Tới Tết Kỷ Sửu 2009 này, bài Thơ chúc tết xuân Kỷ Dậu - 1969 tròn 40 năm. Bốn mươi năm qua, mỗi độ tết đến xuân về, chúng ta không còn được nghe lời thơ chúc tết ấm áp của Bác gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước cũng như kiều bào ở nước ngoài. Bởi vậy, suốt bốn mươi năm qua, phút giao thừa chính là lúc chúng ta nhớ Bác hơn mọi thời khắc.
Sinh thời, Bác Hồ có 22 bài thơ chúc tết đồng bào ta. Trừ bài thơ chúc tết đầu tiên viết năm 1942 dưới Mặt trận Việt Minh, còn 21 bài thơ chúc tết còn lại, Bác viết với cương vị Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà để gửi đồng bào cả nước. Nội dung bài thơ chúc tết của Bác thường có các phần: tổng kết tình hình năm qua, nhận định tình hình sắp tới, chúc mừng đồng bào nhân dịp xuân về và kêu gọi đoàn kết, thi đua để hoàn thành tốt nhiệm vụ... Lời thơ giản dị dễ hiểu là mục đích của Bác, như hai câu kết trong thơ mừng xuân 1964, Bác viết:
Mấy lời thân ái, nôm na
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân.
Bài Thơ chúc tết xuân Kỷ Dậu - 1969 gồm sáu câu lục bát:
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào.
Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn.
"Năm qua thắng lợi vẻ vang" là Bác nhắc tới Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, quân ta đã đánh vào các dinh luỹ kiên cố nhất của giặc ở các thành phố lớn và ngay cả toà Đại sứ Mỹ chính giữa Sài Gòn, làm cho đế quốc Mỹ và tay sai vô cùng hoang mang và lo sợ. Với cuộc thử sức và đà thắng lợi đó, Bác tin tương lai "chắc càng thắng to". Và đúng như vậy, từ năm 1969 trở đi, phong trào đấu tranh giải phóng miền Nam mỗi năm một phát triển mạnh, và đến mùa xuân năm 1975 đã thắng lợi hoàn toàn.
Bác nhắc lại mục đích chiến đấu hết sức thiêng liêng của dân tộc ta là "vì độc lập, vì tự do". Bác luôn coi rằng, với đất nước, con người, độc lập, tự do là cái quý nhất. Từ những năm bị giam trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, Bác đã từng viết:
Trên đời ngàn vạn điều cay đắng
Cay đắng chi bằng mất tự do.
Và khi với cương vị Chủ tịch nước kêu gọi đồng bào cả nước chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, Bác đã nêu lên chân lý: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Trong bài thơ chúc tết này, Bác còn chỉ ra đánh cho "Mỹ cút" trước để "nguỵ nhào" sau. Đó là một chiến lược hết sức quan trọng của người lãnh đạo "biết địch, biết ta". Và thực tế quân, dân ta đã làm đúng như điều Bác dạy: sau những thất bại quá nặng nề, lính Mỹ buộc phải rút về nước. Nhiệm vụ "đánh cho Mỹ cút" của quân và dân ta đã hoàn thành. Và khi đó chuyện "nguỵ nhào" là tất yếu, sớm muộn chỉ còn ở thời gian.
Như trên đã nói, phần kết bài thơ chúc tết của Bác thường là lời kêu gọi, nhưng nội dung kêu gọi tuỳ thuộc vào gian đoạn lịch sử. Ở bài thơ chúc tết xuân Tân Mão - 1951, Bác kêu gọi:
Toàn dân hăng hái một lòng
Thi đua chuẩn bị tổng phản công kịp thời.
Sau khi nước nhà tạm thời chia cắt, lời kêu gọi của Bác bao giờ cũng hướng tới thống nhất đất nước, như Thơ chúc tết xuân Canh Tý - 1960:
Cả nước đồng lòng, hăng hái tiến lên
Thống nhất nước nhà Bắc, Nam vui vẻ!
Nhưng những lời kêu gọi ấy chưa bao giờ thống thiết, thúc giục như hai câu kết trong bài thơ chúc tết cuối cùng này:
Tiến lên, Chiến sĩ, đồng bào
Bắc – Nam sum họp, xuân nào vui hơn!
Trong thơ sẵn nhạc, trong nhạc như có tiếng kèn đồng xung trận. Tôi may mắn cùng đơn vị đã được nghe Bác đọc bài thơ này vào giao thừa năm 1969, và ngay sau đó được nghe bài hát do nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc. Mỗi người lính chúng tôi như có thêm sức mạnh và tin tưởng ngày thống nhất, ngày "Bắc Nam sum họp" đã đến gần.
Thơ chúc Tết Xuân Ký Dậu 1969 là một trong ba bài thơ chúc tết của Bác được viết bằng thể lục bát truyền thống, số còn lại viết theo thể thơ tự do, trừ bài lục bát biến thể. Với bố cục chặt chẽ, vừa tổng kết được tình hình quá khứ, dự đoán cho tương lai, khẳng định lại mục đích chiến đấu vì độc lập, vì tự do và thống nhất đất nước của nhân dân ta, cùng việc vạch ra chiến lược đánh địch...bài thơ sử dụng thể thơ lục bát hết sức nhuần nhuyễn. Về vần, Bác sử dụng vần tuyệt đối trong toàn bài: càng vần với vang, cho vần với do, và ba chữ nhào, bào, nào vần với nhau. Về điệu, tất cả các chữ thứ hai trong câu bát đều thanh bằng, các chữ thứ tư trong câu lục bát đều thanh trắc. Riêng câu lục, chỉ có một câu phá cách, chữ thứ hai thanh trắc, chữ thứ tư thanh bằng là câu: "Vì độc lập, vì tự do", nhưng được Bác ngắt nhịp 3/3 (chứ không ngắt nhịp 2/2/2 thường tình). Điều này chứng tỏ Bác rất tinh thông thể thơ lục bát.
Gần bốn mươi năm Bác đi xa, cùng với Di chúc, những tác phẩm thơ văn của Bác để lại là tài sản vô giá đối với dân tộc ta. Mỗi dịp tết đến, xuân về, nhất là tết năm nay, khi bài thơ chúc tết cuối cùng của Bác tròn bốn mươi tuổi, chúng ta đọc lại từng câu, ngẫm nghĩ và cảm nhận bao điều lớn lao, sâu xa từ những con chữ bình thường giản dị.
Đăng trên Tạp chí Văn hoá Quân sự
Nhà thơ Vương Trọng