Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Đại hội XIII) của Đảng mới chỉ là bước đầu; phải sớm thể chế hóa, cụ thể hóa nghị quyết, chỉ đạo quyết liệt từ trên xuống dưới; phải làm ra của cải vật chất, dân phải giàu, nước phải mạnh, đời sống của nhân dân hạnh phúc, ấm no hơn, thế mới là Đại hội thành công.

Đây là nhiệm vụ khó khăn, nhưng chính kết quả rất tốt đẹp của Đại hội XIII là cơ sở, nguồn cổ vũ mạnh mẽ để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, không thể hô hào chung chung, đánh trống bỏ dùi; nóng vội, chủ quan, duy ý chí... Để hưởng ứng tinh thần mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) Điện tử triển khai vệt bài: Đưa Nghị quyết XIII của Đảng vào cuộc sống: “Chủ trương một, biện pháp mười…”.

Nhận diện rõ bệnh

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: Những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII có nguyên nhân khách quan, song trực tiếp và quyết định nhất là do nguyên nhân chủ quan. Trong đó có nguyên nhân “chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục; năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế, năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, làm cho nghị quyết, pháp luật chậm được thực hiện và hiệu quả thấp"…

Trong bài Tinh thần trách nhiệm đăng trên báo Nhân dân, số 36, ngày 13-12-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “đánh trống bỏ dùi” là biểu hiện của tinh thần thiếu trách nhiệm: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy,… là không có tinh thần trách nhiệm”. Kiểm thảo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta có thể thấy những biểu hiện của tư tưởng “Đánh trống bỏ dùi” khi tiến hành triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng ở một số địa phương, cơ sở.

khongde tai phat 1
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công rực rỡ. Ảnh: Trọng Hải.

PGS, TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Đó là biểu hiện “đầu voi, đuôi chuột”, đưa ra nhiều chương trình hành động, kế hoạch tuyên truyền, học tập và triển khai thực hiện Nghị quyết lúc ban đầu “nóng” và to tát, càng về sau càng nguội lạnh và nhỏ dần lại, không thiết thực, chồng chéo, bê nguyên xi của cấp trên, không sáng tạo, không có trọng tâm, trọng điểm và không hiệu quả. Tức là chưa thực hiện hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đã xác định; đồng thời, trái với tinh thần lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Báo cáo tại Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) khi chỉ rõ: “Mỗi địa phương và mỗi ngành thì có những công tác nhất định, chứ không phải ở đâu cũng có 10 công tác”.

Trong bài viết “Xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội”, đăng trên Báo Nhân dân, số 2563, ngày 27-3-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Phải thiết thực đi từng bước, phải tiến vững chắc. Phải nắm vững quy luật phát triển của cách mạng, phải tính toán cẩn thận những điều kiện cụ thể, những biện pháp cụ thể. Kế hoạch phải chắc chắn, cân đối. Chớ đem chủ quan của mình thay thế cho điều kiện thực tế. Phải chống bệnh chủ quan, tác phong quan liêu, đại khái. Phải xây dựng tác phong điều tra, nghiên cứu trong mọi công tác cũng như trong khi định ra mọi chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Thực chất của bệnh nóng vội, chủ quan duy ý chí là tuyệt đối hóa vai trò chủ quan, của ý chí con người trong cải tạo thực tiễn mà bỏ qua, ít tính đến điều kiện thực tiễn, coi thường hoặc thoát ly quy luật khách quan và xa rời thực tiễn. Biểu hiện phổ biến của chủ quan, duy ý chí là lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội, đốt cháy giai đoạn, bắt thực tiễn chạy theo ý chí chủ quan của con người, bất chấp quy luật khách quan. Chính căn bệnh chủ quan, duy ý chí đã dẫn đến việc tạo ra chế độ hành chính mệnh lệnh, cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp. Và ngược lại, chế độ hành chính mệnh lệnh, cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp lại trở thành điều kiện thuận lợi thúc đẩy cho bệnh chủ quan, duy ý chí “tái phát”.

Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta đã có những bài học thấm thía về căn bệnh này. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) Đảng ta đã chỉ rõ: “Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã có nhiều cố gắng nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng đường lối, xác định đúng mục tiêu và phương hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng Đảng đã phạm sai lầm chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan: Nóng vội trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ ngay nền kinh tế nhiều thành phần, có lúc đẩy mạnh quá mức việc xây dựng công nghiệp nặng, duy trì quá lâu cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp…”. Từ nhận định đó cho thấy nóng vội, chủ quan, duy ý chí là một trong những nhân tố chủ yếu dẫn đến những sai lầm, khuyết điểm trong việc hoạch định và thực hiện đường lối, chính sách, trong hoạt động thực tiễn của Đảng và Nhà nước ta trong một thời gian

khongde tai phat 2
Các đại biểu biểu quyết thông qua Quy chế làm việc của Đại hội XIII. Ảnh: Trọng Hải

Sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 và sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, tiếp tục nhận thức sâu sắc về vấn đề này, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục cảnh báo: “Dù đạt được những thành tựu rất quan trọng, rất đáng tự hào, nhưng đất nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế… Việc thể chế hóa, cụ thể hóa một số nghị quyết của Đảng còn chậm; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Những khó khăn, hạn chế và khuyết điểm đó đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt hơn nữa để khắc phục cho bằng được. Tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, mất cảnh giác”.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vừa qua, không ít nơi có những biểu hiện của bệnh nóng vội, chủ quan, duy ý chí . Do tái phát căn bệnh này, một số bộ, ngành, địa phương, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn của đất nước đề ra chỉ tiêu kế hoạch xa vời, quá cao, không phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tiễn, dẫn đến không thực hiện được, gây ra sự phát triển mất cân đối của nền kinh tế, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, chỉ nhấn mạnh phát triển kinh tế mà không quan tâm đúng mức đến những vấn đề văn hóa - xã hội, với bảo đảm quốc phòng - an ninh và môi trường; chưa thực hiện có hiệu quả phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội…

Như vậy, nguy cơ  tái phát căn bệnh nóng vội, chủ quan, duy ý chí trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, ngày 18-2-2021, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi chủ trì phiên họp đầu tiên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đặc biệt nhấn mạnh việc triển khai ngay Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống: “Phải bắt tay ngay vào công việc, không được say sưa với Tết, nhất là triển khai thật tốt thực hiện các chủ trương Đại hội XIII đã đề ra, từ việc tổ chức học tập, xây dựng chương trình hành động, tất cả các ngành, các cấp, địa phương, cơ quan đều phải làm… Đại hội thành công chỉ là một bước ra định hướng lớn thôi, giờ phải cụ thể hóa, thể chế hóa, tất cả các cấp phải làm để không chỉ trên giấy. Tất cả công việc đang làm phải làm tiếp, thiếu sót gì phải chấn chỉnh ngay, ưu điểm phát huy theo tinh thần Đại hội XIII mới thông qua”.

Trị bệnh kịp thời, dứt điểm

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, do đó không thể không tìm cách phòng và chữa căn bệnh nóng vội, chủ quan, duy ý chí.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để khắc phục triệt để bệnh nóng vội, chủ quan, duy ý chí, một mặt, phải quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01-CT/TW, ngày 09-3-2021 của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội  XIII của Đảng mới ban hành. Mặt khác, cần tiếp tục thấu triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về nhận diện, phòng, chống căn bệnh nóng vội, chủ quan, duy ý chí trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, nhất là chỉ dẫn: “Nói tóm lại, mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông”. Theo đó, biện pháp cấp bách là đẩy mạnh học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ lý luận, trình độ quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của mọi cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp và của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy.

khongde tai phat 3
Đại biểu dự Đại hội XIII. Ảnh: Trọng Hải

Theo đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương: Để hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thì mọi cấp ủy, tổ chức Đảng phải có chủ trương sát đúng, có quyết tâm chính trị rất cao, giải pháp đồng bộ và có tính khả thi cao. Đồng thời, tiếp tục chống căn bệnh gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, phát huy tốt tính tích cực, năng động, sáng tạo của quần chúng nhân dân và trí tuệ của tập thể trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Kiên quyết chống lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội chạy theo thành tích, ý chí chủ quan hoặc tư tưởng trì trệ, thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm. Khắc phục tư tưởng muốn có nhanh kết quả, làm ẩu, làm bừa hoặc đạt mục tiêu bằng mọi giá. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện cho mình phương pháp, tác phong công tác khoa học, thiết thực và hiệu quả. Bởi đây là cơ sở nền tảng giúp cán bộ, đảng viên không mắc vào căn bệnh nóng vội, chủ quan, duy ý chí.

Bê cạnh đó, cần đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong Đảng và coi đây là việc làm thường xuyên, là phương thuốc hữu hiệu để phòng, chống căn bệnh nóng vội, chủ quan, duy ý chí trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII. Đây vừa là giải pháp, vừa là nguyên tắc và là vấn đề có tính quy luật theo đúng chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng Lao động Việt Nam là Đảng hằng ngày, hằng giờ vận dụng nguyên tắc phê bình và tự phê bình, coi đó là phương pháp thần diệu để sửa chữa và xóa bỏ những thiếu sót hoặc sai lầm, để đấu tranh chống những biểu hiện của bệnh chủ quan tự mãn”.

Trao đổi với phóng viên Báo QĐND Điện tử, nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Văn Cuông cho rằng, Nghị quyết của Đảng rất đúng, trúng, được toàn Đảng, toàn dân ủng hộ. Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị quyết vào cuộc sống tại nhiều địa phương trong nhiều nhiệm kỳ vẫn tồn tại vấn đề nóng vội, chủ quan, duy ý chí. Từ sự nóng vội, chủ quan, duy ý chí này sẽ dẫn đến những sai lầm, có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho địa phương, đất nước. Chính vì thế, phải khơi dậy khát vọng của toàn hệ thống chính trị và toàn dân vào thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tránh tâm lý chủ quan, duy ý chí.

khongde tai phat 4
Các đại biểu trao đổi bên lề Đại hội XIII. Ảnh: Trọng Hải

Đồng quan điểm này, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương khẳng định: Trên thực tế, khi đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thì đây đó vẫn còn một số cấp ủy, cán bộ, đảng viên mắc phải căn bệnh nóng vội chủ quan, duy ý chí trong triển khai thực hiện dẫn đến hiệu quả đưa nghị quyết vào cuộc sống không cao. Đối với việc đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống kỳ này chúng ta có cơ sở vững chắc tin tưởng sẽ khắc phục bệnh nóng vội, chủ quan duy ý chí. Bởi lẽ, sự thành công tốt đẹp của Đại hội XIII của Đảng đã đem lại sự đồng thuận cao và tạo ra niềm tin vững chắc đáp ứng mong mỏi của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bên cạnh đó, việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) cũng đã tạo sự cảnh báo, răn đe những căn bệnh, biểu hiện của sự suy thoái… nên đã giúp cho chúng ta vững vàng hơn, tin tưởng và quyết tâm hơn trong việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhấn mạnh: “Các chủ trương, quan điểm, đường lối và các giải pháp mà Đại hội XIII đưa ra được đúc rút từ thực tiễn của cách mạng nước ta, được khái quát từ sự vận động theo quy luật phát triển của xã hội hiện đại, được gắn kết hữu cơ với xu thế phát triển của thế giới, được thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nên việc triển khai đưa Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng lần này vào cuộc sống tôi tin sẽ khắc phục được căn bệnh nóng vội, chủ quan duy ý chí”.

Để Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được hiện thực hóa, đồng chí Phạm Xuân Thăng cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận rõ sự nguy hại của căn bệnh nóng vội, chủ quan, duy ý chí và những biểu hiện của nó. Giải pháp trước hết để phòng, chống căn bệnh kinh niên này trong cấp ủy, cán bộ, đảng viên là việc học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ lý luận chính trị của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên để nắm chắc lý luận, trên cơ sở đó mới có tư duy khoa học, vận dụng sáng tạo nghị quyết vào cuộc sống. Từng cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên, phải nghiên cứu thật sâu nghị quyết (đây cũng là điểm mới của học tập Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng lần này là không chỉ học tập, quán triệt mà cái chính đặt lên hàng đầu đó là nghiên cứu nghị quyết), hiểu rõ và thấm nhuần nghị quyết để triển khai thực hiện. Trong triển khai nghị quyết yêu cầu mỗi cấp ủy, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cần tư duy biện chứng, có cái nhìn toàn diện, lịch sử, cụ thể gắn với thực tiễn, điều kiện cụ thể, xu thế phát triển của từng địa phương, đơn vị, trên cơ sở đó vận dụng sáng tạo trong triển khai nghị quyết; cần tránh tư duy kinh viện, tư duy nhiệm kỳ, chủ nghĩa giáo điều, duy ý chí. Cấp ủy, cán bộ, đảng viên phải đề cao ý thức dân chủ, phát huy tốt dân chủ, thực hiện tốt quyền dân chủ của quần chúng nhân dân. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên ngay từ chi bộ; quản lý đảng viên khoa học, chặt chẽ; kịp thời phát hiện ngay từ những biểu hiện lệch lạc của từng cán bộ, đảng viên để có giải pháp uốn nắn, nhắc nhở, định hướng; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm, đồng thời khen thưởng biểu dương những gương người tốt, việc tốt, tạo phong trào thi đua trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Với việc nhận diện trực tiếp, đưa ra những giải pháp căn cơ, hy vọng rằng, trong nhiệm kỳ XIII, việc hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống sẽ loại bỏ được hoàn toàn căn bệnh “nóng vội, chủ quan, duy ý chí”, thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Đại hội đề ra, thực sự mang lại ấm no, hạnh phúc thực chất cho nhân dân như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định.

Điểm mới nhất và từ trước tới nay chưa từng có, đó là trong Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng ta xác định diện mạo đất nước đến năm 2030: “Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao” và đến năm 2045: “Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Đây không chỉ là tầm nhìn chiến lược, là quyết tâm chính trị rất cao của Đảng ta mà còn là sự hiện thực hóa di nguyện lớn nhất của Bác Hồ về một Việt Nam hùng cường, vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu. Một trong những nguyên tắc chủ yếu, đồng thời cũng là giải pháp để thực hiện mục tiêu lớn lao này là phải nhận diện và khắc phục bệnh nóng vội, chủ quan, duy ý chí trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII...

(Còn nữa)

Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân điện tử

Theo Báo điện tử Quân đội nhân dân

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: