Chồng cao ráo, vợ mặn mà, cả hai có chung niềm tự hào được cùng công tác tại Đoàn 285, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổ ấm của họ nằm trong khu tập thể nhà công vụ Đoàn 285, cách doanh trại đơn vị chưa đến 1.000m; anh chị có cô con gái 4 tuổi lanh lợi, đáng yêu...
Cặp đôi ấy là vợ chồng Thượng úy QNCN Lưu Thị Thúy Nga (Đội Quản lý di tích, Đoàn 285) và Đại úy Trần Đức Thọ (Phó đội trưởng Đội Bảo vệ, Đoàn 285).
“Hạnh phúc là do mình tạo ra và nỗ lực mà có. Mới nhìn ai cũng bảo vợ chồng em thật sướng vì được làm việc cùng một đơn vị, nhà ở thuận lợi cho việc đi lại, con gái ngoan ngoãn, đáng yêu, đồng đội yêu thương, quý trọng... Thế nhưng ít người biết, do đặc thù công tác, khoảng thời gian 3 thành viên trong gia đình được sum vầy bên nhau không nhiều”, Thượng úy QNCN Lưu Thị Thúy Nga mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng chia sẻ mộc mạc.
Vợ chồng Lưu Thị Thúy Nga - Trần Đức Thọ cùng con gái. Ảnh do nhân vật cung cấp
Quả là nhà ở chỉ cách đơn vị chưa tới 1.000m, nhưng suốt 3 tháng trời, do yêu cầu nhiệm vụ, chuyện anh Thọ không thể ghé về thăm nhà cũng là hết sức bình thường. Nói là bình thường, bởi Thúy Nga thấu hiểu công việc của chồng và đồng chí, đồng nghiệp. Và cũng bởi thế, vợ chồng họ luôn hãnh diện về nhau, tự hào bởi nhiệm vụ thiêng liêng bản thân đang thực hiện. Họ cũng hết mực tin tưởng, tích cực hỗ trợ nhau trong công việc và cuộc sống gia đình.
Theo lời kể của Thúy Nga, vào năm 2012, sau khi tốt nghiệp Viện Đại học Mở Hà Nội, chị được chọn vào Đội Quản lý di tích Đoàn 285 nhờ giọng đọc truyền cảm và khả năng ứng xử thông minh, tinh tế. Cũng tại đây, Thúy Nga đã gặp được "một nửa" của mình.
Chuyện bắt đầu từ cuộc giao lưu giữa các tổ chức quần chúng Đoàn 285 và Đoàn 275 (Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh). Ngay phút đầu gặp gỡ, giới thiệu làm quen ngắn ngủi, Thọ đã có cảm tình với cô gái có giọng nói ấm áp, truyền cảm cùng khuôn mặt thanh tú và nụ cười tỏa nắng; còn Nga ấn tượng bởi sự khôi ngô, điềm đạm cùng phong thái tự tin của anh chàng nhiều năm liền giữ vai trò khối trưởng khối nghi lễ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được đồng chí, đồng đội vun vào, họ trở nên thân thiết, gắn bó và yêu nhau như một lẽ tự nhiên. Ngày dẫn Thọ về ra mắt bố mẹ, Nga đầy hồi hộp và lo lắng. Thế nhưng, Thọ vượt qua "khâu sát hạch" của các bậc phụ huynh một cách dễ dàng.
Vậy là sau hai năm tìm hiểu, cuối năm 2016, cặp đôi Nga - Thọ nên duyên chồng vợ trong sự phấn khởi vui mừng của hai bên gia đình, người thân, đồng chí, đồng đội. Sau ngày cưới, đôi vợ chồng trẻ được đơn vị tạo điều kiện bố trí cho mượn căn nhà công vụ Đoàn 285, ngay liền kề đơn vị.
Một năm đầu sau ngày cưới, Thọ vẫn làm nhiệm vụ tại Đoàn 275 ở khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội, Nga tiếp tục với công việc thuyết minh của Khu Di tích K9 (Đoàn 285). Gần như trở thành lịch cố định: 3 tuần một lần Thọ tranh thủ nghỉ hai ngày cuối tuần trở về với tổ ấm xinh xắn nằm trong khu nhà công vụ Đoàn 285. Tháng 6-2017, Thọ về nhận nhiệm vụ tại Trung tâm Huấn luyện chiến sĩ mới thuộc Đoàn 285. Vậy là trong các hoạt động chung của đơn vị, cả hai thường xuyên được gặp nhau. Thế nhưng, do đặc thù nhiệm vụ, để có mặt ở nhà, chơi cùng con gái... thì cũng phải 2 tháng Thọ mới được về một lần.
“Đó là do yêu cầu quản lý bộ đội trong thời gian huấn luyện chiến sĩ mới. Còn qua thời điểm đó, hằng tuần anh Thọ vẫn được về tranh thủ chứ?” - Tôi hỏi. “Hết thời gian đó thì anh Thọ và đồng đội lại bắt đầu nhiệm vụ thâm nhập thực tế để tuyển quân cho năm tiếp theo. Mỗi chuyến thâm nhập như vậy cũng kéo dài cả tháng trời... Cưới nhau năm 2016, nhưng đến tận năm 2020, khi con gái Trần Phương Tuệ Anh được 3 tuổi, cả nhà mới đón một cái Tết sum họp đúng nghĩa. Còn những Tết trước, khi thì chồng em trực, khi thì em trực; có năm cả vợ và chồng cùng trực và đón Tết trong đơn vị”, Thúy Nga kể.
Từ chuyện gia đình, Nga say sưa nói về công việc của mình đã gắn bó 9 năm có lẻ với “nghiệp binh”. Công việc giúp chị ngày càng trưởng thành, chín chắn, bản lĩnh hơn trong cuộc sống; và cũng từ công việc đã thẩm thấu vào tâm hồn giúp Nga sống có chiều sâu vì đã thấm nhuần một phần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ kính yêu.
Cứ thế, trong câu chuyện của chị không hề có bất kỳ lời kể lể hay than vãn về những khó khăn, vất vả mỗi khi con ốm đau, hay do đặc thù nhiệm vụ công tác chi phối... Trong câu chuyện của chị luôn ánh lên tình yêu dành cho chồng, con; toát lên niềm vinh dự tự hào khi vợ chồng cùng được công tác tại một đơn vị đặc biệt, gắn với những kỷ niệm thiêng liêng về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nghe Nga nói say sưa và nhìn sâu vào đôi mắt luôn rạng ngời, chúng tôi nhận thấy ở chị, hạnh phúc trong thực hiện nhiệm vụ đã được hòa quyện cùng hạnh phúc lứa đôi...
Kim Anh
Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử
Giang Hải