay vì dừng lại và giúp những người kém năng lực tiến bước thì chúng ta dũng cảm lao lên phía trước, có thể điều đó sẽ buộc cả những người khác phải cố gắng lên”.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Viết Chung.
Nhất quán với quan điểm trên, trong Dự thảo cương lĩnh của Đảng ta, viết xong vào cuối năm 1899, in lần đầu vào năm 1924, V.I.Lênin khẳng định: “Đành rằng, như Mác đã nói: “Mỗi bước tiến của phong trào thực tế còn quan trọng hơn là cả một tá cương lĩnh”. V.I.Lênin tiếp tục khẳng định lại tính hiệu quả trên thực tế của mọi cương lĩnh của Đảng và sự tác động trở lại đến việc xây dựng và hoàn thiện cương lĩnh đó.
Về vấn đề này, tại Hội nghị cán bộ chuẩn bị chiến dịch Tây Bắc ngày 09-9-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luận giải sâu sắc tinh thần quyết tâm thực hiện nhiệm vụ kháng chiến mà Trung ương Đảng xác định: “Quyết tâm không phải ở hội trường, ở lời nói, mà phải quyết tâm trong công tác, trong hành động. Phải có quyết tâm gây một tác phong chiến đấu anh dũng. Quyết tâm phản đối tất cả những hành động tiêu cực, lung lay, ích kỷ và báo cáo láo. Phải quyết tâm chiến đấu, quyết tâm chịu khổ chịu khó, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm chấp hành chính sách của Trung ương Đảng và Chính phủ. Nghĩa là trong thái độ, trong tư tưởng, trong hành động, trong chiến đấu, bất kỳ một việc lớn hay nhỏ đều phải có quyết tâm làm cho bằng được”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghe lãnh đạo Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn báo cáo hoạt động tại cụm cảng Tân Cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: Công Hoan.
Như vậy, các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã luận giải những vấn đề phương pháp luận và cả thực tiễn trong tổ chức thực hiện cương lĩnh, đường lối của Đảng. Đây chính là kim chỉ nam để chúng ta xác định phương châm “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi” trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây cũng là phương châm, tinh thần chỉ đạo trong Chỉ thị Số 01-CT/TW ngày 09-3-2021 của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đến hiện thực hóa quyết tâm
Chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân Điện tử, PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, muốn hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng thì rất cần biến lời nói thành hành động. Một thực tế thường thấy ở nhiều nhiệm kỳ đó là, khi học tập Nghị quyết thì rất tốt, nói rất hay, nghe rất trôi chảy, nhưng đến khi thực hiện lại có biểu hiện chây ì, không năng động, sáng tạo. Chính vì thế, theo đồng chí nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, để hiện thực hóa Nghị quyết vào cuộc sống cần quan tâm một số vấn đề chính. Trong đó, trước hết phải thống nhất nhận thức, quan điểm. Phải tuyên truyền, giáo dục làm sao để toàn bộ cán bộ, đảng viên, đến mọi tầng lớp nhân dân nhận thức được đúng những mục tiêu, quyết sách lớn của Đảng. Từ nhận thức đúng đắn mới chuyển hóa thành hành động đúng đắn.
Cùng quan điểm này, GS. Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, muốn biến ý nguyện thành khả năng, thành hiện thực, đưa Nghị quyết vào cuộc sống một cách có chất lượng, hiệu quả thì không có gì khác hơn là phải tạo ra sự đồng bộ trong nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân, kể cả đồng bào ta ở nước ngoài.
Quân ủy Trung ương tổ chức 139 điểm cầu truyền hình tham gia Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Việt Cường.
Theo GS, TS. Nguyễn Trọng Phúc, khi triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cần chú ý tới chương trình hành động. Chỉ thị của Bộ Chính trị đã nói rất rõ, sau khi đã nhận thức, quán triệt Nghị quyết rồi phải đi vào xây dựng chương trình hành động của từng địa phương, từng ngành một (nông nghiệp làm gì, công nghiệp làm gì, thương mại dịch vụ làm gì, khoa học công nghệ làm gì, giáo dục đào tạo làm gì, các địa phương làm gì... đều cần phải đi vào hành động cụ thể, tránh tình trạng nói chung chung). Thực hiện Nghị quyết Đại hội kỳ này, chương trình hành động cần rất bài bản, có giải pháp, mục tiêu đàng hoàng, thực hiện đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi” thì mới có thể hiện thực hóa đường lối của Đại hội XIII vào cuộc sống.
Một vấn đề rất quan trọng trong chỉ đạo thực hiện nghị quyết là phải có bước đi vững chắc, phải từ thực tiễn của địa phương, ngành, tổng thể đất nước mà đi vào những việc trọng tâm cụ thể của từng năm một. Ví dụ năm nay tập trung cái gì, năm sau thế nào, kế hoạch trung hạn, dài hạn. Đồng thời cũng cần nắm vững hơn 3 đột phá chiến lược: Hoàn thiện thể chế (trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa), đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng (cần tập trung đào tạo cán bộ quản lý, coi đây là nguồn nhân lực chất lượng cao); xây dựng cơ sở vật chất (trong nền tảng về vật chất, phải chú ý công trình giao thông vì đây là vấn đề lớn nhất hiện nay cần tập trung tháo gỡ).
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương trực tiếp vào tâm dịch để kiểm tra công tác phòng, chống dịch. Ảnh: Thanh Hà - Trung Hiếu.
Tuy nhiên, theo GS, TS. Nguyễn Trọng Phúc, quan trọng nhất vẫn là cán bộ. Nếu cán bộ giỏi sẽ nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống, hiện thực hóa nó rất nhanh. Ở địa phương hay ngành nào mà cán bộ yếu, có tâm lý chờ đợi, không năng động, sáng tạo thì chắc chắn việc triển khai Nghị quyết sẽ chậm chạp, lúng túng, thậm chí sai hướng. Nói về công tác cán bộ, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, công tác cán bộ đã được làm rất bài bản, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ.
Khi nhìn lại cuộc chiến 34 ngày chống dịch Covid-19 ở Hải Dương, với những ngày đầu dịch bùng phát ngay giữa lúc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang diễn ra, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cũng đã khẳng định: “Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo chúng tôi đặc biệt đề cao và giao trách nhiệm cao nhất cho các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu là Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã cho tới Bí thư chi bộ, trưởng thôn khu dân cư, người đứng đầu chịu trách nhiệm toàn bộ về việc phòng, chống dịch trên địa bàn. Chính vì chúng tôi xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cho nên có thể nói là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Hải Dương được truyền tải đến hệ thống chính trị ở cơ sở rất nhanh chóng và công việc hết sức rõ ràng, theo tinh thần là 5 rõ: Rõ việc, rõ người, rõ kết quả, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm...”.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho rằng, cần phải nêu cao vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đưa nghị quyết vào cuộc sống, nhất là phải có quyết tâm 6 dám "Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách".
Câu chuyện chống dịch của tỉnh Hải Dương với vai trò của người đứng đầu chịu trách nhiệm toàn bộ về việc phòng, chống dịch trên địa bàn một lần nữa cho thấy, vai trò, trách nhiệm quan trọng của người đứng đầu trong triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Vận dụng linh hoạt, không rập khuôn, cứng nhắc
Cho rằng mỗi địa phương, mỗi một ngành có tính chất, đặc thù khác nhau, đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương khẳng định, cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo, không rập khuôn, cứng nhắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội. Đồng chí Hà Đăng nhấn mạnh: “Các cấp ủy đảng tại các địa phương cần nắm được tinh thần, mục tiêu, nội dung của Nghị quyết nhưng khi triển khai thì phải tùy theo đặc điểm, tình hình của từng địa phương mà có phương án tối ưu. Bởi lẽ, đặc thù của mỗi ngành, mỗi địa phương là khác nhau, hoạt động sản xuất kinh tế - xã hội cũng khác nhau”.
Dẫn ví dụ về những thiên tai, dịch bệnh xảy ra, đồng chí Hà Đăng chỉ rõ: “Lũ lụt ở miền Trung, hay dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... thì ở mỗi nơi lại có nguyên nhân, đặc điểm, với diễn biến và hậu quả khác nhau. Chính vì thế, để lãnh đạo, chỉ đạo địa phương mình vượt qua những thách thức an ninh phi truyền thống như này, rất đòi hỏi sự năng động, linh hoạt của đội ngũ cán bộ”.
Nhờ sự quyết liệt vào cuộc, tỉnh Hải Dương đã khống chế được dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Hà - Trung Hiếu.
Đồng quan điểm này, GS, TS. Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, cho rằng, Nghị quyết là như thế nhưng khi thực hiện, áp dụng vào mỗi ngành, mỗi địa phương, phải hết sức năng động, sáng tạo. Không năng động, sáng tạo thì không thể thành công. Lý giải rõ hơn, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nêu: Thực tiễn cho thấy, chính nhờ việc vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta mới giành được những thành công lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Việc vận dụng nghị quyết cũng vậy, khi triển khai nghị quyết không thể quá nguyên tắc, cứng nhắc, mà phải vận dụng hài hòa. Hiện nay cái yếu của ta là yếu về khâu tổ chức thực hiện. Văn bản, pháp luật, chính sách đã rõ rồi nhưng đi vào tổ chức thực hiện thì lại lúng túng, vì vậy cần khắc phục cho được.
Nhìn nhận từ thực tiễn, chúng ta thấy rằng không thể bê nguyên chủ trương của Đảng đặt vào cấp mình. Làm như vậy là chúng ta đã mắc vào bệnh giáo điều. Một trong những biểu hiện của căn bệnh giáo điều là sự rập khuôn máy móc, bê nguyên cái gì của người khác, nước khác đặt vào cho mình mà quên đi nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin là nguyên lý lịch sử cụ thể, lý luận về thực tiễn. Đây là biểu hiện của sự yếu kém về lý luận nên vận dụng bỏ qua điều kiện riêng của mỗi cơ quan đơn vị, dẫn đến thất bại. Trong thực tiễn cách mạng Việt Nam cũng đã có lúc mắc sai lầm do giáo điều duy ý chí, song chúng ta sớm nhận ra và kiên quyết khắc phục sửa chữa. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống không thể bê nguyên si nghị quyết đó áp vào từng cơ quan, đơn vị mà phải trên nguyên tắc: Nắm vững, nắm chắc những nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, những nguyên tắc, quan điểm, chủ trương, những định hướng, giải pháp lớn của Nghị quyết. Trên cơ sở đó, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào thực tiễn của mình vận dụng sáng tạo Nghị quyết để triển khai thực hiện bằng các đề án, chương trình, kế hoạch, việc làm thật cụ thể. Bên cạnh đó, cũng cần tránh tư tưởng cho rằng sáng tạo mà xa rời các mục tiêu, quan điểm, đường lối, chủ trương đã được định hướng. Giải pháp triển khai đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống là giải pháp mở đòi hỏi cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên phải vận dụng sáng tạo vào điều kiện của mình, tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ hay rập khuôn, máy móc, thiếu sáng tạo.
Bộ đội phòng hóa Quân khu 3 phun khử khuẩn phòng, chống Covid-19.
Ảnh: Nguyễn Trường.
Theo các chuyên gia, để Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thực sự đi vào cuộc sống, biến những tư tưởng, quan điểm, chủ trương lớn của Đảng thành hiện thực, các cấp ủy, tổ chức đảng cần nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, nhất là bí thư cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Cấp ủy các cấp phải thật sự thống nhất về quan điểm, nhận thức và quyết tâm cao trên cơ sở quán triệt đầy đủ nghị quyết của Đảng, kế hoạch, chương trình hành động, đề án đã được tập thể cấp ủy thông qua. Đồng thời, chú trọng đến chất lượng đội ngũ báo cáo viên để nghị quyết thật sự “thấm” và “ngấm” vào trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phải thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng thành các quy định của pháp luật, thành các chương trình hành động sát hợp với thực tiễn của các cấp ủy, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị.
Đây là nội dung quan trọng, đòi hỏi các cấp ủy đảng phải có sự vận dụng sáng tạo, đưa ra những giải pháp có tính khả thi và đảm bảo sức sống trong thực tiễn. Các cấp ủy đảng phân công cán bộ có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ phụ trách chương trình, kế hoạch, đề án. Nhất thiết phải giao cho những đồng chí trong ban thường vụ, trong cấp ủy phụ trách từng chương trình, dự án, phân công trách nhiệm rõ ràng. Làm rõ trách nhiệm của từng cấp ủy đảng, của từng cá nhân trước mỗi kế hoạch, chương trình, đề án. Đặc biệt chú ý không để những cán bộ lãnh đạo, đảng viên có tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, tham vọng quyền lực, cục bộ, lợi ích nhóm… phụ trách các kế hoạch, chương trình, đề án để mang lợi ích cá nhân, báo cáo sai sự thật, tham nhũng, mâu thuẫn nội bộ. Coi trọng khâu sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nghị quyết của Đảng. Kịp thời đánh giá, bổ sung ngay trong quá trình triển khai hoặc sau một khâu của cả quá trình thực hiện nghị quyết những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống.
Trong quá trình sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm cần có thái độ thẳng thắn, dám nhìn thẳng vào sự thật, khẳng định những việc đã thực hiện được, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm để có biện pháp khắc phục tháo gỡ. Đánh giá sát đúng thực tiễn để rút ra những bài học kinh nghiệm phát hiện và nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả những điển hình tiên tiến để biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng. Như vậy thì mới có hiệu quả tốt hơn trong việc triển khai đưa nghị quyết của Đảng vào trong cuộc sống.
Chủ trương đã có nhưng rõ ràng để thực hiện thành công những mục tiêu, quyết sách quan trọng mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, thì không thể có tư tưởng “việc hôm nay để mai mới làm” mà các cấp ủy đảng, chính quyền cần hiện thực hóa lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi".
(Còn nữa)
Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân điện tử
Tâm Trang (st)